50 năm chiến đấu và chiến thắng của cách mạng Cu-ba
Cách đây vừa đúng 50 năm, ngày 1-1-1959, những đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố Xan-ti-a-gô Đê Cu-ba, đánh dấu thắng lợi của sự nghiệp cách mạng ở quốc đảo Ca-ri-bê. Một tuần sau, ngày 8-1-1959, lực lượng cách mạng tiến vào giải phóng thủ đô La Ha-ba-na, lật đổ chế độ độc tài Ba-ti-xta phản động. Trang sử mới bắt đầu mở ra cho đất nước Cu-ba, trang sử của giữ gìn, củng cố độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; trang sử của cuộc đấu tranh kiên cường chống đế quốc và ngời sáng chủ nghĩa quốc tế vô sản; trang sử của hơn chục triệu con người vượt qua bao gian khó để đến với những vinh quang mang tầm vóc thời đại.
Trang sử hào hùng
Trong niềm hân hoan giải phóng thủ đô, lãnh tụ Phi-đen Ca-xtrô đã sớm cảnh báo: "Chúng ta đang sống thời khắc quyết định của lịch sử. Chế độ độc tài đã bị lật đổ nhưng còn nhiều việc còn phải làm. Có thể phía trước, tất cả đều trở nên khó khăn hơn"(1). Thực tế diễn ra thật đúng như vậy. Phản ứng của chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản cách mạng tỏ ra hết sức điên cuồng. Chúng lao vào hết cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác nhằm đè bẹp cách mạng Cu-ba. Để thực hiện quyền tự bảo vệ chân chính của mình, các tầng lớp nhân dân Cu-ba đã viết tiếp những trang sử hào hùng trong kỷ nguyên mới; cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa tài sản công nghiệp, xóa nạn mù chữ, đánh bại những hoạt động tấn công quân sự của kẻ thù, đương đầu với chính sách bao vây, cấm vận và đe dọa chiến tranh của các thế lực đế quốc... Một dân tộc - chiến sĩ trong sắc phục màu xanh ô liu vững tay súng, chắc tay búa đã và đang tiếp tục bảo vệ không khoan nhượng, nhẫn nại chiến đấu và chiến thắng.
Trước năm 1959, đất nước chỉ có nền kinh tế độc canh (mía đường), thủ công, lạc hậu. Đến cuối thập kỷ 80, Cu-ba đã có một nền kinh tế công - nông nghiệp tương đối phát triển. Nông nghiệp đã được cơ giới hóa 70%; công nghiệp được chú trọng ưu tiên đầu tiên đầu tư, xây dựng cơ bản đạt tốc độ và quy mô lớn, một số ngành dịch vụ hiện đại đã được xây dựng đồng bộ... Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 1959 đến 1980 đạt 4,7% và từ 1980 đến 1985 đạt 7,4%. Sản lượng hằng năm ở một số ngành sản xuất đạt mức cao trên thế giới: gần 10 triệu tấn đường, 50 ngàn tấn ni-ken; 1,5 triệu tấn thép; 1 triệu tấn nước hoa quả; 250 triệu USD giá trị thuốc lá và cá xuất khẩu, 400 triệu USD thu nhập từ du lịch...(2)
Những thành tựu tăng trưởng kinh tế nêu trên được sử dụng một cách hợp lý và công bằng vào việc nâng cao mức sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Mỗi người dân Cu-ba đều được bảo đảm các quyền của con người, trong đó quan trọng nhất là quyền được bảo đảm cuộc sống. Bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa thể hiện rất rõ nét trên lĩnh vực này. Giá trị tuyệt đối của nguồn ngân sách nhà nước dành cho giáo dục và y tế năm 1985 lớn gấp 25 lần so với mức năm 1959. Trước ngày cách mạng thành công, 24% dân số Cu-ba mù chữ, số trẻ em đến tuổi đi học tiểu học đạt 45%, trung học: 8%; mỗi năm chỉ đào tạo được 300 bác sĩ, không có y tế ở nông thôn, chỉ 56% dân số được sử dụng điện... Đến nay, toàn dân Cu-ba đã phổ cập lớp 6; cả nước có hàng chục trường đại học, hàng trăm trường kỹ thuật dạy nghề, hơn 1.000 trường mẫu giáo, gần 600.000 giáo viên, 600.000 bác sĩ, trung bình cứ 7 người dân có một người tốt nghiệp đại học, 250 người dân có một bác sĩ, mỗi người dân tiêu thụ hằng ngày 3.000 đơn vị calo và 80 gam prôtít...
Từ xuất phát điểm thấp kém về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, Cu-ba đã trở thành một trong những nước dẫn đầu Thế giới thứ ba trên nhiều mũi nhọn kinh tế, xã hội, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, thể thao... Từ một chính thể cộng hòa tư sản lệ thuộc Mỹ, đất nước Cu-ba chuyển sang chế độ xã hội của nhân dân lao động, tấm gương của cách mạng chống đế quốc và là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở bán cầu Tây. Từ vị trí là một trong hai thuộc địa cuối cùng của chủ nghĩa thực dân ở Mỹ La-tinh được giải phóng, Cu-ba trở thành một nhân tố tác động tích cực đến phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước châu Phi và Mỹ La-tinh. Sự trưởng thành không gì cưỡng lại nổi của "chàng Đa-vít" Cu-ba, chỉ nằm cách nước Mỹ chưa đầy 100 dặm, đã làm cho "gã khổng lồ đế quốc Gô-li-at" cuồng giận. Sau khi đã thất bại thảm hại ở bãi biển Hy-rông (4-1961), Mỹ không từ một thủ đoạn, biện pháp nào nhằm thực hiện ý đồ tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản và phá vỡ cách mạng Cu-ba: khai trừ Cu-ba khỏi tổ chức nhà nước châu Mỹ (OEA); cấm vận kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật; kích động, ủng hộ, giúp đỡ và tổ chức các lực lượng chống đối; phá hoại trên lĩnh vực thông tin, tư tưởng; đe dọa sử dụng vũ lực và chiến tranh v.v.. Trước sự tan rã của Liên Xô và những khó khăn của cách mạng thế giới, đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch đã ráo riết xiết chặt cấm vận với những đạo luật Tô-ri-xen-ly, Hen-xơ - Bơc-tơn... nhằm thủ tiêu lá cờ cách mạng Cu-ba. Một lần nữa kẻ thù mắc sai lầm! Vẫn một dáng hiên ngang, thận trọng và sáng tạo trong từng bước đi, Cu-ba đã vượt qua thách thức, khủng hoảng để trụ vững, ổn định và phát triển. Sức mạnh Cu-ba là sức mạnh của một dân tộc đoàn kết, thống nhất, kiên định, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cội nguồn sức mạnh
Để khắc phục khó khăn, khủng hoảng, Đảng và Chính phủ Cu-ba đã chủ động, tích cực áp dụng nhiều biện pháp. Từ tháng 7-1993, Cu-ba chính thức tiến hành cải cách kinh tế - xã hội. Quá trình cải cách từ đó đến nay vừa phải bảo đảm mục tiêu, định hướng của sự nghiệp cách mạng; vừa phải đáp ứng kịp thời những đòi hỏi gay gắt của tình hình trong nước và thế giới; đồng thời, còn phải phòng tránh, giải quyết những hạn chế nghiêm trọng, phổ biến của mô hình phát triển kinh tế - xã hội theo chủ nghĩa tự do mới mà đông đảo các quốc gia Mỹ La-tinh đang mắc phải.
Sau hai thập kỷ 70 và 80 với những mất mát kinh tế khổng lồ từ nợ nước ngoài và trao đổi không ngang giá, Mỹ La-tinh bước vào cải cách kinh tế - xã hội theo chủ nghĩa tự do mới. Càng cải cách, Mỹ La-tinh càng lâm vào nghịch lý của sự tăng trưởng phản phát triển, tức là mặc dù kinh tế có tăng trưởng, nhưng càng tăng trưởng, càng làm trầm trọng thêm bất công xã hội, phân hóa giàu - nghèo, thất nghiệp, văn hóa xuống cấp, môi trường sinh thái khủng hoảng, an ninh xã hội tồi tệ... Trong các báo cáo hằng năm của ủy ban Kinh tế - xã hội Mỹ La-tinh của Liên hợp quốc (CEPAL), tổ chức này thường xuyên khẳng định nhu cầu tìm kiếm những mô hình phát triển phù hợp hơn cho các nước trong khu vực, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị, xã hội và kinh tế với nhau. Đồng thời, các văn bản chính thức của CEPAL nhiều lần đánh giá, trong bối cảnh cụ thể ấy của Mỹ La-tinh, Cu-ba nổi lên như một "trường hợp thú vị" (interesting case): tăng trưởng trong công bằng, xử lý cùng một lúc những vấn đề kinh tế và những vấn đề xã hội; tạo ra mô hình phát triển toàn diện (integral development). Trên cơ sở đó, trong Báo cáo năm 2005, CEPAL khuyến cáo rằng đóng góp của trường hợp Cu-ba có giá trị lớn đối với sự cân nhắc quốc tế về khả năng giành được sự phát triển sản xuất cùng với công bằng xã hội. Xét về chất lượng, kinh tế Cu-ba ngày nay có bước tiến quan trọng so với trước kia: có đường lối tự chủ, chủ động; có mô hình sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc thù của quốc gia dân tộc; phát huy sự tham dự rộng lớn của các tầng lớp nhân dân vào quá trình ra các quyết định, giải pháp chiến lược và biện pháp cụ thể.
Đánh giá của CEPAL đã phản ánh đúng thực tế khách quan ở Cu-ba. Những chính sách, biện pháp cải cách kinh tế đã đem lại kết quả tích cực. Năm 1995 đánh dấu mốc khởi sắc, nền kinh tế Cu-ba dần dần khôi phục sự cân bằng. Tính chung từ 1998 đến 2003, tăng trưởng bình quân đạt 3,4%/năm, so với mức bình quân 1,3%/năm của Mỹ La-tinh. Năm 2004 đạt 5,4%; năm 2005 đạt 11,8%; năm 2006 đạt 12,5%, năm 2007 đạt hơn 10%. Sản xuất lương thực, thực phẩm được đẩy mạnh, đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu của nhân dân. Du lịch, sản xuất xì gà, xuất khẩu ni-ken, dược phẩm, sản phẩm công nghệ sinh học và biến đổi gien... là những ngành, lĩnh vực và mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nền kinh tế nhận được làn sóng đầu tư mới, tăng 25% - 30%/ năm liên tục trong 2-3 năm qua, chủ yếu vào các ngành công nghiệp dược phẩm, khai thác dầu khí, đánh bắt cá, viễn thông, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.
Ngoại thương Cu-ba đã vượt qua khó khăn, trở ngại do chính sách bao vây, cấm vận của chính quyền Mỹ gây ra. Cơ cấu và chất lượng ngoại thương có bước dịch chuyển tích cực, trong đó kim ngạch với các đối tác, bạn hàng châu Mỹ chiếm 50%, châu Âu: 29% và châu á: 19%. Các nước Vê-nê-xu-ê-la, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Ca-na-đa, Hà Lan, Bra-xin, I-ta-li-a, Mê-hi-cô và Nhật Bản dẫn đầu danh sách các đối tác kinh tế, thương mại với Cu-ba. Giá trị xuất khẩu năm 2006 là 10,4 tỉ USD, tăng 45% so với năm 2005; năm 2007 đạt trên 11 tỉ USD và năm 2008 ước đạt trên 12 tỉ USD; giá trị nhập khẩu năm 2006 đạt 10,3 tỉ USD, tăng 30% so với năm 2005; năm 2007 đạt gần 11 tỉ USD. Hai bạn hàng rất quan trọng là Vê-nê-xu-ê-la và Trung Quốc trở thành các nhân tố chủ yếu bảo đảm sự ổn định của ngoại thương
Cu-ba. Chính phủ Cu-ba cũng đã có nhiều biện pháp hữu hiệu cải thiện đáng kể khả năng tín dụng của đất nước trên thị trường tài chính quốc tế, đồng thời đã nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhất là dược phẩm, củng cố thêm vị trí của Cu-ba trên thương trường toàn cầu. Một nhân tố khác đem lại thuận lợi cho ngoại thương Cu-ba là giá ni-ken trên thị trường thế giới tăng mạnh, từ 14 nghìn USD/tấn đầu năm tăng lên đến 33 nghìn USD/tấn cuối năm 2006 và giữ ở mức cao như vậy đến nay, thu về cho đất nước trên 1,5 tỉ USD từ xuất khẩu kim loại quý hiếm này hằng năm, xấp xỉ với nguồn thu từ du lịch - một trong những mũi nhọn kinh tế Cu-ba từ nhiều năm nay. Năm 2005 có thể được xem là khởi đầu tốt đẹp cho sự chuyển hướng kinh tế, điều chỉnh cơ cấu, phát triển kinh tế tri thức nhằm xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế khoa học - công nghệ, đạt tốc độ xuất khẩu cao các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ y tế, dược phẩm, kỹ nghệ gen, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin...
Tất cả những thành tựu tăng trưởng kinh tế đó, mặc dù còn rất khiêm tốn, nhưng đều được tận dụng nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Vừa tập trung vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Đảng và Chính phủ vừa chú trọng chính sách xã hội, triển khai hơn 150 chương trình xã hội nhằm củng cố các ưu việt xã hội chủ nghĩa, trong đó có công tác giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa. Ngân sách dành cho y tế và giáo dục đều tăng gấp 1,5 lần trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh hạ từ 11‰ năm 1989 xuống 5,3‰ năm 2007. Tuổi thọ bình quân của người dân tăng từ 58 tuổi năm 1959 lên 74,5 tuổi năm 1989 và 78 tuổi hiện nay. Trẻ em được tiêm phòng chống lại 13 căn bệnh. Số lượng bác sĩ trên 100.000 dân đạt 590 người, so với mức bình quân của Mỹ La-tinh là 160 người. Nhà nước đang triển khai cuộc cách mạng giáo dục với các chương trình mở rộng giáo dục đại học đến quận, huyện; cơ cấu mỗi lớp học cấp I không quá 20 học sinh, cấp II không quá 30 học sinh, mỗi lớp có một ti-vi và một đầu đĩa. Xã hội Cu-ba có thêm một khái niệm, một giá trị mới - đó là việc đi học: học tập không chỉ là quyền lợi, mà còn là một trách nhiệm, một việc làm được trả lương như các việc làm khác. Các cơ quan chuyên môn của Mỹ La-tinh và UNESCO đều thống nhất xếp học sinh Cu-ba vào vị trí thứ nhất khu vực về trình độ văn hóa tổng hợp. Những thành tựu kinh tế và xã hội của mô hình phát triển toàn diện nêu trên thể hiện sự nhất quán của Đảng, Chính phủ Cu-ba về đường lối của một cuộc cách mạng thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính đây là cội nguồn sức mạnh đã đem lại cho cách mạng trên Hòn đảo Xanh động lực vượt qua khó khăn, thử thách nặng nề của "Thời kỳ đặc biệt", tiếp tục tiến lên phía trước.
Đời sống của cán bộ, công chức và nhân dân có bước cải thiện. Cuối năm 2005, Chính phủ Cu-ba ban hành chế độ lương mới, tăng lương bình quân 27,9%. Tốc độ xây dựng nhà ở cho nhân dân tăng liên tục trong những năm vừa qua, điển hình là năm 2006 đạt hơn 110 nghìn ngôi nhà, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Cu-ba tiếp tục khẳng định là một quốc gia phát triển về mặt xã hội. Quyền được học tập, quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được làm việc đã trở thành các giá trị mang tính nguyên tắc và thước đo trình độ công bằng xã hội. Giáo dục đạt chất lượng cao, miễn phí cho toàn dân và ngày nay giáo dục đại học đã được triển khai đến toàn bộ 169 quận, huyện của cả nước, thu hút 67% thanh niên ở độ tuổi 18-24 đến giảng đường đại học. Tỷ lệ thất nghiệp vào loại thấp nhất thế giới, ở mức 1,9% năm 2007. Đời sống của người già độc thân, trẻ em khuyết tật, những người có hoàn cảnh đặc biệt... ngày càng được chính phủ quan tâm thông qua hoạt động của hơn 42 nghìn cán bộ công tác xã hội, bảo đảm ai cũng được hưởng an sinh xã hội trên Hòn đảo xã hội chủ nghĩa.
Nói đến Cu-ba là nói đến tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa quốc tế vô sản. Thực hành chủ nghĩa quốc tế vô sản trong bối cảnh cách mạng thế giới có nhiều thuận lợi đã là một nghĩa cử cao đẹp, thì hành động như vậy trong những năm tháng cách mạng thế giới và chủ nghĩa xã hội khủng hoảng, khó khăn lại càng đáng khâm phục gấp bội. Ngay trong hoàn cảnh thiếu thốn và đứng trước thử thách nghiệt ngã của lịch sử, Cu-ba vẫn giương cao ngọn cờ vinh quang của chủ nghĩa quốc tế vô sản, hằng năm vẫn tiếp nhận gần 20 nghìn sinh viên nước ngoài, chủ yếu từ các nước đang phát triển và có cả sinh viên Mỹ; vẫn duy trì hàng vạn giáo viên, bác sĩ làm nhiệm vụ quốc tế ở hàng chục quốc gia Mỹ La-tinh và các nước đang phát triển khác (chiếm gần 1/2 tổng số giáo viên, bác sĩ Cu-ba); vẫn thủy chung ủng hộ mạnh mẽ, công khai về chính trị - ngoại giao với các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới; vẫn phê phán một cách không khoan nhượng mọi chính sách và hành động cường quyền, hiếu chiến, phản động của các thế lực đế quốc, tư bản cực hữu... Chính vì vậy, trong tâm thức của bầu bạn quốc tế và những người tiến bộ luôn ủng hộ Cu-ba.
Nhìn lại cách mạng Cu-ba 50 năm qua, nhất là "Thời kỳ đặc biệt" từ năm 1991 đến nay, rất cần suy ngẫm về cội nguồn tạo nên sức mạnh và động lực của hòn đảo Anh hùng. Như mọi người đều thấy rõ, Cu-ba không phải là một sức mạnh quân sự, không đông quân, không có nhiều vũ khí, trang bị tối tân; càng không phải là một sức mạnh kinh tế. Cu-ba đã và tiếp tục trụ vững, đi lên chủ yếu và trước hết bằng sức mạnh tư tưởng, tinh thần, bằng động lực của các giá trị đúng đắn, bằng khối đoàn kết, thống nhất toàn dân, bằng nguồn lực con người tiên tiến. Nhìn nhận trên phương diện này, có thể khẳng định rằng thành quả lớn nhất trong nửa thế kỷ của chế độ xã hội chủ nghĩa và cũng là bí quyết tạo nên sức mạnh Cu-ba chính là đã xây dựng được một dân tộc chiến sĩ tràn đầy lòng yêu nước và ý thức cách mạng. Đây là cội nguồn của tất cả các thành tựu, kỳ tích trong chiến tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên Tổ quốc của Hô-xê Mác-ti.
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống
Với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Cu-ba là nước đi đầu trong phong trào ủng hộ của nhân dân thế giới, với tinh thần "Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hy sinh cả máu của mình". Nhiều công trình kinh tế - xã hội quan trọng do Cu-ba giúp xây dựng tại Việt Nam đến nay vẫn còn phát huy tác dụng. Những năm gần đây, mặc dù rất khó khăn do bị bao vây, cấm vận, nhân dân Cu-ba vẫn luôn quan tâm, theo dõi tình hình Việt Nam và dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ kịp thời, quý báu. Cu-ba sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực mà bạn có thế mạnh như xây dựng, giao thông, công nghệ sinh học, giáo dục, y tế, thể thao và nông nghiệp. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn coi trọng việc giữ gìn và phát huy tình đoàn kết, thủy chung, vô tư, trong sáng với nhân dân Cu-ba. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 400.000 tấn gạo sang Cu-ba với những điều kiện ưu đãi và hợp tác có kết quả trong lĩnh vực sản xuất lúa hộ gia đình để giúp Cu-ba tự túc lúa gạo. Trao đổi thương mại giữa hai nước liên tục tăng từ 60 triệu USD năm 2002 lên hơn 90 triệu USD năm 2003 và đạt hơn 700 triệu USD hiện nay. Trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng quan tâm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Cu-ba phát triển toàn diện, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, đầu tư, giáo dục, khoa học - kỹ thuật tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước. Tại cuộc hội đàm ở thủ đô La Ha-ba-na ngày 2-6-2007, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Phi-đen Ca-xtrô khẳng định quyết tâm của hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, tin cậy lẫn nhau và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cu-ba, đóng góp tích cực cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, hợp tác và phát triển ở Đông - Nam á, Mỹ La-tinh và trên thế giới.
Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Ðoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Cam-pu-chia  (20/01/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 12-1-2009 - 18-1-2009)  (19/01/2009)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 12-1 đến 18-1-2009)  (19/01/2009)
Đa dạng hóa các nguồn năng lượng - xu thế phát triển của tương lai  (19/01/2009)
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu năng lượng  (19/01/2009)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên