Ni-giê-ri-a vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy bất ổn
TCCSĐT - Tình hình xung đột bạo lực đẫm máu ở Ni-giê-ri-a, quốc gia sản xuất dầu mỏ và nhiều nguyên liệu quý hiếm khác vào hàng đầu ở châu Phi sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đang có những dấu hiệu chứng tỏ chưa thoát khỏi vòng xoáy bất ổn.
Ngay sau khi công bố kết quả bầu cử tổng thống ở Ni-giê-ri-a, theo đó, đương kim Tổng thống Gut-lắc Giôn-na-than (Goodluck Jonathan) giành được hơn 22 triệu phiếu bầu, chiếm 59,64% tổng số phiếu hợp lệ và thắng cử trước ứng cử viên đối lập Mu-ha-ma-đu Bu-ha-ri (Muhammadu Buhari) chỉ giành được 12 triệu phiếu (32,38%), ở nhiều nơi trên lãnh thổ Ni-giê-ri-a bùng phát xung đột vũ trang dữ dội, khiến số người bị giết và bị thương đã lên tới hàng trăm người. Chính phủ Ni-giê-ri-a đã điều động quân đội tới để ngăn chặn bạo lực và lập lại trật tự nhưng vẫn chưa ổn định được tình hình.
Tổng thống Ni-giê-ri-a Gut-lắc Giôn-na-than vừa đắc cử đã phải ban bố lệnh giới nghiêm 24 giờ tại hai thành phố đông dân cư là Ca-nô và Ca-đu-na và lệnh giới nghiêm từ cuối chập tối tới sáng hôm sau tại bang Bao-chi và bang Cát-xi-na. Đồng thời, ông Gut-lắc Giôn-na-than đã phải cách chức Bộ trưởng Nội vụ Em-ma-bu-en I-hê-na-chô (Emmanuel Iheanacho) vì những sai phạm về đạo đức trong vai trò một lãnh đạo bộ để làm yên lòng dân và chỉ định Bộ trưởng Lao động Ê-mê-ca Vô-gu (Emeka Wogu) kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Nội vụ.
Nguyên nhân dẫn tới cuộc xung đột đẫm máu này là do mâu thuẫn tôn giáo giữa cộng đồng các cư dân ở miền Nam Ni-gê-ri-a theo đạo Thiên chúa mà đại diện điển hình là đương kim Tổng thống Gut-lắc Giôn-na-than vừa tái đắc cử, với các cư dân ở miền bắc theo đạo Hồi ủng hộ ứng cử viên đối lập Mu-ha-ma-đu Bu-ha-ri vừa bị thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trong cuộc xung đột diễn ra sau khi công bố kết quả bầu cử, hàng ngàn thanh niên Hồi giáo đổ ra đường phố biểu tình với lập luận cho rằng kết quả bầu cử tổng thống vừa qua ở Ni-giê-ri-a “có sự gian lận”, bởi theo họ, bằng chứng gián tiếp cho lập luận này là người Hồi giáo chiếm đa số ở Ni-giê-ri-a đã không ủng hộ đương kim Tổng thống Gut-lắc Giôn-na-than là người theo đạo Thiên chúa.
Người Hồi giáo chiếm 50,5-55% dân số Ni-giê-ri-a, còn các cư dân theo đạo Thiên chúa chỉ chiếm 35-40%. Ngoài ra, theo lập luận của các lực lượng đối lập ở Ni-giê-ri-a, không phải tất cả các cư dân ở miền Nam đi theo các giáo phái truyền thống khác đều ủng hộ ứng cử viên Gut-lắc Giôn-na-than.
Trên thực tế, mâu thuẫn và xung đột giữa cộng đồng dân cư theo đạo Hồi và đạo Thiên chúa ở Ni-giê-ri-a tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua. Trong các vụ đụng độ vào năm 2008 và 2010, chỉ riêng ở thành phố Giô-xơ đã có 1.200 người thiệt mạng. Theo số liệu của Chính phủ Ni-giê-ri-a, tổng số người thiệt mạng trong cuộc xung đột tôn giáo không tuyên bố này đã vượt quá 10.000 người.
Một nguyên nhân khác khiến tình hình xung đột leo thang ở Ni-gê-ri-a là tình trạng nghèo đói ở Ni-giê-ri-a đã tới mức báo động. Tuy Ni-giê-ri-a là một trong những quốc gia giàu tài nguyên hàng đầu thế giới, xuất khẩu tới 2,2 triệu thùng dầu/ ngày và nhiều tài nguyên quan trọng khác, nhưng có tới 70% dân số Ni-giê-ri-a sống ở mức nghèo khổ với thu nhập chỉ vào khoảng 1 USD/ngày, còn 22% dân số có thu nhập dưới mức 2 USD/ngày.
Theo Ngân hàng Thế giới, Ni-giê-ri-a là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng thu nhập xuất khẩu các thứ nguyên liệu quý hiếm như dầu mỏ và kim loại màu từ nhiều năm nay chỉ chảy vào túi một bộ phận nhỏ chủ nhân các công ty nước ngoài và một bộ phận người cầm quyền ở quốc gia này. Chính quyền ở Ni-giê-ri-a chưa có giải pháp nào khắc phục tình trạng bất công. Vì thế, thời gian qua đã xảy ra các vụ bạo động, trong đó, đáng chú ý nhất là các chiến binh thuộc “Phong trào vì sự nghiệp giải phóng châu thổ sông Ni-giê"(1) thường xuyên tấn công các cơ sở kinh tế của hãng “Chevron” của Mỹ và hãng “Shell” của Pháp và nhiều hãng dầu mỏ nước ngoài khác đang kinh doanh trên lãnh thổ Ni-giê-ri-a. Cũng theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, 1% dân số Ni-giê-ri-a quản lý toàn bộ thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ. Những người này có cuộc sống xa hoa ngang với tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở các nước phương Tây.
Do tác động đan xen của nhiều nguyên nhân, hiện tại chưa ai có thể dự báo được tình hình bât ổn ở Ni-giê-ri-a sau bầu cử sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, bởi nó không chỉ phụ thuộc vào cách ứng xử của bên thắng cử và bên thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, mà còn phụ thuộc vào cách thức chính quyền mới của Tổng thống Gut-lắc Giôn-na-than giải quyết ra sao tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Ni-giê-ri-a đã lên tới mức báo động, trong đó, nạn nghèo đói và bất bình đẳng trong thu nhập giống như lò thuốc súng đã được sấy nóng, có thể bùng phát bất cứ lúc nào./.
(1): Sông Ni-giê bắt nguồn từ Ghi-nê, chảy qua các nước Ma-li, Ni-giê-ri-a và đổ vào vịnh Ghi-nê
Châu Âu với bài toán nhập cư  (26/04/2011)
Một số vấn đề cơ bản ảnh hưởng tới quan hệ Nga - EU hiện nay  (26/04/2011)
Khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị cho ngày hội của toàn dân  (26/04/2011)
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 8 tỉ USD  (26/04/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên