Tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền trong “Di chúc”
Đảng phải đoàn kết thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Sức mạnh của Đảng là sự đoàn kết, nhất trí”(2). Tại sao Đảng ta phải đoàn kết, nhất trí thành một khối, Người chỉ rõ: “Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết, nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho”(3). Nếu nội bộ Đảng mất đoàn kết, đảng viên trong Đảng xích mích, thiếu hợp tác, thậm chí cản trở nhau trong công việc, tìm cách hạ bệ, dìm nhau thì công việc chung sẽ không thể trôi chảy. Ngược lại, nếu các đảng viên của Đảng cùng đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ nhau thực hiện một nhiệm vụ, mục tiêu chung thì mọi công việc của Đảng dù khó khăn mấy cũng đều làm được. Hơn nữa, sự đoàn kết trong Đảng chính là hạt nhân để đoàn kết toàn dân, toàn quân.
Thực tế trong quá trình lãnh đạo của Đảng, nhờ đoàn kết mà Đảng vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục tiến bước, giành được nhiều thắng lợi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết. Trong đấu tranh giành chính quyền, có biết bao cán bộ, đảng viên sẻ cơm, nhường áo và bảo vệ đồng chí của mình. Trong nhà tù đế quốc, biết bao đảng viên nêu cao tấm gương chung sức, chung lòng, siết chặt đội ngũ trước sự đe dọa của kẻ thù… Nhờ đó, những kẻ thù dù mạnh hơn ta nhiều lần song cũng không thể chiến thắng được dân tộc Việt Nam đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một khối thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, không chỉ trong đấu tranh giành chính quyền mà khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, Đảng phải luôn giữ gìn được truyền thống quý báu này: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh so sánh đoàn kết trong Đảng giống như con ngươi trong mắt mỗi người. Thiếu con ngươi đó, mỗi người sẽ không thấy ánh sáng mà đi, giống như Đảng nếu không có sự đoàn kết thì sẽ không tìm ra lối để dẫn đường cho cả dân tộc Việt Nam tiến lên. Người cũng dặn dò tất cả mọi đảng viên, dù ở vị trí công tác nào, cao hay thấp đều có nhiệm vụ và trách nhiệm phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí ấy. Vậy tất cả các đảng viên trong Đảng cần làm gì để giữ gìn sự đoàn kết ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ dẫn rất cụ thể.
Thứ nhất, phải mở rộng dân chủ trong Đảng
Để Đảng khi hành động, trăm người như một thì tất cả các đảng viên trong Đảng phải thống nhất về mục tiêu, đường lối của Đảng và cùng có quyết tâm hành động. Để Đảng thống nhất về tư tưởng thì phải phát huy dân chủ nội bộ, do đó Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định dân chủ trong Đảng là nền tảng cho sự đoàn kết, nhất trí: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(5). Dân chủ trong Đảng là sự tự do tranh luận, thảo luận để cùng tìm ra chân lý. Khi thảo luận còn ý kiến khác nhau là chuyện bình thường và cần thiết có những ý kiến khác nhau để tìm ra các chủ trương, biện pháp và kết luận đúng đắn, không thể coi đó là mất đoàn kết. Tuy nhiên, để dân chủ trong Đảng trở thành một phương thức củng cố đoàn kết trong Đảng, thảo luận trong nội bộ phải chân thành, cởi mở, cầu thị, kết luận rõ ràng; chỉ khi đó, nghị quyết thông qua mới bảo đảm tính thống nhất cao. Người lãnh đạo phải tỉnh táo nâng cao tính kỷ luật, tập trung trong thực hành dân chủ, không để cho chủ nghĩa cá nhân xen vào để gây chia rẽ, bè phái, gây rối, làm mất đoàn kết trong Đảng.
Thứ hai, phải nghiêm túc thực hiện phê bình và tự phê bình
Không chỉ đến Di chúc mà trong nhiều bài viết và nói trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thực hiện phê bình và tự phê bình là một phương thức để tạo nên sự đoàn kết thống nhất thực sự, có chiều sâu trong Đảng: “Nội bộ Đảng phải đoàn kết, nhất trí, đoàn kết không phải ngoài miệng mà đoàn kết trong công tác, trong phê bình và tự phê bình giúp nhau cùng tiến bộ”(6). Trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, người đảng viên, cán bộ bên cạnh những mặt tích cực, do những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan không tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm. Nếu những thiếu sót, sai lầm này không được chỉ ra và khắc phục, không những ảnh hưởng đến công việc mà còn gây sự không hài lòng, cao hơn là ấm ức, thiếu đồng tình cho những đảng viên cùng công tác. Vì vậy, thực hiện phê bình và tự phê bình vừa tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các đảng viên, vừa giúp phát huy ưu điểm, tìm ra khuyết điểm để các đảng viên cùng nhau sữa chữa, tạo sự nhất trí cao trong tư tưởng và hành động. Tuy nhiên, để phê bình và tự phê bình trở thành một phương thuốc củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng thì cần kiên quyết chống lại các biểu hiện hình thức chủ nghĩa và sai trái trong tự phê bình và phê bình, phê bình không có căn cứ, phê bình sai, phê bình không nhằm thúc đẩy công việc, không nhằm nâng cao chất lượng chấp hành nghị quyết, cải tiến lãnh đạo, gìn giữ phẩm chất cách mạng của đảng viên mà lại nhằm đả kích cá nhân, đi vào những vấn đề vụn vặt thuộc về sinh hoạt.
Thứ ba, các đảng viên trong Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các đảng viên “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(7). Đó là cách thức quan trọng để củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Bởi lẽ, thực hiện đúng tinh thần của dân chủ trong thảo luận, tranh luận cũng như tự phê bình và phê bình thì các đảng viên phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, sự chân thành và tinh thần giúp đỡ nhau. Nếu vì lợi ích, suy nghĩ cá nhân và những thù hằn cá nhân thì các yêu cầu về thực hành dân chủ và tự phê bình và phê bình trong Đảng sẽ không được bảo đảm, từ đó chẳng những không củng cố được sự thống nhất mà lại càng gây mâu thuẫn, chia rẽ. Hơn nữa, các đảng viên sẽ gắn bó chặt chẽ hơn nếu dựa trên cả về lý trí và tỉnh cảm, đạo lý và chân lý. Nếu thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng tạo ra sự thống nhất trên cơ sở lý trí, chân lý, thì tình đồng chí thương yêu lẫn nhau tạo ra sự gắn kết về mặt tình cảm, đạo lý giữa các đảng viên. Các đảng viên Đảng Cộng sản, những người cùng chí hướng hy sinh, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân lao động là những con người giàu tính nhân văn và tình yêu thương con người nhất, không có lý gì lại không yêu thương, giúp đỡ và không mong muốn sự tiến bộ cho người đồng chí cùng sống và làm việc với mình.
Đảng phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân
Đoàn kết, tức là phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi đảng viên, từ đó nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng trong quá trình lãnh đạo nhân dân hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Để đoàn kết thực sự trong nội bộ Đảng thì tất cả các đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Bởi lẽ, nếu tất cả đảng viên đều vì cái chung, vì tập thể thì đó là cơ sở vững chắc nhất cho sự đoàn kết, nhất trí. Đoàn kết thực chất là tìm ra gắn kết trên cơ sở một điểm chung nào đó. Hơn nữa, sự lãnh đạo của Đảng có nhận được sự đồng tỉnh, ủng hộ của nhân dân hay không lại phụ thuộc vào việc Đảng có một lòng một dạ phục vụ nhân dân hay không. Nhân dân sẽ không tín nhiệm, ủng hộ những người không vì họ mà chỉ mang nặng chủ nghĩa cá nhân “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân…”(8).
Vì vậy, Đảng phải luôn giữ gìn sự trong sáng của mình, một lòng một dạ phục vụ nhân dân và luôn biết giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng thì mới bảo đảm chắc chắn cho sự lãnh đạo của Đảng. Đảng phải phục vụ nhân dân nghĩa là mọi đường lối và hành động của Đảng đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân “Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(9). Đảng một lòng một dạ phục vụ nhân dân có nghĩa là mọi đảng viên trong Đảng đều phải thấm nhuần sâu sắc tinh thần đó và chỉ đạo trong cả tư tưởng cũng như hành động của họ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(10).
Làm thế nào để tất cả các đảng viên đều một lòng một dạ phục vụ nhân dân? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có một cách duy nhất là thường xuyên chỉnh đốn Đảng, coi đó là quy luật sống còn của Đảng. Vì vậy, Người dặn dò, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, nhiệm vụ đầu tiên của Đảng chính là chỉnh đốn Đảng: “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(11). Tại sao Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn, củng cố lại tư tưởng và tổ chức? Theo Người, trước hết vì Đảng từ trong xã hội mà ra, do đó tất cả những điểm tốt và xấu của xã hội đều ít nhiều ảnh hưởng đến mỗi đảng viên, vì vậy trong mỗi đảng viên đều có phần tốt và xấu, trong Đảng có cả đảng viên tích cực và đảng viên chưa tích cực: “Đảng không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra cho nên bên cạnh những đảng viên tốt, hết lòng vì Đảng, vì dân thì vẫn còn những phần tử tự tư, tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa… thậm chí, có người còn coi việc vào Đảng để thực hiện mục đích vụ lợi”(12). Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức nguy cơ tha hóa quyền lực khi đã trở thành Đảng cầm quyền. Do đó, Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn để giáo dục cán bộ, đảng viên, giúp họ phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt tiêu cực trong bản thân mỗi người, Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn để loại bỏ những phần tử xấu, cơ hội chui vào trong Đảng, làm trong sạch Đảng.
Những lời dặn dò của Người về Đảng cầm quyền đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự nóng hổi. Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự đoàn kết, thống nhất và trung thành với mục tiêu, lý tưởng xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” giúp Đảng có đủ năng lực, sức chiến đấu và sự tín nhiệm của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân tộc.
Tuy nhiên, đây đó vẫn còn hiện tượng mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ trong một số tổ chức Đảng do những nguyên tắc dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng chưa được thực hiện tốt; đảng viên còn nể nang, né tránh, “bằng mặt mà không bằng lòng”; cán bộ phụ trách, nhất là lãnh đạo chủ chốt, chỉ thích nghe báo cáo thành tích, không ưa người khác phê bình khuyết điểm của mình; một số đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, mâu thuẫn, bè phái… Bên cạnh đó, “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn diễn ra nghiêm trọng”(13). Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm vai trò lãnh đạo của.
Chính vì vậy, để xây dựng Đảng ta trở thành một Đảng cầm quyền mạnh, đủ năng lực và sự tín nhiệm để lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thiết nghĩ việc thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc những lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền trong Di chúc là hết sức cần thiết và cấp bách./.
------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 497
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 11, tr. 23
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 11, tr. 154
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 497
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 497
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 9, tr. 40
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 497
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 510
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 5, tr. 249
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 497 - 498
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 503
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 5, tr. 236
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr. 48
Đổi mới có thể mang lại sự thay đổi cho những trẻ em thiệt thòi nhất  (05/12/2014)
Đổi mới có thể mang lại sự thay đổi cho những trẻ em thiệt thòi nhất  (05/12/2014)
Đổi mới có thể mang lại sự thay đổi cho những trẻ em thiệt thòi nhất  (05/12/2014)
Hiệu quả Chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá ở Thành phố Hồ Chí Minh  (05/12/2014)
Một vài suy nghĩ về cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai của Quốc hội  (05/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay