Triển vọng sáng cho châu Phi
TCCS - Với quyết tâm tiến hành cải cách của từng nước, bằng những nỗ lực của chính con người châu Phi, bước sang năm 2010, châu Phi đã vượt qua được thời kỳ suy thoái, trì trệ, tạo được sự ổn định để phát triển kinh tế và đã đạt được những thành công bước đầu trong nỗ lực phát triển.
Màu sáng là chủ đạo
Bức tranh châu Phi hiện nay bao gồm những mảng màu sáng tối, có sự tương phản mạnh về chính trị và kinh tế giữa các nước trong khu vực. Nhưng màu sáng vẫn là chủ đạo. Tình hình chính trị khu vực thời gian qua tương đối ổn định. Một số nước như Kê-ni-a và Dim-ba-bu-ê đã thành lập được chính phủ đoàn kết dân tộc. Trong khi đó, quá trình tìm kiếm hòa bình ở Đa-phua (Xu-đăng) cũng có tiến triển khi các bên ngồi vào đàm phán và chính phủ chia sẻ quyền lực ở Xu-đăng được thành lập. Tuy nhiên, châu Phi còn gặp khó khăn và bế tắc trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình tại Ma-đa-ga-xca và Ni-giê-ri-a. Nhiều cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo bùng nổ, như ở Xô-ma-li, Y-ê-men. Thêm vào đó, châu Phi đang phải đối mặt việc mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa lợi dụng sự mất ổn định ở một số nước, khu vực để tăng cường hoạt động.
Về kinh tế, trong năm qua, Ban Chấp hành Liên minh châu Phi (AU) đã thành công trong việc gắn kết châu lục này với cơ chế điều hành nền kinh tế thế giới bằng việc đưa châu Phi tham dự Hội nghị cấp cao G20 và củng cố vị trí của châu Phi với G8 nhằm đối phó khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo Kinh tế châu Phi của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc (UNECA) và ủy ban AU, bức tranh kinh tế ảm đạm của châu Phi sau khủng hoảng được dự đoán sẽ khởi sắc với tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong năm 2010. Bên cạnh đó, Ngân hàng đầu tư châu Phi (AIB) được thành lập theo Hiến chương AU, có nhiệm vụ tài trợ các dự án nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, hỗ trợ lĩnh vực tư nhân và đẩy nhanh hiện đại hóa nông nghiệp ở các nước có thu nhập thấp. Đây là bước đầu trong chiến lược lâu dài của AU nhằm thiết lập các thể chế tài chính xuyên châu lục hướng tới sự thống nhất hoàn toàn về kinh tế. Việc thiết lập Ngân hàng Trung ương châu Phi và Quỹ Tiền tệ châu Phi cũng đang được xúc tiến.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương của một nước châu Phi nói: “Các đám mây đen đã từ từ bay khỏi châu Phi. Chúng tôi tin tưởng rằng châu Phi đã, đang và sẽ đi theo một hướng tốt”. Tuy nhiên, đạt được tốc độ tăng trưởng cao và dần dần đi vào ổn định, bền vững đòi hỏi không ít nỗ lực, trong đó vấn đề cốt lõi là lãnh đạo các nền kinh tế châu Phi thực sự cần tới các gói kích thích tài chính để giảm thiểu sự “lây nhiễm của các căn bệnh” có nguồn gốc từ nước ngoài. Các chương trình hỗ trợ này phải tập trung cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng.
Theo các nhà phân tích, mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây trở ngại đến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Phi, song hầu hết các nền kinh tế tại châu lục đã tránh được những tác động xấu nhất của cuộc suy thoái vừa qua. Hiện nay, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã chạm đáy và nhu cầu tiêu thụ về hàng hóa đã bắt đầu tăng trên toàn cầu, những dấu hiệu này báo hiệu triển vọng khả quan cho nền kinh tế châu Phi. Nam Phi, Ni-giê-ri-a và Kê-ni-a được hy vọng là 3 nền kinh tế mũi nhọn nhằm thúc đẩy, giúp nền kinh tế châu Phi phục hồi nhanh hơn khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu được cải thiện. Cộng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, ấn Độ và Bra-xin sẽ giúp kích thích sự tăng trưởng kinh tế ở châu Phi.
Năm tốt lành
Theo tuần báo Al Ahram của Ai Cập, năm 2010 sẽ thực sự là năm của châu Phi, với việc 17 nước châu Phi tổ chức kỷ niệm 50 năm giành được nền độc lập. Còn trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới năm 2010", Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm 2010 sẽ là năm tốt lành đối với nền kinh tế châu Phi. Theo nhận định của IMF, năm 2010 sẽ là năm nền kinh tế các nước châu Phi thể hiện rõ sự phục hồi nhanh chóng của mình, dự đoán tốc độ tăng trưởng của châu lục này có thể đạt 4%. IMF cho biết các dấu hiệu phục hồi GDP của các nền kinh tế châu Phi đã xuất hiện trong những ngày đầu năm 2010. Và nỗ lực của các chính phủ trong khu vực đã cải thiện môi trường kinh doanh và các thị trường mở của các nước thuộc châu lục này đã đạt được doanh thu như thời kỳ giữa thập niên trước. Xuất khẩu của châu Phi gia tăng và các gói kích cầu của các chính phủ đã giúp thúc đẩy GDP tăng trưởng, dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã ổn định.
Tại Nam Phi, sản xuất công nghiệp đã tăng ba quý liên tiếp trong năm 2009. Sự kiện giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2010 được tổ chức ở Nam Phi cùng với xuất khẩu tăng mạnh trên toàn khu vực miền Nam châu Phi tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nam Phi và cả khu vực này.
Bộ trưởng Kinh tế Ăng-gô-la, M. Fin, cũng cho biết lĩnh vực dầu lửa sẽ tìm lại được đà tăng trưởng trong năm nay, đồng thời chỉ ra rằng nền kinh tế của quốc gia này đạt được tăng trưởng khoảng 8,2% trong năm 2009.
Theo Báo cáo kinh tế 2009 của Kê-ni-a công bố hồi cuối năm ngoái, Kê-ni-a, vốn phải trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong thời gian hậu bầu cử, tình trạng hạn hán, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng cũng đã có những dấu hiệu phục hồi khả quan. Báo cáo này cũng dự báo nền kinh tế hàng đầu của Đông Phi sẽ có thể bảo đảm một tốc độ tăng trưởng 3,9% trong năm 2010.
Hiện nay đang có các cuộc thảo luận về các hình thức cụ thể phù hợp để các quốc gia châu Phi có thể tăng cường sự hiện diện của mình trong các tổ chức quốc tế, như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như các tổ chức chính trị đa phương toàn cầu (G20). Bộ trưởng Tài chính Nam Phi, ông P. Go-đan khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đã tạo cơ hội và thúc giục sự cải tổ, thay đổi trong các tổ chức thể chế tài chính toàn cầu và hiện nay tại IMF và WB đang có một số điều chỉnh nhất định trong một số vị trí thành viên. Điều này tạo cơ hội cho các quốc gia châu Phi có vị trí tối thiểu trong các tổ chức quốc tế này. Tại các diễn đàn kinh tế chính trị toàn cầu hiện nay, ý kiến của các quốc gia đang phát triển đã được để ý và có trọng lượng hơn. Ông P. Go-đan nhấn mạnh rằng các quốc gia châu Phi phải có tiếng nói và phải được bảo đảm rằng các lợi ích của châu Phi không bị lãng quên tại các thể chế tài chính toàn cầu hiện nay.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra Báo cáo viễn cảnh kinh tế châu Phi 2010 - 2011. Theo báo cáo này, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã cắt đứt giai đoạn phát triển tương đối ổn định tại châu Phi. Tuy nhiên, các nền kinh tế châu Phi sẽ dần dần phục hồi, đạt mức tăng trưởng bình quân là 4,5% năm 2010 và 5,2% năm 2011. Báo cáo cho biết, châu Phi đã chống chọi khá tốt với cuộc khủng hoảng. Điều bất lợi là mặc dù vẫn tăng trưởng vào năm 2010 song cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua có thể sẽ làm cho các chính phủ khó khăn hơn trong việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ là giảm một nửa số người nghèo khổ tại châu Phi từ nay đến năm 2015.
Theo các nhà phân tích, những chính sách của các quốc gia thuộc châu lục đã làm giảm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Châu Phi chịu đựng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tốt hơn những gì mà một số nhà quan sát lo ngại nhờ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng trước khi diễn ra suy thoái, giúp cải thiện những chỉ số kinh tế cơ bản tại nhiều nước. Bên cạnh việc trợ giúp liên tục, chính sách giảm nợ cũ và các khoản cho vay của IMF, WB và Ngân hàng Phát triển châu Phi đã cho phép thông qua các chính sách chống chu kỳ kinh tế, giảm tác động của cuộc khủng hoảng.
Nhìn chung, kinh tế châu Phi vẫn thể hiện diện mạo sáng sủa hơn so với nhiều quốc gia phương Tây trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng điều hành Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB), bao gồm các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương tại thành phố Kếp Tao (Nam Phi), Chủ tịch AFDB, Đ. Ka-bê-ru-ka đã lạc quan về triển vọng kinh tế châu Phi khi dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu lục này có thể đạt 5% năm 2010 và 7% năm 2011.
Vẫn còn thách thức
Báo cáo công bố ngày 18-5 của Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc (ECA) và Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) khẳng định thất nghiệp cao đang tiếp tục cản trở nỗ lực giảm đói nghèo ở châu lục này, đồng thời nhấn mạnh rằng các nước cần ưu tiên đa dạng hóa nền kinh tế để tạo việc làm và phát triển xã hội.
Báo cáo nêu rõ triển vọng phát triển lâu dài, duy trì tỷ lệ có công ăn việc làm cao và phát triển xã hội đồng đều phụ thuộc vào thành công của đa dạng hóa nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế đang mở ra cơ hội cho các nước châu Phi tạo nền tảng phát triển bền vững và tăng trưởng dựa vào các ngành sản xuất tập trung nhiều lao động. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước châu Phi tập trung khắc phục những nhược điểm, cải cách hơn nữa và thúc đẩy tăng trưởng. Báo cáo nhấn mạnh tạo công ăn việc làm là vấn đề rất quan trọng để phát triển xã hội trong toàn châu lục.
Dưới tiêu đề “Thúc đẩy tăng trưởng cao, bền vững để cắt giảm thất nghiệp ở châu Phi”, báo cáo kiến nghị các nước ở châu lục này đầu tư nhiều hơn vào xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn lực trong nước, cải cách thị trường, hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập cho người dân. Báo cáo cảnh báo các nước châu Phi không nên phụ thuộc vào những động lực tăng trưởng truyền thống, như xuất khẩu nguyên liệu thô, dựa vào đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển, vì đây là những nguồn lực “không dự báo trước được”.
Châu Phi hiện nay gần như nhập khẩu hoàn toàn lương thực, trong khi đó, dân số của châu lục này được dự báo sẽ tăng từ 1 tỉ như hiện nay lên 1,8 tỉ người vào năm 2050. Như vậy, việc lương thực tăng giá không ngừng sẽ làm cho cán cân thương mại nông nghiệp của châu lục ngày càng thâm hụt.
Để tự bảo vệ mình trước khủng hoảng lương thực và nạn đói, châu Phi cần phải phát huy tiềm năng nông nghiệp và tăng nhanh sản lượng lương thực. Các nước phát triển nên giúp châu Phi nhanh chóng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân nghèo được tiếp cận với những loại giống, phân bón, máy móc đem lại hiệu quả cao. Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, để giảm tỷ lệ nghèo đói, châu Phi cần thiết phải đầu tư mạnh vào nông nghiệp, bởi WB dự báo nhu cầu lương thực tại đây sẽ tăng mạnh và lên tới 100 tỉ USD từ nay đến năm 2015, cao hơn gấp hai lần so với năm 2000. Các chính phủ châu Phi nên thực hiện biện pháp kích thích sản xuất nông nghiệp bằng giá cả; tăng chất lượng và số lượng những khoản đầu tư công cộng; cải thiện tính bền vững của các tổ chức sản xuất và khuyến khích sáng tạo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ...
Trong khi nhiều nước châu á những năm qua đã vươn lên trở thành cường quốc về nông nghiệp, thì ở châu Phi, lục địa có rất nhiều tiềm năng về thiên nhiên và con người, nông nghiệp lại chưa phát triển. Hội nghị các bộ trưởng tài chính, kế hoạch kinh tế và phát triển của châu Phi do Liên hợp quốc và AU chủ trì mới đây, đã khẳng định cam kết của các nước châu Phi tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp và dành nguồn ngân sách tương xứng cho khu vực kinh tế có ý nghĩa sống còn này, coi đây là chìa khóa giúp xóa đói, giảm nghèo.
Trong số một tỉ người trên thế giới bị đói có tới 265 triệu người sống tại châu Phi. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ đói nghèo ở châu Phi cao là do người dân châu lục này chưa biết tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi và nguồn nhân lực dồi dào để phát triển nông nghiệp. Tiềm năng để nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp, nhất là ngũ cốc còn khá lớn. Với khoảng từ 80 đến 100 triệu nông dân sở hữu đất nông nghiệp ở khu vực #ông Phi và 25 triệu nông dân ở khu vực Nam Phi, nông nghiệp được coi như giải pháp thiết thực bảo đảm an ninh lương thực ở khu vực phía đông và vùng Sừng châu Phi. Liên hợp quốc và AU đã kêu gọi các nước châu Phi cần đưa nông nghiệp trở thành trung tâm của chính sách phát triển của đất nước, nhằm tạo việc làm và đối phó hiệu quả cuộc khủng hoảng lương thực, mối đe dọa thường trực của châu lục này. Các nước châu Phi nhất trí thúc đẩy Chương trình ưu tiên phát triển nông nghiệp toàn diện đã được thỏa thuận tại Hội nghị cấp cao AU ở Thủ đô Ma-pu-tô của Mô-dăm-bích năm 2003 nhằm đạt mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực toàn châu lục trong vòng 5 năm tới; coi nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, kết cấu hạ tầng là động lực quan trọng của phát triển.
Liên hợp quốc và AU kêu gọi các nước châu Phi thực hiện các biện pháp cụ thể như hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân, thúc đẩy toàn châu lục phát triển công nghiệp sản xuất phân bón, thực hiện các bước đi ổn định thị trường nông sản, vật tư phục vụ nông nghiệp và nông dân nhằm tăng cường sức cạnh tranh của nông sản châu Phi. Những biện pháp này cần được thực hiện trong bối cảnh các chiến lược bao quát và thích hợp để tạo việc làm, bảo vệ môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của châu Phi.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đưa ra đề xuất một kế hoạch giúp châu Phi phát triển kết cấu hạ tầng với tổng số vốn là 5,6 tỉ ơ-rô cho giai đoạn từ năm 2006 đến 2013. Kế hoạch này sẽ được triển khai trên nhiều lĩnh vực, như phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt, mạng lưới sản xuất và phân phối điện, hệ thống cung cấp nước và phát triển công nghệ tin học. Cho đến nay, giao thông vận tải giữa các vùng miền hay giữa các nước ở châu Phi còn hết sức khó khăn. Vì thế, việc xây dựng các trục đường “xương sống” cho châu Phi sẽ là tiền đề cho sự phát triển kinh tế, thương mại của cả châu lục này./.
Triết lý “Lấy sức dân, của dân, tài dân, làm lợi cho dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay  (13/08/2010)
Thủy sản bảy tháng đầu năm 2010 ước đạt 2,45 tỉ USD  (13/08/2010)
Xuất khẩu gần bốn triệu tấn gạo  (13/08/2010)
Lửa tôi ý chí của một đơn vị hai lần Anh hùng  (13/08/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 128 (13-8 -2010)  (13/08/2010)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên