Nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
TCCSĐT - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại của thế kỷ XX, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Chủ trương nắm bắt thời cơ của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Nói đến thắng lợi Cách mạng Tháng Tám phải nói đến nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tham mưu tối cao của Đảng ta. Thời cơ là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng của Đảng. Muốn có thời cơ thì phải biết tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến thì phải tận dụng và tranh thủ thời cơ, không được bỏ lỡ. Xác định mục tiêu đúng mà không có thời cơ, hay không biết chủ động tạo ra thời cơ, thì không thể tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi.
Tư tưởng lớn này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát bằng những câu thơ trong bài Học đánh cờ:
“Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ,
Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công”(1)
Gặp thời trong Cách mạng Tháng Tám là lúc cuộc khủng hoảng chính trị ở trong nước ta đã lên đến điểm đỉnh; đội tiền phong của cách mạng đã quyết tâm chiến đấu đến cùng; lực lượng hậu bị đã sẵn sàng ủng hộ đội tiền phong; sự hoang mang dao động, sự bối rối và chia rẽ trong hàng ngũ kẻ thù đã lên đến đỉnh cao. Thời cơ chiến lược xuất hiện như một tất yếu khách quan, và cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đương nhiên phải được đặt ra như một tất yếu. Nhưng, thời cơ cũng có thể lướt qua nhanh chóng, nếu ta không lập tức chớp lấy.
Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941, Đảng ta cho rằng phải có năm điều kiện:
Một là, xây dựng, phát triển và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật - Pháp ở khắp nơi.
Hai là, gây một phong trào đấu tranh rộng rãi và quyết liệt để cứu nước, cứu dân.
Ba là, chuẩn bị lực lượng vũ trang, phát triển và củng cố các đội tự vệ, các đơn vị du kích, thành lập, phát triển và củng cố các căn cứ địa du kích. Tuyên truyền binh lính của đế quốc.
Bốn là, vũ trang lý luận và kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền cho cán bộ, đảng viên, nghiên cứu kinh nghiệm của các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương...
Năm là, củng cố và phát triển Đảng ở cả thành thị và nông thôn, phải xây dựng cho được những cơ sở của Đảng và cơ sở cứu quốc ở các nơi tập trung công nhân, các đường giao thông chiến lược.
Những điều kiện nói trên là những yếu tố cơ bản để tăng cường thực lực cách mạng và làm chuyển biến tình hình so sánh lực lượng có lợi cho ta. Ở đây, điều kiện là cái xuất hiện của thời cơ. Điều kiện là tiền đề cơ bản để biến khả năng thành hiện thực. Như vậy, thời cơ không phải tự nó xuất hiện mà phải có điều kiện bảo đảm cho nó xuất hiện.
Đảng ta luôn xem xét việc xuất hiện một thời cơ chiến lược bao giờ cũng tùy thuộc vào hàng loạt điều kiện: điều kiện khách quan và điều kiện chủ quan, điều kiện bên trong và điều kiện bên ngoài, điều kiện trong nước và điều kiện quốc tế, điều kiện có tác dụng nhất thời và điều kiện có tác dụng lâu dài. Về điều kiện khách quan, điều kiện quốc tế có lợi cho cuộc khởi nghĩa Đông Dương, Nghị quyết Trung ương 8, tháng 5-1941, đã chỉ rõ: “Quân Tàu đại thắng quân Nhật, Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nhật nổi dậy, phe dân chủ đại thắng ở Thái Bình Dương, Liên Xô đại thắng, cách mạng các thuộc địa Pháp, Nhật sôi nổi và nhất là quân Tàu hay quân Anh - Mỹ tràn vào Đông Dương”(2). Đó là những điều kiện bên ngoài giúp cho tình hình cách mạng Đông Dương mau phát triển, góp phần tạo thời cơ cho cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Về điều kiện chủ quan, Đảng ta cho rằng: “Công việc giải phóng dân tộc của ta phải tự ta làm lấy, sức ủng hộ bên ngoài nếu có thể chỉ là thêm vào mà thôi”. Chính trên ý nghĩa ấy, Đảng ta chỉ rõ: “Bổn phận ta là phải gấp rút chuẩn bị lực lượng để bất cứ trong trường hợp nào cũng có thể lợi dụng khi quân Trung Quốc hay quân Anh, Mỹ vào Đông Dương mà nổi dậy giành chính quyền, tự lực xây dựng cơ đồ cho dân tộc”(3).
Quan điểm toàn diện của Đảng ta là xem xét khả năng xuất hiện và phát triển của thời cơ, tức là vừa nhấn mạnh điều kiện khách quan, nhưng không xem nhẹ điều kiện chủ quan, nắm vững điều kiện bên trong, nhưng không quên tính toán điều kiện bên ngoài, luôn xem xét các điều kiện trong nước, nhưng không quên xét kỹ đến các điều kiện quốc tế, vừa nhìn toàn cục trên cơ sở phân tích quy luật phát triển tổng hợp của các điều kiện xuất hiện thời cơ, nhưng lại không quên đi sâu phân tích cụ thể các điều kiện riêng biệt trong mối liên hệ tổng thể của thời cơ. Có thể nói đó là nghệ thuật xem xét các quy luật biến đổi của các điều kiện để thúc đẩy quá trình xuất hiện và chuyển hóa của thời cơ. Đồng thời, trong khi dự đoán các khả năng phát triển của thời cơ, ta không chỉ có xem xét các khả năng phát triển của ta mà còn phải chú ý theo dõi khả năng phát triển của đối phương. Trong cách mạng, mỗi bên muốn thực hiện khả năng lựa chọn của mình thì không thể không tính đến việc ngăn chặn khả năng thực hiện của đối phương. Vì vậy, muốn thực hiện khả năng được lựa chọn, bao giờ cũng phải trải qua một cuộc đấu trí và đấu lực giữa hai lực lượng: mỗi bên đều muốn thực hiện nhanh chóng những khả năng lựa chọn của mình bằng cách cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu khả năng hành động của đối phương để ra sức kiềm chế việc thực hiện những khả năng ấy.
Thời cơ chiến lược của cuộc Tổng khởi nghĩa xuất hiện, ngày 08-3-1945, tin từ cơ sở Hà Nội báo cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng biết việc Toàn quyền Đờ-cu vào Sài Gòn, quân Nhật ở Hà Nội có lệnh cấm trại, chuẩn bị vũ khí, lương thực; quân Pháp cũng được lệnh báo động. Với ý thức nhạy bén, Tổng Bí thư Trường Chinh nhận định Nhật lật Pháp đến nơi rồi và lập tức quyết định họp Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng. Tối 09-3-1945, Hội nghị bắt đầu họp tại chùa Đồng Kỵ (Tiên Du, Bắc Ninh). Toàn bộ Hội nghị được phản ánh một cách cô đọng, chính xác trong bản Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị nhận định rằng, cuộc đảo chính đó tạo ra ở Đông Dương “một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc”, nhưng “Những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi”(4).
Bản Chỉ thị vạch rõ những điều kiện của cuộc khởi nghĩa Đông Dương chưa chín muồi đang đi tới chín muồi nhanh chóng. Ba cơ hội tốt giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chóng chín muồi là:
“a) Chính trị khủng hoảng (quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng).
b) Nạn đói ghê gớm (quần chúng oán ghét quân cướp nước).
c) Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt (Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật)”(5)
Cuộc đấu trí giành quyền lực khi thời cơ đến
Có thể nói trong cuộc “chạy đua” này, các nhà chiến lược của các nước Đồng minh đã gặp khá nhiều mâu thuẫn, lúng túng, bị động và không ít bất ngờ. Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra ngày 07-12-1941, các nước Đồng minh đều lên tiếng chống Nhật, nhưng tại sao Nhật lại vào Đông Dương một cách khá “dễ dàng” mà không vấp phải một sự chống trả nào của Anh, Pháp, Mỹ, Tưởng. Bởi vì, nội bộ của họ chứa đầy mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa Anh và Mỹ, giữa Pháp và Mỹ, giữa Pháp và Tưởng”. Anh thì muốn nhanh chóng vào Viễn Đông để giành lại những thuộc địa mà sau cuộc chiến tranh Thái Bình Dương Nhật đã chiếm giữ; cho nên, trước sau Anh luôn luôn ủng hộ Pháp mau chóng đưa lực lượng sang Viễn Đông chống Nhật và giúp Pháp trở lại Đông Dương. Còn Pháp thì sau thất bại ở châu Âu vào tháng 6-1940, buộc phải chấp nhận cho Nhật vào Đông Dương, nhưng trước sau vẫn có âm mưu trở lại thống trị Đông Dương.
Nhìn thấy lực lượng của Anh, Pháp ở Viễn Đông đã suy yếu trong chiến tranh, Mỹ lợi dụng tình hình ấy, âm mưu gạt dần ảnh hưởng của Anh, Pháp ở khu vực này, nhất là muốn loại bỏ Pháp ra khỏi Đông Dương. Nhưng, Mỹ bị kẹt vào cuộc chiến tranh Thái Bình Dương chống Nhật, chưa có cơ hội can thiệp trực tiếp, nên phải dùng con bài Tưởng Giới Thạch để kiềm chân Pháp. Còn Tưởng, tuy đã tuyên chiến với Nhật ngày 09-12-1941, nhưng vì bị hao người tốn của trong cuộc chiến chống Nhật ở trong nước, nên chưa thể nói đến việc chống Nhật trên chiến trường Đông Dương, hơn nữa Tưởng muốn tập trung lực lượng cho cuộc chiến chống Đảng Cộng sản Trung Quốc, không muốn phân tán lực lượng đi nơi khác.
Như vậy, bề ngoài họ cũng hô hào chống Nhật, nhưng nội bộ lục đục, vừa lợi dụng nhau lại vừa kiềm chế lẫn nhau, nên quân Nhật mới tiến vào Đông Dương một cách thuận lợi như vậy. Tuy nhiên, ngay từ khi quân Nhật tiến vào Lạng Sơn, nhân dân ta đã dũng cảm đứng lên chống Nhật, điển hình là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940). Vấn đề các lực lượng Đồng Minh tiến vào Đông Dương là điều không sớm thì muộn nhất định sẽ xảy ra. Việc lợi dụng mâu thuẫn và làm cho các lực lượng ấy lục đục, kiềm chế và cản chân nhau trong việc vào Đông Dương là điều mà Đảng ta đặc biệt quan tâm, nhằm làm chậm bước tiến của chúng để tạo thời cơ cho ta chuẩn bị đầy đủ lực lượng tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi.
Lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ các lực lượng Đồng minh nhằm tranh thủ và tận dụng thời cơ giành thắng lợi quyết định trong Cách mạng Tháng Tám là một chiến lược rõ ràng của Đảng ta trong thời điểm bước ngoặt này. Do đó, chiến lược của chúng ta là phải tránh trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt chính phủ của Pháp Đờ-gôn hay một chính phủ bù nhìn khác trái với nguyên tắc dân tộc. Bởi vậy, đường lối của Đảng ta, như Nghị quyết đã chỉ rõ là: Cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta. Và điều quyết định trong cuộc chạy đua để tranh thủ thời cơ này là: “…chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh”(6). Đó chính là thực chất của toàn bộ vấn đề thời cơ được đặt ra lúc này.
Từ năm 1942 trở đi, mâu thuẫn và đấu tranh giữa các lực lượng Đồng minh xung quanh vấn đề đưa quân vào Đông Dương ngày càng gay gắt. Đối với Pháp, kẻ có nhiều quyền lợi thiết thân nhất, thì đã bị Mỹ nhiều lần ngăn cản và gây khó dễ. Ngay từ tháng 9-1943, Pháp đã quyết định tổ chức một đạo quân gồm hai sư đoàn Viễn Đông. Nhưng tháng 11-1944, F. Ru-dơ-ven (Tổng thống Mỹ) đã lệnh cho các nhân viên quân sự và dân sự Mỹ không được thảo luận và đồng ý về bất cứ điều gì với Pháp liên quan tới Đông Dương. Đồng thời, từ chối giúp Pháp việc trang bị vũ khí và phương tiện chuyển quân sang Viễn Đông, lấy cớ là Mỹ phải tập trung cho việc phục vụ chiến trường châu Âu. Tháng 1-1945, F. Ru-dơ-ven lại có công hàm chính thức từ chối yêu cầu khẩn thiết cung cấp tàu chở quân Pháp sang Viễn Đông, mãi đến tháng 5-1945, sau cuộc “đảo chính” của Nhật ở Đông Dương hai tháng, Pháp mới bắt đầu chuẩn bị đưa hai sư đoàn sang Đông Dương, nhưng quân đoàn này đặt dưới quyền chỉ huy của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.
Còn trong cuộc “đảo chính”, quân Pháp tháo chạy sang biên giới Việt - Trung, cùng với phái bộ 5 của Pháp ở Côn Minh đều bị quân Tưởng cầm chân ở Hoa Nam. Đến ngày 21-7-1945, Mỹ lại cự tuyệt một lần nữa việc cung cấp tàu chở quân của tướng Pháp Lơ-cléc sang Đông Dương. Điều thảm hại đối với Pháp là chỉ hai ngày sau, ngày 23-7-1945, tại Hội nghị Pốt-xđam, Mỹ và Anh chẳng cần Pháp, đã thỏa thuận lấy vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) làm ranh giới hành quân và tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở Việt Nam. Ở Nam vĩ tuyến 16 thuộc quyền kiểm soát của quân đội Anh và phía Bắc là quân đội Mỹ, nhưng Mỹ lại để cho quân Tưởng thay mình làm việc này từ vĩ tuyến 16 trở ra.
Một số học giả Mỹ cố biện minh cho chính sách trên đây là “thiện chí” của Mỹ “ngăn cản” Pháp trở lại Đông Dương. Nhưng, Mỹ làm như vậy không phải là có thái độ tốt đẹp gì với cách mạng Đông Dương. Chẳng qua là Mỹ muốn gạt bỏ Pháp ra khỏi Đông Dương để mình thay chân Pháp bằng cách “chơi con bài” Tưởng Giới Thạch. Đồng thời, chính sách này cũng phản ánh mâu thuẫn nội bộ giữa các nước Đồng minh trong vấn đề Đông Dương.
Như vậy, sau cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 09-3-1945, cuộc chạy đua giữa các lực lượng cách mạng nước ta và các lực lượng Đồng minh cùng thực dân Pháp nhằm tranh thủ thời cơ giành giật và xác lập quyền lực tại Đông Dương và Việt Nam ngày càng quyết liệt hơn. Đặc biệt là trước và sau thời điểm Hội nghị Pốt-xđam có sự phân chia dứt khoát khu vực hành quân và tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở Việt Nam, thì cuộc chạy đua giữa hai lực lượng này càng đi vào giai đoạn nước rút.
Trong khi đó thì ngay từ năm 1941, Hồ Chí Minh đã dự báo “Năm 1945 Việt Nam độc lập”(7). Sau đó, tháng 10-1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Người còn nói: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”(8). Ngày 08-8-1945, khi Liên Xô mở mặt trận phía Đông, chính thức tham chiến chống Nhật, thì đến ngày 10-8-1945, Đảng ta triệu tập Hội nghị toàn quốc và ngày 15-8-1945 thì có Nghị quyết của Hội nghị. Nghị quyết chỉ rõ: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi… Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Và còn nhiều quyết định cực kỳ khoa học và chính xác nữa mà Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương đã đưa ra trong thời cơ lịch sử quan trọng này. Đó là những quyết định ở tầm chiến lược và sách lược, ở tầm phương pháp cách mạng và nghệ thuật chỉ đạo, góp phần to lớn giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong khi các nước Đồng minh có nhiều cơ hội và được chuẩn bị khá chu đáo để giành giật và xác định quyền lực tại Việt Nam, thì thời cơ cách mạng chỉ đến với Đảng ta và nhân dân ta trong vòng trên dưới 15 ngày, kể từ khi Liên Xô chính thức tham chiến chống Nhật, ngày 08-8-1945, để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa thành công đến bất ngờ, vì ngay ngày 19-8-1945, cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23-8 ở Huế và ngày 25-8 ở Sài Gòn. Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu ra đời ngày 28-8-1945. Trong khi đó thì mãi đến ngày 24-8-1945, Mỹ mới thừa nhận chính thức quyền của Pháp trở lại Đông Dương, tức là sau khi Cách mạng Tháng Tám đã thành công về cơ bản trong cả nước. Còn Anh thì phải đến ngày 12-9-1945, những đơn vị đầu tiên của quân Anh - Ấn mới vào tới Sài Gòn, trong khi ta đã tuyên bố độc lập từ ngày 2-9-1945. Thảm hại hơn là Pháp, ngày 18-8-1945, tướng Lơ-cléc mới lên đường sang Viễn Đông, cao ủy Đác-giăng-li-ơ thì đến ngày 05-9-1945 mới rời Pa-ri lên đường đi Ấn Độ để từ đó sang Đông Dương. Còn quân Tưởng thì đến ngày 27-8-1945, gần hai tuần sau khi Nhật đầu hàng, mới bắt đầu vượt biên giới Việt - Trung và mãi đến ngày 09-9-1945 mới vào tới Hà Nội, trong khi mọi việc chúng ta đã giải quyết xong vào ngày 02-9-1945.
Như vậy là vấn đề “ai thắng” trong cuộc đấu trí để tranh thủ thời cơ chạy đua giành giật và xác lập quyền lực tại Đông Dương và Việt Nam đã quá rõ ràng. Một âm mưu, một kế hoạch được Mỹ, Anh, Pháp, Tưởng vạch ra và chuẩn bị trong thời gian bốn, năm năm, nhưng đến thời điểm then chốt thì lại phạm sai lầm trong đánh giá đối phương, trong quyết định hành động và trong lựa chọn thời cơ, thì đó là một sai lầm có tính chất lịch sử.
Hơn bảy mươi năm đã trôi qua nhưng thắng lợi do sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật chuẩn bị và chớp thời cơ của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn là một dấu mốc lịch sử góp phần quyết định thắng lợi của cách mạng, mãi mãi là niềm tự hào để nhân dân Việt Nam tiếp tục phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
-------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 287
(
2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 130
(3) Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật Hà Nội, t. 1, tr. 236
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 365
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 366
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 427
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 230
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđđ, t. 7, tr. 353
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp Phó Chủ tịch Hạ viện Anh Eleanor Laing  (03/10/2016)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (03/10/2016)
Thủ tướng yêu cầu sớm làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường ở Hồ Tây  (03/10/2016)
Việt Nam và Vương quốc Anh tăng cường hợp tác về lập pháp  (03/10/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên