Giải bài toán về an ninh năng lượng quốc gia
Dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng, tốc độ tăng nhu cầu sử dụng năng lượng thương mại của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2025 trong khoảng 8,6% - 9,7%/năm. Theo tính toán, với tốc độ gia tăng mức độ khai thác năng lượng như hiện nay, các mỏ dầu và khí đốt của nước ta cũng sẽ cạn kiệt trong vòng 40 - 60 năm tới.
Dự báo, nhu cầu sử dụng năng lượng trong các năm 2010, 2020 và 2025 của Việt Nam lần lượt là 47,63, 83,99 và 97,3 triệu TOE*. Từ một nước xuất khẩu than, Việt Nam sắp tới sẽ phải nhập khẩu than với số lượng lớn để sản xuất điện. Ngoài ra, việc gia tăng mức độ sử dụng năng lượng luôn kèm theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại khu vực hoạt động năng lượng và góp phần làm suy giảm chất lượng môi trường toàn cầu.
1 - Thiếu điện do “cung” không đủ “cầu” - bài toán không chỉ của ngành điện
Tổng hợp báo cáo từ các chủ đầu tư, tổng thầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam... cho thấy, tiến độ tại một số dự án nguồn điện hiện đang gặp nhiều khó khăn. Năm nay, khoảng 1.415 MW (tại các dự án Plei Krông, A Vương, Ba Hạ, Buôn Kuốp, Bản Vẽ, Nhơn Trạch và Hải Phòng) vào chậm so với tiến độ quy định trong Quy hoạch điện VI. Các dự án nguồn đưa vào vận hành năm 2009 - 2010 cũng có khả năng chậm từ 6 tháng đến 1 năm, cá biệt chậm 2 năm (Nhiệt điện Mạo Khê, Vũng Áng I). Bên cạnh đó, việc xây dựng một số công trình lưới điện cũng gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng thi công. Một số dự án điện đầu tư theo hình thức BOT, IPP cũng có nhiều khó khăn trong các bước triển khai, nguồn tín dụng... Tuy nhiên, sau các chỉ đạo kịp thời và cụ thể của Chính phủ (thu xếp vốn và tài chính cho các dự án giai đoạn 2008 -2015, giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký trong chuyển đổi cơ cấu nguồn vốn các dự án điện; cung cấp than dài hạn; thẩm định, bổ sung quy hoạch lưới điện 220 - 500 kV)... thì tình hình triển khai các dự án điện đã có những chuyển biến nhất định.
Về tình trạng liên tục thiếu điện những năm gần đây, EVN và Bộ Công Thương đều cho rằng, nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng phụ tải vượt quá mức dự báo và các tổng sơ đồ điện công trình nguồn điện chậm tiến độ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản là việc xây dựng tổng sơ đồ điện đã không tính đến dự phòng cho công trình điện vào chậm. Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã phê duyệt các tổng sơ đồ 5, 6 gối đầu cho cả giai đoạn 10 năm tiếp theo, nhưng trên thực tế do nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan, các tổng sơ đồ đều bị phá vỡ tiến độ thực hiện, trong khi tốc độ tăng trưởng phụ tải lại cao hơn dự báo. Một chuyên gia về năng lượng ước tính, một tổng sơ đồ chỉ xây dựng trong 5 năm thì không thể đáp ứng được nhu cầu điện 5 năm. Trong khi đó, để giải quyết vấn đề lập quy hoạch, kế hoạch, cơ chế... đòi hỏi phải có một bộ đầu não là Bộ Năng lượng, thì lại đang khuyết. Đã đến lúc, Chính phủ phải có quyết sách cho vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào nhận định, để giải bài toán thiếu điện về lâu dài, cần xây dựng một cơ chế giá điện minh bạch, đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Để cạnh tranh, bản thân doanh nghiệp cũng phải tìm mọi biện pháp giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng và cơ cấu lại lao động. Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do dẫn đến tình trạng thiếu điện hiện nay chính là do chủ trương hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư nguồn điện từ những năm trước đây. Thực tế, cơ chế ngành điện nắm quyền đàm phán giá điện từ các nhà đầu tư nhà máy điện đã dẫn đến tình trạng, để tối đa hóa lợi nhuận, ngành điện sẽ không thể mua điện với giá có lợi nhuận cho nhà đầu tư. Muốn thế, phải thiết lập được cấu trúc thị trường cạnh tranh để bảo đảm giá không bị chi phối bởi một doanh nghiệp độc quyền có quyền lợi ở khâu bán điện; nhà đầu tư không bị khống chế bằng tỷ lệ đầu tư và giá mua điện.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo thực hiện một loạt các biện pháp. Cụ thể, Bộ Công Thương báo cáo điều chỉnh tiến độ quy hoạch, trên cơ sở đó đề xuất cân đối lại các dự án, nguồn lực đầu tư; đồng thời, nhanh chóng lập và phê duyệt các quy hoạch trung tâm điện lực để sớm có các dự án gối đầu, chủ trì triển khai quy hoạch điện hạt nhân, đẩy mạnh triển khai chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng mới và tái tạo, đề án tiết kiệm điện và Luật Tiết kiệm điện năng. Chính phủ yêu cầu sớm bổ sung các số liệu mới nhất đối với đề án quy hoạch vì cơ cấu năng lượng thay đổi nhanh chóng, nên có đề án riêng mang tính đột phá về chiến lược phát triển PVN trở thành tập đoàn có tầm cỡ khu vực và thế giới. Trong #ề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành dầu khí giai đoạn 2006- 2015, định hướng đến năm 2025, phải chú trọng đến vấn đề môi trường, tiết kiệm và an ninh năng lượng.
2 - Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - giải pháp thiết thực
Theo tính toán, riêng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ước tính nếu tiết kiệm năng lượng khoảng 20% thì đã là khoảng 1,9 triệu tấn dầu, tương đương 25 ngàn tỉ đồng/năm, theo giá dầu trong nước hiện nay. Nhưng, do thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ, cùng với trình độ lạc hậu của công nghệ dẫn đến việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam kém hiệu quả. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới tới 20%; tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các cao ốc được ước tính chỉ từ 30% - 35%... Chính vì lẽ đó, Việt Nam cần sớm có một khung pháp lý mới để kiểm soát việc sử dụng năng lượng.
Kế hoạch đến cuối năm 2008, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ xem xét nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sau đó trình Quốc hội thông qua vào năm 2009. Dự thảo luật (đang được xây dựng) quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, tòa nhà, thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng và trong sinh hoạt của nhân dân. Luật áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Ban soạn thảo, dự luật hướng đến sự hài hòa về quyền lợi và nghĩa vụ của các đơn vị sử dụng năng lượng, đặc biệt là các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm; thiết lập một cơ chế chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực giao thông - vận tải (khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng các dạng nhiên liệu và phương tiện giao thông hiệu suất cao, định mức và quản lý suất tiêu hao nhiên liệu, xuất nhập khẩu phương tiện giao thông...).
Năng lượng chiếu sáng công cộng là một đòi hỏi và thách thức với các đô thị lớn trong thời điểm nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt. Đi tiên phong ứng dụng công nghệ tích hợp này là Tập đoàn quốc tế Kim Đỉnh. Hiện Trung tâm nghiên cứu năng lượng mặt trời của Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hợp tác cùng Tập đoàn Kim Đỉnh thực hiện tư vấn kỹ thuật, đồng thời tiến hành chuyển giao công nghệ đèn HID từ Nhật về và đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng cho nhu cầu của thị trường chiếu sáng trong nước và xuất khẩu.
3 - Khai thác các nguồn năng lượng mới
Tại Hội thảo “Năng lượng sinh học - Chính sách và công nghệ” phối hợp giữa Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a về lĩnh vực năng lượng sinh học, ông Sung JinKi (Tập đoàn năng lượng KEMCO, Hàn Quốc) cho biết, vấn đề năng lượng đang nổi lên quyết định nền kinh tế nhiều nước và các nước đang chạy đua tìm nguồn năng lượng thay thế. Hàn Quốc đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế từ năm 1982. Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã ban bố chỉ thị về tiết kiệm năng lượng, đến năm 2006 đã có chỉ thị về sử dụng năng lượng sinh học, đồng thời cũng đưa ra chính sách cung cấp, sử dụng và công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với năng lượng này. Năm 2007, vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào các nhà máy phong điện mới lên tới trên 9 tỉ USD. Hiện các nhà máy điện chạy bằng sức gió được lắp đặt tại 34 bang với tổng công suất hơn 16.000 MW/năm, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt cho khoảng 4,5 triệu hộ dân. Hoa Kỳ là quốc gia có thị trường đạt tăng trưởng mạnh nhất về nguồn năng lượng gió, kế đến là Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ấn Độ.
Phát triển ngành năng lượng mới sẽ giúp giải quyết vấn đề an ninh năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, tiềm năng của ngành năng lượng mới Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, từ thông tin liên lạc, viễn thông đến giao thông vận tải. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh, với điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, Việt Nam có tiềm năng để phát triển năng lượng sinh học, nhưng đến nay, chỉ mới đi được những bước đầu. Theo PGS. TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, Việt Nam bắt đầu nghiên cứu Biodiesel từ 20 năm qua, nhưng còn hạn chế trong kết quả nghiên cứu, cũng như chưa có những chính sách khuyến khích từ phía Nhà nước nên chưa được ứng dụng rộng rãi. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng nhấn mạnh, đã đến lúc cần xúc tiến ngay những nghiên cứu, ứng dụng năng lượng sinh học và không xa nữa, Chính phủ sẽ có chính sách cụ thể đối với năng lượng thay thế này. Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về phong điện, đặc biệt là vùng ven biển, hải đảo miền Nam và Trung Bộ. Ông Trịnh Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lượng mặt trời khẳng định, những yếu tố cần thiết thì đã đủ, để có thể kích hoạt cho sự ra đời và phát triển ngành này cần có những chính sách cụ thể. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra, quy hoạch những dạng năng lượng mới; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các cơ sở thích hợp để sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị năng lượng mới; hợp tác mua công nghệ của các nước đã phát triển... Mặt khác, Bộ đang triển khai một số hoạt động: xây dựng đề án chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển nguồn năng lượng mới; xây dựng dự án phát triển năng lượng tái tạo; xây dựng công cụ, phương pháp và thủ tục lập quy hoạch...
4 - Tiếp thêm sức cho nguồn năng lượng quốc gia
EVN cho biết, ngành điện sẽ đưa vào vận hành thêm tổng cộng 3.000 MW nguồn điện vào cuối năm 2008, đầu năm 2009. Trong đó, có các nhà máy thủy điện do EVN đầu tư như A Vương, Buôn Kuốp, Sông Ba Hạ, Plei Krông, Tuyên Quang, các nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1, Hải Phòng 1, Ô Môn 1. Các nguồn điện ngoài EVN dự kiến bao gồm khoảng 10 nhà máy như Nhiệt điện Sơn Động, Cẩm Phả, Nhơn Trạch 1, Cà Mau 2... Ngày 9-10-2008, tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn đã chính thức hòa điện vào lưới điện quốc gia, có công suất 330 MW và chính thức phát điện thương mại vào đầu tháng 2-2009. Theo kế hoạch, tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I và các nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III và IV sẽ sớm được xây dựng để phát điện thương mại vào năm 2011 - 2012. Theo báo cáo của nhà thầu Su-mi-to-mo, việc đóng điện và vận hành thử máy biến áp của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng sẽ được tiến hành trong tuần đầu tháng 12-2008. Ngày 4-10-2008, Ban Năng lượng của Siemens đã được trao hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo trì dài hạn cho Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau. Tổng công suất lắp đặt hiện tại đạt khoảng 12 GW và sẽ phải tăng với tốc độ hơn 15% hằng năm theo dự tính. Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau là một trong số những nhà máy nhiệt điện cóhiệu suất cao nhất tại Việt Nam...
* Tấn dầu quy đổi
Bạo lực bùng phát tại thủ đô Pa-ri  (31/01/2009)
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ luôn được chào đón ở Việt Nam*  (30/01/2009)
Đồng chí Tô Huy Rứa thăm và chúc Tết Tạp chí Cộng sản  (30/01/2009)
Thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ  (30/01/2009)
Bình Dương vẫn là “đất lành” trong thu hút đầu tư nước ngoài  (30/01/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên