Quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới
Quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh - nhiệm vụ trọng yếu của quản lý nhà nước
Chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, bảo đảm công cuộc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia, gồm tổng thể các hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học... của nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự làm nòng cốt, nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, mọi quy mô. Quốc phòng bao gồm các hoạt động của cả nước, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Kẻ thù xâm lược từ bên ngoài thường cấu kết với các lực lượng phản động bên trong, do đó quốc phòng phải kết hợp chặt chẽ với an ninh để bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Tổ chức quốc phòng phụ thuộc trực tiếp vào chế độ xã hội, truyền thống dân tộc, điều kiện khách quan, chủ quan cụ thể của mỗi nước. Nhiều nước quan niệm quốc phòng là một bộ phận của an ninh quốc gia.
An ninh được hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp tùy từng trường hợp. Theo nghĩa rộng, an ninh bao gồm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. An ninh quốc gia được biểu hiện ở sự ổn định trong quan hệ chính trị giữa các giai cấp, khẳng định vị trí lãnh đạo của giai cấp cầm quyền đối với các giai cấp khác và vị trí độc lập, tự chủ của chính quyền nhà nước đối với các nhà nước khác trên thế giới. An ninh quốc gia bao gồm sự ổn định của hai mặt, hai nội dung đối nội, đối ngoại và mối quan hệ giữa đối nội và đối ngoại; an ninh quốc gia phản ánh quan hệ chính trị trong phạm vi một nước và quan hệ chính trị quốc tế.
Bảo vệ an ninh quốc gia là bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ cơ sở kinh tế và hệ thống chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quan hệ đối nội và đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, an ninh phải gắn bó chặt chẽ với quốc phòng.
Quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh là quá trình nắm và điều hành bằng pháp luật, chính sách, kế hoạch và các công cụ khác của Quốc hội và Nhà nước trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động xã hội, có quan hệ đến việc giữ gìn, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, do hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở tiến hành theo chức năng nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của mỗi cơ quan. Chủ thể quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh bao gồm tổng thể các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến cơ sở. Trong đó, nòng cốt là các cơ quan quản lý nhà nước. Khách thể quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh bao gồm tổng thể các lĩnh vực, các hoạt động xây dựng nền an ninh và đấu tranh an ninh, tất cả các hoạt động xã hội có quan hệ đến việc giữ gìn, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của các cơ quan nhà nước, của toàn dân. Toàn dân và các đoàn thể quần chúng tích cực tham gia các hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh dưới nhiều hình thức khác nhau theo cơ chế chung: Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành, nhân dân làm chủ. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh có những nét đặc thù riêng như: tính nghiêm túc, khẩn trương, tính thống nhất, tập trung, tính bí mật cao, tính biến động, phức tạp lớn, tính đối kháng quyết liệt, tính pháp lệnh cao. Các đặc điểm trên đòi hỏi việc quản lý nhà nước phải hết sức khoa học, đồng bộ, cụ thể, chặt chẽ, nghiêm túc.
Quốc phòng - an ninh được thể hiện ở đây có rất nhiều nội dung, nhiều công việc. Đây là lĩnh vực trực tiếp diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt, phức tạp. Bản thân quốc phòng - an ninh mang bản chất chính trị, giai cấp sâu sắc. Chính vì vậy, quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc. Đó là bản chất của giai cấp công nhân, do các cơ quan nhà nước của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bản chất đó được biểu hiện ở mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng - an ninh là: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”(1). Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao…”(2).
Như vậy, quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh là vấn đề rất quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào nhiệm vụ quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được triển khai, tiến hành sâu, rộng trong toàn xã hội, nhằm tạo ra sự thống nhất nhận thức, thấy rõ mục tiêu và nhiệm vụ chung của việc quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh là yêu cầu khách quan có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay; cũng như tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng - an ninh. Đồng thời, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới như: chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, vùng trời, “diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia.
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng và an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo (3). Phối hợp chặt chẽ hoạt động “đối ngoại với quốc phòng, an ninh”(4).
Đặt quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh, phải luôn quán triệt, các quan điểm, đường lối của Đảng trong toàn bộ quá trình quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh, đó là cơ sở của mọi hoạt động quốc phòng - an ninh. Đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, hai nhiệm vụ chiến lược và kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, kết hợp kinh tế, quốc phòng - an ninh với đối ngoại,... luôn cần được quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa trong mọi hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh. Đồng thời, phải được kết hợp một cách chặt chẽ với tổ chức, quản lý cũng như các mặt, các lĩnh vực khác trong xã hội.
Từ mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; mối liên hệ mật thiết giữa quốc phòng - an ninh với kinh tế, chính trị, văn hóa, với đối ngoại và với tất cả các ngành, các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội; từ quan điểm về sức mạnh tổng hợp của đất nước là cơ sở của nền quốc phòng - an ninh, là sản phẩm tổng hợp của sự kết hợp các tiềm lực của đất nước... dẫn đến yêu cầu khách quan đòi hỏi quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh phải được thường xuyên kết hợp một cách chặt chẽ với tổ chức, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác của xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...). Sự kết hợp đó thể hiện tính đồng bộ của quản lý nhà nước nói chung, biểu hiện trong chỉ đạo chiến lược, trong hệ thống pháp luật, trong từng chủ trương, chính sách cụ thể ở mỗi lĩnh vực, trong mối quan hệ giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân trên cơ sở quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách chung của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh phải nhằm bảo đảm cho đất nước hòa bình, ổn định trên mọi lĩnh vực, “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ địch, mọi cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực phản động đối với nước ta. Các thế lực thù địch hiện nay đang thực hiện nhiều âm mưu, nhiều thủ đoạn nhằm kìm hãm sự phát triển của đất nước, phá hoại sự ổn định về chính trị, kinh tế, văn hóa,... Chúng tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng mọi sơ hở của ta hòng làm suy yếu nội bộ để “tự diễn biến”, tạo nên các tình huống phức tạp, bất ngờ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” làm mất ổn định chính trị, gây bạo loạn lật đổ hoặc bất ngờ tiến hành chiến tranh xâm lược.
Hòa bình, ổn định, không bị bất ngờ trong mọi tình huống, có đủ sức chống lại mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại của kẻ địch, đủ sức đánh thắng mọi cuộc chiến tranh của các thế lực phản động gây ra với đất nước ta luôn là điều kiện, là yêu cầu đối với toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang. Đây cũng là yêu cầu trực tiếp, thường xuyên của quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh phải được thực hiện trên cơ sở luật pháp, kế hoạch, chính sách thống nhất, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh luôn rất nặng nề, rất phức tạp; các lực lượng tham gia công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, đấu tranh quốc phòng, đấu tranh an ninh rất đa dạng, các hoạt động của toàn xã hội trong lĩnh vực này hết sức phong phú. Điều đó đòi hỏi quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh phải có tính khoa học, tính đồng bộ, tính pháp lệnh rất cao.
Tính khoa học, tính đồng bộ, tính pháp lệnh cao của quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh trước hết thể hiện ở kế hoạch tổng thể, phải được xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành, từng địa phương trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách thống nhất của nhà nước; đồng thời phải có sự phân công, phân cấp quản lý đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng cấp, từng ngành, từng vùng lãnh thổ. Do tính đặc thù nghiêm ngặt của nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, cần phải xác định rõ ràng, cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của từng cấp, từng ngành, từng vùng; mối quan hệ giữa các cấp, các ngành; cơ chế lãnh đạo, điều hành, chỉ huy trong các tình huống, trong từng nhiệm vụ;...
Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh, cần nắm vững những nội dung cơ bản sau:
Một là, các cơ quan chức năng kịp thời xây dựng và ban hành, hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật có liên quan và chỉ đạo thực hiện kế hoạch quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh trên phạm vi cả nước cũng như đối với từng bộ, ngành, từng cấp, bảo đảm tính nhất quán và thống nhất.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, luật pháp tổ chức quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh. Thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra hoặc sơ kết, tổng kết công tác quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh theo định kỳ ở các cấp, các, bộ, ngành cũng như ở trung ương và địa phương.
Quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh có vai trò hết sức quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân cũng như đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Mỗi cán bộ của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an, các ban, ngành, đoàn thể cần nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nội dung, cơ chế tổ chức quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh; nắm vững các phương pháp quản lý theo ngành, địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý ngành với địa phương; nắm vững các biện pháp giáo dục quốc phòng - an ninh; từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh và góp phần tích cực vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh, toàn diện, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
--------------------------------------------------------
Chú thích
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 81-82.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 234.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 234.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 238.
Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri lực lượng vũ trang Hà Tĩnh  (09/12/2014)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Lào  (09/12/2014)
Chủ tịch nước gặp mặt các đại biểu là cấp ủy trong nhà tù chế độ cũ  (09/12/2014)
Thủ tướng chỉ đạo bốn nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nội vụ  (09/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay