TCCS - Ủy ban Tư pháp được Quốc hội khóa XII thành lập từ tháng 7-2007 theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội; và các luật có liên quan; từ đó đến nay ủy ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó cho thấy sự ra đời của Ủy ban Tư pháp là rất cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay.

Nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban Tư pháp là thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của chính phủ, thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp. Giám sát việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực Ủy ban Tư pháp phụ trách. Từ khi được thành lập đến nay, Ủy ban Tư pháp đã làm tốt các công tác của mình, nhất là trên các mặt:

1 - Công tác xây dựng pháp luật được chú trọng và từng bước nâng cao chất lượng

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa và hằng năm, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì thẩm tra và tổ chức chỉnh lý, hoàn thiện 23 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có 07 dự án luật, 06 dự án pháp lệnh và 10 nghị quyết (trong số 23 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết này, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 05 dự án luật, 04 dự án pháp lệnh và 10 dự án nghị quyết) như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Thi hành án dân sự; Luật Lý lịch tư pháp; Luật Trọng tài thương mại; Luật Thi hành án hình sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù; Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay; Pháp lệnh chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng;...

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp còn được phân công thẩm tra các Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án nhân dân cấp huyện theo nghị quyết của Quốc hội; về hướng dẫn để giải quyết một số vướng mắc trong việc thực hiện thẩm quyền xét xử mới của tòa án nhân dân; về hướng dẫn, giải thích luật, pháp lệnh trong lĩnh vực tư pháp, trong phòng, chống tham nhũng; về bổ sung biên chế cho ngành tòa án, viện kiểm sát trong các năm 2009, 2010, 2011. Nghiên cứu chuẩn bị ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đối với các Đề án "Thành lập Tòa khu vực, Tòa phúc thẩm, Tòa thượng thẩm; đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân tối cao"; Đề án "Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp" do Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuẩn bị; Đề án "Về mô hình cơ quan điều tra cấp huyện và đổi mới hệ thống cơ quan điều tra phù hợp với việc đổi mới mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử" do Đảng ủy Công an Trung ương chuẩn bị; về việc gia nhập Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng trình Bộ Chính trị và dự kiến phương án tuyên bố bảo lưu của Nhà nước ta khi phê chuẩn Công ước;... Ủy ban Tư pháp còn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công phối hợp thẩm tra, tham gia ý kiến các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do Hội đồng dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra có liên quan đến lĩnh vực tư pháp.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, Thường trực Ủy ban Tư pháp luôn bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo, tích cực đôn đốc nhằm bảo đảm tiến độ soạn thảo, trình, chỉnh lý hoàn thiện dự án; chủ động tổ chức nhiều đoàn giám sát, khảo sát trong nước và nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, thu thập thông tin, nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn. Việc thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, Ủy ban Tư pháp luôn quan tâm bám sát yêu cầu thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, những vướng mắc của pháp luật. Các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua đều bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

2 - Công tác giám sát tư pháp được coi là nhiệm vụ trọng tâm và đạt hiệu quả

Tuy mới được thành lập nhưng hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp được triển khai khá toàn diện trên tất cả các mặt công tác thuộc lĩnh vực phụ trách, như: thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo về giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát hằng năm; giám sát chuyên đề; giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tố tụng; tiếp nhận, nghiên cứu phân loại, xử lý đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, hằng năm Ủy ban Tư pháp đều tổ chức phiên họp toàn thể ủy ban thẩm tra các báo cáo nêu trên. Để bảo đảm chất lượng thẩm tra, trước khi tổ chức phiên họp thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan có liên quan về những nội dung có liên quan đến các báo cáo như: kết quả công tác xây dựng pháp luật hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; công tác tổ chức, biên chế, đào tạo bồi dưỡng cán bộ; quản lý kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc. Do đó, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp trình trước Quốc hội đều được chuẩn bị công phu, vừa bảo đảm toàn diện, khách quan, vừa cụ thể, sát thực tiễn. Báo cáo thẩm tra có tính phản biện cao đã chỉ ra được những hạn chế, bất cập cần khắc phục; đồng thời, cũng đã đánh giá đúng những mặt tích cực, những kết quả đã đạt được trong từng lĩnh vực công tác, được các cơ quan trình báo cáo đồng tình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tán thành, đánh giá cao kết quả thẩm tra.

Thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2009, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề về “Việc tổ chức, thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Để triển khai thực hiện, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban có liên quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng kế hoạch giám sát, chuẩn bị nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, Tổ giúp việc của đoàn giám sát. Theo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tư pháp được phân công thường trực Đoàn giám sát và Tổ giúp việc. Với nhiệm vụ thường trực Đoàn giám sát, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã tổ chức triển khai kế hoạch giám sát, xây dựng đề cương, yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát báo cáo; tổ chức việc tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các nội dung báo cáo của các ngành và địa phương; tổ chức các đoàn công tác đến làm việc với các địa phương và các cơ quan chịu sự giám sát.

Công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Tư pháp. Hằng năm, đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được gửi tới Ủy ban Tư pháp với số lượng lớn (ba năm có 10.007 đơn các loại). Để nâng cao chất lượng công tác giám sát việc giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Tư pháp tổ chức tốt việc tiếp nhận, nghiên cứu, phân loại, xử lý đơn thư, phân công trách nhiệm rõ ràng, từng thành viên Thường trực Ủy ban và cán bộ công chức Vụ Tư pháp đã không ngừng cố gắng, phấn đấu không để đơn thư tồn đọng. Nhờ có được sự hỗ trợ của kỹ thuật nên công tác thụ lý, phân loại thống kê, theo dõi công tác giám sát việc giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được thuận lợi. Với sự nỗ lực không ngừng của Thường trực Ủy ban Tư pháp và Vụ Tư pháp công tác giám sát việc giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đã đạt được kết quả bước đầu tích cực. Đặc biệt là năm 2009, tiếp nhận 3.379 đơn (qua phân loại có 550 đơn liên quan đến hoạt động điều tra; có 223 đơn liên quan đến hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân, 2.260 đơn liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân và 546 đơn liên quan đến hoạt động thi hành án của Chính phủ). Thường trực Ủy ban Tư pháp đã xem xét và có công văn chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét giải quyết trả lời cho đương sự 971 vụ việc, hướng dẫn đương sự cung cấp bổ sung tài liệu hoặc gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 110 trường hợp/vụ việc (còn 2.498 đơn do trùng lặp, đã có kết quả giải quyết nên không có cơ sở giám sát). Thường trực Ủy ban Tư pháp đã nhận được 518 văn bản phúc đáp từ các cơ quan có thẩm quyền. Qua đó có thể thấy việc xem xét giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền mặc dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn còn thấp.

Thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, trong tình hình đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp được gửi đến Thường trực Ủy ban Tư pháp nhiều như vừa qua, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã xác định trọng tâm, trọng điểm tập trung giám sát. Theo đó, chỉ mới giám sát tập trung đối với những vụ việc có nhiều đơn thư kiến nghị, khiếu nại gay gắt, kéo dài; các vụ việc có kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Kết quả trong năm 2009, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phát hiện có khá nhiều vụ việc có dấu hiệu oan, sai, đã có công văn yêu cầu các cơ quan tư pháp trung ương xem xét, giải quyết và báo cáo bằng văn bản đối với các vụ việc này. Đến nay đã có 30 vụ việc có báo cáo và được Thường trực ủy ban tổ chức các buổi làm việc trực tiếp nghe các cơ quan tư pháp trung ương trình bày, qua đó Thường trực ủy ban đã trao đổi cụ thể về các nội dung cần được xem xét lại và yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao xem xét, giải quyết lại các vụ việc có dấu hiệu sai sót theo thẩm quyền. Kết quả có 21/30 vụ việc được kháng nghị giải quyết lại, 09 vụ việc sau khi xem xét đã trả lời không có căn cứ để kháng nghị, 23 vụ việc đang tiếp tục xem xét, giải quyết... Có thể thấy đây là cách làm mới trong công tác giám sát việc giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của Uy ban Tư pháp. Cách làm này đã phát huy được hiệu quả thiết thực, giúp các cơ quan tư pháp phát hiện kịp thời những sai sót trong hoạt động tố tụng, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Đồng thời, qua đó đã giúp cho Ủy ban Tư pháp có cơ sở để đánh giá đúng chất lượng hoạt động của từng cơ quan tư pháp và cơ quan của Chính phủ trong lĩnh vực Uy ban Tư pháp phụ trách. Đặc biệt, trong năm 2009, Ủy ban Tư pháp còn quyết định thành lập Đoàn giám sát của Uy ban để tiến hành giám sát việc giải quyết vụ án cụ thể “tranh chấp hợp đồng kinh tế” do Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm. Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm và Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. Kết quả giám sát đã được cử tri và các bên đương sự trong vụ án đồng tình cao, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí đồng thời chỉ đạo Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan khắc phục những sai sót trong quá trình giải quyết vụ án này.

Nhìn chung, hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp trong thời gian qua đã được tiến hành chủ động, tích cực. Nội dung giám sát tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, có nhiều bức xúc, được xã hội quan tâm. Phương thức tiến hành giám sát đã có những cải tiến, sâu sát, cụ thể; trước khi tiến hành giám sát tổ chức nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, kết hợp nghe báo cáo với xem xét thực tế tại địa phương, cơ sở; kết hợp giám sát chuyên đề về những vấn đề chung với giám sát các vụ việc cụ thể. Mặc dù, trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn như tổ chức bộ máy, lực lượng đại biểu chuyên trách, đội ngũ cán bộ chuyên môn còn mỏng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhưng với sự cố gắng và trách nhiệm cao nên hiệu quả công tác giám sát của Ủy ban Tư pháp đã từng bước được nâng lên. Nhiều kiến nghị qua giám sát đã được các cơ quan hữu quan tiếp thu, kịp thời giải quyết. Hoạt động giám sát của Uy ban Tư pháp thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động tư pháp; đồng thời thông qua hoạt động giám sát, Uy ban Tư pháp đã có thêm thông tin những căn cứ thực tiễn quan trọng phục vụ cho việc thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, pháp lệnh, tham gia ý kiến xác đáng vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội; kịp thời kiến nghị những giải pháp cụ thể góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác thuộc lĩnh vực Uy ban Tư pháp phụ trách.

3 - Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đi vào nền nếp và hoạt động sôi động

Thực hiện Chương trình hoạt động đối ngoại, trong 3 năm (2007 - 2009), Ủy ban Tư pháp đã tổ chức 07 đoàn công tác đến các nước ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Phần Lan, Cộng hòa liên bang Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ca-na-đa để nghiên cứu, tìm hiểu về cơ chế điều trần, về tổ chức và hoạt động của ủy ban tương ứng ở Quốc hội các nước này. Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, cơ chế giám sát hoạt động tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu pháp luật hình sự, pháp luật lý lịch tư pháp, pháp luật trọng tài thương mại và thi hành án hình sự.... Ngoài ra, Thường trực Uy ban Tư pháp còn cử thành viên Uy ban tham gia các đoàn công tác của lãnh đạo Quốc hội và một số cơ quan hữu quan đi thăm và làm việc tại các nước Bun-ga-ri, Pháp, Ru-ma-ni, Nga, U-crai-na, Anh, Ma-rốc, Mông Cổ, Đan Mạch, Niu Di-lân... Thường trực Ủy ban Tư pháp tổ chức tiếp và làm việc với một số cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài đến Việt Nam theo chương trình đối ngoại của ủy ban và theo sự phân công của lãnh đạo Quốc hội như đón Đoàn Uy ban Tư pháp và Nội vụ Trung Quốc, Đoàn nghị sĩ Đan Mạch, Đoàn nghị sĩ bang Tây Ô-xtrây-li-a, các tham tán thương mại, chính trị của Đại sứ quán Mỹ và Liên minh châu Âu... để trao đổi kinh nghiệm hoạt động về những lĩnh vực của Ủy ban phụ trách.

Thực hiện Biên bản ghi nhớ về Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách giai đoạn III (PIAP III-VN32700) được ký kết vào tháng 8-2008 với Tổ chức Phát triển quốc tế của Ca-na-đa (CIDA), Uy ban Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Dự án tại Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức một số hội thảo khoa học về hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp và một số vấn đề khác liên quan. Đồng thời, Uy ban cũng đã tổ chức một số đoàn công tác đi khảo sát thực tiễn trong nước và tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài về thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và tình hình phòng, chống buôn bán người... Nhìn chung, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của ủy ban trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho hiệu quả hoạt động của Ủy ban Tư pháp. Việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài được Uy ban Tư pháp tiến hành thận trọng có chọn lọc bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Qua công tác này, Uy ban Tư pháp đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, nhất là những kết quả trong hoạt động lập pháp và cải cách tư pháp, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong quá trình hợp tác. Uy ban Tư pháp luôn đề cao cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, chủ động, đấu tranh với các hành vi lợi dụng quan hệ hợp tác để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Có thể khẳng định hoạt động của Ủy ban Tư pháp sau gần 3 năm qua là tích cực, có hiệu quả và đã đi vào nền nếp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, góp phần quan trọng cho kết quả hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động của Quốc hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng. Bằng những nhiệm vụ cụ thể như việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, giúp Uy ban thường vụ Quốc hội trong việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua; về giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng... Ủy ban Tư pháp đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.