Tầm nhìn của Đảng về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI
TCCS - Tầm nhìn là một năng lực cốt lõi cần có của bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào muốn lãnh đạo thành công sự nghiệp chính trị đã xác định và theo đuổi. Thành công của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam 90 năm qua gắn liền với khả năng xác định tầm nhìn và hiện thực hóa tầm nhìn vào mỗi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng ở từng thời kỳ cụ thể. Để đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển hùng cường, phồn vinh vào giữa thế kỷ XXI, tầm nhìn của Đảng đang soi rọi toàn dân tộc vững bước tiến lên.
Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phương hướng, con đường, mục tiêu chiến lược và sách lược cho cách mạng Việt Nam. Đó là ngọn đèn pha soi sáng, sợi chỉ đỏ dẫn đường, là cơ sở để tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, động viên, cổ vũ nhân dân đứng lên trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, kế thừa, tiếp nối và phát triển con đường đã được xác lập, căn cứ vào điều kiện, bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, Đảng ta đã xác định mục tiêu, tương lai, tầm nhìn về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1- Tầm nhìn, theo nguyên nghĩa là khoảng cách xa nhất mà mắt có thể nhìn thấy; nhưng trong lĩnh vực chính trị - xã hội, tầm nhìn được hiểu không chỉ là khả năng nhìn xa về khoảng cách không gian, mà cả khoảng cách thời gian, là năng lực tiên liệu được tương lai, xác định được tương lai muốn đạt đến một cách có căn cứ, không phải là viển vông, mơ mộng. Đó là năng lực “nhìn xa, trông rộng”, năng lực phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình, dự báo, xác định được tổ chức mình hay đất nước mình sẽ như thế nào trong tương lai. Tương lai mà tầm nhìn xác định không phải là tương lai gần, ngắn trong một, hai năm tới mà là tương lai xa, có khoảng cách thời gian dài, ít cũng phải 10, 20 năm, một thời kỳ, một giai đoạn phát triển. Do đó, tầm nhìn thường gắn với chiến lược, là tầm nhìn chiến lược; gắn với mục tiêu, là cơ sở, định hướng cho việc xác định mục tiêu và các nhiệm vụ chiến lược cần phải thực hiện để đạt được tầm nhìn đó. Tầm nhìn còn gắn với sứ mệnh, thể hiện mong muốn, niềm tin vào vai trò, giá trị, ý nghĩa của sự tồn tại, phát triển tổ chức, đất nước mình trong tương lai.
Tầm nhìn là một trong những yêu cầu hàng đầu, một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu một tổ chức, một quốc gia, một đảng chính trị, nhất là đảng cầm quyền. Tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia là năng lực xác định được tương lai đất nước, những đặc điểm, đặc trưng lớn, cơ bản của đất nước trong tương lai. Điều đó đòi hỏi phải dựa trên việc phân tích, đánh giá đúng bối cảnh, diễn biến của tình hình quốc tế, xu thế phát triển của thời đại; nhận diện những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đang đặt ra, những mâu thuẫn lớn, cơ bản cần phải giải quyết để phát triển đất nước. Bối cảnh, xu thế đó là cơ sở để xác định mục tiêu, nhiệm vụ cần phải thực hiện để đi đến tương lai. Tầm nhìn xa của lãnh đạo cũng là cơ sở, điều kiện về mặt thời gian cho việc xây dựng, chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng nắm bắt thời cơ, tạo bước phát triển nhảy vọt của cách mạng khi thời cơ đến. Thiếu tầm nhìn, không có sự chuẩn bị lực lượng thì sẽ không thể nắm bắt, tận dụng được thời cơ. Tầm nhìn xa của lãnh đạo đất nước còn là cơ sở bảo đảm cho sự kết nối, kế thừa, phát triển liên tục, nhất quán, không có mâu thuẫn, đứt đoạn giữa các kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm, 5 năm, 10 năm trong một giai đoạn, một thời kỳ phát triển dài. Đồng thời, khi tầm nhìn của lãnh đạo, mục tiêu và nhiệm vụ đề ra đúng đắn, đáp ứng đúng lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, hình ảnh tương lai tươi đẹp của đất nước sẽ có sức tập hợp, đoàn kết, cổ vũ, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh to lớn của cả dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh để đạt tới tương lai đó.
Tầm nhìn đúng đắn, nhìn xa, trông rộng của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong 90 năm qua. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 đã xác định rõ tính chất, mục tiêu của cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ, đánh đuổi đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Tầm nhìn đó phản ánh và giải quyết đúng những mâu thuẫn cơ bản, những yêu cầu quan trọng, cấp bách nhất của đất nước và nhân dân Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, do đó đã giành được sự đồng tình, ủng hộ, sự tham gia tích cực của nhân dân, tạo nên phong trào cách mạng mạnh mẽ, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, phong trào dân chủ 1936 - 1939. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra (năm 1939), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với tầm nhìn xa, sáng suốt của mình, đã dự báo, thấy trước sự thất bại của phe phát-xít sẽ mở ra cơ hội lớn cho cách mạng Việt Nam. Người đã tìm đường về nước, cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng, đưa mục tiêu chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc lên hàng đầu; xây dựng Mặt trận Việt Minh, đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân để vũ trang tuyên truyền gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng, tạo nên cao trào cách mạng sôi động và khi thời cơ đến (phát-xít Nhật đầu hàng Đồng minh), đã làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Viêt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta (cuối năm 1945) và sau đó, đế quốc Mỹ thay thế Pháp, lập chính quyền Việt Nam cộng hòa ở miền Nam (năm 1954) chia cắt đất nước ta, đàn áp nhân dân ta ở miền Nam, gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược đã không bị động, bất ngờ, mà có sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán Mỹ sẽ chỉ thua sau khi dùng B.52 đánh Hà Nội, nhờ đó mà quân và dân ta đã có sự chuẩn bị làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đây là những bài học lịch sử quý báu, truyền thống vẻ vang của Đảng, nhân dân và đất nước ta.
2- Hiện nay, Đảng ta đang chỉ đạo xây dựng dự thảo các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội được yêu cầu không chỉ xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm 2021 - 2025, mà còn phải xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI, 100 năm Quốc khánh. Đây là chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, là sự kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm, truyền thống quý báu của Đảng. Xác định tầm nhìn của Đảng về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, thời gian từ nay đến đó còn 30 năm, còn qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, là cơ sở bảo đảm sự kiên định về định hướng phát triển đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát triển chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng qua các kỳ đại hội. Đây là yêu cầu, đòi hỏi đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp; đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Trong khi đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi..., khi thách thức trên con đường phát triển của đất nước còn nhiều, không thể xem thường.
Tuy nhiên, không phải đến nay, khi chuẩn bị các văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta mới đặt ra yêu cầu xác định tầm nhìn phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 (Cương lĩnh 1991) và nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đưa ra tầm nhìn “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(1). Một nước công nghiệp hiện đại, theo quan điểm của Đảng được xác định trong Cương lĩnh, là một nước có “cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến”(2), có “nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”(3). Xã hội xã hội chủ nghĩa mà đất nước ta hướng tới là một xã hội có các đặc trưng cơ bản: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(4).
Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII_Video: TCCS/Truyền hình Nhân dân
Không chỉ có tầm nhìn về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, Cương lĩnh của Đảng còn có tầm nhìn về phát triển đất nước xa hơn, tới khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xác định “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”(5). Đồng thời, Cương lĩnh còn nêu ra 8 phương hướng cơ bản và 8 mối quan hệ lớn cần phải quán triệt, thực hiện tốt để thực hiện thành công các mục tiêu trên.
Tám phương hướng cơ bản là: 1- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; 2- Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 3- Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; 4- Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; 5- Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; 6- Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; 7- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; 8- Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tám mối quan hệ lớn là: 1- Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; 2- Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; 3- Quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; 4- Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; 5- Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; 6- Quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; 7- Quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; 8- Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ(6). Các quan điểm, tầm nhìn của Cương lĩnh là cơ sở để xác định tầm nhìn của Đảng về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
3- Tầm nhìn của Đảng về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, một mặt, đòi hỏi phải quán triệt các nội dung, quan điểm trong tầm nhìn đã được nêu trong Cương lĩnh của Đảng và kế thừa các quan điểm về mục tiêu phát triển đất nước trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng vừa qua; nhưng mặt khác, cần có cách tiếp cận hợp lý đối với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa kinh tế, mặc dù có những trở ngại do sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nước. Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn kinh tế quốc tế, toàn cầu và khu vực, ký kết nhiều hiệp định thương mại, đầu tư song phương, đa phương với nhiều quốc gia, các khối kinh tế trên thế giới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết cao. Việt Nam đã cam kết tuân thủ nhiều chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh, bổ sung một số quy định của luật pháp, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức, tiêu chí đánh giá cho phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế là cần thiết và hợp lý.
Trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, sau khi Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) đánh giá nước ta đã khắc phục được một bước rất quan trọng tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và đưa ra chủ trương “đẩy tới một bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(7), từ đó đến nay, các Đại hội VIII, IX, X, XI của Đảng đều đề ra mục tiêu “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) dự báo đến năm 2020 chưa thể thực hiện được mục tiêu tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nên đã điều chỉnh lại mục tiêu là “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(8). Như vậy, tầm nhìn của Đảng phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại nêu trong Cương lĩnh đã được các Đại hội Đảng những nhiệm kỳ gần đây quán triệt thực hiện nghiêm túc, nhất quán.
Trong nhiều năm qua, trên thế giới, cũng như ở nước ta đã có nhiều nghiên cứu để làm rõ thế nào là một nước công nghiệp và xây dựng các tiêu chí của một nước công nghiệp. Một số học giả, nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu, có ý kiến đề xuất về vấn đề này(9). Ở trong nước, trong khoảng hơn 10 năm lại đây, đã có một số chương trình, đề tài khoa học, một số người nghiên cứu, đề xuất quan điểm của mình về vấn đề này(10). Quan điểm, ý kiến đưa ra, các tiêu chí đề xuất của các nghiên cứu này còn nhiều khác biệt; có người chỉ nêu 1 tiêu chí, người nêu 5 tiêu chí, người nêu 11 tiêu chí, 12 tiêu chí, 15 tiêu chí, cao nhất có người đưa ra 16 tiêu chí. Trong đó, hầu hết các nghiên cứu đều đề xuất tiêu chí GDP bình quân đầu người. Một số tiêu chí, như tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp trong GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội, tỷ lệ đô thị hóa được nhiều người đề xuất (nhưng mức cụ thể trong từng tiêu chí vẫn khác nhau), có tiêu chí chỉ được một hoặc hai người đề xuất. Một số nghiên cứu gần đây đưa ra các tiêu chí mới về những vấn đề mới được xã hội quan tâm, như chỉ số bền vững về môi trường ESI (hay chỉ tiêu chất lượng môi trường EPI), chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); chỉ số sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0... Tóm lại, quan điểm, tiêu chí của một nước công nghiệp còn rất khác nhau. Hơn nữa, còn một số vấn đề khác, như thế nào là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thế nào là tạo được nền tảng của nước công nghiệp theo hướng hiện đại lại càng khó định lượng, khó xác định được tiêu chí, nên đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Trong khi đó, trên thế giới từ nhiều năm nay, nhiều tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) đã đưa ra nhiều cách để phân loại các nước trên thế giới. Những tổ chức này, do có các chức năng, mục tiêu khác nhau nên đưa ra các cách phân loại khác nhau, nhưng có tham khảo, phối hợp, thống nhất với nhau ở nhiều nội dung. Liên hợp quốc phân chia các nước trên thế giới thành ba loại: 1- Nước kém phát triển; 2- Nước đang phát triển; 3- Nước phát triển, dựa trên cơ sở là thu nhập bình quân đầu người. Mức thu nhập này được điều chỉnh theo các giai đoạn phát triển, dựa trên các số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Ngân hàng Thế giới phân loại các nước dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) thành bốn nhóm: 1- Nước có thu nhập thấp; 2- Nước có thu nhập trung bình thấp; 3- Nước có thu nhập trung bình cao; 4- Nước có thu nhập cao. Năm 2019, WB dựa trên thu nhập bình quân đầu người của các nước năm 2017, đưa ra các tiêu chí cụ thể:
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế định kỳ 3 năm một lần rà soát và lựa chọn các nước đủ điều kiện nhận ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức). Tất cả các nước có thu nhập thấp (bao gồm tất cả các nước kém phát triển theo phân loại của Liên hợp quốc) và thu nhập trung bình theo tiêu chí phân loại của WB, tức là các nước kém phát triển và đang phát triển đều thuộc đối tượng được xem xét nhận vốn ODA. Khi thu nhập bình quân đầu người của một nước tăng lên thì số lượng và các ưu đãi của vốn ODA cho nước đó sẽ giảm xuống. Khi một nước có thu nhập bình quân đầu người vượt mức thu nhập trung bình theo phân loại của Ngân hàng Thế giới thì nước đó bị loại khỏi danh sách nhận vốn ODA.
Như vậy, phần lớn các tổ chức quốc tế có uy tín đều phân loại các nước trên thế giới dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) và trên cơ sở đó, chia thành nước có thu nhập thấp, nước có thu nhập trung bình (thấp và cao), nước có thu nhập cao; hay chia các nước thành nước kém phát triển, nước đang phát triển và nước phát triển. Giữa hai cách phân chia này có sự liên thông, tương hỗ với nhau. Các nước kém phát triển là những nước có thu nhập thấp, những nước đang phát triển là những nước có thu nhập trung bình, nước phát triển là những nước có thu nhập cao. Mặc dù không có một quy định chính thức, nhưng thuật ngữ “nước phát triển” và “nước đã công nghiệp hóa” được sử dụng thay thế nhau ở các văn bản của các tổ chức quốc tế.
Riêng UNIDO, với vai trò, chức năng của một tổ chức thúc đẩy phát triển công nghiệp ở các nước trên thế giới, nên thường sử dụng thuật ngữ “công nghiệp hóa” nhiều hơn là “phát triển”. Trong các báo cáo phát triển công nghiệp nhiều năm qua, UNIDO lấy chỉ số giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến (MVA) bình quân đầu người (MVA/người) làm tiêu chí xác định nước công nghiệp (đã công nghiệp hóa). Dựa trên tiêu chí này, UNIDO chia các nền kinh tế trên thế giới thành bốn nhóm: 1- Các nước đã công nghiệp hóa; 2- Các nước công nghiệp mới nổi; 3- Các nước đang phát triển khác; 4- Các nước kém phát triển.
Nước đã công nghiệp hóa là nước có MVA bình quân đầu người ≥2.500 USD. Tuy nhiên, UNIDO cũng thấy rằng, một số nước sau khi đạt tiêu chí nước đã công nghiệp hóa, do có sự di chuyển các nhà máy sản xuất công nghiệp ra nước ngoài nên chỉ số MVA bình quân đầu người giảm xuống, thậm chí xuống dưới mức 2.500 USD; nhưng điều đó không có nghĩa nước đó không còn là nước đã công nghiệp hóa. Vì vậy, UNIDO cho rằng, bất kỳ nước nào có GDP bình quân đầu người ≥ 20.000 USD/năm đều được xem là nước công nghiệp (đã công nghiệp hóa), không kể MVA bình quân đầu người là bao nhiêu. Nước công nghiệp mới nổi là nước có MVA bình quân đầu người nhỏ hơn 2.500 USD, nhưng lớn hơn 1.000 USD hoặc GDP bình quân đầu người ≥10.000 USD/năm. Nước đang phát triển khác là những nước còn lại (trừ những nước kém phát triển). Nước kém phát triển là những nước kém phát triển theo tiêu chí của Liên hợp quốc.
Như vậy, mặc dù UNIDO có đưa ra tiêu chí MVA bình quân đầu người để xác định nước công nghiệp, nước công nghiệp mới nổi, nhưng về cơ bản việc phân loại các nước cũng dựa theo phân loại của Liên hợp quốc và WB, chia các nước thành nước kém phát triển, nước đang phát triển và nước phát triển, dựa trên tiêu chí GNI/người thấp, trung bình và thu nhập cao. Đây là cách phân loại và tiêu chí được công nhận và sử dụng rộng rãi ở các nước, tổ chức quốc tế trên thế giới.
Đối với nước ta, quán triệt quan điểm việc xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là vừa phải quán triệt tư tưởng của Cương lĩnh, kế thừa quan điểm của Đại hội các nhiệm kỳ trước, vừa cần phải có những bổ sung cần thiết, phù hợp với bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và khả năng của đất nước. Trong quá trình chuẩn bị các văn kiện Đại hội XIII của Đảng thời gian vừa qua, sau nhiều cuộc hội thảo, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, cơ quan khoa học và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đến nay, mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến năm 2025, 2030 đã bước đầu được xác định: đến năm 2025 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Tầm nhìn về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI (năm 2045) là trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Việc bổ sung tiêu chí về thu nhập, có thể định lượng được hằng năm, là cơ sở đánh giá khách quan và phù hợp với đánh giá chung của thế giới. Đến năm 2045, giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển (đương nhiên được xem là nước công nghiệp hay đã công nghiệp hóa, theo quan điểm chung trên thế giới hiện nay), có thu nhập cao, sẽ sánh vai cùng bè bạn năm châu như ước nguyện của Bác Hồ, là khát vọng của nhân dân, đất nước ta ngày nay, là tầm nhìn và sứ mệnh lãnh đạo của Đảng đối với đất nước trong giai đoạn phát triển mới./.
----------------------------
(1), (2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 71, 75
(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 70, 71
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđđ, tr. 73. Đại hội XII của Đảng bổ sung thêm một mối quan hệ lớn cần quán triệt và thực hiện tốt là quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội
(7) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 405
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 76
(9) Tiêu biểu như: W. Rô-stâu (W. Rostow), A. In-cơ-lét (A. Inkeles), Chi-ne-ry (H.Chenery), Giu-nhô Y-u (Junho Yoo)
(10) Như các tác giả Trương Văn Đoan, Đỗ Quốc Sam, Cao Viết Sinh, Lưu Bích Hồ, Bùi Tất Thắng, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Kế Tuấn, Trần Thị Vân Hoa
Phương pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng trong tiến trình chín mươi năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam  (19/02/2020)
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân  (17/02/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam