Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu
TCCS - Bạc Liêu là tỉnh nghèo, các điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển kinh tế. Do vậy, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Bạc Liêu đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Là một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.541km2 với hơn 56 km bờ biển; có 150 ngàn hec-ta đất trồng lúa; 100 ngàn hec-ta đất nuôi trồng thủy sản, 10 ngàn hec-ta trồng hoa màu và gần 2 ngàn hec-ta đất sản xuất muối thực phẩm với sản lượng hàng hóa lớn; 74% dân số sinh sống ở nông thôn và trên 80% số hộ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, sau khi công trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau hoàn thành, diện tích tự nhiên của tỉnh chia thành 2 vùng sinh thái mặn - ngọt, làm đa dạng thêm tiềm năng và khả năng phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trước năm 2000, khu vực nông thôn của tỉnh gần như biệt lập với khu vực đô thị, việc đi lại của nhân dân chủ yếu bằng đường thủy trên các tuyến sông, rạch. Từ thực tế đó, mặc dù ở giai đoạn mới tái lập tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Tỉnh ủy chủ trương tạm dừng xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan cấp tỉnh, tập trung các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và văn hóa - xã hội khu vực nông thôn. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng. Từ năm 2001 đến 2008, tỉnh đã đầu tư 3.944 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài 7.324 km và 4.430 cây cầu có chiều dài tổng cộng 86,46 km. Tổng vốn đầu tư gần 880 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 200 tỉ đồng. Đến cuối năm 2008, toàn tỉnh có 31/50 xã có đường ô tô đến trung tâm xã và 472/472 ấp có đường giao thông nông thôn láng bê tông và trải nhựa.
Tỉnh đầu tư gần 297 tỉ đồng cho xây dựng các công trình điện: 96 công trình điện hoàn chỉnh đưa vào sử dụng ổn định, với 1.249 km đường dây trung thế, 2.248 km đường dây hạ thế, 1.331 trạm biến áp với tổng dung lượng 35.670 KVA. Đến thời điểm cuối tháng 11-2008 đã có 100% số xã, thị trấn trong toàn tỉnh có lưới điện quốc gia, 85% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện. Với việc đầu tư xây dựng 73 trạm cấp nước tập trung, cộng với 96.300 giếng nước ngầm (giếng khoan) trong dân, Bạc Liêu nâng tỷ lệ các hộ dân được dùng nước sạch ở nông thôn lên 85%.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa từ năm 2001 đến năm 2008, Bạc Liêu đã đầu tư hơn 444 tỉ đồng cho công tác thủy lợi, trong đó Trung ương đầu tư gần 180 tỉ đồng, tỉnh đầu tư hơn 230 tỉ đồng, huy động trong nhân dân hơn 30 tỉ đồng, chưa tính giá trị đất do nhân dân đóng góp cho các công trình. Tỉnh hoàn thành cơ bản hệ thống kênh cấp I, cấp II đối với vùng ngọt ổn định, vùng chuyển đổi ngọt và lợ phía bắc quốc lộ 1A...
Mục tiêu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được thực hiện tích cực. Hiện nay, 100% khâu làm đất và suốt lúa được thực hiện bằng cơ giới, 80% diện tích trồng lúa được gieo sạ bằng máy sạ hàng; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu thu hoạch, phơi sấy lúa, phun thuốc trừ sâu rầy, tưới tiêu từng bước được nâng lên.
Công tác khuyến nông, khuyến ngư và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật được liên tục đẩy mạnh, trình độ và hiệu quả sản xuất của nông dân không ngừng được nâng lên. Hơn 70% diện tích đất trồng lúa được trồng các giống lúa chất lượng cao và áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác mới; năng suất lúa tăng từ 4,5 tấn - 5 tấn/ha/vụ (năm 2001) lên 5,5 tấn/ha/vụ (năm 2008); 2 giống lúa đặc sản của địa phương là Tài nguyên và Một bụi đỏ được xây dựng chỉ dẫn địa lý; nhiều mô hình sản xuất kết hợp trên nền đất lúa có hiệu quả như: mô hình tôm - lúa với 25.566 ha, lúa - cá là 1.300 ha, lúa - màu có 1.300 ha cho doanh thu khoảng 40 triệu - 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được: 20 triệu - 30 triệu đồng/ha... Nghề làm muối cũng đang có chiều hướng phát triển tích cực, từ sản xuất muối đen sang sản xuất muối trắng chất lượng cao, hằng năm cung cấp cho thị trường trên 60 nghìn tấn muối hàng hóa. Có 80% diện tích đất làm muối được tận dụng sản xuất kết hợp sản xuất muối - cá kèo và muối - tôm, cua cá... lợi nhuận thu được từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/ha.
Các hình thức tổ chức, quản lý trong sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Toàn tỉnh có 54 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và 1.948 trang trại... Bình quân lương thực đầu người đạt trên 800kg/năm, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 200 nghìn tấn lúa hàng hóa; hơn 250 ngàn con lợn và 1,5 triệu con gà, vịt...
Để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình có liên quan: Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển công nghiệp đến năm 2010; Nghị quyết về phát triển kinh tế thủy sản; Chương trình xây dựng khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2010; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2010 và những năm tiếp theo; Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng thị xã Bạc Liêu và trung tâm các huyện; Chương trình phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo... Nhờ đó sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của tỉnh đã có sự phát triển đáng kể; toàn tỉnh có 1.172 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 2.369 tỉ đồng, trong đó có 9 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với số vốn đầu tư gần 49 triệu USD.
Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khu vực nông thôn cũng có chiều hướng phát triển tích cực; nhiều chợ nông thôn được xây dựng mới và đầu tư nâng cấp cho các chợ cũ, chiếm trên 50% số chợ hiện có trên địa bàn tỉnh; hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hàng ngàn hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, bằng 17% số hộ trong nông thôn, giá trị thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn chiếm 8,91% giá trị thương mại, dịch vụ trong tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn chiếm 4,15% giá trị công nghiệp trong tỉnh.
Nhờ những nỗ lực tích cực mà quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh có bước chuyển biến nhanh. Đến cuối năm 2008, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 52,39% trong cơ cấu chung; công nghiệp, xây dựng chiếm 24,32%; dịch vụ, thương mại chiếm 23,29%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng năm 2008 đạt 5.535 tỉ đồng (trong đó công nghiệp 2.821 tỉ) ; giá trị sản xuất nông nghiệp 7.724 tỉ đồng; giá trị thương mại, dịch vụ 3.392 tỉ đồng.
Một số tồn tại cần khắc phục
Nông nghiệp, mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, chi phối sự phát triển của tỉnh và đời sống nhân dân, nhưng giá trị tuyệt đối, quy mô sản xuất nhỏ nên mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại chưa có điều kiện phát triển: bình quân mỗi hộ nông dân có 1,7 ha; số hộ có diện tích đất sản xuất từ 5 ha tới 9 ha khoảng 600 hộ, từ 10 ha trở lên khoảng 40 hộ...; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu thu hoạch, phơi sấy lúa, phun thuốc trừ sâu rầy mới đáp ứng khoảng 6% - 10% nhu cầu; thất thoát sau thu hoạch còn lớn, trung bình 12%; nguồn điện và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mà nông dân không tự giải quyết được và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước như: việc cập nhật những kiến thức khoa học, kỹ thuật sản xuất mới; nguồn vốn đầu tư; thị trường tiêu thụ hàng hóa; liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; khả năng hình thành các doanh nghiệp, trạng trại sản xuất có quy mô lớn...
Điều kiện để phát triển công nghiệp và dịch vụ, thương mại còn nhiều bất cập; nguồn vốn và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh còn nhiều hạn chế; các khu, cụm công nghiệp của tỉnh chưa được xây dựng; chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư chậm cải thiện... cũng làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động dịch vụ, thương mại.
Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn, vướng mắc trên đây, một mặt, do thiếu các chính sách nhất quán, thiếu nguồn vốn đầu tư đủ mạnh, nhất là vốn đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; mặt khác, do nhận thức và cách làm chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường kéo dài, chậm được khắc phục...
Giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh
Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế, trong thời gian tới Bạc Liêu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng gắn quy hoạch phát triển của địa phương với quy hoạch toàn vùng, làm cơ sở cho việc định hướng đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất phù hợp với thế mạnh của địa phương và nhu cầu của thị trường.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành kết cấu hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, như khu công nghiệp Trà Kha, khu công nghiệp Láng Trâm và cụm công nghiệp Ninh Quới để thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Có chính sách và tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ba là, quán triệt sâu sắc quan điểm: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ...” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010 trong các cấp ủy, chính quyền, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khắc phục việc lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hình thức, phong trào..., thay đổi cách suy nghĩ và thói quen sản xuất nhỏ của người nông dân, hình thành phong cách sản xuất mới phù hợp với kế hoạch chung và nhu cầu của thị trường.
Bốn là, thường xuyên thực hiện chuyển giao, hướng dẫn ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và hiện đại hóa các khâu sản xuất: lựa chọn và sản xuất giống, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, thu hoạch, chế biến, bảo quản; công tác quản lý...; hướng tới phát triển nền nông nghiệp hàng hóa với sản phẩm sạch, có năng suất, chất lượng cao và sức cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng, thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo chính xác thị trường, tránh gây thiệt hại cho người sản xuất, kịp thời định hướng cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả.
Năm là, hỗ trợ quá trình tích tụ ruộng đất một cách hợp lý, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; khuyến khích phát triển mô hình sản xuất trang trại, hợp tác xã, các loại hình dịch vụ và doanh nghiệp ở nông thôn, đầu tư cơ giới hóa các khâu sản xuất... Tăng cường quản lý sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và quản lý xã hội khu vực nông thôn chặt chẽ hơn...
Để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy phát triển theo mục tiêu đã đề ra, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị:
1 - Đảng, Chính phủ cần đổi mới việc chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đối với từng khu vực: xác định cơ cấu kinh tế cho từng vùng kinh tế trọng điểm, mỗi tỉnh căn cứ vào cơ cấu đó đầu tư, khai thác tối đa các ngành kinh tế có lợi thế. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mỗi tỉnh tự xác định cơ cấu kinh tế cho địa phương mình. Việc mỗi địa phương tự xác định chỉ tiêu và chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế như đã thực hiện trong thời gian qua là không còn phù hợp, bởi thực tế đã làm phân tán nguồn lực đầu tư, làm cản trở quá trình hình thành và phát triển những sản phẩm hàng hóa chủ lực của từng vùng... Đồng thời, xem phát triển công nghiệp không chỉ là số lượng các nhà máy công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu kinh tế chung... mà đó chính là sự tăng lên của yếu tố công nghiệp (áp dụng máy móc, thiết bị...) và có tính chất công nghiệp (kỹ thuật, công nghệ, mô hình quản lý hiện đại, phương thức buôn bán...) trong các ngành sản xuất, làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư phát triển của địa phương.
2 - Chính phủ có chiến lược về thị trường và quan tâm giải quyết vấn đề thị trường nông sản hàng hóa nhằm bảo đảm lợi ích và hạn chế thiệt hại cho nông dân. Nên giao cho một cơ quan hoặc một tổ chức thống nhất thực hiện công tác xúc tiến thương mại cho từng vùng hoặc từng nhóm, loại sản phẩm; tránh tình trạng mỗi tỉnh tự tiến hành xúc tiến thương mại như hiện nay... vừa lãng phí, vừa kém hiệu quả, thậm chí còn gây thiệt hại do việc cạnh tranh giữa các địa phương, vùng, miền, khu vực.
3 - Bạc Liêu là tỉnh nằm trong vùng sản xuất lương thực, thủy sản hàng hóa trọng điểm của cả nước. Do đó, Chính phủ cần sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lương thực và nuôi trồng thủy sản bảo đảm yêu cầu sản xuất bền vững, đầu tư những công trình trọng điểm mang tính động lực, như mở rộng cảng cá Gành Hào, các tuyến quốc lộ nối liền khu vực ven biển Đông đi Hậu Giang và Kiên Giang... nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương, thu hút đầu tư, tiêu thụ nông sản hàng hóa; có chính sách hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh và những biến động bất lợi của thị trường; quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với nông dân; nâng tiêu chí hộ nghèo cho phù hợp với thực tế cuộc sống; tăng cường đầu tư, hỗ trợ quá trình đô thị hóa nông thôn.
Để thay đổi nhận thức và đổi mới việc chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh theo quy hoạch chung, phù hợp với nền kinh tế thị trường Chính phủ và các bộ, ngành cần lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất quá trình này./.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu  (09/04/2009)
Họp báo Bộ Ngoại giao ngày 9-4-2009  (09/04/2009)
Bộ Chính trị kết luận về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình"  (09/04/2009)
Phát triển mạng lưới đô thị đồng bộ, hiện đại  (09/04/2009)
Cu-ba và Mỹ mong muốn sớm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước  (09/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển