Nâng cao trình độ công nghệ - phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam
Khoa học, công nghệ chưa thật sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản về phát triển công nghệ ở Việt Nam. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để tạo dựng môi trường công nghệ cho nguồn lực trí tuệ phát triển. Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đã đề ra định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ: “Đến nǎm 2020 đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực ở các ngành kinh tế trọng điểm như công nghệ sinh học, sản xuất lương thực, chế biến nông - lâm - hải sản, cơ khí điện tử, công nghệ thông tin, bưu chính - viễn thông, khai thác và chế biến dầu khí, giao thông vận tải, xây dựng, vật liệu cơ bản, sản xuất và sử dụng nǎng lượng, y dược. Phát triển một số ngành công nghiệp biển. Ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học hiện đại nhằm tiếp cận với trình độ thế giới trong một số lĩnh vực quan trọng, làm cơ sở vững chắc cho phát triển các nghành công nghiệp hiện đại”(1).
Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg, ngày 31-12-2003, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 đã xác định: “Trong điều kiện của nước ta hiện nay, cần lấy nhập công nghệ từ các nước phát triển là chủ yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế - kỹ thuật; đồng thời nâng cao năng lực khoa học và công nghệ nội sinh để tiếp thu có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại của thế giới. Đổi mới cơ chế quản lý nhằm khai thác tối đa năng lực khoa học và công nghệ hiện có trong nước, vừa tranh thủ tiếp thu, ứng dụng nhanh chóng và có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới”(2).
Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, thực trạng công nghệ của Việt Nam hiện nay được Đại hội XI của Đảng chỉ rõ, “Khoa học, công nghệ chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy, chưa gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường khoa học, công nghệ còn sơ khai, chưa tạo sự gắn kết có hiệu quả giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh. Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, sử dụng chưa hiệu quả. Trình độ công nghệ nhìn chung còn lạc hậu, đổi mới chậm”(3).
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (2010 - 2011) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, trình độ công nghệ của Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á và chưa thể so với các nước Đông Á. Với trình độ công nghệ như vậy, nhu cầu về lực lượng trí tuệ nước ta sẽ không cao, vì thế, xã hội sẽ thiếu động lực đầu tư xây dựng lực lượng lao động trí tuệ; mặt khác, nếu có xây dựng được thì giá trị của lực lượng lao động trí tuệ Việt Nam cũng không thể phát huy được. Vấn đề ở đây chính là phải nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam một cách hợp lý.
Định hướng chiến lược phát triển công nghệ
Tại Đại hội XI, Đảng ta xác định 3 nhiệm vụ cơ bản về phát triển khoa học, công nghệ: “nâng cao năng lực khoa học, công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng”(4). Để thực hiện được những vụ này, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần lựa chọn đúng định hướng chiến lược phát triển công nghệ. Hiện nay, các chuyên gia đã xác định có 6 định hướng chiến lược phát triển công nghệ: 1- Chiến lược dẫn đầu công nghệ bằng Research & Development - Nghiên cứu và Phát triển (R&D); 2- Chiến lược dẫn đầu công nghệ bằng cách đi mua; 3- Chiến lược theo sát công nghệ bằng R&D; 4- Chiến lược theo sát công nghệ bằng cách đi mua; 5- Chiến lược tự nghiên cứu và phát triển công nghệ; 6- Chiến lược liên tục học tập và sáng tạo công nghệ (5).
Hơn 10 năm qua, với mong muốn “đi tắt, đón đầu”, Việt Nam đã ưu tiên lựa chọn giải pháp “lấy ứng dụng, chuyển giao công nghệ là chính”. Nói cách khác, quan điểm ưu tiên đi mua công nghệ là rõ ràng và nhất quán. Nhà nước đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để thu hút các tập đoàn công nghiệp có trình độ công nghệ cao của nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam với hy vọng qua đó tiến hành chuyển giao công nghệ mới, phát triển hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhưng, cho tới nay, điều mà chúng ta mong muốn vẫn không xảy ra hoặc có chăng chỉ dừng lại ở mức độ cầm chừng. Ngoài một số công ty có chiến lược đầu tư và sản xuất tương đối bài bản và thực sự có thành ý với sự phát triển của ta thì không ít các công ty, tập đoàn khác chỉ lợi dụng những chính sách ưu tiên của Nhà nước Việt Nam để thu lợi.
Với xuất phát điểm trình độ công nghệ thấp, tiềm lực tài chính có hạn, việc lựa chọn chiến lược phát triển công nghệ của chúng ta thật khó khăn. Việt Nam khó có thể lựa chọn chiến lược dẫn đầu công nghệ dù là thông qua con đường R&D hay đi mua (chiến lược 1 và 2). Chiến lược theo sát công nghệ bằng cách đi mua (4) cũng không thể là chiến lược then chốt. Các chiến lược (3), (5) và (6) có vẻ khả thi hơn. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định điều này: “Hướng mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ... Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với tiếp nhận công nghệ nước ngoài”(6). Như vậy, định hướng phát triển công nghệ hiện nay đã được Đảng ta xác định là tập trung vào phát triển công nghệ theo tinh thần chung là “tự lực cánh sinh”. Đây là một sự chuyển hướng đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên, với đặc điểm tư duy truyền thống không mạnh về tư duy lô-gic, tư duy sáng tạo lý thuyết, với chất lượng giáo dục Việt Nam, với khả năng đầu tư kinh phí lớn, kéo dài cho nghiên cứu cơ bản về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học - kỹ thuật, và cả với năng lực quản lý phát triển công nghệ hiện nay thì việc lựa chọn chiến lược tự lực cánh sinh cũng đòi hỏi phải dựa trên nền tảng là sự thống nhất nhận thức và quyết tâm cao độ của toàn xã hội vì tiền đồ chung của dân tộc, phải dựa trên một lộ trình hợp lý, phải có cơ quan chuyên trách chỉ đạo sáng suốt, nhất quán và công tâm thì mới thành công.
Thứ hai, thực tế so sánh các chỉ số liên quan đến trình độ công nghệ mà báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2010 - 2011 của WEF đưa ra cho thấy, dù là lựa chọn chiến lược phát triển nào, các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đã thành công trong chiến lược phát triển đều đạt điểm khá cao trên hầu hết các chỉ số. Điều đó có nghĩa là nếu lựa chọn định hướng tự phát triển công nghệ thì sự đầu tư cho phát triển công nghệ phải là sự đầu tư một cách toàn diện.
Trước hết là phải đầu tư nâng cao chỉ số xếp hạng về chất lượng giáo dục toán và các khoa học tự nhiên, khoa học - kỹ thuật. Đây chính là nền móng của mọi sáng tạo công nghệ. Cần phải thay đổi tư duy về nghiên cứu và giáo dục khoa học cơ bản, trong đó có toán và khoa học tự nhiên, khoa học - kỹ thuật. Không thể đối xử với khoa học cơ bản giống như các khoa học ứng dụng khác, không thể buộc khoa học cơ bản phải tồn tại theo cách chạy theo nhu cầu của thị trường. Nhà nước cần phải coi việc đầu tư cho nghiên cứu và giáo dục khoa học cơ bản phải là trách nhiệm của Nhà nước. Đây là một bài học mà chúng ta đúc rút được từ kinh nghiệm thành công của các quốc gia tiên phong về công nghệ.
Đồng thời, cần phải nâng cao chỉ số xếp hạng về chất lượng của các thiết chế nghiên cứu khoa học, các thiết chế hoạt động R&D. Ngoài thiết chế trường đại học, còn phải chú ý tới các loại thiết chế nghiên cứu khoa học, hoạt động R&D, đang xuất hiện một cách phong phú, đa dạng trong xã hội. Nhà nước cần tạo dựng một hành lang pháp lý thuận lợi và các điều kiện ưu đãi nhằm khuyến khích sự ra đời và hoạt động của các thiết chế này, cho dù đó là các thiết chế thuộc các cơ quan nhà nước, hay là các thiết chế xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/1999/NĐ-CP, ngày 18-9-1999, về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ. Những chính sách ưu đãi đi cùng với Nghị định ấy đã phát huy những tác dụng nhất định. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ, nghiên cứu và phát triển là hoạt động mạo hiểm: Thứ nhất, đầu tư lớn mà khó/không chắc/lâu thu được kết quả; Thứ hai, khả năng thu hồi vốn thấp do “tuổi thọ” của các phát minh, sáng chế ngày càng ngắn, giá trị sử dụng không thể có tính độc quyền, nguy cơ bị mất quyền sở hữu rất lớn. Chính vì thế, vai trò hỗ trợ của Nhà nước xét trên các phương diện từ thể chế đến tài chính đối với các thiết chế này là vô cùng quan trọng.
Nhà nước cũng cần tạo các điều kiện phát triển mối quan hệ giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp (tức là nâng cao chỉ số University - Industry Collaboration in A&D). Các trường đại học thì hỗ trợ công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nhân viên cho các doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp thì đầu tư kinh phí cho hoạt động của trường đại học. Tăng cường quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp chính là gắn kết giữa cung và cầu, giữa nghiên cứu và ứng dụng, là cơ chế huy động các nguồn lực cho giáo dục, đào tạo lao động trí tuệ.
Ngoài việc tăng đầu tư ngân sách, có chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động R&D và việc ứng dụng các sản phẩm của nó, cần phát triển mạnh các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Ngày 20-10-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2003/NĐ-CP về thành lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ quốc gia; ngày 16-5-2007, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC về quy chế tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho sự hình thành và phát triển các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, ở Việt Nam các Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thực sự phát triển, đặc biệt là chưa huy động được nguồn lực tài chính từ phía xã hội để đẩy mạnh các hoạt động R&D.
Thứ ba, cần đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ là những sản phẩm khó xác định giá trị. Thị trường chính là một cơ chế định giá quan trọng cần phải được sử dụng. Chính vì thế, phát triển thị trường khoa học, công nghệ sẽ góp phần xác định chính xác hơn giá trị của khoa học, công nghệ, qua đó góp phần thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển.
Trong quá trình đổi mới, cùng với quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường khoa học và công nghệ cũng cần thực sự hình thành và phát triển. Các sản phẩm khoa học và công nghệ tham gia giao dịch trên thị trường này càng nhiều hơn về số lượng, đa dạng hơn về chủng loại; các chủ thể giao dịch tham gia thị trường cũng ngày càng đông hơn; các yếu tố hỗ trợ thị trường cũng ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần bảo đảm cho giao dịch trên thị trường được diễn ra lành mạnh hơn. Tuy nhiên, ngoài những thành quả nêu trên, thị trường khoa học, công nghệ Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề: sản phẩm và dịch vụ nội địa giao dịch trên thị trường còn thưa thớt, chủ yếu là sản phẩm và dịch vụ của nước ngoài. Hơn nữa, chất lượng của sản phẩm và dịch vụ nước ngoài, nhất là về công nghệ còn thấp; năng lực của các chủ thể tham gia giao dịch trên thị trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu am hiểu và tính chuyên nghiệp; các yếu tố hỗ trợ thị trường vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục phát triển thị trường khoa học, công nghệ trong thời gian tới, cần chú ý một số giải pháp sau: 1) Hoàn thiện môi trường pháp lý để bảo đảm sự hoạt động lành mạnh của thị trường, trong đó đặc biệt quan trọng là hoàn thiện Luật Sở hữu tài sản trí tuệ; 2) Bảo đảm tính công khai, minh bạch, đầy đủ của thông tin thị trường; 3) Nâng cao dần chất lượng nguồn cung; 4) Xây dựng hệ thống thị trường vệ tinh hỗ trợ thị trường khoa học, công nghệ; 5) Từng bước nâng cao năng lực của các chủ thể Việt Nam khi tham gia thị trường.
Thứ tư, ngoài những giải pháp nhằm nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam như trên, còn cần phải quan tâm một cách sâu sắc hơn đến tính hợp lý của công nghệ. Công nghệ cũng chỉ là phương tiện để đạt mục đích của con người. Không thể phủ nhận rằng, sự phát triển của khoa học, công nghệ đã giúp giải quyết được khá nhiều vấn đề của con người. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề lớn của con người mà công nghệ đã không thể giải quyết, chẳng hạn như khoa học, công nghệ đã phát triển suốt mấy chục năm qua nhưng những vấn đề về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn trầm trọng hơn; nhiều căn bệnh/dịch bệnh mới xuất hiện và lan tràn khắp toàn cầu; khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình đẳng không thể được giải quyết chỉ nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ; tình trạng thất nghiệp vẫn tồn tại dai dẳng nếu không muốn nói là đang gia tăng.
Đấy là chưa kể những vấn đề mà sự phát triển khoa học, công nghệ gây ra đối với con người, chẳng hạn như thay vì rút ngắn thời gian lao động, sự phát triển của công nghệ làm cho cuộc sống của con người trở nên bận rộn và gấp gáp hơn bao giờ hết; thay vì tạo ra sự hứng thú, kích thích sức sáng tạo của con người, sự phát triển của công nghệ chỉ dành điều đó cho một thiểu số nhỏ, còn lại là biến đa số người lao động thành những cỗ máy hoạt động theo đòi hỏi của quy trình công nghệ; thay vì làm cho con người có điều kiện gần gũi với giới tự nhiên, nó lại làm cho con người ngày càng xa cách tự nhiên hơn; thay vì giúp con người làm chủ bản thân tốt hơn, thì nó lại kích thích những ham muốn hưởng thụ của con người tiêu dùng trong một xã hội tiêu thụ; thay vì bổ sung thêm những công cụ lao động mới, nó lại tước đoạt và làm tha hóa những công cụ lao động cố hữu của con người đó là khối óc và đôi bàn tay... (7).
Xây dựng nền công nghệ nhân bản
Đã đến lúc “chúng ta phải đương đầu với vấn đề công nghệ: công nghệ đã làm gì và cần làm những gì? Liệu chúng ta có thể triển khai được một nền công nghệ mà nó thực sự giúp cho việc giải quyết những vấn đề của chúng ta, một nền công nghệ mang bộ mặt nhân bản được không”(8). “Nền công nghệ mang bộ mặt nhân bản” là một khái niệm có tính triết lý sâu sắc. Nó đòi hỏi đặt con người và những giá trị người vào vị trí trung tâm, vào mục đích của sự phát triển khoa học, công nghệ, đồng thời đặt khoa học, công nghệ trở về đúng vị trí phương tiện của nó. Quả thật, chúng ta cần phải suy tư một cách rất sâu sắc để tìm ra/lựa chọn/xây dựng một nền công nghệ phù hợp tính cách, tâm hồn và hệ thống giá trị của con người Việt Nam, một nền công nghệ không chỉ có khả năng tạo sinh của cải vật chất mà quan trọng hơn, còn phải giữ gìn, bồi đắp và tạo sinh những giá trị tinh thần.
Nghiên cứu, phát triển “công nghệ trung gian”, “công nghệ sạch”, “công nghệ thân thiện với môi trường”, “công nghệ mang bộ mặt nhân bản”,… - chúng ta có thể gọi loại công nghệ ấy bằng nhiều cái tên - có lẽ đó là con đường ra của chúng ta. Tháng 7-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 49/2010/QĐ-TTg phê duyệt danh mục 46 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục 76 sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư. Đây là một việc làm cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy tư thấu đáo hơn ở tầm chiến lược về vấn đề lựa chọn loại hình công nghệ để tránh rơi vào con đường bế tắc mà nhiều nước phương Tây đang đi, đồng thời có thể thực hiện được mục tiêu chấn hưng đất nước. Nói cách khác, để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững, không thể không xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam; muốn xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam, không thể không nâng cao trình độ công nghệ. Tuy nhiên, để sự phát triển công nghệ không quay trở hại hủy hoại các mục tiêu phát triển, cần phải nâng cao trình độ công nghệ một cách hợp lý. “Hợp lý” ở đây chính là phải phát triển một nền công nghệ sạch, công nghệ “mang bộ mặt nhân bản”.
Xây dựng môi trường thuận lợi là một giải pháp quan trọng để phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam. Môi trường thuận lợi cho việc phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam bao gồm việc lựa chọn và áp dụng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; xây dựng môi trường kích thích tính tích cực của người lao động trí tuệ, cụ thể là xây dựng đội ngũ lãnh đạo có đủ Nhân, Trí, Dũng, tạo điều kiện để người lao động có đầy đủ công cụ lao động, công việc và chế độ đánh giá và đãi ngộ xứng đáng,... Ngoài ra, môi trường thuận lợi cho phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam còn là một nền công nghệ phát triển hợp lý.
Để xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam nói chung, nâng cao trình độ công nghệ Việt Nam nói riêng, cần có sự tham gia của nhiều chủ thể, từ cấp vĩ mô là Đảng và Nhà nước, đến cấp vi mô là các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp,... và đến tận mỗi thành viên của xã hội. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước - lực lượng lãnh đạo và quản lý xã hội - là chủ yếu nhất./.
---------------------------------------------
Chú thích:
(1) http://www.tapchibcvt.gov.vn/News/PrintView.aspx?ID=17660
(2) http://www.vass.gov.vn/gioi_thieu/mlfolder.2007 - 11 - 28.0856406468/mlfolder.2007 - 11 - 28.2269069866/ mlfolder.2007 - 11 - 28.3869683342/mltextrule.2008 - 04 - 04.7404848967
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, H, 2011, tr. 218
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, H, 2011, tr. 218
(5) Xem: Hoàng Đình Phi: Học tập và sáng tạo công nghệ - Chìa khóa để xây dựng năng lực công nghệ và khả năng cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2009
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, H, 2011, tr. 220
(7) Xem E.F. Schumacher: Nhỏ là đẹp, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1995, tr. 212; Helga Nowotny, Peter Scott, Michael Gibbons: Tư duy lại khoa học; Edgar Morin: Trái đất Tổ quốc chung; Richard Bergeron: Phản phát triển - cái giá của chủ nghĩa tự do. Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995
(8) E.F. Schumacher: Nhỏ là đẹp, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1995, tr. 212
Khánh Hòa có thêm một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh  (07/04/2014)
Vĩnh Phúc bổ sung thêm một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh  (07/04/2014)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Bulgaria  (07/04/2014)
Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ với Bulgaria  (07/04/2014)
Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Bulgaria  (07/04/2014)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên