Vấn đề lao động trẻ em

Bùi Ngọc Thanh
09:09, ngày 31-05-2008

Về nguyên tắc, trẻ em mới chỉ được quyền làm việc với tư cách là rèn luyện, tập dượt trong quá trình phát triển thể chất, nhân cách và tinh thần; chưa được phép tham gia lao động với ý nghĩa là một thành tố của lực lượng sản xuất xã hội và chưa phải nguồn thu nhập chính đối với gia đình. Điều đó thể hiện khá rõ ràng trong luật pháp quốc tế và trong nước.

Công ước số 138 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã quy định, tuổi tối thiểu được làm việc trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được dưới 15 tuổi(1). Còn ở nước ta, Bộ luật Lao động cũng đã nói rõ: Cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc(2) (những trường hợp ngoại lệ có quy định riêng).

Do các quy định đó nên các nước trên thế giới và ở nước ta hầu như không tổ chức việc thống kê theo dõi lao động trẻ em thường xuyên. Nhưng trên thực tế, từ lâu, trẻ em ở nhiều nước đã làm việc với tư cách một lao động kiếm sống cho mình và cho gia đình, nhất là các em ở độ tuổi 10-14 tuổi. Ở nước ta, theo các số liệu điều tra dân số định kỳ các năm 1979, 1989, 1999 và điều tra chọn mẫu giữa các kỳ cho thấy, số trẻ em 13-14 tuổi tham gia lao động (hoạt động kinh tế) ở thành thị khoảng 18%, ở nông thôn khoảng 38%.

Hơn hai thập kỷ nay, những trẻ em làm việc như người lớn để nuôi mình, nuôi gia đình không còn là hiện tượng cá biệt. Trong đó, đáng lưu ý nhất là những trẻ em tha phương, làm những công việc nặng nhọc quá sức với đồng tiền công thấp kém, rẻ mạt.

Để xử lý vấn đề này một cách căn bản, có hiệu quả, Nhà nước cần tiến hành một cuộc điều tra để đánh giá đúng hiện trạng, từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp (trong cuộc điều tra dân số định kỳ năm 2009 sắp tới, rất cần có thêm tiêu thức này). Hiện nay, theo những thông tin có được, trong số hàng triệu người tự do di trú từ nông thôn ra các đô thị tìm kiếm việc làm, có khoảng 25-30% là trẻ em dưới 14 tuổi. Đáng lo ngại hơn là, một bộ phận trẻ em hoặc do hoàn cảnh, hoặc bị lường gạt, ép buộc phải đến những vùng xa xôi (miền núi, biên giới...) làm cửu vạn, khai thác than “thổ phỉ”, khai thác đá quý, kim loại hiếm trong điều kiện lao động cực kỳ nặng nhọc, độc hại. Những công việc đó không những nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng mà tiền công hoàn toàn không tương xứng với hao phí lao động kiểu vắt sức...

Hiện tại, một bộ phận trẻ em không được học hành, và đã sớm phải bươn chải với cuộc sống lao động cực nhọc, vất vả. Vì sao có tình trạng này, nguyên nhân từ đâu? Đây là câu hỏi không dễ và chưa thể lý giải một cách mạch lạc, cặn kẽ, nhưng bước đầu có thể phân tích dưới góc độ những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có tác động mạnh mẽ đến lao động trẻ em.

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy thì hãn hữu mới có trẻ em phải làm lụng vất vả, những trường hợp đó chủ yếu là ở nông thôn. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa, ở khu vực phi nông nghiệp, chế độ tuyển dụng và sử dụng lao động bảo đảm cho trẻ em không lâm vào tình trạng làm việc trước tuổi, làm việc quá sức. Khi ấy doanh nghiệp tư nhân hầu như chưa có; chỉ tiêu biên chế, tiền lương của các cơ quan nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh không cho phép tuyển mộ trẻ em vào làm việc.

Điều lệ của các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã mua, bán tín dụng, vận tải... nói chung cũng không cho phép kết nạp xã viên là trẻ em. Chỉ có các hơp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất được phép sử dụng lao động dưới tuổi lao động, nhưng chỉ được sử dụng các em ở độ tuổi 13-15 tuổi, với quy định 3 lao động dưới tuổi bằng 1 lao động trong tuổi. Kết quả các cuộc điều tra lao động nông nghiệp những năm trước đây cho thấy, bình quân 1 lao động dưới tuổi lao động mỗi năm chỉ làm được khoảng 100 ngày công(3).

Khi bước vào nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế thì việc sử dụng lao động trẻ em đã khác biệt rất xa so với trước đây. Ngay trong nông nghiệp, nông thôn cũng đã có sự biến đổi lớn. Từ khi hộ gia đình trở thành đơn vị kinh tế tự chủ kinh doanh thì tất cả các hộ đều tận dụng cao độ sức lao động của gia đình mình, trong đó có lao động trẻ em, cho dù xã hội còn dư thừa lao động chính - lao động người lớn.

Như vậy, với 75% dân số sinh sống, làm việc ở nông thôn thì việc thu hút lao động trẻ em vào các công việc đồng áng, ruộng vườn đã mang tính phổ biến, nhất là vào thời gian các em nghỉ hè. Ở lĩnh vực công thương nghiệp, dịch vụ, do việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý lao động của các cấp không chặt chẽ nên không ít các công ty trách nhiệm hữu hạn, các doanh nghiệp tư nhân, các cửa hiệu, các sạp hàng, các cửa hàng ăn uống, giải khát... đã sử dụng khá nhiều lao động trẻ em trong các công việc nặng nhọc với thời gian làm việc hàng chục giờ trong ngày.

Cũng trong nền kinh tế thị trường, giãn cách giàu nghèo khá rõ. Nếu trong cơ chế cũ, khoảng cách giữa nhóm người giàu nhất so với nhóm người nghèo nhất chỉ là 4 - 5 lần thì bây giờ là 15 lần và hơn nữa. Sự đói nghèo trong cơ chế cũ ở nông thôn trước đây được xử lý ngay tại thôn, xã, hợp tác xã bằng cách điều hòa lương thực tại chỗ. Nay mỗi hộ là một đơn vị kinh tế nên không thể điều hòa được, không thể lấy lương thực nhà này đưa cho nhà khác.

Do đói nghèo mà một bộ phận trẻ em buộc phải ly hương đi tìm kiếm việc làm và lâm vào tình trạng bị lạm dụng sức lao động. Do áp lực về dân số và nguồn lao động khá mạnh và do thiếu tư liệu sản xuất, trước hết là đất canh tác, nên dòng người từ nông thôn đi tìm việc làm ở đô thị, ở các khu công nghiệp, các cửa khẩu với số lượng ngày càng lớn, trong đó có nhiều lao động trẻ em. Do sùng bái, ngộ nhận về “sức mạnh đồng tiền” nên người ta kiếm tiền bằng mọi cách, trong đó có việc bán non sức lao động. Do có nhiều biến cố lớn của một số gia đình (cha mẹ bất hòa, ly hôn hoặc do mải miết làm giàu, bị hút theo những ma lực khác... ) nên bỏ mặc con cái và đến lượt các em phải tự lo lấy cho mình, “bụng đói, đầu gối phải bò”, phải đi làm kiếm sống... Song nguyên nhân sâu sa hơn cả, đó là do một bộ phận không nhỏ các chủ doanh nghiệp tư nhân vì muốn tiết kiệm chi phí sản xuất đã sử dụng nhiều lao động vị thành niên với tiền công rẻ mạt.

Xử lý những vấn đề nói trên, không phải đơn giản. Bởi trên thực tế, các nguyên nhân có sự đan xen, lồng quyện tác động qua lại lẫn nhau. Vì thế, muốn tìm kiếm một giải pháp độc lập hữu hiệu, màu nhiệm là việc rất khó. Chúng ta cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp tạo ra một hợp lực cùng chiều để giải quyết thì mới đạt hiệu quả cao.

- Nhóm giải pháp thứ nhất gia đình và xã hội cùng có trách nhiệm với trẻ em. Điều có tính quyết định nhất là, người làm cha, làm mẹ hơn ai hết phải ý thức được nghĩa vụ của mình với con cái; mỗi tính toán, mỗi sự định đoạt của cha mẹ là một định hướng cuộc đời tương lai của các con, vì thế không vì nghèo túng, không vì bức xúc bởi đồng tiền, bát gạo mà bắt con cái phải bỏ học, sớm dấn thân vào những công việc quá nặng nhọc, lam lũ, đánh mất tuổi thơ trong trắng. Trong trường hợp này, về phía Nhà nước và cộng đồng phải thông qua các chính sách tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, miễn giảm học phí, viện phí, cứu trợ xã hội... để giúp họ có thể vượt qua khốn khó.

- Nhóm giải pháp luật pháp, chính sách, quản lý: Phải nhấn mạnh hơn nữa việc chống lạm dụng sức lao động trẻ em. Trong chương trình hành động bảo vệ và phát triển trẻ em Việt Nam (được Chính phủ quyết định từ thập niên cuối cùng của thế kỷ trước) và trong chỉ đạo thực hiện chương trình này, cho đến nay hầu như mới chỉ tập trung nhiều vào bốn loại vấn đề là sức khỏe cho mọi trẻ em; giáo dục tiểu học; chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần; quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một chừng mực nào đó có nói đến giáo dục trẻ em hư, phạm pháp, nhưng chưa đề cập thỏa đáng đến việc chống lạm dụng sức lao động trẻ em là vấn đề xuất hiện và phát triển khá nhanh trong nền kinh tế thị trường.

Năm 1994, Quốc hội khóa IX đã thông qua Bộ luật Lao động và Luật có hiệu lực từ 01-1-1995. Điều 119 khoản 2 nói “Nghiêm cấm lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên”, nhưng từ đó đến nay, các cơ quan hữu trách cũng chưa giám sát, kiểm tra, kiểm soát xem điều khoản này được thực hiện như thế nào. Chúng tôi cho rằng, trong nền kinh tế thị trường và trong tình hình hiện nay, phải nhấn đậm vấn đề bảo vệ và phát triển của trẻ em, triệt để chống lạm dụng sức lao động trẻ em. Vì nếu trẻ em lâm vào tình trạng lao động sớm, làm việc quá sức thì các mục tiêu bảo vệ sức khỏe, giáo dục đào tạo, văn hóa tinh thần... đều khó mà thực hiện được. Mặt khác, các cơ quan chức năng phải tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện Điều 119 khoản 2 Bộ luật Lao động và xử lý vi phạm một cách nghiêm khắc, khách quan.

- Nhóm giải pháp thứ ba là tuyên truyền vận động (trong đó phải quan tâm nhiều đến khu vực nông thôn): Trong nhiều thông tin khó đến được các vùng nông thôn xa xôi thì có thông tin về lao động và việc làm. Trong thông tin về lao động và việc làm thì các thông tin về lạm dụng sức lao động trẻ em và biện pháp ngăn ngừa lại càng ít ỏi và hầu như không có. Do thiếu thông tin, nên có những gia đình cho con thôi học để ra thành phố kiếm sống với mong muốn vừa bớt được nhân khẩu phải nuôi, vừa đỡ đần được cha mẹ, khi xảy ra hậu quả nặng nề thì đã muộn. Thiết nghĩ, các chương trình thời sự, chương trình vì trẻ thơ, chương trình thiếu niên nhi đồng của đài truyền hình, đài phát thanh phải nói kỹ, nói rõ, nói theo cách dân dã để ông bà, cha mẹ các cháu hiểu được vấn đề.

Các chương trình văn hóa, văn nghệ cũng cần đề cập sâu sắc tới vấn đề này. Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên phải phổ biến các kiến thức thiết thực đến các em. Các cơ quan chức năng của Nhà nước phải giới thiệu, phổ biến, tập huấn sâu rộng Bộ luật Lao động (chương 11, mục lao động chưa thành niên) đến mọi người dân, có lưu ý đầy đủ đến những người sử dụng lao động nhất là các cơ sở, các hộ tư nhân sản xuất, kinh doanh. Theo chúng tôi, cần phải sớm xử lý tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em, vì phấn đấu tăng được một, hai ki-lô-gam trọng lượng trung bình và một, hai xăng-ti-mét chiều cao của độ tuổi thiếu niên không phải chỉ ngày một, ngày hai, mà là cả một quá trình, có khi đến hàng thập niên, nếu càng để lâu không xử lý được càng muộn, càng bất lợi mà hậu quả thấy ngay được là một thế hệ lao động mới với thể lực và trí tuệ không đáp ứng được yêu cầu nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa./.
 

(1) Một số công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xuất bản tháng 12-1993, trang 225.
(2) Bộ luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1994, điều 120.
(3) Kết quả điều tra lao động nông nghiệp miền Bắc các năm 1976, 1977, 1978, 1979. Năm 1976 một lao động dưới tuổi làm 99 ngày công, năm 1977 là 102, năm 1978 là 107 và năm 1979 là 96 ngày công. Tài liệu của Bộ Lao động (cũ), này là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.