Chiến dịch giải phóng Quảng Trị và Thành Cổ qua đánh giá của các nhà quân sự và báo chí nước ngoài
TCCSĐT - Sau thất bại ở Đường 9 - Nam Lào năm 1971, quân chủ lực ngụy gần như suy sụp, tình hình diễn biến ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Theo dõi sát mọi chuyển động trên chiến trường, trong nước, trong khu vực và trên thế giới có liên quan tới cuộc chiến Việt Nam, Đảng ta nhạy bén phát hiện được thời cơ và nắm lấy thời cơ đó phát động cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam nhằm vào ba hướng chính: Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Trong đó, chiến trường Trị Thiên có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược ở miền Trung và Tây Nguyên của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Bởi vị trí đặc biệt quan trọng này, các cơ quan tình báo Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung nghiên cứu nhằm phán đoán hướng tiến công chiến lược trong năm 1972 của ta. Đồng thời, họ cũng mở một chiến dịch chuẩn bị cho tinh thần phải sẵn sàng chiến đấu, triển khai lực lượng và đặt trong tình trạng báo động cao. Bộ Chỉ huy Vùng 1 chiến thuật ráo riết tăng cường lực lượng đẩy mạnh các cuộc “hành quân tảo thanh Việt cộng” trong địa phận đảm nhiệm, tung biệt kích, thám báo nhằm thăm dò, phát hiện lực lượng, sự chuẩn bị của ta và cho rằng: “Năm 1972 là năm bầu cử Tổng thống tại Mỹ. Các nhà lãnh đạo cộng sản không thể nào quên được ảnh hưởng cuộc tấn công Tết Mậu Thân của họ đối với tình hình chính trị ở Mỹ hồi năm 1968. Họ coi mùa xuân và mùa hè 1972 là đặc biệt thuận lợi”, rồi nhận định: “Bộ Chính trị Bắc Việt đi đến kết luận đó vào đầu năm 1971. Sau quyết định đó, Hà Nội đã nhận được pháo, xe tăng và các khí tài nặng khác để có thể mở một cuộc tấn công lớn theo kiểu chiến tranh thông thường. Đây là kiểu tấn công mà các nhà lập kế hoạch của Mỹ đã chuẩn bị đối phó từ những năm trước nhưng chưa bao giờ xảy ra” (1) .
Bên cạnh đó, nhiều cuộc họp giữa các nhà nghiên cứu quân sự sừng sỏ tại Lầu Năm góc luôn theo dõi chặt chẽ và phán đoán: “Các đơn vị Cộng sản ở dọc biên giới phía Tây vẫn đóng tại bàn đạp xuất phát mà không nhích lên phía trước có nghĩa là họ không thể ngày một ngày hai mở cuộc tấn công” (2) .
Mặc dù phán đoán như vậy, nhưng nhiều tướng lĩnh Mỹ đã có những biểu hiện rất lo lắng thể hiện trong các báo cáo rằng: “Các cuộc chuẩn bị tại Bắc Việt Nam thật là dồn dập ở một quy mô chưa từng thấy. Suốt năm 1971, họ tuyển quân liên tục. Con số đích xác không được biết nhưng đủ để bổ sung cho 12 sư đoàn tác chiến được chuẩn bị để mở cuộc tấn công. Những vũ khí mới được viện trợ khiến quân Bắc Việt Nam hơn quân Nam Việt Nam về kỹ thuật. Pháo 130 li khiến cho các đơn vị Bắc Việt Nam có khả năng bắn xa hơn hẳn quân đội Sài Gòn. Xe tăng T.54 có thể đủ đối phó với xe tăng M48 của Mỹ do quân Sài Gòn sử dụng. Xét đến tổng số các khí tài hạng nặng đang có trong tay thì quân Bắc Việt Nam đang chiếm một ưu thế đáng sợ” (3) .
Đối với Tổng thống Richard Nixon, suốt trong 3 tháng đầu năm 1972 lại lấy làm hài lòng và cho rằng: “Hà Nội không đủ khả năng tung ra một cuộc tiến công mùa Xuân” và kết quả cuộc đàm phán Ba Lê đã ở trong tầm tay có lợi cho Mỹ lẫn Sài Gòn”. Còn Nguyễn Văn Thiệu lại muốn chứng tỏ cho người Mỹ thấy rằng, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã trưởng thành, có đủ khả năng chiến đấu trong năm 1972. Quả thật, nếu so sánh lực lượng bố trí trên chiến trường lúc bấy giờ của hai bên tham chiến thì các nhà quân sự Mỹ và Sài Gòn có đủ lý do để lạc quan.
Về bộ binh; quân ta có: 11 sư đoàn và 23 trung đoàn, địch có: 13 sư đoàn và 11 trung đoàn, lữ đoàn; pháo binh ta có: 5 trung đoàn và 7 tiểu đoàn, địch có: 65 tiểu đoàn và 85 trung đội; tăng, thiết giáp của ta có: 4 tiểu đoàn, địch có: 22 tiểu đoàn và 21 trung đội (gồm 2.090 xe tăng, 1.618 xe thiết giáp). Ngoài ra, địch còn có 1.692 máy bay chiến đấu các loại, 1.611 hạm tàu. Các lực lượng của địch được bố trí thành các cụm phòng ngự liên hoàn, có công sự kiên cố che chắn. Ở thời điểm đầu năm 1972, trên bình diện chiến lược, ta không thể nào có lực lượng theo tỷ lệ trên.
Vậy, làm thế nào và bằng cách gì mà “Hà Nội và Việt cộng” lại mở được cuộc tiến công lớn trong khi “Việt Nam hóa” đang thành đạt? Đó là câu hỏi mà các cơ quan quân sự Mỹ đã nhiều lần bỏ công sức và tiền của để nghiên cứu. Sau này, các tài liệu quân sự của của đã viết: “Trừ vũ khí nguyên tử chiến thuật, Mỹ sẽ không hạn chế việc sử dụng không lực Hoa Kỳ trên toàn Đông Dương (4)”. Đối với việc ta mở đợt tiến công hướng chính là Trị Thiên vào thời gian đúng như dự kiến là 30-3-1972, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phải thốt lên rằng: “Lực lượng của Việt cộng đã gây bất ngờ cho quân phòng thủ của Việt Nam cộng hòa và đồng minh Mỹ” (5). Với những nguồn tư liệu đã được giải mật, ta thấy rõ sự nghi ngờ của Mỹ và quân đội Sài Gòn tiên đoán là sẽ có một cuộc tấn công, rất có thể là vào năm 1972, thậm chí còn chỉ rõ ba khu vực được coi là nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, họ không phát hiện được kế hoạch của đối phương là cho thiết giáp làm mũi nhọn của các cuộc tấn công. Chỉ đến khi chiến dịch đã diễn ra, họ mới thừa nhận: sự xâm nhập khôn khéo của Hà Nội đó lọt qua mắt đối phương.
Về phía ta, ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị thông qua lần cuối và phê chuẩn kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972, cử đồng chí Tổng Tham mưu trưởng quân đội trực tiếp chỉ đạo hướng chủ yếu Trị Thiên. Trung tuần tháng 3-1972, các đơn vị tham gia chiến dịch lớn tại các hướng đã vào vị trí tập kết.
Trưa ngày 30-3-1972, Sư đoàn 308 với sự hỗ trợ của trung đoàn xe tăng và pháo binh đã vượt qua khu phi quân sự tại giới tuyến 17 chia cắt 2 miền. Từ phía Tây, Sư đoàn 324B, với xe tăng hỗ trợ theo đường 9 từ Lào vượt qua Khe Sanh, tiến vào thung lũng sông Thạch Hãn. Lực lượng tương đương 3 sư đoàn đã “gây bất ngờ cho quân phòng thủ Việt Nam cộng hòa và đồng minh Mỹ”(6), sau đó làm tan rã lực lượng này. Trong thời gian từ ngày 2-4 đến ngày 29-4-1972, quân ta chủ động tiến công trên nhiều hướng. Từ Huế, tại đồn Mang Cá, Trung tướng Hoàng Xuân Lãm nói: “Tối nay, địch (Việt cộng) sẽ vào Quảng Trị mà không tốn thêm một viên đạn nào”(7) và tình báo Mỹ có trụ sở tại Đà Nẵng, trong báo cáo đã viết: “Về cơ bản, các lực lượng quân đội Bắc Việt đã chiến thắng nhanh như chớp. Quân đội Việt Nam Cộng hòa ngạc nhiên khi quân đội Bắc Việt sử dụng lực lượng trong các cuộc tiến công”.
Sự thực là Quân đội Việt Nam cộng hòa có thế trận phòng ngự mạnh, được trang bị bằng “hệ thống chiến trường tự động” do Mỹ trợ giúp nhưng đã bị phá vỡ từng mảng và trở nên mỏng yếu. Từ đó, ta đã tạo ra được những tình huống và thời cơ chiến dịch thuận lợi và ngày 2-5 ta giải phóng Quảng Trị. Bản tin đài BBC Luân Đôn phát tối ngày 2-5-1972 đã loan đi: Huế đặt vào tầm tấn công của Bắc Việt, càng làm cho nỗi kinh hoàng của dân chúng lên đến điểm tận cùng. Mọi việc xảy ra quá đột ngột, như những cơn sét đánh mạnh. Giới tuyến bị mất, đồng bào đổ dồn vào lánh nạn tại Huế ngày càng nhiều. Theo phán đoán của ông William Colby, Giám đốc Cơ quan CIA tại Sài Gòn thì: “Quân đội nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ chiếm được Huế nhưng không qua nổi Đà Nẵng. Dù vậy, thực tế tốt hơn mong đợi khi Hạm đội 7 và Không lực của Mỹ tham chiến, hỗ trợ hỏa lực giúp đà tiến của đối phương, giúp Việt Nam cộng hòa có thêm thời gian bổ sung thiệt hại và tổ chức lại” (8).
Nhiều nhà nghiên cứu quân sự của Mỹ và Sài Gòn cho rằng: Hướng xuất quân đột ngột bất ngờ của ta trong cuộc tiến quân đầu tiên đã tạo ra một lợi thế rất to lớn lúc đầu. Xét về thế bất ngờ, Mỹ - Ngụy đã không đoán trước được quy mô và phương pháp áp dụng trong các cuộc tấn công của ta. Sự thiếu sót này rất thuận lợi cho quân ta và gây tác động tâm lý đối với phe phòng thủ vẫn nghĩ rằng mọi việc khác hẳn, chứ không phải như đã diễn ra và cuối cùng, họ phải thừa nhận: “Mỹ và Sài Gòn không tiên đoán được Hà Nội lại mạo hiểm như vậy. Tính quy mô của cuộc tấn công cũng là một đòn bất ngờ sấm sét đối với Bộ Chỉ huy Ngụy. Trước đây, Cộng sản luôn né tránh không áp dụng các chiến thuật quy ước. Rất có thể là cần phải như vậy vì ưu thế hỏa lực và kỹ thuật vẫn thuộc về đối phương. Họ luôn áp dụng chiến thuật phân tán, đánh chớp nhoáng, nghi binh, cơ động nhanh và tấn công bất ngờ, rất ít khi họ ra mặt”. Còn Đại tá lục quân Mỹ William S. Reeder nhận xét rằng: “Mùa xuân 1972, Cộng sản bất thần mở những cuộc tấn công như vũ bão. Đây không phải là một cuộc nổi dậy của Việt Nam năm 1968 mà là một chiến dịch quy mô với hàng loạt cuộc tấn công của Cộng sản băng qua vùng phi khu quân sự”. Một đơn vị tình báo Mỹ có trụ sở tại Đà Nẵng, trong báo cáo ngày 2-5-1972 đã khẳng định: “Về cơ bản, các lực lượng quân đội Bắc Việt đã chiến thắng nhanh như chớp. Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa hoàn toàn ngạc nhiên khi quân đội Bắc Việt sử dụng lực lượng trong các cuộc tấn công” (9).
Chiều ngày 4-5-1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam cộng hòa bay ra thị sát mặt trận giới tuyến, họp kín với các tư lệnh chiến trường. Tướng Thomas Bowen cố vấn quân sự Mỹ tại Quân khu 1 cho biết, Mỹ đã thay thế các xe tăng và pháo binh mà Việt Nam cộng hòa (quân Ngụy) bị mất và hư hại tại Quảng Trị. Đại bác từ Mỹ được chở thẳng sang và xe tăng chở từ Nhật tới để chuẩn bị cho một chiến dịch tiếp theo. Mặc dù từ đầu đến cuối chiến dịch, ta luôn giữ quyền chủ động chiến lược, chiến dịch, buộc địch phải bị động điều quân, làm cho thế bố trí chiến lược của chúng trên toàn miền Nam bị đổ vỡ, rối loạn, nhưng khả năng của ta có hạn, không thể đánh dứt điểm các mục tiêu như ý định ban đầu. Tuy Mỹ - Ngụy có trang bị kỹ thuật hiện đại đến đâu thì cuộc đương đầu lịch sử đã phân rõ thắng, bại.
Tại Đại hội Đảng Dân chủ Mỹ diễn ra vào tháng 7-1972 đã ghi vào cương lĩnh: “Sự trống rỗng của “Việt Nam hóa”, một khẩu hiệu lừa bịp có vẻ như hứa hẹn một thắng lợi ít tốn kém đã bị phơi trần qua cuộc tiến công gần đây. Chính phủ Sài Gòn, mặc dù đã được Mỹ ủng hộ ồ ạt vẫn không có sức sống. Nó không có hiệu lực về quân sự, thối nát về chính trị và gần như suy sụp về kinh tế”. Trước sự thực này, các viên chức ở cả Oasinhton lẫn Sài Gòn cũng phải thừa nhận rằng: “Các điểm này thực ra đã đủ để thỏa mãn các tiêu chí cho chiến thắng mà Hà Nội đã đề ra trước khi cuộc tổng tấn công bắt đầu”(10) và: “Trong giai đoạn đầu, cuộc tổng tấn công đã là một thành công hoàn hảo. Tình báo Mỹ đã đánh giá sai về thời gian, quy mô, địa điểm của các cuộc tấn công. Có được tính bất ngờ, quân đội nhân dân Việt Nam chọc thủng các tuyến phòng thủ mỏng của Việt Nam Cộng hòa, nhanh chóng tiến về thị xã Quảng Trị”(11).
Ngay sau khi bị mất toàn bộ tỉnh Quảng Trị (ngày 2-5-1972), Thời báo New York tại Mỹ rêu rao rằng: Tỉnh Quảng Trị “bị rơi vào tay Cộng sản” và “từ Oasinhton đến Sài Gòn luôn bao trùm một không khí lo âu căng thẳng. Tâm lý thất bại trong quân ngụy lan tràn”(12). Không cam chịu thất bại, địch bắt đầu thực hiện các bước điều chỉnh lực lượng và lập kế hoạch tái chiếm tỉnh này. Ngày 13-6-1972, Bộ Chỉ huy của quân viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn hứa tăng viện và hỗ trợ tối đa về hỏa lực (không quân, hải quân, pháo binh). Đồng thời, Nguyễn Văn Thiệu đưa 4 sư đoàn mạnh nhất của ngụy quân, trong đó có 2 sư đoàn được mệnh danh là “thiên thần mũ đỏ” (sư dù) và “cọp biển” (sư lính thủy đánh bộ) thuộc lực lượng tổng dự bị quốc gia với lực lượng tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn… và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm Mỹ hỗ trợ cho cuộc hành quân “tái chiếm” này.
Đồng thời với việc chuẩn bị lực lượng, Nguyễn Văn Thiệu điều tướng Ngô Quang Trưởng (nguyên Tư lệnh Quân khu 4 - Vùng 4 chiến thuật) - ra làm Tư lệnh Quân khu 1, Vùng 1 chiến thuật thay tướng Hoàng Xuân Lãm - viên tướng làm mất cả tỉnh Quảng Trị. Việc thay đổi nhân sự phản ánh quyết tâm của Thiệu tìm kiếm những thắng lợi quân sự nhằm ngăn chặn sự suy sụp tinh thần binh sỹ, đồng thời giữ chặt vùng đất từ nam sông Mỹ Chánh trở vào.
Ngày 19-6-1972, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho quân đội mở một chiến dịch tiến công trong 3 tháng, mệnh danh “Thừa thắng xông lên, tái chiếm lãnh thổ”(13). Theo đó, địch sẽ chiếm lại thị xã Quảng Trị trong tháng 7 và toàn tỉnh Thừa Thiên trong tháng 8 và 9. Động thái này của người đứng đầu chính quyền Sài Gòn được đánh giá là “giai đoạn giành lại quyền làm chủ những đất đai bị Cộng sản tạm chiếm trong toàn lãnh thổ. Không những thế, cuộc tiến công này chắc chắn có một ý nghĩa chính trị, trực tiếp ảnh hưởng tới mọi quyết định đang được thành hình về vấn đề Việt Nam và Đông Dương”(14).
Song song với quá trình nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch phản công, địch đẩy mạnh tác chiến ngăn chặn và trì hoãn các cuộc tiến công của ta, nhằm tạo một cục diện chiến trường không xấu hơn đối với chúng. Sau “nhiều lần chỉnh sửa”, kế hoạch phản công của địch được hoàn tất vào ngày 16-6-1972, mang tên Kế hoạch hành quân Lam Sơn 1972. Kế hoạch được thực hiện bằng những trận oanh kích lớn. Ngày 26 và 27-6, trên toàn bộ chiến tuyến phía Bắc sông Mỹ Chánh từ Núi Cái Mương, Hồ Lầy, Đá Bạc (hướng tây), đến Văn Quỹ, Hội Phường Kỳ (hướng đông) và các trận địa hỏa lực của ta nằm dọc đường số 1 huyện Hải Lăng đều bị đánh phá dữ dội. Sáng ngày 28-6, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực ngụy bắt đầu ồ ạt tiến công sang bờ bắc sông Mỹ Chánh thực hiện cuộc hành quân “tái chiếm lãnh thổ”.
Cuộc chiến đấu chốt giữ thị xã và Thành cổ Quảng Trị diễn ra quyết liệt từ trung tuần tháng 7 trở đi. Trên khu vực ngã ba Thạch Hãn đến ngã ba Long Hương, 3 tiểu đoàn dù (1, 9, 11), lữ dù 2 và 3 liên tục tấn công vào xung quanh Thành cổ, có ngày quân dù chiếm được gần hết làng Tri Bưu và làng Cổ Thành nhưng mọi cuộc tấn công ồ ạt của quân dù đều bị chặn lại trước những chốt thép kiên cường của quân ta. Với chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”, nhảy cóc không thành, quân dù buộc phải chuyển sang “đánh chắc tiến chắc” nhằm giảm bớt thương vong. Và với chiến thuật “chậm chắc” mỗi khi gặp ta là địch dừng lại, gọi bom, pháo đánh rồi mới tổ chức tiến công tiếp. Bởi vậy, trên dải đất dài, hẹp chỉ vài cây số vuông của thị xã và Thành cổ Quảng Trị, suốt ngày bom đạn nổ rền rĩ, mặt đất như chảo lửa lớn. Trong cuốn “Cuộc thử thách” của Đê-vơ ri-sớt Pan-Mơ đã miêu tả: “Các cuộc tấn công của Bắc Việt thật là dồn dập, ở một quy mô chưa từng thấy” và “Tổng thống Thiệu tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã nói với công chúng là trận chiến tranh quyết liệt đang ở trong tầm tay. Ông đã tung mọi lực lượng dự bị vào các khu vực bị đe dọa”.
Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ác liệt và hy sinh, các chiến sĩ của ta đã chiến đấu kiên cường, chỉ trong vòng từ 28-6 đến 27-7-1972, các đơn vị chốt giữ thị xã và Thành cổ đã đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 2 và 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, buộc sư đoàn dù (đã bị thương vong gần 5.000 tên) phải lui về phía sau củng cố. Trong những ngày này, học giả người Mỹ W.R.Baker đã đánh giá: “Cộng sản tấn công với tốc độ nhanh và chính xác. Đây là những cuộc tấn công hướng tới Thành cổ Quảng Trị và quan trọng nhất là một số đơn vị của cộng sản là lực lượng tại chỗ ngăn chặn bất kỳ sự nỗ lực nào của Việt Nam Cộng hòa”.
Bước sang tháng 8 và tháng 9, cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ở khu vực thị xã và Thành cổ ngày càng diễn ra ở mức độ cao hơn. Về phía quân địch, để hỗ trợ cho tinh thần quân ngụy, ngoài máy bay chiến thuật, chiến lược oanh tạc theo yêu cầu của bộ binh ở tiền duyên, Mỹ còn cho pháo hạm, pháo mặt đất tầm xa bắn tới hai vạn viên đạn suốt một ngày nhưng trước sức tiến công của ta, Mỹ - Ngụy đã phải cay đắng thừa nhận: “Hiệu quả chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa không đều, họ đứng vững được bởi sự trợ giúp của các cố vấn Mỹ và hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ của Mỹ từ trên không, trong đó phải kể đến các phi vụ B52 liên tiếp rải thảm xuống đội hình đối phương”(15) và: “Các điểm yếu nội tại trong cấu trúc chỉ huy của Việt Nam Cộng hòa đã xuất hiện trở lại, khi họ tỏ ra quá phụ thuộc vào yểm trợ hỏa lực của Mỹ”(16). Bản tóm tắt tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ đã viết: “Các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng hòa vẫn lúng túng trong cố gắng tìm cách dung hòa giữa những yêu cầu bảo đảm an ninh cho dân chúng và với chiến tranh cơ động đã không được chuẩn bị đầy đủ về tâm lý hay chiến thuật để có thể đương đầu với quân Bắc Việt Nam ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng”(17).
Về phía ta, để giữ được Thành cổ, chiến sỹ ta đã phải sử dụng chiến thuật phối hợp hỏa lực và vận động, dùng pháo binh, xe tăng dẫn đầu đánh tan những vị trí địch yếu kém. Các dàn súng phòng không cơ động sẽ ngăn không cho máy bay đến đúng tầm có thể yểm trợ, nhờ đó xe tăng ào tới chiếm các mục tiêu của địch. Trong khi đó, các đơn vị quân đội Sài Gòn không quen cầm cự với hỏa lực pháo tập trung và chưa được huấn luyện để chặn cuộc tiến công ồ ạt của xe tăng, đã tán loạn kinh hoàng trước cuộc tấn công thần tốc của ta.
Từ 28-6 đến 16-9-1972, trải quan 81 ngày đêm để chiếm lại Thành cổ Quảng Trị 16 ha và cả thị xã Quảng Trị hơn 3km2, Mỹ đã ném xuống đây 328.000 tấn bom. Báo chí phương Tây thời đó bình luận, khối lượng bom Mỹ ném xuống Thành Cổ tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Trong những ngày đó, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, mưa lũ triền miên để bám trụ và chiến đấu với các đối tượng sừng sỏ, thiện chiến của quân ngụy Sài Gòn với sự yểm trợ hỏa lực chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương. Một tờ báo của Mỹ đã viết: Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sỹ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52? Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ.
Cũng trong quá trình diễn ra chiến dịch, nhiều tờ báo tại Mỹ và phương Tây đã bình luận về kết cục bi thảm của nó. Tờ Tin Mỹ và Thế giới, số ra ngày 21-8-1972 viết rằng: “Hệ thống phòng thủ ở Bắc Việt Nam hiện đại, rộng khắp và có hiệu quả, đến nỗi trong bất cứ 1 trận đánh nào 90% máy bay của không quân Mỹ - Ngụy phải lo tự bảo vệ, đề phòng bị MIC tiến công, đồng thời khống chế súng phòng không và tên lửa từ mặt đất bắn lên…”(18). Tờ tạp chí Time của Mỹ, số ra ngày 25-9-1972 đăng tải: “Việc chiếm Quảng Trị sẽ đưa đến cho Sài Gòn một sự quảng cáo tâm lý chiến đấu rất cần thiết nhưng nó tuyệt nhiên không hoàn thành mục tiêu mà Thiệu đã tuyên bố. Tướng Mỹ Frederick Weyand tuần trước báo cáo rằng, ước tính Cộng sản vẫn nắm giữ khoảng một nửa Nam Việt Nam. Hơn nữa, trận đánh chiếm Quảng Trị một lần nữa lại đặt ra những câu hỏi chết người về chiến lược căn bản của cuộc phản công của Thiệu, đó là phó thác quân đội vào những trận đánh đơn lẻ và tổn thất cho những thành phố có tầm quan trọng thứ yếu về mặt quân sự. Đối với Quảng Trị, giờ đây nó chỉ là một đống gạch vụn”(19). Đại tá ALLen chỉ huy trưởng ở Bulge đã chỉ ra rằng: “Chúng tôi đã đánh giá đúng lý do vì sao các lực lượng Mỹ và Nam Việt Nam thất bại trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và chiến dịch này được gọi là “Thất bại tình báo”, bởi vì Hoa Kỳ và Nam Việt Nam hoàn toàn bất ngờ. Từ đây, có thể tiết lộ rằng: Bộ Chỉ huy chiến đấu của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã có những thay đổi đáng kể trong tư thế của quân đội Bắc Việt”.
Còn Bộ Tư lệnh MACV (cơ quan cố vấn mọi hoạt động huấn luyện cho quân đội Sài Gòn) đã đưa ra một mệnh lệnh yêu cầu các cố vấn Mỹ phải chuyển sang các cuộc hành quân chiến thuật bằng đơn vị nhỏ, loại bỏ việc hành quân tập trung kiểu Mỹ và nhận định: “Những trận chiến đấu sử dụng các đơn vị lớn coi như đã qua rồi. Cuộc tiến công năm 1972 đã làm cho MACV phải nhanh chóng xét lại vấn đề”(20).
Việc để mất tỉnh Quảng Trị đã làm cho Mỹ - Ngụy hoang mang, dao động mạnh. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, Tướng Cao Văn Viên thú nhận: “Cuộc tiến công năm 1972 của địch đã làm nổi lên một cách bi thảm nhất sự yếu kém cơ bản của quá trình Việt Nam hóa”. Thất bại đó, chứng tỏ nếu quân đội Sài Gòn không có sự hỗ trợ của quân Mỹ, đặc biệt về hỏa lực thì quân đội Sài Gòn khó đứng vững trước sức tiến công của chủ lực quân giải phóng. Nhiều học giả tại Mỹ và phương Tây bình luận rằng: Một yếu tố bất ngờ góp phần cho sự thắng lợi của Bắc Việt Nam trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị chính là các chỉ huy Mỹ và Nam Việt Nam quá tự tin về họ, vi phạm nguyên tắc đánh giá thấp đối phương và chiến trường Quảng Trị trở nên khốc liệt, đẫm máu bởi sự hy sinh mất mát quá lớn của cả hai bên. Nhưng theo đồng chí Lê Đức Thọ, sau chiến dịch Quảng Trị năm 1972, tại Pari, Kít-xinh-giơ nói rằng: đứng về mặt quân sự mà nói thì cả hai bên đánh nhau để giữ một cái Thành cổ như vậy thì không ai lại đánh như thế cả. Trả lời Kít-xinh-giơ, đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng: “Đó là vấn đề chính trị, đánh để giành thế mạnh chính trị trong đàm phán thôi, chứ còn đứng về quân sự thì không một ai vì một mảnh đất nhỏ đổ nát mà đánh như thế”(21). Đúng như vậy, bởi vì thắng lợi về quân sự trên chiến trường sẽ là lợi thế của các bên trên bàn Hội nghị. Lúc này, tại Pari, đàm phán hòa bình tiếp diễn, nhưng cả hai bên đã đồng ý, Mỹ phải chấp nhận ngừng bắn tại chỗ, thừa nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tồn tại bên cạnh chính quyền Sài Gòn, và Mỹ rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam, đó mới là thắng lợi to lớn mà chúng ta đã giành được./.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Trích theo: “Cuộc thử thách”của Đê-vơ ri-sớt Pan-Mơ, Minh Huy giới thiệu, Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 4.1992, tr.48
2. Tài liệu của Việt Nam Cộng hòa năm 1970-1972 - Phòng số 4- Hồ sơ số 59, Lưu TTXVN
3. Tài liệu của Việt Nam Cộng hòa năm 1970-1972, Phòng số 4- Hồ sơ số 141, Lưu TTXVN
4. Peter Dale Scoll, The secret road to the second Indochina War (Âm mưu chiến tranh: Con đường bí mật dẫn tới cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2), Boobbs - Merrill Company, New York, 1972
5. David Fulghum & Terrance Maitland, et al, South Vietnam on Trial. Boston: Boston Publishing Company, 1984, tr.138
6. Một chiến thắng bị bỏ lỡ - William Colby- Nxb Công an nhân dân, tr.372
7. Trích theo: “Cuộc triệt thoái đầy bi thảm khỏi thành phố Quảng Trị” - Quốc Hưng dịch, Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 5-1992, tr.89
8. Nhận xét của John Van, cố vấn quân sự Mỹ của Vùng 3 Chiến thuật, Nguồn: Neil Shechan, Abright Shining Lie, Random House, 1988, tr.776.
9. Tài liệu của Việt Nam Cộng hòa năm 1970-1972, Phòng số 4, Hồ sơ số 16, Lưu TTXVN
10. Fulgham & Maitland, sđd, tr.183.
11. Andrade, Dale, Trial By Fire: The 1972 Easter Offensive, Americas Last Việt Nam Battle, New York: Hippocrene Books, 1995, tr.590.
12. Thời báo New York tại Mỹ, số ra ngày 3-5-1972
13. Mặt trận vùng giới tuyến 72, Phòng 5- khối Quân sự Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn, 1974, tr.140.
14. Mặt trận vùng giới tuyến 72, Phòng 5- Khối Quân sự Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn, 1974, tr.140.
15. Palmer, Dave Ri chard, Summons of the Trumpet: A History of the Vietnam War From A Military Mans Viewpoint. Novato CA: Presidio Press, 1999, tr.324.
16. Andrade, Dale, Trial By Fire: The 1972 Easter Offensive, Americas Last Việt Nam Battle, New York: Hippocrene Books, 1995, tr.529
17. Tóm tắt Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, Tập 6: Tiến hành chiến tranh, Tài liệu do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam dịch, tr.9.
18. Tờ Tin Mỹ và Thế giới, số ra ngày 21-8-1972.
19. Tạp chí Time của Mỹ, số ra ngày 25-9-1972
20. Tài liệu của Việt Nam Cộng hòa năm 1970-1972, Phòng số 4, Hồ sơ số 148, Lưu TTXVN
21. Dẫn theo Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ (tuyển chọn từ Tạp chí Lịch sử quân sự), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.739.
Hướng dẫn các cấp Công đòan tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)  (31/03/2012)
Tuyên phạt 9 bị cáo trong vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinashin  (31/03/2012)
Tuyên phạt 9 bị cáo trong vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinashin  (31/03/2012)
Đồng chí Đinh Thế Huynh làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh  (31/03/2012)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam