Diễn Châu phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa trên con đường đổi mới
1.380 năm chỉ là con số tính từ khi có tên gọi Diễn Châu ( Nghệ An) với tư cách là một đơn vị hành chính (năm 627 - năm Trinh Quán thứ nhất, đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân). Mảnh đất Diễn Châu đã có từ trước đó rất lâu: thời Hùng Vương, thuộc bộ Hàm Hoan (Văn Lang có 15 bộ); thời thuộc Hán là huyện Hàm Hoan của quận Nhật Nam, trải qua các nhà Đông Ngô, Tống, Tề, Lương đến nhà Tùy, năm 607, hợp cả Minh Châu, Trí Châu, Hoan Châu, đổi lệ thuộc quận Nhất Nam.
Theo Lê Quý Đôn thì tên gọi Diễn Châu xuất hiện từ đời Tùy: “Từ quận Nhật Nam đời Hán, đến đời Ngô bị tách ra, đặt làm châu Cửu Đức,... đến năm Khai Hoàng nhà Tùy mới đổi làm Hoan Châu và Diễn Châu, tức là huyện Hàm Hoan đời Hán”(1). Tuy nhiên các nhà sử học không tìm ra sử liệu nào là cơ sở của nhận định trên. Ngược lại, các bộ quốc sử và tư sử khác đều cho rằng năm 627 tên gọi Diễn Châu mới xuất hiện - và là đơn vị hành chính cấp châu, bao gồm 7 huyện: Trung Nghĩa, Long Trì, Vũ Lang, Vũ Kim, Hoài Hoan, Tư Nông và Vũ Dung (theo Đại Việt địa dư toàn biên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu).
Diễn Châu có lúc được gọi là châu, lúc gọi là phủ, lộ, trấn, địa vực có khi rộng khi hẹp, nhưng luôn là địa phương có vai trò quan trọng trong lịch sử, được các triều đại phong kiến xem là một trong những trọng trấn của đất nước. Nhờ vị trí thuận lợi về giao thông (có sông, có biển, các cửa sông...), đặc biệt con người Diễn Châu cần cù, dũng cảm, tài hoa, nhân ái, dễ giao hòa... nên Diễn Châu luôn là vùng quê trù phú, có nhiều đóng góp cho đất nước ở các thời đại.
Không chỉ đóng góp cho kho tàng văn hóa dân tộc những chứng tích của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng của Việt Nam vào giai đoạn thế kỷ V trước và sau công nguyên (di chỉ khảo cổ học Rú Ta - Đồng Mỏm), những làn điệu ca trù da diết mà Diễn Châu còn đóng góp cho đất nước những nhân vật lịch sử, những nhà văn hóa lớn, những nhà cách mạng trung kiên, những nhà khoa học xuất sắc, những chính khách lỗi lạc
Khi bắt đầu công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Diễn Châu là một trong những địa phương đi tiên phong, đón nhận luồng gió đổi mới từng bước đẩy lùi khó khăn để đi tới. Diễn Châu được thiên nhiên ưu đãi, có biển, có đồng bằng, có núi, có sông, nhưng cũng có không ít khó khăn, đó là khí hậu khắc nghiệt, mưa bão lũ lụt, đất chật người đông...
Diễn Châu có vùng bãi ngang của biển hàng ngàn héc-ta thuận lợi cho việc nuôi trồng hải sản. Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng hải sản mỗi năm đạt hơn 10 ngàn tấn. Người dân ở đây có nghề làm muối cổ truyền, năng suất hằng năm đạt từ 15 - 18 ngàn tấn, không những cung ứng đủ cho 25 vạn dân trong huyện, mà còn cung cấp nguyên liệu sản xuất muối i-ốt cho các huyện miền núi. Nước mắm Vạn Phần thơm ngon nổi tiếng cả nước. Ngày xưa nước mắm, mực khô, tôm hùm của Diễn Châu đươc làm quà cung tiến nhà vua trong những ngày lễ tết. Hàng chục gia đình trong 8 xã vùng biển Diễn Châu đều có nghề làm nước mắm, thu hút hàng trăm tấn nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người.
Từ nhiều năm trước, nghề đánh cá biển Diễn Châu đã có những hợp tác xã nổi tiếng như Chiến Thắng, Hải Lý, Hải Lộc, Quang Thành... Trong quá trình chuyển đổi cơ chế mới, một số địa phương đã làm cho nghề đánh cá biển trở thành manh mún, mỗi gia đình chỉ có một thuyền lưới quanh quẩn trong lộng. Gần đây, nhiều người dân đã mạnh dạn cùng nhau hùn vốn và vay thêm ngân hàng để đóng thuyền lớn ra khơi theo dự án đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, các phương tiện đánh bắt cá đã được trang bị khá hiện đại, thông tin về thời tiết bảo đảm chính xác, tổ chức cấp báo, cấp cứu cũng nhanh chóng; người dân ra biển đánh cá đã bớt dần những lo lắng về những cơn giông tố bất ngờ. Sản lượng cá đánh bắt được hằng năm đạt trên 7 ngàn tấn.
Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, do thiếu kinh nghiệm và trình độ sử dụng các thiết bị hiện đại, nên hiệu quả đánh bắt cá của ngư dân vùng biển Diễn Châu còn thấp, chưa vững chắc. Vẫn còn nhiều ngư dân do thiếu vốn, thủ tục vay ngân hàng lắm trắc trở, khó khăn nên không thực hiện được dự án đánh bắt xa bờ. Muốn tháo gỡ khó khăn này, điều cơ bản đối với ngư dân là phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Muốn ra khơi đánh bắt cá có hiệu quả cao thì thuyền phải lớn, thiết bị thăm dò cá, đo độ sâu, theo dõi thời tiết và thông tin liên lạc phải hiện đại, đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn. Ngân hàng "sợ rủi ro", khó thu hồi vốn mà không mạnh dạn cho vay thì ngư dân khó lòng phát triển được nghề đánh cá hiện đại.
Diễn Châu có vùng màu rộng hơn 10 ngàn ha là thế mạnh để thâm canh lạc, vừng. Người dân đã trồng xen cây lạc vào vụ xuân, cây vừng vụ thu, cây rau vụ đông. Phương thức canh tác đa cây, nối vụ đã tạo ra nhiều sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích. Đổi mới cách nghĩ chật hẹp, bon chen, bóc lột đất, người dân đã mạnh dạn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu, thay đổi giống lạc cho năng suất cao hơn. Mới đây, kỹ thuật gieo lạc, phủ ni lông, chống mưa dập, sương muối được người dân áp dụng trên diện rộng. Tiến bộ kỹ thuật chỉ mới áp dụng ở các khâu giữ độ ẩm, chống xói đất, chống rét khi lạc vừa nẩy lá mà năng suất củ đã tăng gấp bốn lần so với phương pháp thâm canh truyền thống. Nhiều hộ nông dân đã giàu lên từ cây lạc, cây vừng. Diễn Châu đã quy hoạch vùng chuyên canh lạc, vừng tạo nguồn nông sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Sản lượng một vạn tấn lạc, vừng xuất khẩu được Đại hội Đảng bộ Diễn Châu khoá XXVIII đề ra đã trở thành hiện thực. Củ lạc, hạt vừng Diễn Châu đã bắt đầu có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu lạc, vừng dồi dào, phong phú này chưa tìm được những người bạn hàng lớn từ các nhà máy trong và ngoài nước.Vì thế, người nông dân Diễn Châu vừa thoát ra khỏi tập quán sản xuất “tự cung, tự cấp", đang hăm hở bước vào nền kinh tế thị trường lại rơi vào cảnh "tự sản, tự tiêu".
Diễn Châu đang tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu theo hướng thương mại, dịch vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Huyện đã và sẽ tạo cơ chế thông thoáng để kinh tế có sự bứt phá. Quan tâm việc xây dựng các khu công nghiệp nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, tạo thuận lợi về cơ chế để thu hút đầu tư.
Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2010: thương mại dịch vụ 34-35%, công nghiệp xây dựng 33-34%, nông - lâm - ngư 32-33%. Thu nhập bình quân héc ta canh tác là 35 triệu đồng, đầu tư mạnh hơn cho những cánh đồng có thu nhập 50 triệu đồng/ha trở lên (ước tính 40% diện tích).
Nhờ chỉ đạo tích cực và làm tốt công tác xã hội hóa văn hóa, y tế, giáo dục, nên lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều thành tích đáng phấn khởi. Nhiều năm nay, giáo dục Diễn Châu luôn ở trong tốp đầu của tỉnh về chất lượng đại trà cũng như thành tích học sinh giỏi và số lượng học sinh thi đậu vào đại học. Từ năm học 2002 - 2003 đến năm học 2006 - 2007 (liên tục trong 6 năm), giáo dục Diễn Châu đạt tiêu chuẩn tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở từ năm 2003. Toàn huyện có 46 trường chuẩn quốc gia dẫn đầu tỉnh Nghệ An, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Diễn Châu không ngừng được nâng cao. Toàn huyện có 48.302 hộ đạt gia đình văn hóa 77%, 275 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Các thiết chế văn hóa ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Có 444/446 xóm có nhà văn hóa, các đội văn nghệ xóm, xã, các câu lạc bộ hoạt động tốt. Ngành y tế Diễn Châu làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân. 39 xã, thị trấn đều có trạm xá, trong đó có 21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 28 xã có bác sĩ ổn định, 5 bác sĩ hợp đồng ở 5 xã, 4 bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa huyện tăng cường về xã; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh trung học. Thực hiện có hiệu quả công tác y tế dự phòng và các chương trình y tế quốc gia. Hiện đã hoàn thành các bước để đề nghị trạm y tế xã Diễn Vạn đạt danh hiệu đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới. Công tác dân số - gia đình - trẻ em được quan tâm, giảm tỷ lệ sinh, đặc biệt là sinh con thứ ba (số xã không có người sinh con thứ 3 tăng so với kế hoạch là 1 xã). Công tác xuất khẩu lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo. Các ngân hàng trên địa bàn tập trung giải quyết tốt vấn đề vay vốn cho người nghèo. Công tác tôn giáo, xây dựng chính quyền, giải quyết đơn thư khiếu tố được thực hiện tốt. Cải cách hành chính đã có những bước tiến bộ đáng kể, ngày càng tạo được lòng tin trong nhân dân đối với chính quyền các cấp.
An ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo ổn định, vững chắc. Công tác quốc phòng - quân sự địa phương luôn được chú trọng. Thực hiện tốt quy chế phối hợp công an - quân sự - bộ đội biên phòng, sẵn sàng chiến đấu cao. Đây là điều kiện quan trọng để ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Từ nhiệm kỳ (2000 - 2005) đến nay, Huyện ủy đã sớm có các nghị quyết sát đúng, hợp lòng dân. Các đề án kinh tế kịp thời, đúng đắn, được tổ chức thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra đôn đốc chặt chẽ, đã phát huy hiệu quả cao
(1) Xem: Vân đài loại ngữ, t 1, Nxb Văn hóa, 1962
“Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của ý chí Việt Nam  (28/12/2007)
Trao Huân chương cao quý cho các đồng chí Trần Đức Lương, Trương Mỹ Hoa  (28/12/2007)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2007  (28/12/2007)
PA-KIT-XTAN  (28/12/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển