Phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp: Thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn
TCCS - Nông thôn hiện đại dựa trên mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại với liên kết đa chủ thể (hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà nước, tổ chức xã hội). Muốn vậy, phải có những cánh đồng đủ lớn thông qua tích tụ, tập trung ruộng đất. Để làm được điều này, một trong những nút thắt cần tháo gỡ là hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường quyền sử dụng đất. Đây cũng là một nội dung quan trọng được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII: “…có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp”(1).
Để nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn (kỳ 1)
Muốn phát triển nông nghiệp tập trung, hiện đại, cần phải tạo ra quỹ đất thông qua việc tích tụ, tập trung ruộng đất. Có nhiều hình thức tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, như chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay góp vốn bằng quyền sử dụng đất… Trong đó, hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp là khá phổ biến, linh hoạt và không làm mất đi quyền sử dụng đất của người nông dân.
Đòi hỏi từ thực tiễn
Phát triển nông nghiệp và tích tụ, tập trung đất đai có mối quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau: Muốn phát triển nông nghiệp tập trung, hiện đại cần phải tạo ra quỹ đất thông qua việc tích tụ, tập trung đất đai. Mặt khác, việc tích tụ, tập trung đất đai để tạo điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp(2).
Thực trạng nông nghiệp Việt Nam hiện nay cho thấy, sản xuất nông nghiệp thuần nông, quy mô nhỏ là phổ biến. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, có 17.308 nghìn hộ nông thôn, trong đó, hộ sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 9.344 nghìn hộ (chiếm khoảng 54% số hộ nông thôn), được giao sử dụng 10.291.950ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 90,40%). Quy mô sử dụng đất nông nghiệp: bình quân hộ nông thôn là 1,580ha/hộ, bình quân hộ nông nghiệp là 2,921ha/hộ; đất sản xuất nông nghiệp: bình quân 0,6643ha/hộ nông thôn, 1,2302ha/hộ nông nghiệp; đối với đất lâm nghiệp: bình quân 0,8632ha/hộ nông thôn, 1,600ha/hộ nông nghiệp(3). Báo cáo Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 tiến hành vào thời điểm ngày 1-7-2020 cho thấy, số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hộ tăng từ 2,5 thửa năm 2016 lên 2,8 thửa năm 2020 và diện tích bình quân 1 thửa tăng từ 1.841m2 lên 2.026m2. Như vậy, mặc dù có cải thiện nhưng quy mô diện tích của hộ nông dân và quy mô của mỗi thửa ruộng của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực.
Ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún, độ cao không đồng đều, quỹ đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp; sản xuất nông nghiệp mang tính truyền thống, tự phát, tập quán sản xuất còn lạc hậu, chưa có sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ nên tình trạng được mùa rớt giá, được giá mất mùa vẫn thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, khi ruộng đất manh mún, quy mô nhỏ lẻ sẽ gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh có nhu cầu mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao nhưng không có diện tích đất đủ lớn để thực hiện. Hệ quả là hiệu quả đầu tư, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa không tương xứng với sức lao động của người nông dân bỏ ra. Trong khi nhu cầu nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống của người dân trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp là rất cần thiết.
Thực trạng này dẫn đến một mâu thuẫn ở khu vực nông thôn là nhiều nơi người nông dân bỏ ruộng để chuyển sang làm ngành, nghề khác hoặc sản xuất cầm chừng với mục đích là giữ ruộng đất; trong khi nhiều doanh nghiệp, cá nhân có năng lực về tài chính, kỹ thuật muốn có đất nông nghiệp để sản xuất lại gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Với lợi thế về quy mô, tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ làm giảm chi phí xã hội, thuận lợi hơn trong việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn (giao thông, thủy lợi…), đồng thời cũng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Đây là xu hướng tất yếu, khách quan trong phát triển nông nghiệp, tạo bước đột phá để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân; từng bước chuyển lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo quỹ đất nông nghiệp nhằm thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã được Đảng đề ra trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, đó là: Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, phải đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững... Đối với chính sách đất đai nông nghiệp, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”(4).
Từ thực tiễn phát triển, việc tích tụ, tập trung ruộng đất là xu hướng tất yếu, khách quan để tạo quỹ đất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, tạo bước đột phá để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Các hình thức tích tụ, tập trung đất đai trong nông nghiệp
Theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, muốn tích tụ, tập trung đất đai thì người sử dụng đất phải thực hiện thông qua các quyền của người sử dụng đất mà pháp luật đất đai quy định. Theo đó, các hình thức chủ yếu tích tụ, tập trung đất nông nghiệp là:
Thứ nhất, chuyển đổi (thông qua dồn đổi ruộng đất), tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Đối với chuyển đổi đất nông nghiệp, khi thực hiện chủ trương giao cho hộ gia đình quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài, để bảo đảm công bằng, ruộng đất giao cho hộ “có gần, có xa, có tốt, có xấu”, đã dẫn đến tình trạng một hộ có rất nhiều thửa ruộng nhỏ, lẻ (thống kê cho thấy, các hộ thường có tới 5 - 7 thửa, có nơi đến 10 - 12 thửa) ảnh hưởng xấu tới sản xuất. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của hợp tác xã, chính quyền thôn, xã, các hộ đã tự nguyện hoán đổi các thửa ruộng đất với nhau (có hoặc không có trả tiền chênh lệch do vị trí gần, xa, tốt, xấu) để giảm số thửa, tăng diện tích mỗi thửa của từng hộ. Còn đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất để mở rộng sản xuất, hình thức này diễn ra nhiều ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Một số hộ có năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất mua lại quyền sử dụng đất của những hộ có ít ruộng đất, làm không đủ ăn hoặc không có nhu cầu, bán đất để có vốn chuyển sang làm nghề khác. Việc mua lại quyền sử dụng đất giúp hộ mua yên tâm đầu tư phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, những hình thức này gặp phải khó khăn, vướng mắc do khó tập trung đất đai được một diện tích đủ lớn theo mong muốn, phù hợp với quy mô doanh nghiệp để thực hiện dự án nông nghiệp. Bên cạnh đó, pháp luật đất đai hiện nay quy định một số đối tượng, như: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú không cùng đơn vị hành chính cấp xã không được phép chuyển đổi đất nông nghiệp; tổ chức kinh tế, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
Ở nhiều địa phương, các hộ gia đình đã tự nguyện góp vốn vào các tập đoàn hay hợp tác xã nông nghiệp bằng quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. Tham gia tập đoàn hay hợp tác xã nông nghiệp, nhưng các hộ vẫn tự chủ canh tác trên ruộng đất của mình. Tập đoàn, hợp tác xã làm dịch vụ cho hộ thành viên các khâu làm đất, tưới tiêu nước, cấy, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch; cung cấp giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng (giảm khả năng mua phải hàng giả, kém chất lượng), với chi phí thấp (do hợp tác xã, tập đoàn mua số lượng lớn, ổn định ở các công ty cung ứng). Ngoài ra, có những trường hợp, cùng tham gia điều hành, hưởng lợi từ lợi nhuận chung. Khó khăn của hình thức này là, người nông dân không muốn góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì chỉ quen lao động, không quen với việc điều hành sản xuất, phân chia lợi nhuận; doanh nghiệp e ngại khi đã đầu tư sản xuất rồi mà người dân lại thay đổi ý định, phá hợp đồng góp vốn dẫn đến nguy cơ dự án đầu tư không thể tiếp tục thực hiện.
Thứ ba, thông qua cho thuê quyền sử dụng đất.
Cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp là một trong các hình thức phổ biến và linh hoạt nhất trong quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất, không làm thay đổi quyền sử dụng đất nên đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người cho thuê.
Nếu như các hình thức liên quan đến Nhà nước thu hồi và đền bù giá đất cho nông dân theo khung giá quy định của Nhà nước hay thực hiện dồn điền đổi thửa theo kế hoạch của chính quyền địa phương mang tính phi thị trường, thì các hình thức như góp vốn hay cho thuê quyền sử dụng đất mang tính thị trường. Điều này hoàn toàn phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Các hình thức thị trường có nhiều ưu điểm bởi dựa trên cơ sở tự nguyện và tự do thỏa thuận giữa các chủ thể kinh tế, vì vậy, mỗi chủ thể có quyền tự do quyết định dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa lợi ích của mình. Điều này bảo đảm lợi ích của các chủ thể kinh tế, đồng thời việc phân chia lợi ích giữa các chủ thể theo nguyên tắc tự do cạnh tranh, công bằng. Như vậy, nguồn lực đất đai được phân bổ một cách linh hoạt và hiệu quả, dựa trên cơ chế thị trường, được tích tụ, tập trung vào những người có khả năng khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Có nhiều ý kiến lo ngại tích tụ, tập trung ruộng đất bằng các quan hệ thị trường thì một bộ phận người nông dân không còn tư liệu sản xuất, từ đó phát sinh các vấn đề xã hội nổi lên. Song, những người nông dân cho thuê quyền sử dụng đất sẽ không mất quyền sử dụng đất của mình. Họ cho thuê theo giá thị trường và sẽ nhận được các lợi ích kinh tế của quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Chính việc tự do thỏa thuận giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Thông qua đó, thị trường tự do cạnh tranh sẽ xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất, bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên tham gia thị trường, đặc biệt đối với người nông dân - vốn hay chịu thua thiệt khi tham gia các quan hệ kinh tế.
Theo Kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 (tính đến ngày 31-12-2019), 90% diện tích đất nông nghiệp Nhà nước giao cho các đối tượng sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, nguồn cung sơ cấp hầu như không còn vai trò quyết định mà hoạt động thị trường quyền sử dụng đất phụ thuộc vào nguồn cung thứ cấp, đó là những diện tích đất nông nghiệp đã giao hoặc cho các chủ thể khác thuê. Qua đây, có thể thấy cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp là hình thức chủ yếu để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp còn sơ khai, thiếu minh bạch, chưa hấp dẫn, thậm chí có xu hướng giảm là nguyên nhân dẫn đến tích tụ ruộng đất chậm. Tỷ lệ hộ cho thuê đất nông nghiệp chỉ ở mức 10 - 15%. Cách thức cho thuê đất vẫn còn hạn chế, đối tượng cho thuê đất nông nghiệp vẫn chủ yếu là trong gia đình, họ hàng, làng xóm; cho người ở ngoài đến thuê không nhiều. Nhiều hộ gia đình vẫn chưa tin tưởng cho doanh nghiệp thuê đất./.
(còn nữa)
-------------
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 79
(2) Tích tụ là đầu tư nguồn lực nhằm tăng thêm, mở rộng diện tích đất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tối đa hóa lợi nhuận. Đây là quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mang tính chất thị trường, người chuyển nhượng (các cá nhân và hộ gia đình sản xuất nông nghiệp) mất quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong khi đó, tập trung đất cũng là quá trình mở rộng diện tích đất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhưng là sự liên kết của nhiều thửa đất nhỏ lẻ với quyền sử dụng của nhiều người. Tập trung đất nông nghiệp không làm thay đổi quyền sử dụng đất.
(3) Quyết định số 1435/QĐ-BTNMT, ngày 22-7-2021, của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, “Về phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê diện tích đất đai năm 2019”
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 153
Quảng Ninh tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm  (28/07/2022)
Đổi mới hoạt động giao đất, cho thuê đất, bảo đảm quyền của các chủ thể phù hợp với cơ chế thị trường  (29/06/2022)
Tạo đột phá thể chế về quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới ở Quảng Ninh  (27/05/2022)
Đổi mới mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị dựa trên liên kết nhiều chủ thể - một số kinh nghiệm bước đầu từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi  (22/05/2022)
Chuyển dịch đất đai: Vướng mắc và giải pháp  (12/01/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển