TCCS - Xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”, các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo và bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên ở khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi phải được tháo gỡ trong thời gian tới…

Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân thể hiện được vai trò, góp phần tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động yên tâm sản xuất_Ảnh: congdoanvietnam.laodong.vn

Qua các kỳ Đại hội Đảng, vị trí và vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định. Cụ thể là, Văn kiện Đại hội X của Đảng năm 2006 nhận định, kinh tế tư nhân là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng năm 2011 nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”; Đại hội XII của Đảng xác định, kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”(1). Đây là những bước tiến quan trọng trong tư duy, quan điểm của Đảng về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được thụ hưởng nhiều hơn kết quả của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là việc cắt giảm điều kiện đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nhiệp phát triển. Năm 2019, có hơn 138 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 1,2 triệu lao động, tăng 5,2% về số doanh nghiệp, tăng 17,1% về vốn đăng ký và tăng 13,3% về số lao động so với năm 2018(2).

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, Đảng ta cũng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế này; xây dựng các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân thành hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc nghiêm chỉnh chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, của chủ doanh nghiệp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong doanh nghiệp.

Nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về vấn đề trên được ban hành, như Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 7-3-2013, của Ban Bí thư, quy định “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Mới đây nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. Chỉ thị đã đánh giá tổng quát về tình hình xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại. Để tăng cường phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế này, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân…

Việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường đối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp và lên tổ chức đảng cấp trên, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đội ngũ công nhân; doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng sẽ bảo đảm được “tính đảng” trong thực hiện các hoạt động của mình, là chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm xã hội…

Công tác xây dựng tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân ngày càng có chuyển biến tích cực. Theo số liệu từ Ban Bí thư, trong khối doanh nghiệp tư nhân đã có 12.088 tổ chức đảng, 182.995 đảng viên(3). Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động. sản xuất; đồng thời góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng là những địa phương đi đầu trong thực hiện xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân. Năm 2018, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập mới 152 tổ chức đảng, đạt 116% kế hoạch; kết nạp được 1.242 đảng viên mới. Quý I-2019, Ban Chỉ đạo các cấp của thành phố Hà Nội thành lập 34 chi bộ đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sau nhiều lần ban hành các chỉ thị về đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân đã tạo được chuyển biến tích cực. Trong số 341 doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên đã có 257 đơn vị có tổ chức đảng, đạt tỷ lệ 75,37%. Tại thành phố Hải Phòng, sau 9 năm thực hiện Nghị quyết về “Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”, đã có 490 đơn vị kinh tế tư nhân có tổ chức đảng, gồm 343 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 99 hợp tác xã, 48 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, với tổng số hơn 7.300 đảng viên(4)...

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn tại các khu vực kinh tế trọng điểm của nước ta hiện nay, công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khối doanh nghiệp tư nhân còn tồn tại những hạn chế, yếu kém: Một là, không ít cấp ủy, chủ doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, do đó, số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân còn mỏng, vai trò, vị trí chưa đủ mạnh, hiệu quả hoạt động còn thấp. Một số nơi hoạt động mang tính hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ, đoàn thể chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đảng viên. Hai là, vẫn còn một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân, cũng như người lao động không mặn mà đối với việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng, lo ngại việc sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Ngoài ra, nhiều công nhân thường xuyên phải thay đổi công việc gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ. Nhiều người học xong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chưa kịp kết nạp đã chuyển đi nơi khác làm việc… Những khó khăn này dẫn đến số tổ chức đảng và số đảng viên/ tổng số đơn vị doanh nghiệp tư nhân và tổng số lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp, thậm chí nhiều nơi “trắng” tổ chức đảng. Như Chi bộ Công ty Cổ phần Cơ khí Nam Định được thành lập từ nhiều năm nay với 10 đảng viên; mặc dù chi bộ công ty luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, vận động kết nạp đảng viên, song 2 năm gần đây, công tác phát triển đảng viên không đạt kế hoạch đề ra. Một số công ty có gần 10 lao động tham gia sản xuất, kinh doanh được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nam Định thường xuyên vận động, tuyên truyền, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thành lập được tổ chức đảng(5). Ba là, phần lớn các đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân là lao động phổ thông, ít tham gia vào hội đồng quản trị, ban giám đốc, đội ngũ chuyên viên kỹ thuật. Do đó, đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự tiêu biểu, chưa thực sự tiên phong và khả năng thu hút những người khác trong doanh nghiệp vào Đảng chưa cao. Bốn là, mặc dù Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách rất lớn trong việc đưa các nghị quyết, chỉ thị trên vào cuộc sống. Nhiều chương trình, kế hoạch của các cấp ủy, chính quyền có chỉ tiêu về xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân nhưng còn nặng về phong trào, hình thức, thiếu thực chất và khả thi.

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”, cũng như các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thanh niên, công nhân lao động để họ nhận thấy vào Đảng là nhu cầu tự thân, phù hợp với mong muốn phát triển của mình và của chính doanh nghiệp. Các cấp ủy cần chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phối hợp với chủ doanh nghiệp có chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động ưu tú trong doanh nghiệp tư nhân bảo đảm thu nhập trong thời gian đi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; có thời gian sinh hoạt chi bộ linh hoạt không ảnh hưởng tới sản xuất...

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có liên quan tới vấn đề xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, như vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, những biến đổi của giai cấp công nhân hiện nay, quan niệm về vấn đề bóc lột và quy luật giá trị thặng dư trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,… Làm tốt công tác này sẽ giúp việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân có cơ sở và thuận lợi hơn.

Nội dung sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân cần đổi mới theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm_Ảnh: Tư liệu

Thứ ba, cần đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm. Từng bước để chủ doanh nghiệp thấy được tổ chức đảng không cản trở, mà trái lại cùng với họ thúc đẩy sản xuất, cùng hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đảng bộ khối doanh nghiệp các tỉnh, thành, cấp ủy, chính quyền địa phương cử những cán bộ có năng lực, tâm huyết, có kiến thức về kinh tế thị trường, nắm rõ mô hình, cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp hoặc công tác quản trị của doanh nghiệp xuống cơ sở hỗ trợ công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân.

Thứ tư, do vai trò quan trọng của chủ doanh nghiệp, các cấp ủy cần ưu tiên phát triển các chủ doanh nghiệp thành đảng viên, cơ cấu cấp ủy viên hoặc là người đứng đầu chi bộ, đảng bộ tại doanh nghiệp tư nhân. Thực tế chứng minh, ở những doanh nghiệp mà người đứng đầu có trách nhiệm và tâm huyết với tổ chức đảng thì ở đó, việc phát triển tổ chức đảng, phát triển đảng viên thuận lợi hơn.

Thứ năm, cần “đi trước, đón đầu” và tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường dạy nghề, các cơ sở y tế ngoài nhà nước để bổ sung cả về số lượng và chất lượng đảng viên cho các doanh nghiệp tư nhân. Đảng ủy cấp trên cơ sở, đảng bộ trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác kết nạp đảng viên. Khi ra trường và nhận công tác, lực lượng này sẽ có vai trò là các hạt nhân tích cực trong việc thúc đẩy tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân./.
------------------------------
(1) Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”
(2) Tổng cục Thống kê: Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019
(3) Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân
(4) https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/40497502-xay-dung-to-chuc-dang-trong-cac-don-vi-khu-vuc-kinh-te-ngoai-nha-nuoc-ky-1.html, ngày 11-6-2019
(5) http://baonamdinh.com.vn/channel/5098/201909/tac-pham-du-thi-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-iv-2019-phat-trien-to-chuc-dang-trong-doanh-nghiep-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-con-nhieu-kho-khan-2533276/, ngày 30-9-2019