Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tạo ra sự tăng trưởng kinh tế tốc độ cao đồng thời với tiến bộ xã hội là mục tiêu của nhiều quốc gia. Tuy nhiên một khu vực hay một quốc gia nào đó muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải có những điều kiện nhất định về địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái, nguồn lực lao động.

Từ nhận định trên, cần tìm những yếu tố tăng trưởng kinh tế bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể hơn là tìm hiểu mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ cấu tỷ trọng kinh tế phù hợp với những điều kiện đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long.

Những tài nguyên chính của đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng sinh thái cận nhiệt đới rất đặc sắc: vùng đồng bằng rộng mênh mông bao trùm phần cuối của sông Mê-công với hàng chục nhánh sông lớn đổ ra biển, một hệ thống kênh rạch chằng chịt; là một bán đảo có 3 mặt giáp biển, có hệ động - thực vật đa dạng, phong phú, có đất phù sa, có rừng ngập mặn, có thời tiết, khí hậu ấm áp và ôn hòa... ở đây có nhiều điều kiện tốt cho phát triển nông nghiệp trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản mà ít nơi nào trên thế giới có được nhiều như thế. Những tài nguyên chính của vùng sinh thái này bao gồm:

Tài nguyên đất.

Diện tích tự nhiên 39.574.500 ha, chiếm 12% diện tích cả nước và rộng gấp 3 đồng bằng sông Hồng. Nếu tính riêng đất canh tác thì chiếm 37% của cả nước. Cơ cấu thổ nhưỡng của Đồng bằng Sông Cửu Long gồm: Đất phù sa (1.200.000 ha), đất nhiễm phèn (1.600.000 ha), đất nhiễm mặn: 750.000 ha . Ngoài ra còn các loại đất khác như "đất lỏng bỏng", đất xám, đất đồi núi, đất giồng cát, đất than bùn... có thể khai thác thích ứng với nhiều loại cây trồng.

Tài nguyên nước.

Đoạn sông Mê-công chảy qua đồng bằng sông Cửu Long có hai nhánh lớn là sông Tiền và sông Hậu - có độ dài 250 km. Nếu tính tất cả các nhánh thì có đến 37 con sông với tổng chiều dài 1.708 km, ngoài ra đồng bằng sông Cửu Long còn có 137 kênh rạch lớn với tổng chiều dài 2.780 km.

Vào mùa mưa lũ, có từ 25% đến 50% diện tích toàn vùng bị ngập nước, ngược lại mùa khô hạn cũng có đến một nửa diện tích đất canh tác không đủ nước ngọt.

Tài nguyên động, thực vật.

Rừng tự nhiên có các loại: rừng ven sông, rừng lá rộng nhiệt đới, rừng ngập mặn, rừng Tràm. Tổng diện tích rừng 260.000 ha, chiếm 6,8% diện tích toàn vùng, trong đó rừng ngập mặn có khoảng 120.000 ha, rừng Tràm còn khoảng 100.000 ha.

Tài nguyên thủy sản dồi dào và phong phú, có 3 vùng sinh tụ chính: vùng sông rạch, vùng ngập nước mùa mưa (các loại thủy sản nước ngọt), vùng cửa sông (các loại thủy sản nước lợ), vùng biển (các loại thủy - hải sản nước mặn). Ngoài nguồn thủy sản tự nhiên, đồng bằng sông Cửu Long còn có tiềm năng rất lớn về nuôi, trồng thủy sản đang được khai thác như cá Ba-sa cùng nhiều loại tôm cá khác.

Tài nguyên thực vật quan trọng nhất là lúa nước và các loại cây ăn trái. Diện tích trồng lúa chiếm 52% cả nước, năng suất bình quân gần 38 tạ/ha. Cây ăn trái của vùng khá phong phú và có nhiều loại chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tài nguyên nhân lực.

Dân số đồng bằng sông Cửu Long hiện nay khoảng hơn 17 triệu người, trên 40% ở độ tuổi lao động. Nhìn chung, sức lao động của đồng bằng sông Cửu Long rất dồi dào, nhưng phần lớn là lao động giản đơn, chỉ thích ứng với sản xuất nông nghiệp lạc hậu.

Từ những số liệu của những nguồn tài nguyên chính nêu trên ta có thể thấy sắc thái kinh tế riêng của vùng là: nông nghiệp và ngư nghiệp với hai loại sản phẩm có thể sản xuất hàng hóa lớn là lúa gạo, thủy sản.

Thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long từ tầm nhìn thị trường toàn cầu

Những công trình nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long từ 1993 trở về trước đã đưa ra những nhận xét: "khó khăn lớn nhất của nghề nông đồng bằng sông Cửu Long là thu nhập từ nghề trồng lúa thấp nhất trong số các nghề khác... chỉ trồng lúa thì không giàu, có khi càng trồng lúa càng nghèo..."(1) đó là một thực tế hiển nhiên được rút ra từ những số liệu điều tra rất cụ thể. Những nhận định trên hoàn toàn đúng trong hoàn cảnh đất nước ta lúc đó còn chưa thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội và chưa hội nhập mạnh mẽ vào thị trường thế giới.

Khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO, xuất hiện những cơ hội mới và thách thức mới trên nhiều lĩnh vực, ngay cả những lĩnh vực trước đây ta không có. Hoàn cảnh mới đó đòi hỏi phải có bước đi mới, trong đó có cả những bước đi đón đầu. Chúng ta phải nhìn ra thị trường toàn cầu để tìm phương hướng phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long, không nên hạn chế trong thị trường nội địa hay khu vực Đông - Nam Á.

Thị trường trong nước, Việt nam không phải là quốc gia lớn về địa lý nhưng với dân số hơn 80 triệu người thì đây là một thị trường vào loại lớn trong khu vực, thế giới. Ngày nay Việt Nam đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực và còn trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng nhìn trên từng vùng thì rõ ràng miền Bắc và miền Trung với dân số hơn 60 triệu vẫn là một thị trường lớn của nông sản và thủy hải sản của đồng bằng sông Cửu Long.

Thị trường Đông - Nam Á, có điều kiện tự nhiên tương đối giống với đồng bằng sông Cửu Long nên các sản phẩm nông nghiệp cũng tương tự và có nhiều loại chiếm ưu thế hơn ta về số lượng lẫn chất lượng (như gạo, trái cây), họ là đối thủ cạnh tranh chính với Việt Nam về nông sản nhiệt đới trên thị trường thế giới.

Thị trường châu Á, có những khu vực lớn hàng tỉ người như Trung Quốc, ấn Độ, Nhật Bản... các nước này đã giải quyết tương đối tốt vấn đề lương thực nhưng họ cũng rất cần nhập khẩu thêm một số lượng không nhỏ lương thực để bù đắp vào những thiếu hụt do thiên tai thường xuyên xảy ra.

Thị trường châu Âu, nhìn chung không có nhiều nhu cầu về gạo, là thị trường khó tính nhưng họ lại cần nhiều thủy, hải sản cùng các loại trái cây vùng nhiệt đới mà đồng bằng sông Cửu Long có thể cung cấp.

Thị trường châu Mỹ, đây là thị trường đầy tiềm năng về nông sản nhưng chưa khai thác được, riêng thị trường bắc Mỹ rất giàu có và nhu cầu rất đa dạng về nông sản nhiệt đới. Tuy nhiên để vào được thị trường này đòi hỏi hàng hóa phải có chất lượng cao và vượt qua nhiều rào cản phức tạp... nhưng không phải là sự khép lại hoàn toàn đối với nông sản của đồng bằng sông Cửu Long.

Thị trường châu Phi, là thị trường rộng lớn, cần nhiều lương thực và thực phẩm để khắc phục nạn đói triền miên. Mặt khác, thị trường này chưa đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Nếu Việt Nam không hội nhập, không gia nhập WTO thì châu Phi mãi mãi chỉ là một một vùng xa xôi mà hàng hóa Việt Nam không thể với tới, thế nhưng trong xu thế toàn cầu hóa, châu Phi hoàn toàn có thể là thị trường lớn về nông sản của Việt Nam.

Như vậy trong tương lai, trên 5 khu vực của thị trường toàn cầu chỉ có Đông - Nam Á là ít cần đến nông sản của đồng bằng sông Cửu Long đồng thời là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất, còn lại các thị trường khác đều có thể khai thác để tiêu thụ nông sản của đồng bằng sông Cửu Long.

Quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở đồng bằng sông Cửu Long

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chiến lược chung của đất nước nhưng không có nghĩa địa phương nào, vùng nào cũng phải có tỷ trọng công nghiệp lớn hơn nông nghiệp mà phải căn cứ vào những đều kiện cụ thể của từng vùng. Chẳng hạn, vùng trọng điểm kinh tế phía Nam gồm 7 tỉnh miền Đông - Nam Bộ thì phải lấy công nghiệp làm chính - tỷ trọng GDP công nghiệp và dịch vụ phải lớn hơn nông nghiệp - vì vùng này có những điều kiện thuận lợi về giao thông vận tải, về mặt bằng xây dựng công nghiệp, đồng thời cũng không có nhiều đất đai nông nghiệp.

Việc xây dựng những khu công nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn như ở miền Đông - Nam Bộ cần phải giải quyết hàng loạt những khó khăn lớn :

Trước hết, tốn kém nhiều chi phí để khắc phục khó khăn khi xây dựng hạ tầng về giao thông do có quá nhiều sông ngòi, làm quá nhiều cầu cống.

Thứ hai, mặt bằng xây dựng công nghiệp cũng không thuận tiện do đất thấp, tốn kém trong việc san lấp đổ nền, chỉ có thể xây dựng được ở những vùng không ngập nước vào mùa mưa.

Thứ ba, nguyên liệu tại chỗ của đồng bằng sông Cửu Long chỉ đáp ứng cho công nghiệp chế biến nông sản và thủy sản, khả năng chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng cây công nghiệp là không thực tế vì tính chất ngập nước từng mùa không thích hợp cho cây công nghiệp.

Thứ tư, rất khó khăn và tốn kém để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước thải của các khu công nghiệp tập trung do mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt. Nhất là trong mùa lũ, không thể kiểm soát được sự lan tỏa ô nhiễm, như thế có thể hủy hoại một phần nguồn nước ngọt, nước phù sa, cũng đồng nghĩa hủy hoại một phần thế mạnh về sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản của cả vùng.

Thứ năm, với mặt bằng dân trí chưa cao, nền giáo dục chưa phát triển thì việc chuyển đổi từ lao động nông nghiệp giản đơn sang lao động công nghiệp không phải là chuyện có thể làm nhanh chóng và dễ dàng.

Từ những phân tích trên ta thấy: nếu phát triển công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với miền Đông và nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái là khó tránh khỏi vì tình trạng này đã xảy ra ở miền đông và chưa giải quyết được. Do đó nếu muốn phát triển công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ nên có các ngành chế biến nông sản, thủy sản mới có thể bảo vệ được môi trường.

Công nghiệp hóa là phương tiện để tăng trưởng kinh tế, nhưng không phải là phương tiện duy nhất cho tất cả các khu vực, không nên quá câu nệ vào tỷ trọng GDP công nghiệp mà vấn đề là tốc độ tăng trưởng, hiệu quả kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Những giải pháp cơ bản cho tăng trưởng kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long bằng con đường phát triển thế mạnh nông nghiệp

Giải pháp chất lượng nông sản, phải đầu tư vào khoa học kỹ thuật, coi công nghệ sinh học là mũi nhọn của đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở đó đổi mới về giống và công nghệ nuôi trồng đáp ứng những đòi hỏi của thị trường ngày càng khó tính của thế giới.

Giải pháp chế biến, bảo quản nông sản, nên suy nghĩ theo cả hai hướng: một là, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản thành hàng hóa xuất khẩu. Hướng thứ hai là, xây dựng những kho chứa công nghệ cao để bảo quản nông sản như hệ thống các Si-lô chứa thóc và gạo nhằm dự trữ cho xuất khẩu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Giải pháp thị trường cho nông sản, không nên quá lệ thuộc vào một thị trường, dù thị trường đó có lợi nhuận cao, khi ta biết tìm kiếm thị trường thì không những đã giải quyết được khó khăn mà còn thúc đẩy được sản xuất phát triển mạnh hơn. Cụ thể, chỉ tính riêng công ty Navico - An Giang trong 6 tháng đầu năm 2004 đã xuất được 30.000 tấn cá Ba-sa sang thị trường của 29 nước khác ngoài Mỹ. Nếu tính cả năm có thể xuất được 60.000 tấn, thu về khoảng 60 đến 70 triệu USD. Đó là những con số lợi nhuận không kém, thậm chí cao hơn so với một công ty công nghiệp cơ khí hay điện tử có cùng số vốn đầu tư.

Từ những giải pháp trên có thể đưa ra nhận xét:

Một là, hướng phát triển nông nghiệp hiện đại và công nghiệp chế biến nông sản của đồng bằng sông Cửu Long vừa có thể tạo đà tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường sinh thái - đó là những yếu tố căn bản của khái niệm phát triển bền vững.

Hai là, nếu quan niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách máy móc, rập khuôn theo mô hình công nghiệp hóa của miền đông thì đồng bằng sông Cửu Long thiếu những lợi thế và điều kiện căn bản, đã tự từ bỏ thế mạnh để cạnh tranh ở thế yếu. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là nguy cơ về phá vỡ môi trường sinh thái của sản xuất nông nghiệp, tức mất đi yếu tố phát triển bền vững.

Tóm lại hướng phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long nên "hiện đại hóa nông nghiệp - công nghệ sinh học là mũi nhọn".
 

(1) Đồng bằng sông Cửu Long - nghiên cứu và phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995