Mang cả Trường Sơn về thành phố

Ngô Vĩnh Bình
10:53, ngày 15-04-2009

TCCS - 1959 - 2009, năm mươi năm Trường Sơn cũng là chẵn 50 năm có một đề tài Trường Sơn hiện hữu sáng ngời trong văn học, có một đội ngũ các nhà văn áo lính thế hệ sau nối thế hệ trước tâm huyết với đất và người Trường Sơn, gắn bó máu thịt với những trang viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Đội ngũ nhà văn ấy, những trang viết ấy không chỉ góp phần làm phong phú thêm mà còn tạo nên nét độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại.

Tôi về công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội 30 năm nay và có cái may mắn là được cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhiều thế hệ nhà văn thuộc dường như là đủ các sắc lính, như: đặc công có ông thiếu tướng Dũng Hà, ông đại tá Chu Lai; thông tin có các ông đại tá Anh Ngọc, Hồng Diệu, Lê Thành Nghị; quân Tiên phong (308) có tướng Hồ Phương; hải quân có ông thượng tá Trần Đăng Khoa, ông đại tá Tô Nhuần; trinh sát có các ông đại tá Nguyễn Minh Châu, Khuất Quang Thụy; quân y có ông đại tá Nguyễn Khải, Sương Nguyệt Minh; pháo binh có ông đại úy Ngô Thảo, tư pháp có ông đại úy Nguyễn Đình Tú; vốn là lính lái xe có các sỹ quan trẻ Đỗ Tiến Thụy, Phùng Văn Khai... Với bộ đội 559, với bộ đội Trường Sơn thì thời nào cũng có, lúc nào cũng có thể gặp các nhà văn “từ trong rừng ra” nơi “ nhà số 4” (trụ sở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội ở số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội), mà là lính Trường Sơn đánh giặc công tác ở đó thực sự, lính Trường Sơn chính hiệu.

Người mang Tây Nguyên - Trường Sơn ra Thủ đô giải phóng (năm 1954) trước tiên là nhà văn Nguyên Ngọc. Bấy giờ ông là một anh chiến sỹ còn rất trẻ, mới 22 tuổi. Ra Bắc tập kết có chừng hai năm, ông cho trình làng luôn cuốn tiểu thuyết viết về Tây Nguyên nổi tiếng Đất nước đứng lên và được Tổng cục Chính trị điều liền về Văn nghệ quân đội tham gia Ban biên tập đầu tiên của tạp chí này và tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất với tư cách là hội viên sáng lập Hội (năm 1957). Cuốn Đất nước đứng lên với nhân vật Anh hùng Núp và dân làng Kông hoa đã đem đến cho bạn đọc phương Bắc một cái nhìn mới về một Trường Sơn - Tây Nguyên hùng vĩ và bất khuất. Tiểu thuyết đã được nồng nhiệt đón nhận và sau đó được trao Giải thưởng Văn nghệ Việt Nam (1954 - 1955), được tái bản rất nhiều lần, dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia, đưa vào văn tuyển trong nhà trường...
 
Trong lần vượt Trường Sơn trở lại chiến trường tham gia cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này, ông lại có Rừng xà nu (năm 1969) - một tập truyện ký không chỉ mang hơi thở nóng bỏng của chiến trường Tây Nguyên mà còn có sức lay động, cổ vũ rất lớn đối với nhân dân miền Bắc, đặc biệt là lớp trẻ trong sự nghiệp “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” lúc bấy giờ. Tập Rừng xà nu sau khi xuất bản đã được tặng nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải Lôtus của Hội Nhà văn Á - Phi.

Mãi cho đến bây giờ, Nguyên Ngọc vẫn được coi là nhà văn có những trang viết hay nhất về mảnh đất “mái nhà Đông Dương” và là một trong những chuyên gia hàng đầu về Trường Sơn - Tây Nguyên của nước ta.

Nhà văn Xuân Thiều cũng là nhà văn có những trang viết đáng nhớ về miền đất này. Trước khi giữ cương vị Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, ông đã có nhiều năm tháng chiến đấu dọc Trương Sơn với tư cách là phóng viên mặt trận với bút danh Nguyễn Thiều Nam. Thôn ven đường - tiểu thuyết; Chiến đấu trên mặt đường - ký sự cùng các truyện dài truyện ngắn: Người quản tượng và con voi chiến sỹ, Chuyện làng Rapồng, Truyền thuyết quán tiên... là những tác phẩm xuất sắc viết về cuộc chiến đấu anh hùng của bộ đội và nhân dân ta trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn những năm ác liệt nhất. Những trang viết ấy ngời ngời lửa đạn, nhưng cũng đậm đặc chất thơ, nặng tình đồng đội, nặng nghĩa đồng bào và chan chứa tình yêu đôi lứa. Trong số này có những tác phẩm được trao Giải thưởng văn nghệ Giải phóng, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; đồng thời cũng có những tác phẩm một thời bị coi là “có vấn đề ” vì “dám” viết cả những chuyện thuộc về mặt trái của cuộc chiến tranh.

Có một vị tướng cùng thời với Nguyên Ngọc và Xuân Thiều viết ít nhưng “kỹ tính” trong văn chương là ông Nguyễn Chí Trung. Ông cũng là nhà văn “từ trong rừng ra”. Nói đến ông là người đọc nghĩ ngay tới Bức thư làng Mực viết năm 1969 và mới đây là Tiếng khóc của Nàng Út - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008. Bức thư làng Mực như bài ca ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tác phẩm được viết cùng năm với thiên tùy bút Đường chúng ta đi của Nguyên Ngọc. Ông là nhà văn có gắn bó máu thịt với Trường Sơn, đặc biệt là miền đất Khu 5 kiên trung.

Nhưng nhà văn chính hiệu Trường Sơn - 559 lại là đại tá, nhà văn Lê Lựu. Ông nổi tiếng bởi các tiểu thuyết Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội và nhiều cuốn sách khác viết về nhà quê, về nông thôn Bắc Bộ... nhưng người ta vẫn cứ bảo ông là nhà văn của 559 bởi vì ông vào Trường Sơn từ những năm đầu của công cuộc mở đường - mở rừng. Ông có tiểu thuyết Mở rừng viết về con đường huyền thoại này từ đầu những năm 70, nhưng có lẽ cái “công” lớn của ông với Trường Sơn không chỉ là tác phẩm mà còn ở chỗ đã quần tụ được rất nhiều nhà văn áo lính đến với miền đất này ngay từ những năm lửa khói. Bấy giờ các lớp tập huấn viết văn do Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Tổng cục Chính trị thường được tổ chức “tại trận”. Ở những lớp trại ấy, Lê Lựu thường được cử làm người chủ trì, lo tất tần tật các khâu từ chọn học viên, chọn người lên lớp, tổ chức đi thực tế, chấm bài...
 
Cho đến hôm nay đã 40 năm có lẻ qua đi rồi mà những người viết về “đồng môn” hồi ấy gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng, vẫn khôn nguôi những kỷ niệm đẹp về Trường Sơn những năm lửa khói. Hồi Lê Lựu còn công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, anh chị em viết văn, làm thơ, sáng tác bài hát, vẽ tranh về đề tài Trương Sơn từ các đơn vị, địa phương vẫn thường hay lui tới phòng ông. Nhà văn Nguyễn Việt Phương, các họa sĩ Đức Dụ, Phạm Lực, các nhà thơ Trọng Khoát, Trần Nhương... ở Tổng cục Hậu cần dường như tuần nào cũng có mặt. Nói lớn, đọc thơ cũng lớn, cười cũng lớn là Trọng Khoát. Ông đại tá này không chỉ có nhiều thơ mà còn có cả một kho “tiếu lâm” về Trường Sơn. Bác Nguyễn Việt Phương thì là một cái tổng kho tư liệu về con đường xuyên Việt vĩ đại này. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cũng phải lặn lội tìm đến hỏi cụ.

Có những người không tham gia các trại viết, trại sáng tác Trường Sơn nhưng viết và vẽ nhiều, viết và vẽ thành công về đề tài đường Trường Sơn, nổi danh vì những sáng tác về Trường Sơn cũng rất hay lui tới Lê Lựu, lui tới “nhà số 4” để gặp gỡ nhau; trao đổi, thông tin cho nhau về đồng đội cũ, về Trường Sơn hôm nay, về những sáng tác mới của mình.

Trong số này có Phạm Tiến Duật - một “danh nhân Trường Sơn”, một “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, một nhà thơ của bộ đội Trường Sơn mà ai cũng biết. Ông không phải là người được biên chế ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhưng anh em ở tờ tạp chí này luôn coi ông như người nhà giống y như nhà văn Đỗ Chu vậy. Ông được bạn đọc biết tới sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 với chùm thơ viết về Trường Sơn: Lửa đèn, Nhớ, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, sau đó là các tập thơ Vầng trăng cuồng lửa (năm 1970), Thơ một chặng đường (năm 1971)... Thơ ông là cả một Trường Sơn thu nhỏ với những anh bộ đội lái xe vui tính, những chiến sĩ công binh mở đường quả cảm, những cô gái thanh niên xung phong hồn nhiên, tinh nghịch...; những “vùng rừng không dân” với rất nhiều hoa thơm cỏ lạ, rất nhiều chim thú quý, và nhiều hơn cả là lửa khói đạn bom. Với những bài thơ về Trường Sơn những năm chiến tranh vừa hiện thực sinh động vừa lãng mạn, có cả “quầng lửa” có cả “vầng trăng”, có bom rơi, có máu đổ nhưng cũng có anh có em, có trai có gái, có “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, có “khăn xanh khăn xanh phơi đầy nắng sớm”... Phạm Tiến Duật đã trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất trong thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ, và như thế đương nhiên ông là nhà thơ tiêu biểu nhất của bộ đội Trường Sơn, bộ đội đường dây 559.
 
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, người cũng có nhiều bài thơ hay viết về Trường Sơn bảo chính anh Duật là người đầu tiên đã đưa được cả Trường Sơn vào thơ, về thành phố, về Hà Nội, về “nhà số 4”. Có những khi vui chuyện, anh Duật nói, không có những năm ở Trường Sơn, không có Duật. Lại có nhà phê bình văn học khen thơ ông, cám ơn ông; nói chính ông và các nhà thơ thế hệ các ông đã làm nên một thời đại trong thơ ca Việt Nam. Nghe vậy, Phạm Tiến Duật cười kể lại một câu chuyện vui. Ông bảo, khi nghe bài thơ Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (được Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng) có người bảo cám ơn mình vì câu thơ “muỗi bay rừng già cho dài tay áo”, mình cười “Ô hay, sao lại cám ơn Duật? phải cám ơn muỗi chứ!”.

Cho đến hôm nay, bài hát Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây cùng với các bài hát Lá đỏ (Hoàng Hiệp phổ thơ Nguyễn Đình Thi), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung phổ thơ Nguyễn Trung Thu), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung phổ thơ Gia Dũng)... vẫn là những bài ca về Trường Sơn hay nhất, sống mãi với thời gian.

Tác giả bài thơ Bài ca Trường Sơn, nhà thơ Gia Dũng cũng là người của “nhà số 4”. Ông vốn là lính Sư đoàn 312 anh hùng nhiều năm có mặt ở Trường Sơn. Ông viết bài thơ Bài ca Trường Sơn với những câu đầy lãng mạn cách mạng: Trường Sơn ơi / Nơi mà ta qua không một dấu chân người / Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác / Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát / Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi... Những câu thơ bây giờ đọc lại có người tỏ ra nghi ngờ, sao lại “đường ra trận mùa này đẹp lắm”?, đi chiến đấu chứ đi trẩy hội đâu mà “ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi”?, nhưng ở vào thời điểm cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu), hoặc như “có những ngày vui sao / cả nước lên đường” với những “tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” (Chính Hữu) là một sự thật. Là thế nên bài thơ Bài ca Trường Sơn của Gia Dũng vừa mới ra đời đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc và nhanh chóng trở thành bài hát có sức lay động, cổ vũ hàng triệu con tim tuổi trẻ, nâng bước họ lên đường chiến đấu. Với thanh niên Việt Nam những năm tháng ấy, câu thơ của Tố Hữu: Trường Sơn đông nắng tây mưa / Ai chưa đến đó như chưa rõ mình là thơ mà cũng là lời hiệu triệu, là thơ nhưng cũng là lời của nước non kêu gọi người người lên đường đuổi giặc.

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu, tác giả phần lời bài hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác cũng là người hay lui tới trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội để gặp gỡ những đồng đội viết văn, làm thơ ở Trường Sơn năm nào, bởi ông cũng là một nhà thơ áo lính. Rời mái trường Đại học Tổng hợp lên đường nhập ngũ, ông vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường B. Một đêm nghỉ lại giữa đại ngàn cũng trăng sao, cũng tiếng suối chảy, cũng tiếng hát đâu đây, ông chợt nhớ tới Bác Hồ - vị cha già dân tộc năm nào nơi núi rừng Việt Bắc... và trong ông bật lên thành thơ: Đêm Trường Sơn / Chúng cháu nhìn trăng nhìn cây / Cảnh về khuya như vẽ / Bâng khuâng chúng cháu nghĩ / Bác như đã đến nơi này/ Ơi đêm Trường Sơn/ nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa / Mà ngỡ như từ Pắc Bó suối về đây ngân nga / Âm vang Trường Sơn, âm vang Trường Sơn / Đường Trường Sơn mang bóng hình của Bác / Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước / Con đường của Bác mới đi qua... Bài thơ hoàn thành ngay sáng hôm sau khi ông và đồng đội tiếp tục cuộc hành quân đánh giặc. Bài thơ là tấm lòng thành kính, là lời hứa của những nguời lính với Bác nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã vạch ra - con đường “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giữ cho được độc lập tự do”. Sau khi được phổ nhạc, sức lan tỏa cả bài thơ càng lan rộng để bây giờ sau mấy mươi năm, Đêm Trường Sơn nhớ Bác vẫn là một trong những khúc ca hay nhất viết về tình cảm của người lính nói chung, của bộ đội Trường Sơn nói riêng đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu.

Nói về những người lính, những nhà văn đã mang cả Trường Sơn về thành phố, về với Thủ đô, với “ngôi nhà số 4” còn phải kể đến nhiều tên tuổi khác. ấy là một Chính Hữu với những “Ngọn đèn đứng gác”, một Nguyễn Minh Châu với những “Dấu chân người lính”, “Những người đi từ trong rừng ra” cùng “Những cánh rừng đầy giấy bay”; một Nguyễn Khải với “Tháng ba ở Tây Nguyên”, một Khuất Quang Thụy “Trong cơn gió lốc”..., rồi một Trung Trung Đỉnh với cuộc “Lạc rừng”. Đó là những tác phẩm xuất sắc viết về Tây Nguyên - Trường Sơn của các nhà văn áo lính. Những tác phẩm mà nói đến con đường huyền thoại Trường Sơn, nói đến một thời “xẻ dọc Trường Sơn” của dân tộc ta người đời sau không thể không nhắc tới!

Đường Trường Sơn, bộ đội 559 trong chiến tranh đã về thành phố theo những trang sách, những bài ca như thế. Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh và cả Tây Nguyên hôm nay cũng về thành phố, về Thủ đô cùng những bài ca, những trang văn ngày nối ngày. Viết về bộ đội làm kinh tế ở Tây Nguyên, Nguyên Bảo có tiểu thuyết Giám định của đất, nhà văn trẻ Đỗ Tiến Thụy có tiểu thuyết Màu rừng ruộng; viết về vùng kinh tế mới nơi đây Nguyễn Trí Huân có tập truyện ngắn Cao nguyên không xa xôi... nhiều nữa, nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những trang viết của Nam Hà và Nguyễn Hữu Quý.

Ngay từ khi ta làm đường lớn - đại lộ Hồ Chí Minh và đường dây tải điện 500 KV, nhà văn Nam Hà - tác giả của những câu thơ bất hủ: “Đất nước của những người con gái con trai / Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép / Xa nhau không hề rơi nước mắt / Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt” đã khoác ba lô, bắt xe tải cùng những người thợ đường dây vượt Trường Sơn một lần nữa để có tập bút ký 500 trang mang tên Dặm dài đất nước. Cuốn sách không chỉ được Hội Nhà văn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng giải thưởng cao mà còn được đích thân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khen ngợi và ký lệnh cấp cho một chiếc xe ô-tô con. Chiếc xe này hiện anh em phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân đội vẫn đang sử dụng

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý hiện là đại tá, Trưởng ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhưng ông vốn sinh ra ở vùng gió Lào cát trắng dưới chân dãy Trường Sơn và là lính của binh đoàn 12 - bộ đội Trường Sơn. Những bài thơ đầu tiên của ông là những bài viết về Trường Sơn và ông được mọi người biết đến cũng là nhờ những bài thơ viết về Trương Sơn, trong đó nổi nhất là bài Khát vọng Trường Sơn viết dâng hương hồn 10.000 liệt sĩ đang nằm lại Nghĩa trang Trương Sơn với những câu: Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn / Mười nghìn bài ca trong bài ca lớn / Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc /Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta /Mười nghìn con đò thương về bến đợi / Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa... Bài thơ được trao giải cao nhất trong một cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức (năm 1996) và được tới 3 nhạc sĩ (Phạm Tuyên, Võ Thế Hùng, Văn Chừng) phổ nhạc thành ba bài hát cùng tên.
 
Ngoài ba bài hát này, bài Trường Sơn tóc dài của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cũng là bài phổ thơ Nguyễn Hữu Quý. Hơn ba mươi năm khoác áo quân nhân, trong đó có gần 20 năm là lính Trường Sơn, những trang viết của anh (cả thơ, bút ký, truyện ngắn) dường như trang nào dòng nào cũng in đậm chất Trường Sơn, dấu ấn Trường Sơn. Năm nay, 2009 Kỷ niệm 50 năm Đường Trường Sơn huyền thoại, Nguyễn Hữu Quý lại vừa hoàn thành tập trường ca Vạn lý Trường Sơn với cả ngàn câu thơ. Anh tiết lộ, tập trường ca mới của anh không chỉ là “một nghìn, một vạn Trường Sơn trong một Trường Sơn mà còn có cả máu và nước mắt của nhiều thế hệ chiến sỹ Trường Sơn nửa thế kỷ qua”... Và như thế, nếu như nói Phạm Tiến Duật là nhà thơ của Trường Sơn hôm qua thì cũng có thể bảo Nguyễn Hữu Quý là nhà thơ của Trường Sơn hôm nay./.