Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay và các giải pháp khắc phục
TCCS - Bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính ở Mỹ từ cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 - 1933, mang tính thể chế và cơ cấu sâu sắc, suy thoái kinh tế có chiều hướng chuyển thành khủng hoảng kinh tế. Cuộc khủng hoảng đã đánh dấu sự phá sản của học thuyết kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ, đang và sẽ tác động mạnh mẽ, lâu dài đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới.
1 - Những biểu hiện mới của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu hiện nay
Trước hết, có thể khẳng định, khác với cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu á năm 1997 - 1998 là khủng hoảng cơ cấu mang tính khu vực, cuộc khủng hoảng tài chính lần này có mức độ trầm trọng hơn, không chỉ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà còn lan sang các ngành sản xuất, dịch vụ, tác động ở quy mô toàn cầu, có khả năng kéo dài; không đơn thuần trong lĩnh vực kinh tế (tài chính, thương mại, việc làm) mà còn là khủng hoảng về thể chế, mô hình phát triển của chủ nghĩa tư bản. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chính phủ trên thế giới đã bị sụp đổ do tác động củacuộc khủng hoảng này (Ai-xơ-len, Séc, Hung-ga-ri...).
Kinh tế thế giới đang ở giai đoạn suy giảm chưa có tiền lệ, tiếp tục diễn biến xấu, đang lan rộng và ngày càng trầm trọng hơn với nhiều yếu tố bất ổn, khó dự báo. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, suy thoái kinh tế thế giới vẫn chưa tới đáy, kinh tế các nước phát triển suy thoái ở mức độ khác nhau, trong khi các nước đang phát triển cũng gặp nhiều khó khăn, chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ngày 20-3-2009, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra cảnh báo: năm 2009, kinh tế thế giới vốn đang chao đảo bởi “cơn lốc tài chính” sẽ vượt qua “vạch đỏ”, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai; làn sóng suy thoái sẽ kéo dài và sâu rộng hơn nếu hệ thống tài chính quốc tế không giữ được sự ổn định. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức từ -1% đến -0,5%.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), gồm Anh, Ca-na-đa, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản và Mỹ sẽ là khu vực có mức tăng trưởng GDP giảm mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - tăng trưởng -2,6%; Nhật Bản: -5,8%; EU: -3,2%. Theo IMF, tăng trưởng suy giảm đang lan rộng đến các nền kinh tế mới nổi, phản ánh mức độ ảnh hưởng khi nhu cầu suy yếu từ thị trường bên ngoài, cùng với việc thắt chặt hơn các chính sách tài chính và giá cả tiêu dùng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến thương mại thế giới. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại thế giới năm 2009 có thể giảm 9% và là mức giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay. Mặt khác, chính sự suy giảm của thương mại thế giới đã tác động trở lại làm cho khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu càng trầm trọng hơn, nhiều nền kinh tế lâm vào khó khăn, thất nghiệp gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm này là do chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ và người tiêu dùng, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh. Theo dự báo của WTO, kim ngạch thương mại của các nước G7 và các nước đang phát triển giảm mạnh. Xuất khẩu tại hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới, đặc biệt là châu Á giảm sút mạnh. Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 2-2009 giảm 26%. Riêng kinh tế Mỹ tháng 1-2009 khối lượng xuất khẩu giảm 44%, nhập khẩu giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những diễn biến bất lợi hiện nay trên các thị trường tài chính có thể khiến cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế còn kéo dài, nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, bảo hộ thương mại sẽ làm cho kinh tế thế giới càng khó khăn hơn. WTO cũng khẳng định việc nhiều nước không thực hiện kêu gọi của Hội nghị G 20 năm ngoái về ngăn chặn hiện tượng gia tăng các rào cản thương mại, thực hiện chủ nghĩa bảo hộ sẽ tác động đến sự giảm sút của thương mại thế giới.
Khủng hoảng kinh tế, tài chính quốc tế làm cho các nước nghèo ngày càng nghèo hơn vì phải đối mặt với hai thách thức. Đó là nguy cơ bảo hộ mậu dịch và sự cạnh tranh thu hút nguồn tài chính. Trong một báo cáo mới công bố, Giám đốc điều hành IMF Đô-mi-ních Xtrau-xơ-Can (Dominique Strauss -Kahn) cho biết, sau khi tấn công vào thế giới phát triển và các quốc gia đang phát triển, “làn sóng thứ ba” của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã “đổ ập” vào các nước nghèo. Ông cho rằng, các nước nghèo vốn có thu nhập thấp, hiện đang phải đối phó với tình trạng trì trệ, sụt giảm mạnh trong buôn bán toàn cầu và nguy cơ xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch từ các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong nước ở các nước giàu. Trong khi đó, các nước giàu lại đang “chạy đua giành giật các nguồn vốn” để lấy tiền rót cho các gói kích thích kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá các nước nghèo có nguy cơ thiếu hụt từ 270 tỉ USD đến 700 tỉ USD trong năm nay và cảnh báo các thể chế tài chính quốc tế sẽ không đủ vốn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết này.
Theo báo cáo của WB công bố ngày 8-3, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nước đang phát triển. Những nước này thường phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, không có dự trữ ngoại tệ và không nhận được bất kỳ khoản vay nào, nên không có cách nào đẩy lùi cuộc khủng hoảng. Để giải quyết tình trạng này, theo Chủ tịch WB Rô-bớt Dô-ê-lích (Robert Zoellick), cần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước công nghiệp phát triển, các thể chế tài chính quốc tế và các công ty tư nhân. Ông nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi phải có một giải pháp toàn cầu. Các nước cần đầu tư vào các mạng lưới an sinh, kết cấu hạ tầng cũng như những doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo việc làm, tránh tình trạng bất ổn chính trị và xã hội.
Trong trường hợp kịch bản khủng hoảng kinh tế kéo dài, nhu cầu tài chính sẽ ngày càng tăng và các nước nghèo càng khó khăn hơn trong việc tìm các nguồn vốn. Xuất khẩu nguyên liệu sụt giảm vì nhu cầu trên thế giới giảm mạnh, ngoài ra nguồn ngoại tệ do người đi lao động xuất khẩu gửi về cũng giảm đáng kể, khiến các nước nghèo mất thêm nguồn thu nhập này. Các nước này còn phải cạnh tranh tìm nguồn vốn trong bối cảnh những nước giàu như Mỹ và Anh đang thu hút trở lại các vốn đầu tư. Nhiều nhà kinh tế đã mô tả các nước giàu hiện nay như những “chiếc vòi hút vốn khổng lồ đang hoạt động hết công suất”.
Trong điều kiện thị trường vốn quốc tế còn hạn chế, đối với các nước nghèo không còn sự lựa chọn nào khác là phải dựa vào IMF và WB. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, danh sách các nước nghèo xếp hàng vay ngày một dài thêm. Tuy nhiên, chính sách của IMF và WB với những yêu cầu khắt khe theo hướng “thắt lưng buộc bụng” như phải cân bằng ngân sách, cắt giảm chi tiêu công, tăng mạnh thuế, giảm đáng kể trợ cấp chính phủ... đang gây trở ngại cho các nước nghèo trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ví dụ, để được vay vốn, IMF yêu cầu Lát-vi-a cắt giảm tới 25% chi phí lương trong khu vực công, 25% chi tiêu chính phủ và tăng mạnh thuế. Còn U-crai-na cần phải cân bằng ngân sách bằng cách cắt giảm đáng kể trợ cấp chính phủ. Đến khi tình hình ở U-crai-na trở nên tồi tệ, IMF mới đồng ý nới lỏng các điều kiện. Còn tại Lát-vi-a, Hung-ga-ri, Cộng hoà Séc, dù đã xuất hiện dấu hiệu xấu như tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng dẫn đến bất ổn xã hội, nhưng IMF vẫn tiếp tục yêu cầu các nước này phải thực hiện những biện pháp hà khắc hơn.
2 - Các giải pháp khắc phục khủng hoảng
Hội nghị Bộ trưởng tài chính các nước G 7 gần đây nhận định: thế giới hiện đang ở giai đoạn suy thoái kinh tế và bất ổn tài chính toàn cầu nghiêm trọng nhất. Mặc dù có sự can thiệp mạnh và phối hợp trên phạm vi toàn cầu, song thị trường tài chính - tiền tệ vẫn mất ổn định. Chương trình hỗ trợ tài chính 700 tỉ USD của Mỹ đến nay chưa khắc phục được tình trạng bất ổn và sự yếu kém của hệ thống ngân hàng tài chính. Gói kích thích kinh tế 787 tỉ USD tiếp theo của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma hiện đang khuyến khích giới đầu tư tập trung giải quyết mua nợ xấu của các ngân hàng. Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải tìm kiếm các công cụ mới để “phá băng” thị trường tín dụng và ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế. Khi công cụ truyền thống là hạ tỷ lệ lãi suất hiện đã không còn phát huy tác dụng, FED đặt trọng tâm vào việc bơm thêm tín dụng nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bắt đầu mua toàn bộ chứng khoán thế chấp và thương phiếu, đồng thời khởi động chương trình bơm 200 tỉ USD tập trung vào tín dụng tiêu dùng thông qua việc mua bán các loại chứng khoán liên quan tới ô-tô và các dạng vay nợ khác. Chủ tịch FED Ben Bơ-nan-kê (Ben Bernanke) - người chủ trương “nới lỏng tín dụng”, nói rằng mục đích của biện pháp này nhằm kích thích hoạt động tín dụng và do đó nó khác với việc “nới lỏng số lượng” đã được sử dụng trong những năm 90 thế kỷ XX ở Nhật Bản và hiện nay đang được ngân hàng trung ương các nước khác xem xét.
Ngày 19-3, sau ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức ở Brúc-xen (Bỉ), lãnh đạo 27 nước EU đã bác bỏ những lời kêu gọi của Mỹ bơm thêm tiền vào nền kinh tế để chống suy thoái, song sẵn sàng cung cấp tiền cho một quỹ cứu trợ khủng hoảng chung của IMF. Các nhà lãnh đạo EU cam kết sẽ chi hơn 100 tỉ USD trong các khoản vay mới dành cho IMF nhằm cứu những quốc gia bị khủng hoảng thoát khỏi tình trạng suy thoái, đồng thời nhất trí tăng gấp đôi quỹ cứu trợ khủng hoảng cho các nước Đông Âu không thuộc khu vực sử dụng đồng ơ-rô, khoảng 50 tỉ ơ-rô (68,5 tỉ USD). Hội nghị thượng đỉnh EU cũng kêu gọi nhóm G20 tăng gấp đôi nguồn tài chính cho IMF lên 500 tỉ USD nhằm giúp đỡ các quốc gia gặp khó khăn.
Các nước EU không mặn mà với kêu gọi của Mỹ tăng quy mô hơn nữa những kế hoạch kích thích kinh tế, khẳng định ưu tiên lúc này là hạn chế chi tiêu mà chỉ tập trung vào “giám sát chặt chẽ” hệ thống các thị trường tài chính, hàng hóa, vốn là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.
Giáo sư từng giành giải Nô-ben kinh tế Giô-dép Xti-glít, cựu Phó Chủ tịch WB, cho rằng cách duy nhất để chặn đứng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay là cả thế giới phải chung sức hành động, nói cách khác, cần có sự hợp tác toàn cầu chống khủng hoảng. Ông nhấn mạnh rằng, các thể chế tài chính quốc tế hiện nay không có khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế hiện tại do quá nhiều nước bị “đứng bên lề” tại các hội nghị. Ngoài nhóm các nước G 8 và G 20, các nước nghèo hầu như không có tiếng nói tại những tổ chức như IMF và WB. Chính vì vậy, cần phải đẩy nhanh tốc độ cải tổ các thể chế tài chính quốc tế này. Bên cạnh đó, ông cũng ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken đưa ra hồi đầu tháng 2 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới được tổ chức ở Đa-vốt (Thụy Sĩ) về thành lập một hội đồng kinh tế tương tự Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hội đồng này có thể giúp điều hành một hệ thống tài chính toàn cầu.
Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới thực hiện “quyết định táo bạo, toàn diện và có phối hợp” để thúc đẩy việc phục hồi kinh tế và tránh những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Ông B. Ô-ba-ma cho rằng, hội nghị G 20 (diễn ra từ ngày 1 đến 2-4-2009 tại Luân Đôn) sẽ “kích thích hành động tập thể” và kêu gọi các nước trong nhóm G 20 tiến hành thêm các biện pháp kích thích để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời các nhà lãnh đạo trên thế giới nên áp dụng một cơ cấu chung để bảo đảm tính minh bạch và có trách nhiệm trong hệ thống tài chính toàn cầu.
IMF kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt được mục tiêu khôi phục ở mức “khiêm nhường” trong năm tới, khoảng từ 1,5% đến 2,5%. Để đạt được mục tiêu này, IMF cho rằng các nước cần tiếp tục đề ra các chính sách hành động thực tế và hỗ trợ kích cầu mạnh mẽ, nhằm bình ổn hệ thống tài chính, bởi lẽ việc trì hoãn thực hiện các chính sách toàn diện sẽ tạo những phản hồi bất lợi giữa nền kinh tế thực và hệ thống tài chính, dẫn đến ảnh hưởng suy thoái kéo dài và sâu rộng hơn.
Hội nghị thượng đỉnh G 20 đã vượt qua được các mâu thuẫn gay gắt trong nhóm để đạt được thỏa thuận chung nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu với các biện pháp trị giá 1.100 tỉ USD. Theo quan điểm của các nước châu Âu, đứng đầu là Pháp và Đức, mầm mống của cuộc khủng hoảng hiện nay là sự sụp đổ của nền “kinh tế ảo” ở Mỹ mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế giám sát hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng. Trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự đồng tâm hợp tác, thỏa hiệp và chung tay hành động giữa các nước là lối thoát duy nhất đưa kinh tế thế giới, kinh tế các khu vực và mỗi quốc gia từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Thủ tướng Anh Go-đơn Brao cho rằng, có thể đi đến một thỏa thuận về cách thức đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi thời kỳ suy thoái. Các định hướng giải pháp được khẳng định là:
- Khôi phục lòng tin, tăng trưởng và việc làm nhằm phục hồi kinh tế nhanh, bền vững.
- Bảo đảm nguồn quỹ thích hợp cho các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB để những tổ chức này can thiệp vào các nền kinh tế thị trường mới nổi chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
- Làm trong sạch hệ thống tài chính quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Cải cách thể chế tài chính để vượt qua khủng hoảng và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
- Thúc đẩy đầu tư thương mại toàn cầu, ngăn chặn sự xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, để giúp các nước gặp khó khăn về tài chính, IMF sẽ được tăng thêm “nguồn vốn” là 750 tỉ USD. Nhóm G 20 cũng cam kết khoản tiền trị giá khoảng 250 tỉ USD để thúc đẩy thương mại toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc chống lại những “thiên đường thuế bí mật” và đưa ra quy định chặt chẽ hơn với hệ thống tài chính toàn cầu; thống nhất tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chi trả tiền lương hay tiền thưởng của các ngân hàng; thiết lập một ủy ban ổn định tài chính mới để làm việc với IMF nhằm bảo đảm sự hợp tác, phối hợp xuyên biên giới; áp dụng quy định chặt chẽ hơn với các quỹ đầu cơ và tổ chức xếp hạng tín dụng; thống nhất biện pháp chung để thanh toán những tài sản xấu của ngân hàng; những quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ được tiếp nhận khoản viện trợ trị giá 100 tỉ USD; sẵn sàng tung ra gói kích thích kinh tế “lớn chưa từng có” vào khoảng 5.000 tỉ USD vào cuối năm 2010.
Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G 20 khẳng định các biện pháp kích thích kinh tế được áp dụng mới đây sẽ tăng sản lượng kinh tế thêm hơn 2% và tạo ra hơn 20 triệu việc làm mới trên toàn cầu. G 20 tập trung phục hồi tăng trưởng kinh tế, chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, cải tổ các thị trường và tổ chức tài chính, quyết tâm không để cuộc khủng hoảng tài chính này lặp lại.
Tại Hội nghị, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Bra-xin đều muốn các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn tại IMF. Trong điều kiện mới, tổ chức có 185 thành viên này cần được cải tổ, để phù hợp với vị thế của các nước đang phát triển trong nền kinh tế thế giới. Các nước cũng đề nghị cải tổ hoạt động của các định chế tài chính quốc tế, xác định đồng tiền dự trữ quốc tế mới thay thế đồng USD, nhằm thúc đẩy trao đổi tài chính và thương mại quốc tế.
Nhìn chung, mặc dù Hội nghị thượng đỉnh G 20 đã đạt được một sự thỏa thuận chung, nhưng đây chỉ là sự khởi đầu, các cuộc thương lượng và phối hợp hành động còn khó khăn, phức tạp, kéo dài, đòi hỏi phải có các liều thuốc đủ mạnh, hành động thống nhất, mới có thể giúp các nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, tài chính hiện nay.
Để kéo dài sự tồn tại, bản thân chủ nghĩa tư bản, như lời của Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di, cần phải được điều chỉnh về mô hình và lý thuyết phát triển trên phạm vi toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà bộ “Tư bản” của C. Mác được tái bản và bán chạy tại nhiều nước phương Tây. Điều C. Mác khẳng định trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa càng trở nên sâu sắc: “Sản xuất đã trở thành một hành vi xã hội, trao đổi và cùng với trao đổi là sự chiếm hữu, vẫn là những hành vi cá nhân, hành vi của những người riêng biệt”. Đó là mâu thuẫn cơ bản giữa tính chất xã hội hóa của sản xuất và hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Từ mâu thuẫn này nảy sinh tất cả những mâu thuẫn trong đó xã hội tư bản vận động, tình trạng vô chính phủ, hậu quả của xu hướng phát triển quá nhanh của hệ thống tài chính - tiền tệ, kéo theo “tiền tách khỏi hàng”, “tiền đẻ ra tiền” với giá trị lớn hơn giá trị hàng hóa hàng trăm lần; lượng tiền khổng lồ đó lại được chuyển dịch nhanh chóng, chằng chịt đến mức không kiểm soát nổi. Có thể nói đó là một nền “kinh tế ảo”, “tiền tệ ảo” chưa có tiền lệ, điều này dẫn đến nguy cơ khủng hoảng.
Có thể thấy rằng trong điều kiện toàn cầu hóa, khi mà cách mạng khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, kinh tế tri thức chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong thời đại ngày nay, thì chủ nghĩa tư bản hiện tại vẫn còn có thể tiếp tục tự điều chỉnh ở phạm vi quốc gia, khu vực và thế giới, sử dụng các công cụ, các chính sách cần thiết, phối hợp giữa các nhà nước để vượt qua khủng hoảng. Song về lâu dài, các nước tư bản không thể khắc phục được những mâu thuẫn vốn có và ngày càng trở nên trầm trọng hơn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Phù hợp với lý thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, coi sự phát triển của xã hội loài người như là một quá trình lịch sử tự nhiên, C. Mác cho rằng, chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ bị thay thế bởi một xã hội mới cao hơn và tiến bộ hơn, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa./.
Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (26/05/2009)
Quảng Nam phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn  (26/05/2009)
Quảng Nam phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn  (26/05/2009)
Thu hút FDI của cả nước đạt 6,68 tỉ USD  (26/05/2009)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 29 (5-2009)  (26/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay