Hồ Chí Minh và sự lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười - từ góc nhìn văn hóa
Trong sự tiến triển của lịch sử loài người, thang giá trị cao nhất là sự giải phóng dân tộc và con người. Con đường cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn theo ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, đã ngời lên những biểu hiện văn hóa: vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc cho con người Việt Nam, vì hòa bình và hữu nghị giữa các nước. Sự lựa chọn đó đang được nhân dân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi trong những điều kiện lịch sử mới.
1. Với vị thế địa kinh tế - chính trị của đất nước, qua hàng ngàn năm lịch sử, đấu tranh sinh tồn, dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã đắp xây nên một truyền thống văn hóa tôn vinh những giá trị hướng tới và thực hiện sự giải phóng và phát triển của dân tộc và con người Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước - nhân văn là một truyền thống kép trong văn hóa Việt Nam, luôn tôn vinh những giá trị giải phóng và phát triển dân tộc đi đôi với giải phóng và phát triển con người phù hợp với sự tiến hóa của dân tộc và nhân loại.
Đây chính là bí quyết thắng lợi trong bảo tồn, phát triển dân tộc của ông cha ta và cũng là bí quyết thành công của các nhà chính trị nước ta trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam: thắng lợi của tất cả những cuộc đấu tranh bảo tồn nền độc lập dân tộc, xây dựng chế độ mới đều phải gắn liền với sự giải phóng con người Việt Nam và ngược lại. Giá trị của dân tộc gắn chặt với những giá trị về con người phải được hiện hữu trong tất cả chiến lược bảo tồn dân tộc và phục hưng đất nước.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dưới sự thống trị tàn bạo của thực dân phương Tây, khát vọng giải phóng khỏi áp bức, bóc lột dân tộc và con người Việt Nam cực kỳ mạnh mẽ, đã làm nổ ra hàng loạt cuộc khởi nghĩa và thúc đẩy nhiều nhà cách mạng Việt Nam tìm tòi con đường cứu nước cứu dân.
Với ý chí cứu nước, cứu dân, hành trang lên đường của các nhà cách mạng, trong đó có Hồ Chí Minh, không có gì hơn là truyền thống văn hóa dân tộc với những giá trị đã làm nên bí quyết của cha ông ta trong bảo tồn dân tộc cũng như thành công của các nhà chính trị Việt Nam trước đó. Họ đều nhận thấy những hạn chế của phương thức cứu nước cũ và đều vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, đi ra nước ngoài hy vọng tìm ra con đường mới cứu nước, cứu dân. Việc ra đi tìm đường cứu nước đó, có động lực thúc đẩy của văn hóa truyền thống và đáp ứng sự đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam.
Tuy nhiên, con đường mà các nhà cách mạng tiền bối như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu...thâu nhận là mới với lịch sử Việt Nam, với dân tộc ta, nhưng đã lỗi thời trong sự phát triển của nhân loại. Các cuộc cách mạng có giá trị lịch sử to lớn nhưng không tương thích với giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam về dân tộc và con người, đã bị chính những giá trị truyền thống này vượt qua. Đó là sự “không đến nơi”, như Hồ Chí Minh sau này đã viết về cách mạng Mỹ, Anh, Pháp - các cuộc cách mạng tư sản điển hình nhất lúc đó. Sự không tương thích về các giá trị văn hóa là điều giải thích căn cốt nhất cho việc khó thâm nhập và sự thất bại của con đường cách mạng tư sản ở Việt Nam đầu thế kỷ. Giá trị lớn nhất có thể kể tới của các cuộc cách mạng tư sản khi vào Việt Nam là nó cũng tạo ra một phong trào dân tộc bùng phát, nuôi dưỡng liên tục ngọn lửa cách mạng cứu nước ở nước ta, tạo cơ sở cho việc thâm nhập của con đường cách mạng - với những giá trị mới - tương thích với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Đó là sự chối từ của văn hóa Việt đối với những giá trị được diễn đạt rất hay nhưng vẫn ẩn chứa nội dung áp bức dân tộc và con người của cách mạng tư sản. Tuy nhiên, văn hóa Việt Nam vẫn tiếp nhận một số giá trị chọn lọc mà nhân loại có được qua các cuộc cách mạng này.
Đây cũng là câu trả lời tại sao, sau gần mười năm gian khổ đi khắp thế giới tìm đường cứu nước, cứu dân, Hồ Chí Minh vẫn từ chối con đường cách mạng tư sản.
2. Cuối năm 1917, Hồ Chí Minh về Pháp. Theo như Người viết: “Khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở nước Nga, tôi sống ở Pháp. Lúc đó, tôi chưa hiểu ý nghĩa của cuộc Cách mạng Nga. Trình độ tiếng Pháp của tôi còn kém và nhận thức chính trị của tôi còn bị hạn chế. Tôi mới chỉ là một người yêu nước có tinh thần cách mạng và một người chống chủ nghĩa thực dân...”(1).
Hồ Chí Minh cũng có nhận xét chung rằng, đến “Năm 1919, nhân dân thuộc địa chưa biết cuộc cách mạng Nga, biết được một ít thì lại bị tuyên truyền của đế quốc xuyên tạc... Do đó tất cả đều bị bài hát tự do của tổng thống Uyn-xơn mê hoặc. Cũng như dân tộc Triều Tiên, Ai Cập, Xy-ri và các dân tộc bị áp bức khác, một số những người quốc gia Việt Nam trẻ tuổi gửi một bản yêu cầu cho Hội nghị hoà bình ở Véc-xây. Họ nhận được những bức thư rất hay của các phái đoàn hứa sẽ “chú ý xem xét”. Thế là hết”(2). Và “những nhà cách mạng cuồng nhiệt theo chủ nghĩa Uyn-xơn”, theo Hồ Chí Minh, đã bị hoà ước Véc-xây “như gáo nước lạnh giội lên đầu” (3).
Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã giúp cho Hồ Chí Minh quan sát thực tiễn và thấy rõ các cuộc cách mạng tư sản là “không đến nơi” và phát hiện thấy “sự mê hoặc của chủ nghĩa tự do Uyn-xơn” và sự hứa hẹn của các nước đế quốc là “trò lừa bịp”- như Người viết trong tác phẩm Đường cách mệnh - cũng như khi thấy rằng “trong tất cả những lời phát biểu” của các đại biểu của Quốc tế thứ hai, “đã ra sức lảng tránh vấn đề vận mệnh của các dân tộc thuộc địa”, Hồ Chí Minh đã đoạn tuyệt con đường cách mạng tư sản, đoạn tuyệt ảnh hưởng của Quốc tế hai để hướng tới ánh sáng mới, con đường cách mạng mới, vì giải phóng dân tộc và con người của Cách mạng Tháng Mười.
Hồ Chí Minh đã viết rằng, “Những người vô sản Pháp đã giúp”(4) Người hiểu rõ ý nghĩa vĩ đại của những sự kiện lịch sử diễn ra ở nước Nga, thấy rõ “cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”(5) và chỉ ra con đường đúng đắn cho những người cách mạng của các dân tộc bị áp bức. Mặc dầu vậy, như Người viết, phải “nhờ kết quả thử nghiệm cũng như nhờ sự nghiên cứu sâu sắc” những nhà cách mạng này mới “đến với chủ nghĩa Mác hoặc như bản thân họ gọi là chủ nghĩa Lê-nin”(6).
Những kết quả thử nghiệm và những nghiên cứu sâu sắc ấy là gì để những nhà cách mạng ở các nước thuộc địa trong đó có Hồ Chí Minh lựa chọn chủ nghĩa Lê-nin và con đường Cách mạng Tháng Mười?
Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cách mạng Tháng Mười với kết quả của nó “đã đánh dấu việc mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người”, kỷ nguyên này được xác định với những biểu hiện sau đây:
Một là, “đã mở đường đi đến những thắng lợi mới của giai cấp công nhân trong cuộc sống xã hội”(7).
Hai là, đã xóa bỏ đi hiện tượng “quần chúng lao động là những người sáng tạo ra tất cả mọi của cải thì bị dìm trong đói khổ và ngu dốt, hai cái đó là số phận khốc hại và lâu đời của đại bộ phận loài người. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, nhân dân lao động đã bắt tay vào xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa không có bóc lột và áp bức dân tộc”(8).
Ba là, “đã chứng tỏ có khả năng lật đổ nền chuyên chính của bọn bóc lột, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, một xã hội bảo đảm cho đất nước phát triển rực rỡ một cách nhanh chóng chưa từng thấy, đưa quần chúng lao động đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng”(9).
Bốn là, “đã mở ra thời đại của một chính sách ngoại giao mới, chính sách hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”(10).
Với sự nhìn nhận của Hồ Chí Minh, bên cạnh thắng lợi có ý nghĩa vạch thời đại đã được chỉ rõ trên đây, Cách mạng Tháng Mười còn “đem lại cho nhân dân tất cả các dân tộc quyền tự quyết và những phương tiện thực tế để thực hiện quyền đó”,.. đã “tạo điều kiện cho sự liên minh tự nguyện giữa các dân tộc tự do trên cơ sở bình đẳng hoàn toàn về quyền lợi”(11), “làm cho các dân tộc thuộc địa - từ trước đến nay rời rạc với nhau - hiểu biết nhau, và đoàn kết với nhau, do đó đặt cơ sở cho một khối liên hợp tương lai giữa các nước phương Đông, khối liên hợp đó là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”, “làm cho đội tiên phong của giai cấp vô sản các nước thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này, chỉ có sự hợp tác đó mới có thể bảo đảm cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng” (12).
Với vị trí, vai trò đó, như Hồ Chí Minh viết: Cách mạng Tháng Mười “đã mở một thời đại mới của lịch sử loài người, thời đại công nông đấu tranh giành quyền làm chủ vận mạng của mình; thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy tự do độc lập; thời đại thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc; thời đại suy sụp và tan rã của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; thời đại mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã thành lý trí và lương tâm của mọi người tiến bộ trên thế giới”.(13)
Nhờ nghiên cứu kết quả thử nghiệm và nghiên cứu sâu sắc về lý luận cũng như “thích tham dự vào các cuộc tranh luận sôi nổi” trong Đảng Xã hội Pháp, “thích đọc các tác phẩm của V.I. Lê-nin về các vấn đề thuộc địa” mà tại Đại hội Tua năm 1920, Hồ Chí Minh đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba, khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Đó là sự lựa chọn lý tính, vì như Người viết: “Lúc đó, tôi đã nắm vững tiếng Pháp và đã có thể tiến hành tự học chính trị một cách sâu sắc và có thể hiểu rõ các vấn đề quốc tế”(14).
3. Không thâu nhận học thuyết và mô hình cách mạng tư sản, không đi theo con đường của Quốc tế hai, nhưng Hồ Chí Minh lại nhanh chóng tán thành Quốc tế ba, tiếp nhận con đường Cách mạng Tháng Mười, con đường cách mạng vô sản vì giá trị thực tiễn của cuộc cách mạng này.
Sự lựa chọn con đường cách mạng của Hồ Chí Minh chính là sự lựa chọn của chính văn hóa truyền thống Việt Nam, là sự tương thích giữa giá trị văn hóa dân tộc với các giá trị mới của nhân loại mà cuộc cách mạng vô sản theo con đường của Cách mạng Tháng Mười đem lại về giải phóng dân tộc và giải phóng con người, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Sự nhìn nhận của Hồ Chí Minh về giá trị của Cách mạng Tháng Mười như đã trình bày trên đây và sự lựa chọn của Người dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam, nhu cầu thực tiễn của nhân dân Việt Nam theo thời đại mới được vạch ra sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười làm cho cách mạng Việt Nam có đủ yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa.
Đó là sự phù hợp với sự tiến hóa của thời đại mới: giải phóng dân tộc và con người trên một cấp độ mới cao hơn - là cơ sở tạo ra sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và thời đại (thiên thời).
Đó là sự đáp ứng được giá trị văn hóa và nhu cầu của dân tộc Việt Nam nên được nhân dân Việt Nam nhanh chóng tiếp nhận, đi theo, tạo cơ sở cho hình thành tối đa lực lượng đoàn kết dân tộc để tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới vì con người (địa lợi).
Đó là sự phù hợp với sự phát triển của văn minh nhân loại, đáp ứng yêu cầu thường trực của các dân tộc về vấn đề giải phóng dân tộc và con người, tạo ra cơ sở cho sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh cho khát vọng độc lập dân tộc và vì tự do - hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa - đó là độ cao vô cùng của thế và sức mạnh vô tận của lực cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam (nhân hòa).
Lựa chọn con đường cách mạng là lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, của đất nước Việt Nam. Tính đúng đắn của sự lựa chọn con đường cách mạng phụ thuộc vào sự phù hợp với văn hóa và đòi hỏi thực tế của dân tộc và chỉ khi đã được dân tộc Việt Nam tiếp nhận, đồng thời nó phải phù hợp với trình độ phát triển mới và xu thế tiến lên của loài người và được biểu hiện bằng sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Bởi vậy, sự lựa chọn con đường cho cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh theo con đường của Cách mạng Tháng Mười là tất yếu và đúng đắn.
Lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường cách mạng vô sản, nhưng ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cần phải vận dụng, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam” để hoạch định con đường cách mạng phù hợp với điều kiện Việt Nam và thời đại mới và chỉ có như vậy mới đáp ứng được sự phù hợp với yêu cầu về văn hóa và thực tiễn của dân tộc.
Từ năm 1924, khi trả lời phỏng vấn báo Unita (I-ta-li-a), Người đã nói: “chúng tôi tiếp tục đi theo con đường cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được”(15).
Sau này, Người viết: “Tất cả những người lao động trên thế giới đều có một mục đích chung là thoát khỏi áp bức bóc lột, được sống sung sướng tự do, tức là thực hiện chế độ cộng sản. Nhưng để đi đến mục đích ấy, mỗi nước phải tùy theo điều kiện thiết thực của mình mà tiến dần” (16).
Xuất phát từ điều kiện thiết thực của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã vạch ra Chính cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ ra con đường cách mạng nước ta là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(17). Sau này, Người phân tích rõ rằng: “Tính chất thuộc địa và phong kiến của xã hội cũ Việt Nam khiến cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới... Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”(18).
Với con đường đó, cách mạng Việt Nam đã thắng lợi và như Hồ Chí Minh viết: “con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga”(19).
Con đường cách mạng vì độc lập - tự do - hạnh phúc cho dân tộc và con người Việt Nam, vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc vẫn là con đường văn hóa nhất và mãi là con đường thắng lợi của cách mạng nước ta.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, t 8, tr 440
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 3, tr 33 - 34
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 2, tr 390
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 440
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 558
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t 2, tr 390
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 558
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 559
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 560
(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 560
(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 565-566
(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t 1, tr 302
(13) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 635
(14) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 441
(15) Hồ Chí Minh: Sđd, t 1, 482
(16) Hồ Chí Minh: Sđd, t 7, tr 209
(17) Hồ Chí Minh: Sđd, t 3, tr 1
(18) Hồ Chí Minh: Sđd, t 7, tr 209
(19) Hồ Chí Minh: Sđd, t 11, tr 495
Nhân ngày Liên Hợp Quốc 24-10: Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào công việc chung của khu vực và quốc tế  (24/10/2007)
Giới thiệu chính sách mới trên các số công báo từ ngày 06-10-2007 đến ngày 19-10-2007  (24/10/2007)
Quy hoạch đội ngũ cán bộ tham mưu ở Văn phòng Chủ tịch nước  (24/10/2007)
UNCTAD: Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về hấp dẫn đầu tư  (23/10/2007)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên