Báo cáo phát triển thế giới 2016: Lợi ích số
TCCSĐT - Ngày 14-3-2016, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố “Báo cáo phát triển thế giới 2016: Lợi ích số”. Tham dự buổi công bố Báo cáo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam và nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Báo cáo phát triển thế giới 2016: Lợi ích số (WDR 2016) là một báo cáo chủ đạo của WB. Mặc dù chủ đề báo cáo mang tính công nghệ, nhưng được xem xét qua lăng kính kinh tế phát triển. Thông điệp chính của Báo cáo là các chiến lược phát triển công nghệ số cần phải có tầm nhìn rộng hơn chiến lược phát triển công nghệ thông tin truyền thông.
Báo cáo tập hợp nhiều ví dụ tiêu biểu về việc Internet, điện thoại di động và các công nghệ số khác đã mang lại lợi ích số thông qua thúc đẩy phát triển, mở mang cơ hội và tăng cường dịch vụ. Báo cáo cũng cho thấy rằng lợi ích số vẫn chưa được mở rộng và tập trung quá nhiều vào lớp người giàu có, có kĩ năng và quyền lực - những người được trang bị tốt nhất để tận dụng thành quả của cuộc cách mạng số.
Mặc dù Internet, điện thoại di động và công nghệ số hiện đang được phổ cập nhanh chóng tại các nước đang phát triển, nhưng lợi ích mà nó mang lại, như thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và cải thiện cung cấp dịch vụ công chưa được như mong muốn. 60% dân số thế giới vẫn nằm bên lề nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Mặc dù có nhiều các tấm gương thành công nhưng tác động của công nghệ lên năng suất toàn cầu, tạo thêm cơ hội cho người nghèo và tầng lớp trung lưu và việc quản trị có trách nhiệm vẫn chưa được như mong muốn. Công nghệ số đang phát triển nhanh chóng nhưng lợi ích của nó trong việc thúc đẩy tăng trưởng, việc làm và dịch vụ thì không tương ứng.
Ông Kaushik Basu, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB nói: “Cuộc cách mạng số đang làm chuyển đổi thế giới, hỗ trợ dòng chảy thông tin và tạo điều kiện phát triển cho các quốc gia biết tận dụng những cơ hội mới này. Quả là một sự chuyển đổi đáng kinh ngạc khi 40% dân số thế giới hiện nay đã kết nối thông qua Internet. Đây là thành tích đáng mừng, nhưng cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ lại xem liệu qua đó có tạo thêm một tầng lớp dưới đáy nữa không, khi mà 20% dân số thế giới không biết đọc, không biết viết thì riêng công nghệ không thể giúp xóa bỏ khoảng cách về tri thức trên thế giới được”.
Để thực hiện đầy đủ cam kết phát triển trong thời đại số, WB đề xuất hai hành động chính. Đó là: thứ nhất, xóa bỏ khoảng cách số bằng cách làm cho Internet phổ cập, giá rẻ, mở và an toàn; thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước nhằm bảo đảm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động theo đòi hỏi trong nền kinh tế mới và nâng cao trách nhiệm giải trình thể chế. Đây là những biện pháp mà Báo cáo gọi là các yếu tố bổ trợ analog đối với các khoản đầu tư vào công nghệ số.
Chiến lược phát triển công nghệ số đòi hỏi có tầm rộng hơn chiến lược phát triển công nghệ thông tin truyền thông (ICT). Để khai thác tối đa lợi ích, các nước phải tạo môi trường thích hợp cho sự phát triển công nghệ: các biện pháp quản lý khuyến khích cạnh tranh và gia nhập thị trường, phát triển kỹ năng cho phép người lao động làm chủ được công nghệ và xây dựng các thể chế có trách nhiệm trước người dân. Ngược lại, công nghệ số cũng có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Đầu tư vào hạ tầng cơ bản, giảm chi phí kinh doanh, gỡ bỏ rào cản thương mại, nâng đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao năng lực cơ quan quản lý cạnh tranh và tạo điều kiện cạnh tranh giữa các nền tảng số là một số biện pháp được đề xuất trong Báo cáo. Các biện pháp đó sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và đổi mới, sáng tạo hơn. Đồng thời, trẻ em cũng cần được phát triển kỹ năng trực giác và tư duy phản biện bậc cao. Kiến thức cơ bản về các hệ thống ICT hiện đại cũng sẽ rất quan trọng khi Internet phát triển rộng. Đào tạo kỹ năng kỹ thuật và cho trẻ em làm quen sớm với công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ về ICT và tác động lên lựa chọn nghề nghiệp về sau.
Bà V. Kwakwa nói: “Công nghệ số không chỉ là biết đọc, biết viết mà còn xóa mù về công nghệ thông tin, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Thực hiện chính phủ điện tử nâng cao kỹ năng, hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng điều hành là điều Việt Nam cần tính tới trong quá trình phát triển để đem lại lợi lợi ích cho người dân”.
Báo cáo cảnh báo rằng, công nghệ số có thể chuyển đổi các nền kinh tế, xã hội và thể chế công, nhưng sự thay đổi không diễn ra một cách tự động. Các nước đầu tư vào công nghệ số và các yếu tố bổ trợ tương tự sẽ giành được kết quả tương xứng. Nước nào không làm như vậy sẽ bị tụt hậu. Công nghệ, nếu không đi kèm với một nền tảng vững chắc sẽ mang lại rủi ro và tạo phân cực trong phát triển, nới rộng bất bình đẳng.
Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam rất ý thức và chú trọng đưa ra các biện pháp để phát triển công nghệ số. Việt Nam coi công nghệ thông tin là công cụ để giúp đất nước phát triển nhanh hơn, đồng thời hạn chế tiêu cực, tăng cường tính minh bạch và giải trình đi đôi với cung cấp dịch vụ thiết yếu để giúp người dân thực hiện quyền làm chủ của mình”. Tuy nhiên, không chỉ có Chính phủ, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để thực hiện phát triển công nghệ số, các doanh nghiệp cần đóng vai trò nòng cốt, phải ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển. Đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, ngoài việc phát triển vì lợi ích của doanh nghiệp, cần chú trọng đề cao đến trách nhiệm chung với xã hội để tạo được “hệ sinh thái”, có điều kiện phát triển cùng nhau. Doanh nghiệp công nghệ thông tin giúp người dân có điều kiện phát triển thông qua giá thành, độ thuận tiện mà các dịch vụ mang lại. Người dân cũng cần nỗ lực tiếp cận công nghệ thông tin trong công việc và ứng dụng vào cuộc sống. Mọi người dân luôn xây dựng ý thức sử dụng công nghệ số cho đúng để bảo vệ lợi ích của mình và cộng đồng./.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác bầu cử tại Điện Biên  (14/03/2016)
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tham dự Hội nghị ACDFIM-13 tại Lào  (14/03/2016)
Kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng  (14/03/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay