Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: nhìn lại và đi tới
Quan hệ hợp tác về chính trị, ngoại giao
Tháng 11-1991, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm Trung Quốc, đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Kể từ đó đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm chính thức và gặp gỡ bên lề hội nghị quốc tế, qua các cuộc gặp cấp cao. Hai bên luôn nhấn mạnh, tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc là tài sản quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần được hết sức giữ gìn và không ngừng vun đắp; khẳng định sẽ làm hết sức mình để đưa quan hệ đó ngày càng sâu sắc hơn, tin cậy hơn, cùng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu tháng 2-1999, hai nước xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Tháng 12-2000, hai bên ký “Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới”, đề ra những biện pháp cụ thể phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2002, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam và phát biểu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân nhấn mạnh: “phát triển mối quan hệ Việt- Trung phải lấy tin tưởng lẫn nhau làm cơ sở, ổn định lâu dài là tiền đề, láng giềng hữu hảo là sự đảm bảo, hợp tác toàn diện là mấu chốt, cùng nhau phát triển phồn vinh là mục tiêu”(1). Năm 2005, hai bên thỏa thuận đưa quan hệ hai nước phát triển trên phương châm “bốn tốt”: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Đặc biệt, tháng 5-2008, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, hai bên thống nhất nâng tầm quan hệ thành “quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện”, đồng thời nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các cấp của hai đảng.Hai đảng đã tổ chức 6 cuộc hội thảo khoa học về lý luận, kinh nghiệm xây dựng đảng, quản lý nhà nước, về đổi mới, cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế. Giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước tiếp tục được duy trì hằng năm. Quan hệ giữa các ngành như ngoại giao, an ninh, quốc phòng tiếp tục được đẩy mạnh. Quan hệ giữa các địa phương hai nước cũng được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực như: trao đổi đoàn các cấp, ký kết các văn bản hợp tác, cùng nhau tổ chức hội thảo, triển lãm v.v..
Đối với các vấn đề quốc tế, quan điểm xuyên suốt của hai nước là tôn trọng tính đa dạng, lịch sử văn hóa, chế độ xã hội, mô hình phát triển, các vấn đề nội bộ của các nước cũng như các nền văn minh trên thế giới, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền trong các công việc quốc tế, cam kết có những đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển ở châu Á, thế giới và sự phát triển, phồn vinh, tiến bộ của nhân loại. Hai nước đều mong muốn thiết lập một trật tự thế giới, công bằng và hợp lý hơn, mong muốn các nước cùng phát triển, phồn vinh. Sự thống nhất về lý tưởng, con đường đi đúng đắn, được chứng minh bằng chính thực tiễn hiện tại là điểm chung vô cùng quan trọng mà hai nước cần thiết phải phát huy và giữ vững.
Hợp tác về kinh tế
Về thương mại, kim ngạch thương mại hai nước không ngừng phát triển trong 20 năm qua, đặc biệt là trong những năm đầu thế kỷ XXI. Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Chỉ số trao đổi thương mại của hai nước cho thấy mức độ gia tăng không ngừng của hợp tác kinh tế hai nước và không ngừng vượt qua các kế hoạch và dự báo của hai bên cho mỗi giai đoạn. Năm 1991, kim ngạch thương mại hai bên chỉ là 32 triệu USD. Năm 2010, kim ngạch thương mại song phương đã lên tới 27,3 tỉ USD. Trung Quốc trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại hai nước đạt 15,7 tỉ USD, chiếm 33,1% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, dự kiến sẽ vượt 30 tỉ USD trong năm 2011 và mục tiêu năm 2015 là 50 tỉ USD.
Về đầu tư trực tiếp, nếu như trong 9 năm kể từ khi bình thường hóa (tháng 11-1991 đến tháng 12-1999), Trung Quốc mới có 76 dự án với tổng số vốn đầu tư theo giấy phép là 120 triệu USD, thì 10 năm sau, tính đến hết năm 2010, Trung Quốc đầu tư 743 dự án tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới hơn 3 tỉ USD, đứng thứ 11 trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Về viện trợ phát triển, các khoản vay ưu đãi mà Trung Quốc dành cho Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2000 chủ yếu tập trung vào việc khôi phục, cải tạo và mở rộng các nhà máy do Trung Quốc xây dựng trước đây. Từ năm 2000 đến nay, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Trung Quốc đã tăng lên mạnh mẽ và được hai nước ưu tiên sử dụng trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang cần: điện lực, khai khóang, luyện kim, phân bón nông nghiệp, hóa chất, cơ khí. Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hòan lại trong việc tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Quốc; trao đổi các đoàn thanh, thiếu niên...
Bên cạnh đó, các bộ, ngành của hai nước đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và điều chỉnh, bổ sung nội dung các hiệp định trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại nhằm không ngừng hòan thiện hành lang pháp lý cho hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại.
Năm 2010, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA hay CAFTA) đã chính thức đi vào hoạt động. Trong cơ chế hợp tác này, quan hệ Việt - Trung giữ vai trò quan trọng, mang tính trụ cột, Việt Nam với vị trí địa chiến lược ở khu vực Đông Nam Á được coi là “cầu nối” trực tiếp, chiến lược quan trọng để Trung Quốc mở rộng và tiếp cận các nước ASEAN dựa trên tuyến đường bộ và đường biển. Phát huy đầy đủ vị thế đó là nhân tố then chốt của quan hệ kinh tế hai nước trong giai đoạn mới.
Hợp tác về an ninh, quốc phòng
Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc có những bước tiến mạnh mẽ với việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn nhằm tạo sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau. Trong đó, phải kể đến chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh năm 2010, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) cuối năm 2010, và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thượng tướng Quách Bá Hùng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đầu năm 2011. Trong Đối thoại chiến lược quốc phòng - an ninh lần thứ hai (tháng 8-2011), hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như tăng cường trao đổi đoàn, sớm hoàn thành đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng.
Hợp tác về giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch
Trong 10 năm trở lại đây, hợp tác giáo dục - đào tạo hai nước phát triển hết sức mạnh mẽ. Hai nước đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng về hợp tác đào tạo. Hiện số lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc là hơn 12.000 người, đứng thứ hai trong tổng số hơn 60.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Số lượng lưu học sinh Trung Quốc, nhất là lưu học sinh các vùng Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, học tập tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng. Đã có trên 80 trường đại học của Việt Nam có quan hệ với các trường đại học Trung Quốc một cách thường xuyên, hiệu quả(2).
Hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa hai bên cũng đạt được nhiều thành tựu, nhất là giao lưu văn hóa truyền thống, triển lãm hội họa, xuất bản, báo chí, điện ảnh… Từ năm 1991 đến nay, Việt Nam đã cử hơn 200 đoàn đại biểu văn hóa sang Trung Quốc biểu diễn, khảo sát, học hỏi. Trung Quốc cũng cử hàng trăm đoàn giao lưu văn hóa hữu nghị với Việt Nam.
Về thể dục - thể thao, kể từ khi “Hiệp định hợp tác du lịch Việt Nam – Trung Quốc” được ký kết năm 1994, hợp tác du lịch hai nước ngày càng mạnh mẽ. Nếu như năm 1993 chỉ có 17.000 lượt người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch (bằng 20% lượng khách quốc tế đến Việt Nam), thì đến nay, trung bình mỗi tháng có từ 65.000 đến 90.000 lượt khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam, đứng đầu về số lượng khách quốc tế. Trung Quốc cũng là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam.(3).
Về biên giới lãnh thổ
Sau khi bình thường hóa quan hệ, năm 1993, hai bên ký “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ”, tiến hành đàm phán về biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông.
Về biên giới trên bộ, hai nước Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trên bộ dài 1.350 km. Đầu những năm 70 thế kỷ XX, hai bên đã bắt đầu đàm phán phân định mốc giới. Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã tiến hành đàm phán thực chất và ký kết “Hiệp định biên giới trên bộ” năm 1999. Tháng 2-2009, sau một quá trình đàm phán phức tạp, khó khăn lâu dài suốt 10 năm, trên cơ sở tôn trọng lịch sử và xét đến hiện tại, hiệp thương thẳng thắn và lâu dài, hai nước hòan thành việc cắm mốc biên giới trên bộ.
Về Vịnh Bắc Bộ, năm 2000, hai nước ký “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ”, có hiệu lực từ năm 2004. Hiện, các Hiệp định trên được triển khai tương đối thuận lợi, công tác quản lý đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi hải sản dần đi vào nền nếp. Hai bên cũng thực hiện tốt công tác điều tra liên hợp nguồn thủy sản và tuần tra chung của hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ. Mặt khác, hai bên đẩy nhanh việc thực hiện "Thỏa thuận khung về hợp tác dầu khí trong vùng thỏa thuận tại Vịnh Bắc Bộ", thúc đẩy đàm phán về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh (đã tiến hành 5 vòng đàm phán).
Về vấn đề Biển Đông, ngay từ khi bình thường hóa quan hệ, hai bên nhất trí thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông năm 2002 (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN.
(1) Báo Nhân dân, ngày 29-02-2002
(2) Tổng hợp từ: www.vnemba.org.cn
(3) Tổng hợp số liệu từ website của Tổng cục Du lịch: www.vietnamtourism.gov.vn
Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam với các nước ở khu vực Nam Á  (08/10/2011)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  (08/10/2011)
Ra mắt cuốn sách "Liên Xô/Nga - Việt Nam: Những cột mốc hợp tác"  (08/10/2011)
Hội nghị Pa-na-ma về chống biến đổi khí hậu đạt bước tiến rõ rệt  (08/10/2011)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên