TCCSĐT - Nhận diện nguy cơ tham nhũng nảy sinh trong hoạt động công vụ một mặt, giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý nắm bắt, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; giúp người dân nhận biết, cảnh giác và lên tiếng tố cáo các hành vi tham nhũng. Mặt khác, nó có tác dụng cảnh báo, thức tỉnh cán bộ, công chức tránh xa những hành vi tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ.

Hoạt động công vụ luôn gắn liền với quá trình cán bộ, công chức triển khai trong thực tế các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Trong quá trình thực thi công vụ, nếu mỗi cán bộ, công chức biết tôn trọng, đề cao và tuân thủ pháp luật, biết đặt lợi ích của Nhà nước, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, biết tiết chế lòng tham để hoàn thành chức trách công vụ thì sẽ không có chỗ cho hiện tượng tham nhũng. Ngược lại, một khi nền tảng pháp luật điều tiết hoạt động công vụ bị cán bộ, công chức phớt lờ, lợi ích của Nhà nước, của công dân bị bỏ qua, lòng tham trỗi dậy làm lu mờ chức trách thì cũng là lúc cán bộ, công chức có thể dính líu vào hành vi tham nhũng; làm cho chuẩn mực đạo đức công vụ “chí công vô tư” bị biến dạng. Chính vì hành vi tham nhũng nảy sinh chủ yếu từ quá trình cán bộ, công chức thực thi công vụ nên việc nhận diện nguy cơ tham nhũng nảy sinh trong quá trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, bài viết này xin nhận diện những hành vi tham nhũng có nguy cơ xảy ra.

Tham ô tài sản

Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, được thực hiện bởi người có trách nhiệm quản lý tài sản đó. Hành vi tham ô tài sản chỉ có thể xảy ra ở những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản. Trách nhiệm quản lý tài sản có thể là trách nhiệm quản lý về mọi mặt đối với những tài sản nhất định, như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị; cũng có thể chỉ là trách nhiệm quản lý trên thực tế, như thủ kho có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản những tài sản mà mình được giao quản lý, hoặc kế toán có trách nhiệm quản lý, bảo vệ những văn bản, giấy tờ (chứng từ, hóa đơn)...

Trách nhiệm quản lý tài sản mà cán bộ, công chức có được là do chức năng, nhiệm vụ công tác được cơ quan, đơn vị giao cho một cách chính thức; sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao đó trong quá trình thực thi công vụ. Trong quá trình thực hiện công vụ, cán bộ, công chức có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý tài sản để chiếm đoạt những tài sản mà mình đang quản lý; chức vụ, quyền hạn được giao có thể được sử dụng như là điều kiện, phương tiện để dễ dàng chuyển tài sản được giao quản lý thành tài sản riêng của mình. Thủ đoạn tham ô tài sản luôn là những thủ đoạn gian dối, như lập sổ sách khống, chứng từ giả, tẩy xóa sổ sách, tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản...

Nhận hối lộ

Nhận hối lộ là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào. Hành vi này chỉ có thể xảy ra ở những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn. Những thứ dùng để hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Ngoài tiền và tài sản, của hối lộ còn có thể là những lợi ích vật chất khác, như du lịch, chữa bệnh, nghỉ dưỡng... không phải trả tiền. Thủ đoạn nhận hối lộ cũng đa dạng. Trong hoạt động công vụ, cán bộ, công chức có thể nhận hối lộ trực tiếp từ người đưa hối lộ hay thông qua một hoặc nhiều người trung gian. Động cơ nhận hối lộ là vì vụ lợi, mong muốn nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho bản thân hoặc cho người khác mà mình quan tâm.

Sau khi nhận hối lộ, cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn thường làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Trong thi hành công vụ, cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn có thể chủ động đòi hối lộ, đưa ra yêu cầu phải nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc nào đó có lợi cho người được yêu cầu đưa hối lộ hay người khác có liên quan.

Hành vi nhận hối lộ có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, như hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xử phạt vi phạm hành chính; cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận; giao dịch ngân hàng; hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu; quản lý thị trường...

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Người có thể thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chỉ có thể là cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn; sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình vượt quá phạm vi được phép như là điều kiện, phương tiện để chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong hoạt động công vụ, cán bộ, công chức có thể sử dụng các thủ đoạn sau:

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Trong trường hợp này, chức vụ, quyền hạn được sử dụng như là phương tiện để cưỡng bức, ép buộc người khác, khiến họ lo sợ rằng mình sẽ bị gây thiệt hại nếu không để cho người có chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối người khác để chiếm đoạt tài sản của họ. Người có chức vụ quyền hạn tìm cách thể hiện những nội dung không đúng sự thật với người khác; người bị hại không nhận biết được đó là thủ đoạn gian dối vì tin tưởng vào người có chức vụ quyền hạn nên đã để cho họ chiếm đoạt tài sản của mình.

- Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không gian dối nhưng người bị hại vẫn tin tưởng mà giao tài sản; người có chức vụ quyền hạn làm dụng sự tín nhiệm này mà chiếm đoạt tài sản của người bị hại thì đây là thủ đoạn lạm dụng tín nhiệm.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân vì vụ lợi. Người có khả năng thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi chỉ có thể là cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn nhất định. Khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý làm trái công vụ nhằm vụ lợi. Tính chất vụ lợi cũng có thể biểu hiện ở những động cơ cá nhân khác, như mong muốn củng cố địa vị, uy tín, quyền lực cá nhân.

Trên thực tế, hành vi làm trái công vụ có thể là không làm một việc nhất định trong khi yêu cầu công vụ là phải làm và có đủ điều kiện cần thiết để làm; hoặc có làm nhưng không đầy đủ về nội dung, tính chất công việc theo yêu cầu nhiệm vụ, công vụ; hoặc làm ngược lại với yêu cầu công vụ.

Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi

Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi của cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn đã vượt quá quyền hạn của mình làm trái nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân vì vụ lợi. Động cơ vụ lợi cũng là là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho riêng mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm; hoặc những động cơ cá nhân khác, như mong muốn củng cố địa vị, uy tín, quyền lực cá nhân. Vượt quá quyền hạn của mình có nghĩa là cán bộ, công chức đã làm một việc ngoài phạm vi chức trách của mình trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Chẳng hạn, cấp phó làm những việc thuộc quyền hạn của cấp trưởng mặc dù không được ủy quyền hoặc làm một việc thuộc phạm vi chức trách của người khác có cấp bậc tương đương.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi là hành vi của cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Hành vi này xâm hại đến hoạt động đúng đắn, hợp pháp của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.

Trên thực tế, người gây ảnh hưởng thường là cán bộ, công chức có chức vụ cao hơn người chịu ảnh hưởng; song cũng có những trường hợp người có ảnh hưởng chỉ là người có chức vụ, quyền hạn ngang bằng hoặc thấp hơn, tuy nhiên, giữa họ có mối quan hệ “thâm giao”, “thân tình”, “tạo điều kiện cho nhau”.

Giả mạo trong công tác vì vụ lợi

Giả mạo trong công tác vì vụ lợi bao gồm những hành vi của cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn sữa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác vì vụ lợi. Cụ thể:

- Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu thông qua việc thêm bớt, tẩy xóa hoặc bằng những hành vi khác làm cho nội dung giấy tờ, tài liệu không còn phản ánh đúng, chân thực nội dung vốn có của chúng. Vì là người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động công vụ nên cán bộ, công chức trong trường hợp này có đủ khả năng, tư cách tiếp cận các loại giấy tờ, tài liệu; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được trao để làm sai lệch nội dung của giấy tờ, tài liệu.

- Làm, cấp hoặc đưa vào lưu thông, sử dụng các loại giấy tờ giả.

- Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn là hành vi của một người đã tự mình ký tên của người khác vào giấy tờ, tài liệu. Người khác ở đây là người có chức vụ, quyền hạn.

Những việc làm này có thể mang lại những lợi ích lớn về vật chất, tinh thần cho người có chức vụ, quyền hạn; song, những tác hại, hậu quả mà chúng gây ra cho Nhà nước, xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân thì thật khó lường.

Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi

Đưa hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc nhằm giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương; qua đó, đạt được những lợi ích vật chất, tinh thần nhất định. Loại hành vi này thường xảy ra trong mối quan hệ công tác giữa những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cấp dưới với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên.

Hành vi đưa hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi có mối liên hệ khăng khít với hành vi nhận hối lộ. Sau khi nhận hối lộ, cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan cấp trên thường làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của cán bộ, công chức đưa hối lộ. Trong khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan cấp trên cũng có thể chủ động đòi hối lộ, đưa ra yêu cầu phải nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc nào đó có lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương.

Môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi là hành vi của cán bộ, công chức đứng ra làm trung gian giữa người nhận và người đưa hối lộ nhằm đạt được sự thỏa thuận về của hối lộ và sự thống nhất về làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ nhằm giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương; qua đó, đạt được những lợi ích vật chất, tinh thần nhất định.

Cán bộ, công chức có thể môi giới hối lộ bằng cách chuyển yêu cầu về tiền, tài sản hối lộ từ phía người nhận tới người đưa; đồng thời, có thể chuyển đề nghị của người đưa hối lộ tới người nhận hối lộ để người này làm hoặc không làm một việc liên quan đến giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương. Người môi giới hối lộ cũng có thể tổ chức để người đưa và người nhận hối lộ gặp nhau và đưa ra các đề nghị, yêu cầu của mình. Thủ đoạn môi giới hối lộ cũng rất đa dạng, có thể là đe dọa, hạch sách người đưa hối lộ, nêu ra những thiệt hại đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nếu không đưa hối lộ; đồng thời, người môi giới có thể vận động, khuyến khích, thúc đẩy người nhận hối lộ để người này đồng ý nhận và giải quyết công việc theo hướng phù hợp với mong muốn của bên đưa hối lộ.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi là hành vi của cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được trao để khai thác, sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước mà mình có trách nhiệm quản lý; qua đó, đạt được những lợi ích vật chất hay tinh thần nhất định cho cá nhân người đó. Loại hành vi này chỉ có thể được thực hiện bởi những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn trong quản lý tài sản của Nhà nước, như thủ trưởng cơ quan, đơn vị; trưởng phòng quản trị, kế toán trưởng... Trong quá trình quản lý tài sản của Nhà nước, người có chức vụ, quyền hạn nhận thấy có thể dùng quyền hạn của mình đưa vào khai thác, sử dụng những tài sản đó theo cách mang lại hoặc thỏa mãn lợi ích riêng cho cá nhân mình.

Nhũng nhiễu vì vụ lợi

Nhũng nhiễu vì vụ lợi là hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho những người đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân từ phía cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm đạt được những lợi ích vật chất hoặc tinh thần nhất định. Về bản chất, đây là hành vi do cán bộ, công chức cố ý trực tiếp tạo ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ nhằm gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho những người đang có nhu cầu giải quyết công việc; khiến họ phải tìm đến cán bộ, công chức có thẩm quyền để giải quyết, dĩ nhiên là với một khoản “lót tay” nhất định.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi là do tổ chức bộ máy nhà nước của chúng ta vẫn còn quá cồng kềnh, nhiều nội dung công việc, chức trách quản lý không được xác định rõ ràng giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các cơ quan cùng cấp với nhau. Lợi dụng tình trạng đó, một số cán bộ, công chức các cấp, các ngành đã cố ý thể hiện sự quan liêu, cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm vụ lợi.

Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi

Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi của cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao đảm trách một nhiệm vụ, công vụ nhất định nhưng cố ý không thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó vì những lợi ích vật chất, tinh thần mà họ có thể có được. Đây là hành vi đi ngược lại yêu cầu nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức xuất phát từ động cơ vụ lợi.

Trong khi thừa hành công vụ, việc cán bộ, công chức không thực hiện một nhiệm vụ, công vụ nhất định vì vụ lợi không phải do họ không thực hiện hay không đủ điều kiện thực hiện; mà là do chủ thể chịu tác động bất lợi bởi nhiệm vụ, công vụ đó đưa ra đề nghị dừng, không thực hiện nhiệm vụ, công vụ; đổi lại, chủ thể chịu tác động bất lợi sẽ chi một khoản tiền, tài sản hay lợi ích vật chất khác cho cán bộ, công chức (thực chất là đề nghị đưa hối lộ). Nếu người cán bộ, công chức biết “phụng công, thủ pháp”, biết vượt qua cám dỗ lợi ích cá nhân để cương quyết thực thi công vụ thì hành vi tham nhũng này không xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, có những cán bộ, công chức đã không thể vượt qua sức cám dỗ quá lớn của lợi ích vật chất, “nhắm mắt đưa chân” làm liều, không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. Loại hành vi này thường xảy ra trong nhiều lĩnh vực hoạt động công vụ, như hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính, quản lý trật tự xây dựng, quản lý thị trường... (không lập biên bản vi phạm đối với các hành vi vi phạm). Về cơ bản, đây có thể chỉ là những hành vi “tham nhũng vặt” nhưng lại gây ra bức xúc mạnh mẽ trong dư luận xã hội.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn cố ý dùng chức vụ, quyền hạn hoặc sử dụng ảnh hưởng của chức vụ, quyền hạn mà mình có để che đậy, giấu giếm, bưng bít hành vi vi phạm pháp luật của một người nhằm nhận được từ người đó những lợi ích vật chất, tinh thần nhất định. Hành vi này chỉ có thể được thực hiện bởi những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn hoặc cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ, công vụ. Họ biết rõ hành vi vi phạm pháp luật của một người nào đó nhưng tìm cách bao che bởi người vi phạm pháp luật đã đưa ra “lời đề nghị hấp dẫn” về một khoản tiền mặt hay món tài sản có giá trị để đổi lấy sự bao che. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm, vì vụ lợi, trong mọi trường hợp, gây khó khăn, cản trở cho quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và chỉ những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn mới có thể thực hiện hành vi này. Đó có thể là thủ trưởng cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các cấp hoặc cán bộ, công chức thuộc các cơ quan này được giao chức trách, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn biết rõ hành vi cản trở, can thiệp của mình vào hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện, suy cho cùng, cũng chỉ vì “lòng tham vô đáy”./.