Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Thực hiện tốt công tác cán bộ nữ chính là nhằm tạo những cơ hội mở cho phụ nữ cống hiến và phát triển, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy bình đẳng giới ở nước ta.

Thắng lợi của cách mạng đã đưa người phụ nữ Việt Nam lên địa vị làm chủ xã hội, có quyền bình đẳng với nam giới, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn phát huy sức mạnh của phụ nữ, không thể không đặt đúng vị trí, vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ nữ trong công tác phụ nữ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong những năm vừa qua, trên cơ sở thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, công tác cán bộ nữ đã có những kết quả đáng kể. Theo đánh giá tình hình giới, "Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động kinh tế và dẫn đầu khu vực châu á - Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ trong Quốc hội"(1). Tỷ lệ cán bộ nữ nhiệm kỳ hiện tại trong các cấp ủy tăng so với trước: trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX có 8,6%; khóa X: 8,12% (chính thức), 14,28% (dự khuyết); ban chấp hành tỉnh/thành ủy nhiệm kỳ 2001 - 2005: 11,32%; nhiệm kỳ 2005 - 2010: 11,75%; ban chấp hành quận/huyện nhiệm kỳ 2001 - 2005: 12,89%; nhiệm kỳ 2005 - 2010: 14,74%; ban chấp hành xã/phường: nhiệm kỳ 2001 - 2005: 11,88%; nhiệm kỳ 2005 - 2010: 15,08%. ở cấp trung ương, cả 3 khóa đều có cán bộ nữ tham gia lãnh đạo cấp cao của Đảng, khóa VIII có nữ ủy viên Bộ Chính trị, khóa VII, IX, X có nữ tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Cán bộ nữ giữ cương vị chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội chiếm tỷ lệ 25%. Thành tựu này đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ nhất châu á và thứ hai khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội. Tỷ lệ phụ nữ là đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cũng tăng dần. So sánh giữa nhiệm kỳ 1999 - 2004 và nhiệm kỳ 2004 - 2009: cấp tỉnh/thành tăng từ 22,33% lên 23,83%; cấp quận/huyện tăng từ 20,12% lên 22,94%, và cấp xã/phường từ 16,56% lên 20,10%.

Những thành tựu đạt được trong công tác cán bộ nữ thời gian qua là minh chứng rõ rệt cho sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với phụ nữ. Đó là lý do quan trọng khiến chị em phụ nữ ngày càng tự tin, chủ động vươn lên phấn đấu "giỏi việc nước, đảm việc nhà", cống hiến đắc lực vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của đất nước.

Trong cơ quan quản lý nhà nước, tính đến tháng 12-2007, có 1 phó chủ tịch nước là nữ, số cán bộ nữ giữ chức vụ bộ trưởng là 4,55%, tương đương bộ trưởng chiếm 11,43%, thứ trưởng là 2,75%, tương đương thứ trưởng là 9,21%, vụ trưởng và tương đương chiếm 9,87%, vụ phó và tương đương chiếm 20,74%.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đối với các doanh nghiệp nhà nước, số cán bộ nữ trực tiếp làm công tác lãnh đạo, quản lý cấp tổng công ty cũng chiếm tỷ lệ nhất định: tổng giám đốc các tổng công ty 91 là 5%, phó tổng giám đốc 9,7%. Đối với các tổng công ty 90: chủ tịch hội đồng quản trị 1,7%, tổng giám đốc 2,9% và phó tổng giám đốc chiếm 1,4%.

Đáng mừng là, đội ngũ cán bộ nữ không ngừng tăng lên ở một số cơ quan trọng yếu như: Quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân. Những tỉnh/thành có tỷ lệ cán bộ nữ cao là: Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Kon Tum, Yên Bái, Lào Cai, Đồng Nai, Gia Lai, Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang. Đội ngũ cán bộ nữ các ngành, các cấp đã không ngừng phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước và sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, không chỉ tăng về số lượng mà còn phát triển rõ rệt về chất lượng. Điểm nổi bật của đội ngũ cán bộ nữ là "không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước và cho sự bình đẳng giới. ở bất kỳ vị trí công tác nào, cán bộ nữ cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, biết lắng nghe, dân chủ trong lãnh đạo và quản lý, có khả năng thuyết phục, tác phong sâu sát, liêm khiết, tiết kiệm, ít tham nhũng nên được xã hội tin cậy"(2).

Có được những kết quả trên, trước hết là do sự quan tâm, chăm lo, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng của các cấp ủy đối với đội ngũ cán bộ nữ. Nhiều cấp ủy coi công tác cán bộ nữ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ của địa phương, do đó đã có nhiều biện pháp cụ thể để tăng đội ngũ cán bộ nữ.

Những nỗ lực phấn đấu của bản thân đội ngũ cán bộ nữ cũng góp phần không nhỏ. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đa phần phụ nữ đều tích cực tham gia học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao năng lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sự đóng góp tích cực của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đối với công tác cán bộ nữ là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy chất lượng công tác cán bộ nữ phát triển về cả số lượng và chất lượng. Hội đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực có tác động tích cực nhằm nâng cao quyền năng và sự tham gia lãnh đạo, quản lý, ra quyết định của phụ nữ. Hội chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy các cấp, Quốc hội, hội đồng nhân dân về cơ cấu, tỷ lệ nữ, tăng cường đến các tỉnh, thành có nhiều khó khăn về nhân sự để đề xuất phương án bố trí.

Để giúp phụ nữ tự tin khi tham gia các cơ quan lãnh đạo, Hội chủ động phối hợp với Uy ban quốc gia, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các địa phương tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức giới và kỹ năng lãnh đạo cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bình đẳng giới, về gương cán bộ nữ điển hình trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Hội đã chủ động đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tổng kết Chỉ thị 37/CT-TW về công tác cán bộ nữ, tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11/ NQ-TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ trì soạn thảo Luật Bình đẳng giới và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Tuy vậy, công tác cán bộ nữ vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập: tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp vẫn còn thấp (thậm chí, ở một số lĩnh vực bị sụt giảm), cơ cấu không đều, chưa tương xứng với sự phát triển của lực lượng lao động nữ và phong trào phụ nữ. ở cả 3 cấp Trung ương, tỉnh (thành), quận (huyện), tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đều dưới 15%, chưa đạt được yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị số 46 CT/TW, ngày 6-12-2004, của Bộ Chính trị.

Hiện nay, có thực trạng, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy càng ở cấp cao càng giảm, ở các tỉnh miền núi phía Bắc cao hơn các tỉnh đồng bằng. Điều này chứng tỏ, việc nhìn nhận cán bộ nữ tham gia lãnh đạo thấp do nguyên nhân chị em chưa có đủ trình độ, năng lực hoặc thiếu nguồn cán bộ nữ lâu nay là chưa có cơ sở.

Một số ngành nghề đông nữ vẫn chưa có cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Nhiều cơ quan quản lý nhà nước có tầm quan trọng chiến lược như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương... đều chưa có cán bộ nữ giữ chức vụ cấp cao. Đa số cán bộ nữ lãnh đạo quản lý được bố trí ở cấp thấp (thường là cấp phó).

Một số chính sách đối với cán bộ nữ còn bất cập, không phù hợp.

Những hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

- Định kiến giới vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội. Nhiều cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, chưa nhận thức rõ yêu cầu khách quan của việc tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ - bộ phận nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Vẫn còn biểu hiện hẹp hòi, thiếu tin tưởng vào khả năng của phụ nữ, cán bộ nữ như ngại tuyển dụng nữ, đánh giá, sử dụng còn thiếu khách quan. Một bộ phận cán bộ nữ vẫn còn biểu hiện tự ti, an phận, chưa có ý chí vươn lên, cá biệt còn biểu hiện hẹp hòi, níu kéo nhau.

- Cơ hội được tham gia đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đối với cán bộ nữ vẫn khó khăn do cơ chế, chính sách còn bất cập.

- Vai trò giới truyền thông của phụ nữ về trách nhiệm đối với công việc gia đình là một trong những cản trở phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Việt Nam năm 2006, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc con cái. Qua điều tra thấy, phụ nữ làm công việc này xấp xỉ 60%, nam giới dưới 10%, cả nam và nữ trên 30%. Ở Việt Nam, vẫn tồn tại quan niệm cho rằng, những việc nhà như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái là công việc của phụ nữ. Do vậy, khối lượng không cân bằng là một trong những chỉ số bất lợi cho phụ nữ khi vừa phải thu xếp công việc gia đình, vừa phải lo toan đảm đương công việc để kiếm sống và tham gia công tác xã hội.

Làm tốt công tác cán bộ nữ là biện pháp quan trọng khơi dậy nguồn nhân lực nữ, thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới ở nước ta; đồng thời, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giải phóng phụ nữ, cũng chính là giải phóng con người. Điều đó góp phần quan trọng làm nên tính chất tiến bộ, văn minh, dân chủ của xã hội ta.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng phát triển, càng đòi hỏi sự phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, sự tham gia chủ động, tích cực của phụ nữ, trong đó có đội ngũ cán bộ nữ bảo đảm yêu cầu ngang tầm, có đủ kiến thức trình độ và năng lực về mọi mặt, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của quá trình phát triển. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TW "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", trong đó có một trong những quan điểm lớn là về xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ, coi đó là tất yếu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng, đã tạo định hướng chính trị rõ ràng, cụ thể cho các cấp, các ngành thực hiện công tác cán bộ nữ trong nhiều năm tới, theo hướng tập trung vào công tác làm chuyển biến nhận thức giới, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ, và chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ nhằm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực.

Để đạt được những mục tiêu này, cần có sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò chủ động của phụ nữ, của mỗi người cán bộ nữ.

- Cần tạo sự chuyển biến biến sâu sắc trong nhận thức về bình đẳng giới đối với toàn xã hội, tập trung trước tiên vào việc nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, người lãnh đạo, đảng viên, chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử giới. Bản thân chị em cũng cần chủ động nâng cao hơn nữa nhận thức giới, có kế hoạch học tập trau dồi kiến thức, năng lực công tác, nhạy bén tiếp thu cái mới, cái hay, trau dồi phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công.

- Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác cán bộ nữ gắn với làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ ở các lĩnh vực, ngành nghề, với cơ cấu, số lượng hợp lý, chú trọng chất lượng. Đề ra chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý và cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với tổ chức, cơ quan, không thực hiện nghị quyết của Đảng. "Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35 - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới"(3).

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy hoạch cán bộ nữ nằm trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng, nhằm bảo đảm nguồn cán bộ nữ trong thực tế. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi có sự quy định tỷ lệ chiêu sinh có yếu tố giới trong các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước. Thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo phù hợp với đặc điểm giới; đào tạo bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh việc đào tạo theo chức danh, yêu cầu, tiêu chuẩn; có chính sách khuyến khích nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ được đào tạo nghề, đào tạo trên đại học; xúc tiến việc xây dựng quỹ khuyến học và phát triển tài năng nữ. Lựa chọn cán bộ nữ trẻ, có triển vọng, đạt kết quả công tác xuất sắc đưa đi đào tạo nước ngoài với số lượng và cơ cấu ngành nghề hợp lý. Có chính sách để cán bộ nữ tham gia học tập nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức phù hợp: đào tạo tại chỗ, tập trung, tại chức, từ xa, từ thực tiễn, đặc biệt là chính sách khuyến khích tài năng nữ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ nữ công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ nữ đi học có con nhỏ, cán bộ dân tộc thiểu số.

- Thông qua cơ chế, chính sách có lồng ghép yếu tố giới, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, tạo cơ hội và điều kiện để phụ nữ tiến bộ, điều chỉnh các văn bản luật pháp chính sách cản trở thực hiện bình đẳng giới như tuổi đào tạo, tuổi quy hoạch, tuổi bổ nhiệm, tuổi nghỉ hưu của cán bộ nữ...

- Quan tâm phát triển đảng viên nữ để tạo nguồn cán bộ lâu dài, bảo đảm chất lượng, đặc biệt chú trọng đối tượng nữ thanh niên ở các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, tôn giáo, doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

- Tăng cường các dịch vụ xã hội để giảm nhẹ gánh nặng công việc gia đình cho phụ nữ, cán bộ nữ, cũng như chia sẻ công việc gia đình cho các thành viên là nam giới.

Công tác cán bộ nữ, công tác phụ nữ là yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ" (Di chúc). Do vậy, công tác cán bộ nữ phải được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở, cũng như bản thân phụ nữ. Với sự nỗ lực, cố gắng đồng bộ như vậy, vị thế, vai trò của phụ nữ sẽ ngày càng được nâng lên, chị em sẽ có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội, góp phần thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa chất lượng và tốc độ của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
 

(1) Báo cáo đánh giá tình hình giới ở Việt Nam tháng 12-2006 của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Vụ Phát triển Vương quốc Anh, Cơ quan Phát triển quốc tế Ca-na-đa
(2) Nguồn: Ban Bí thư Trung ương Đảng, Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 37/CT-TW về công tác cán bộ nữ, 2004
(3) Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 27-4-2007