Đồng chí Trần Phú - Tấm gương người cộng sản kiên trung, bất khuất
TCCS - Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người cộng sản mẫu mực, kiên trung, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (1-5-1904 - 1-5-2024) là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
Kiên định mục tiêu, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904, trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê gốc tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - vùng quê có truyền thống văn hiến và tinh thần đấu tranh cách mạng. Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 6 tuổi, lại lớn lên trong cảnh cả dân tộc đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ, ngay từ nhỏ, Trần Phú đã tận mắt chứng kiến và thấu hiểu nỗi khổ cực của người dân mất nước, sự thiếu vắng mẹ cha. Nhờ sự đùm bọc, nuôi dưỡng, cưu mang của anh chị, Trần Phú được tạo điều kiện cho đi học - điều mà ngay cả nhiều gia đình còn mẹ cha thời đó cũng không dễ thực hiện. Trần Phú được học tiểu học tại Trường Pháp - Việt Đông Ba, rồi Trường Quốc học Huế. Trong thời gian học tại Trường Quốc học Huế, Trần Phú có dịp tiếp xúc với nhiều thầy giáo yêu nước, các bạn học cùng chí hướng mong muốn cứu nước, đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm.
Năm 1922, Trần Phú được bổ nhiệm về dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung. Chính tại mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió này, Trần Phú đã tận mắt chứng kiến bao nỗi cực khổ của người dân, đặc biệt là công nhân trong các nhà máy dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Điều đó đã thôi thúc người thanh niên trẻ có những hoạt động tích cực đem lại lợi ích cho nước, cho dân. Bằng tất cả tâm huyết của mình, thông qua các bài học, Trần Phú đã truyền cho học trò tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, cho một xã hội bình đẳng, không còn áp bức, bất công. Đặc biệt, tháng 7-1925, Hội Phục Việt với khát vọng “phục hưng đất nước” ra đời; Trần Phú đã tham gia hoạt động và là một thành viên tích cực của Hội ngay trong những ngày đầu mới thành lập.
Hoạt động yêu nước của Hội Phục Việt cùng với phong trào đấu tranh sôi nổi của giai cấp công nhân tại thành phố Vinh, cũng như tiếng bom Phạm Hồng Thái từ Quảng Châu (Trung Quốc) dội về đã tác động mạnh mẽ tới Trần Phú. Đồng chí quyết định từ bỏ nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng. Đây là một quyết định thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người thanh niên yêu nước Trần Phú. Đi lên từ gian khó, từ sự yêu thương, đùm bọc giúp đỡ của anh chị trong cảnh dân tộc lầm than, Trần Phú đã không lựa chọn con đường “vinh thân phì gia”, mà sẵn sàng lựa chọn con đường đầy gian nguy, thử thách với lý tưởng cao đẹp giải phóng dân tộc, giải phóng những người lao động và bao thân phận con người bị áp bức, bất công.
Giữa năm 1926, tổ chức cử Trần Phú sang Quảng Châu tìm cách bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được tham dự lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Thông qua khóa học, Trần Phú được tiếp nhận những kiến thức cơ bản về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về cách mạng vô sản. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú. Từ một thanh niên yêu nước, Trần Phú đã dần giác ngộ lý tưởng cách mạng và đi theo con đường cách mạng vô sản.
Tháng 10-1926, kết thúc lớp học, Trần Phú được Tổng bộ Thanh niên phân công về Trung Kỳ cùng với Nguyễn Ngọc Ba để xây dựng và phát triển cơ sở hội. Đồng chí đã tích cực hoạt động nhằm hợp nhất tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng (tên gọi mới của Hội Phục Việt) với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Hoạt động tích cực của Trần Phú bị mật thám Pháp đánh hơi, chúng ra sức truy lùng, tìm bắt đồng chí. Để tránh sa vào tay giặc, Trần Phú đã trở lại Quảng Châu, gặp Tổng Bộ Thanh niên. Nhận thấy Trần Phú là một học trò thông minh, đầy nhiệt tình cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định cử Trần Phú sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông để đào tạo thành cán bộ cốt cán cho cách mạng. Trần Phú chính là học sinh Việt Nam đầu tiên, là người cách mạng Việt Nam đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đến học tại Trường Đại học Phương Đông, qua con đường Trung Quốc. Đây vừa là vinh dự, niềm tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao đối với Trần Phú thời điểm đó.
Trong thời gian học tại Moskva (1927 - 1929), với bí danh Lý Quý, Trần Phú đã nỗ lực cố gắng không ngừng trong học tập và rèn luyện. Với kết quả rất tốt trong học tập, chỉ sau mấy tháng, đầu năm 1927, Trần Phú được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Liên Xô, tham gia nhóm cộng sản Việt Nam của sinh viên Trường Đại học Phương Đông, thuộc Đảng bộ của Trường. Đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ của những người cộng sản Việt Nam đang học tại Trường Đại học Phương Đông.
Đầu năm 1930, sau khi kết thúc khóa học tại Trường Đại học Phương Đông, Trần Phú nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản trở về nước hoạt động cách mạng. Trước đó, Tòa án Nam Triều đã kết án tử hình vắng mặt đối với đồng chí Trần Phú. Mặc dù sự trở về này vô cùng nguy hiểm tới tính mạng của bản thân, song đồng chí Trần Phú vẫn vượt qua mọi gian khó, trở về nước hoạt động cách mạng, thực hiện chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.
Vượt qua nhiều quốc gia, nhiều cạm bẫy của cảnh sát các nước, Trần Phú đã lên tàu về nước. Trong quá trình Trần Phú trên đường về nước, có sự kiện quan trọng đã diễn ra: Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của dân tộc, đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 2-1930, Trần Phú vừa về tới Sài Gòn đã bị mật thám Pháp tiến hành vây bắt, đồng chí lại phải lên tàu qua Hồng Kông. Tại đây, đồng chí gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, biết tin Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập và được thông báo về tình hình sắp tới cũng như những công việc trong dự định. Trần Phú báo cáo với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về kết quả học tập và công tác của mình trong thời gian ở Liên Xô; đồng thời, thông báo tinh thần chỉ thị của Quốc tế Cộng sản giao cho trước khi về nước. Với tư cách đại diện Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phân công Trần Phú về Bắc Kỳ và viết một bức thư giới thiệu Trần Phú với Ban Chấp ủy lâm thời để nhận công tác.
Tháng 4-1930, Trần Phú từ Hồng Kông trở về nước. Đồng chí liên lạc với Ban Chấp hành Trung ương (Ban Chấp ủy) lâm thời đặt tại Hà Nội để hoạt động cách mạng. Lúc này, lưới mật thám đang bủa vây khắp nơi, đồng chí phải cải trang rất nhiều khi đi ra ngoài nắm bắt tình hình. Làm việc ở Hà Nội được ít ngày, Trần Phú đề nghị cho đi khảo sát tình hình ở một số địa phương. Đồng chí đã tiến hành nhiều chuyến khảo sát tình hình thực tế ở nhiều địa phương thuộc đồng bằng Bắc Bộ, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình,… Thông qua các chuyến khảo sát thực tiễn đã giúp đồng chí hiểu rõ thực tiễn tình hình đất nước, đời sống của các tầng lớp nhân dân, hoạt động của các tổ chức đảng, các phong trào cách mạng, đặc biệt là phong trào công nhân.
Tháng 7-1930, đồng chí Trần Phú trở về Hà Nội và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí được giao dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Với kiến thức lý luận được học tại Trường Đại học Phương Đông, trải nghiệm tại Trung Quốc, đặc biệt là qua việc nắm tình hình thực tiễn các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương lâm thời…, đồng chí đã xây dựng dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Nội dung Luận cương chính trị xác định rõ con đường cách mạng là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xã hội cộng sản chủ nghĩa. Những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam được nêu trong Luận cương chính trị thể hiện sự vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa những quan điểm được nêu trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự thảo, thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2-1930.
Tháng 10-1930, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời tiến hành Hội nghị lần thứ nhất, tại Hồng Kông. Hội nghị đã thảo luận và thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú trực tiếp dự thảo. Hội nghị cũng thông qua nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng, như: Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội về tình hình hiện tại của Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng; Điều lệ Đảng; Điều lệ của các tổ chức quần chúng (Công hội, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Hội đồng minh phản đế, Hội Cứu tế đỏ…). Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng, như bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm 7 thành viên do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư; khôi phục các xứ ủy, là cơ quan lãnh đạo của Đảng ở mỗi miền (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ).
Hội nghị Trung ương kết thúc, đồng chí Trần Phú cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi Thượng Hải gặp Ban Bí thư Bộ Phương Đông thuộc Quốc tế Cộng sản để báo cáo về Hội nghị Trung ương, về các văn kiện của Hội nghị và được Ban Bí thư Bộ Phương Đông chuẩn y.
Tháng 11-1930, đồng chí Trần Phú về Sài Gòn, trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, lấy xây dựng tổ chức đảng làm trọng tâm. Đồng chí đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp của Trung ương Đảng, cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo phong trào cách mạng, củng cố tổ chức đảng các cấp, từ cấp trung ương, xứ đảng bộ, tỉnh bộ, huyện bộ, tổng bộ, chi bộ; ở thành phố thành lập thành bộ, khu bộ đến chi bộ. Đồng chí cũng chỉ đạo uốn nắn kịp thời những biểu hiện hữu khuynh, tả khuynh diễn ra trong Đảng, tiêu biểu như tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai, tháng 3-1931; một mặt, Tổng Bí thư Trần Phú đánh giá cao phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh; mặt khác, chỉ rõ và phê bình nghiêm khắc những sai lầm của khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”(1). Đồng chí coi đó là sai lầm “tả” khuynh, cô độc, hẹp hòi, tước bỏ bạn đồng minh, gây thêm thù cho cách mạng, cần sớm loại bỏ. Sự uốn nắn kịp thời đó rất quan trọng trong quá trình phát triển của lịch sử Đảng ta.
Với những hoạt động tích cực, hiệu quả tới đầu năm 1931, hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương tới các xứ ủy, tỉnh ủy, chi bộ được củng cố và kiện toàn, bảo toàn lực lượng cách mạng. Đồng thời, Tổng Bí thư Trần Phú cũng đã chỉ thị các cấp ủy xem xét tình hình địa phương, đề ra chủ trương, biện pháp cho phù hợp.
Ngày 11-4-1931, tại phiên họp lần thứ 25, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (lần thứ XI) đã quyết định công nhận: Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản(2). Thành quả này xuất phát từ những hoạt động tích cực, đóng góp lớn lao của Tổng Bí thư Trần Phú. Đây cũng là một mốc son quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Đảng ta.
Từ một thanh niên trí thức yêu nước, vượt qua biết bao gian khó, chông gai, Trần Phú đã đến với con đường cách mạng vô sản, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản rồi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 26 tuổi đời. Đồng chí luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; từ đó, góp phần to lớn thúc đẩy sự lớn mạnh của tổ chức đảng, dẫn dắt tổ chức đảng vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, lãnh đạo phong trào cách mạng tiến lên.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất trước quân thù
Tinh thần kiên trung của đồng chí Trần Phú được thể hiện rõ khi đối mặt với khó khăn, thử thách mà kẻ thù gây ra, trở thành tinh thần bất khuất của người cộng sản trước mọi gian nguy, thử thách, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì mục tiêu, lý tưởng cao cả.
Ngày 18-4-1931, giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển, do có chỉ điểm, phản bội từ một cá nhân trong tổ chức, Tổng Bí thư Trần Phú bị sa lưới kẻ thù. Bắt được Tổng Bí thư Trần Phú, bọn mật thám và cảnh sát vô cùng mừng rỡ vì nghĩ rằng sẽ nắm được toàn bộ thông tin của Đảng, sẽ triệt tiêu Đảng ngay từ đầu não cơ quan trung ương của tổ chức. Chúng đưa đồng chí về giam và hỏi cung tại bốt Polo rồi đến bốt Catinat. Các thủ đoạn từ đánh đập, tra tấn, tới dụ dỗ mua chuộc… đã được nhiều tên mật thám nhà nghề của thực dân Pháp thực hiện hòng lấy lời khai từ Trần Phú. Tuy nhiên, mọi “ngón đòn” mà chính quyền thực dân đưa ra sử dụng đều vô hiệu trước tinh thần và ý chí kiên trung của Tổng Bí thư Trần Phú. Đồng chí thẳng thắn thừa nhận mình là Tổng Bí thư của Đảng và nói rõ: “Tôi biết nhiều người là để làm việc cho Đảng tôi, nước tôi, chứ không phải khai cho các ông bắt bớ”(3).
Bất lực trước tinh thần kiên trung của đồng chí Trần Phú, thực dân Pháp đưa đồng chí về giam ở Khám Lớn Sài Gòn, chờ ngày đưa ra xét xử. Tuy ở phòng biệt giam, đồng chí vẫn tìm mọi cách liên lạc với các bạn tù - những người tù cộng sản, đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân.
Sau 5 tháng bị giam cầm, tra tấn bằng nhiều hình thức dã man khác nhau, từ bốt Polo, bốt Catinat tới Khám Lớn Sài Gòn, chế độ tàn bạo của nhà tù đã làm sức khỏe của Tổng Bí thư Trần Phú suy kiệt, bệnh tật vốn có của đồng chí tái phát nặng hơn.
Với mong muốn, hy vọng có thể khai thác những bí mật của cách mạng, bọn cai ngục đã đưa đồng chí Trần Phú tới Nhà thương Chợ Quán để chữa trị. Nhờ bí mật liên lạc với cơ sở của ta trong Nhà thương Chợ Quán, các thầy thuốc là cơ sở cách mạng ở đây rất tận tình cứu chữa, song do bệnh tình quá nặng, sức khỏe của đồng chí ngày càng suy kiệt. Biết Tổng Bí thư Trần Phú không thể qua khỏi, các đồng chí ta đấu tranh đề nghị được đưa đồng chí về Khám Lớn để chăm sóc.
Sáng ngày 6-9-1931, khi các đồng chí cơ sở của ta tới phòng giam tại Nhà thương Chợ Quán, thì bệnh tình của đồng chí Trần Phú đã rất nguy kịch. Mặc dù vậy, đồng chí vẫn gắng gượng đem hết chút sinh lực còn lại nhắn nhủ với các bạn chiến đấu: “Hãy giữ vững khí chí chiến đấu”, rồi lả đi và trút hơi thở cuối cùng trên tay các đồng chí, các bạn chiến đấu của mình khi mới 27 tuổi đời. Thi hài Tổng Bí thư Trần Phú được các đồng chí chuyển về Khám Lớn. Dọc hành lang, trong các buồng giam, mọi người đứng lặng im vĩnh biệt người Tổng Bí thư trẻ tuổi anh hùng.
Sự ra đi của đồng chí Trần Phú là tổn thất vô cùng to lớn của Đảng, nhưng ý chí cách mạng của đồng chí đã tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm cho đồng chí, đồng đội vượt qua gian nguy, thử thách, vững tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc ngay cả trong lao tù đế quốc, thực dân, kiên cường, bất khuất trực tiếp đối diện với quân thù.
Đòn roi, tra tấn, sự kìm kẹp, sức mạnh của thực dân đều đã thất bại dưới ý chí, khí phách và sự hiên ngang của người Tổng Bí thư đầu tiên, trẻ tuổi và tài năng của Đảng - Tổng Bí thư Trần Phú. Đồng chí đã thể hiện khí phách hiên ngang của người cộng sản kiên cường, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng!
Ngưỡng mộ khí phách hiên ngang, tinh thần bất khuất của Tổng Bí thư Trần Phú, báo chí cộng sản ở trong nước và quốc tế đã viết nhiều bài ca ngợi lòng trung thành và tấm gương hy sinh cao cả của đồng chí. Nhiều cơ sở cách mạng ở trong nước, ở Moskva đã làm lễ truy điệu đồng chí Trần Phú.
Viết về Tổng Bí thư Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”(4). Quốc tế Cộng sản cũng đã đánh giá cao tấm gương hy sinh oanh liệt của đồng chí Trần Phú; trong đó, bài viết đăng trên Tạp chí Quốc tế Cộng sản đã khẳng định, sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương.
Lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú dù ngắn gọn nhưng là biểu hiện cao cả của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng, phấn đấu vì mục tiêu cao cả độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Đó còn là khí phách kiên cường, bất khuất trước kẻ thù; là bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi gian nguy, khó khăn, thử thách; đồng thời, còn là niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng và con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm ra và cả dân tộc lựa chọn, đi theo.
Lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Trần Phú đã tiếp thêm sức mạnh cho đảng viên và nhân dân Việt Nam vượt qua bao gian nguy, thử thách, từng bước đưa cách mạng tới thành công với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; thắsng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, thu giang sơn về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà. Lời nhắn nhủ đó còn tiếp thêm sức mạnh, động lực cho các thế hệ sau tiếp bước nhằm xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, phát triển hùng cường.
Lời hiệu triệu “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú nhắc nhở các thế hệ cán bộ, đảng viên luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên cũng phải kiên cường khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu cống hiến cho cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân. “Phẩm chất cộng sản kiên trung và khí tiết lẫm liệt của Trần Phú trước kẻ thù là tấm gương cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong cuộc chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc, ấm no hạnh phúc của nhân dân ta”(5).
Trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng đất nước hiện nay, lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú vẫn soi rọi con đường phát triển của dân tộc, đưa Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định mục tiêu và lý tưởng cộng sản - lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú và bao người con ưu tú của dân tộc đã nỗ lực phấn đấu và hy sinh vì tương lai của dân tộc./.
--------------------
(1) Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 3, tr. 157
(2) Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 309
(3) Dẫn theo: Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, một tấm gương bất diệt (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 18
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 309
(5) “Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, cố Tổng Bí thư của Đảng”, in trong sách Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, một tấm gương bất diệt (Hồi ký), Sđd, tr. 19
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm