Lời nói đầu
(Viết cho lần xuất bản thứ 3)
Cách đây 73 năm, Hội nghị thành lập Đảng họp từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã quyết định xuất bản một tạp chí lý luận chung cho toàn Đảng và ba tờ báo tuyên truyền ở ba xứ. Thực hiện quyết định đó, Tạp chí Đỏ, mà người sáng lập là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ra số 1 ngày 5-8-1930.
Từ đó đến nay, qua các giai đoạn cách mạng, các tạp chí Đảng đã nối tiếp nhau ra mắt bạn đọc. Từ 1930 đến 1945, sau Tạp chí Đỏ là Tạp chí Cộng sản (1931), Tạp chí Bônsơvic, rồi đến Tạp chí cộng sản (1941) và Tạp chí cộng sản (1943). Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tạp chí có tên là Sinh hoạt nội bộ và Tạp chí cộng sản (1950). Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Tạp chí Học tập ra đời tháng 12-1955 và xuất bản đều kỳ hằng tháng. Từ ngày 5-1-1977, tạp chí Học tập được đổi tên là Tạp chí Cộng sản, và tiếp tục ra đều kỳ hằng tháng. Từ tháng 7-1995, Tạp chí Cộng sản ra mỗi tháng 2 kỳ, và từ tháng 1 năm 2002 ra mỗi tháng 3 kỳ. Ở miền Nam, trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương cục miền Nam đã xuất bản tạp chí Nghiên cứu và trong những năm chống Mỹ, cứu nước đã xuất bản Tạp chí Tiền phong.
Từ khi xuất bản tạp chí đến nay đã 73 năm, trong đó có 48 năm tạp chí Đảng được xuất bản liên tục đều kỳ. Tuy tên gọi của tạp chí có lúc khác nhau, trong đó tên Tạp chí Cộng sản được dùng đến năm lần, nhưng xét về mặt nội dung, tạp chí luôn luôn là tạp chí lý luận và chính trị của Đảng. Và qua những chặng đường phát triển, tạp chí Đảng đã không ngừng trưởng thành, và đã có những đóng góp tích cực vào việc vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục lý luận của Đảng.
Năm 1995, nhân kỷ niệm lần thứ 65 ngày thành lập Đảng (3-2-1930 --- 3-2-1995) và chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 65 ngày xuất bản tạp chí Đảng, Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản đã cho biên soạn cuốn Tạp chí Cộng sản - Những chặng đường phát triển nhằm phác họa lại quá trình phát triển của tạp chí Đảng. Cuốn sách do một nhóm cán bộ đã nhiều năm gắn bó với tạp chí biên soạn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, và có sự đóng góp của đông đảo cán bộ của tạp chí đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Nhiều đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo hoặc Tổng biên tập của tạp chí qua các thời kỳ: Hà Huy Giáp, Trần Quang Huy, Hà Xuân Trường v.v.. đã đọc và chữa từng phần của bản thảo. Điều hết sức cảm kích là các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị: Đào Duy Tùng (từng nhiều năm là Tổng biên tập tạp chí) và Nguyễn Đức Bình, mặc dù bận rất nhiều công việc, đã cho những ý kiến chỉ đạo quan trọng giúp chúng tôi hoàn chỉnh bản thảo trước khi xuất bản. Đặc biệt, đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng đã vui lòng viết Lời tựa cho cuốn sách, dành cho chúng tôi niềm vinh dự và phấn khởi lớn. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng sự quan tâm nói trên của các đồng chí lãnh đạo Đảng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng đối với Tạp chí Cộng sản và là nguồn động viên lớn đối với toàn thể Bộ biên tập tạp chí trong công tác. Về mặt tư liệu, cuốn sách đã được sự giúp đỡ tích cực của Cục lưu trữ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Bảo tàng cách mạng và các đồng chí Nguyễn Thành, Tô Quyên.
Sau khi ra đời, cuốn Tạp chí Cộng sản - Những chặng đường phát triển đã thu hút được đông đảo bạn đọc. Qua những thư từ gửi cho Bộ biên tập, bạn đọc đã đóng góp nhiều ý kiến hoan nghênh và mong muốn cuốn sách được phát hành rộng rãi hơn, đáp ứng được yêu cầu của cán bộ, đảng viên muốn tìm hiểu lịch sử tạp chí Đảng. Bạn đọc cho biết ngoài việc trình bày một cách hệ thống lịch sử tạp chí Đảng, cuốn sách còn cho thấy những nét lớn của đường lối cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, phản ánh được phần nào bước phát triển của công tác lý luận của Đảng và quá trình Đảng ta vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng của nước ta. Đối với đội ngũ cộng tác viên và cán bộ trong Bộ biên tập, cuốn sách đã giúp anh chị em hiểu thêm truyền thống của tạp chí, thấy được mặt mạnh, mặt yếu và những kinh nghiệm chủ yếu của tạp chí qua các thời kỳ phát triển, từ đó nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm, xác định được phương hướng phấn đấu để tiếp tục nâng cao chất lượng tạp chí.
Thể theo yêu cầu của bạn đọc, tháng 8 năm 2000, nhân kỷ niệm 70 năm ngày xuất bản số tạp chí đầu tiên của Đảng, Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản đã cho tái bản (có bổ sung) cuốn Tạp chí Cộng sản - Những chặng đường phát triển.
Năm nay, vào dịp kỷ niệm lần thứ 73 ngày truyền thống đó của tạp chí Đảng (5-8-1930 --- 5-8-2003), một vinh dự lớn đến với Tạp chí Cộng sản: Tạp chí được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta. Phần thưởng cao quý này không những là sự ghi nhận những cố gắng của các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên của tạp chí Đảng trong suốt 73 năm qua mà còn ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ cộng tác viên và bạn đọc của Tạp chí.
Trong niềm vinh dự lớn đó, để bạn đọc hình dung lại đầy đủ quá trình phát triển của tạp chí Đảng qua 73 năm, từ khi ra số đầu tiên cho đến ngày đạt được phần thưởng cao quý nói trên, chúng tôi xuất bản lần thứ 3 (có bổ sung) cuốn Tạp chí Cộng sản - Những chặng đường phát triển. Phần bổ sung gồm chủ yếu những hoạt động của tạp chí từ năm 2000 đến nay, nhằm giúp bạn đọc có những nhận thức liên tục và cập nhật về sự phát triển của tạp chí.
Qua hai đợt tái bản, cuốn sách đã được sửa chữa, bổ sung, tuy nhiên chắc vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết, bất cập. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự góp ý phê bình của các đồng chí và các bạn để trong các dịp tái bản sau, cuốn sách ngày càng đạt được chất lượng cao hơn, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của tạp chí Đảng.
BỘ BIÊN TẬP TẠP CHÍ CỘNG SẢN
Chương I: Tạp chí Đảng từ 1930 đến 1954  (15/05/2007)
Tạp chí Đỏ  (15/05/2007)
Tạp chí Cộng sản (1931)  (15/05/2007)
Tạp chí Bônsơvíc  (15/05/2007)
Tạp chí Sinh hoạt nội bộ  (15/05/2007)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên