Du lịch tỉnh Kon Tum trong hành trình phát triển
TCCS - Nằm trong khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum là địa danh quen thuộc trong những tour du lịch Tây Nguyên bởi địa phương này còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa, ngành nghề truyền thống, các loại ẩm thực độc đáo đậm chất Tây Nguyên. Kon Tum hiện vẫn còn mang đầy đủ những vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng cao nguyên hùng vĩ và vẻ đẹp vốn có đang hiện hữu tại các buôn làng của đồng bào các dân tộc thiểu số, là điều kiện thuận lợi để du lịch Kon Tum cất cánh trong thời gian tới.
Kon Tum là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.690,50km2; có đường biên giới dài 280,7km, giáp với hai nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cam-pu-chia; toàn tỉnh có 9 huyện, 1 thành phố, có 6 huyện nghèo theo Chương trình 30a; 102 xã, phường, thị trấn (trong đó có 20 xã đặc biệt khó khăn); với 863 khu dân cư; tổng dân số khoảng 480 nghìn người, gồm 27 dân tộc anh em cùng sinh sống; dân tộc thiểu số chiếm khoảng 53%; đồng bào các tôn giáo có trên 40% dân số.
Tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế du lịch của Kon Tum
Tài nguyên du lịch Kon Tum được khai thác để tổ chức các loại hình du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng với các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, độc đáo, mang tính đặc trưng của cảnh quan, của từng tộc người, địa phương và khu vực luôn làm đắm say, mê hoặc lòng người bởi những kiến tạo của thiên nhiên hùng vĩ, với những lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa tại chỗ. Đến nay, toàn tỉnh có 23 lễ hội được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng. Sau khi phục dựng lại, các lễ hội tiêu biểu này được đồng bào các dân tộc duy trì tự tổ chức theo chu kỳ hằng năm ở các cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện, truyền giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị văn hóa cổ truyền của địa phương, là điều kiện để khai thác và phát triển du lịch cộng đồng.
Hằng năm, thường vào tháng 1 dương lịch, Kon Tum vào mùa du lịch với những tour du lịch hấp dẫn. Tour du lịch thành phố Kon Tum với Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Nhà ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ Kon Tum, Nhà rông - cầu treo Kon Klor, làng văn hóa Kon Kơ Tu... Tour du lịch về nguồn với những địa danh huyền thoại như: Đắk Tô - Tân Cảnh - Sa Thầy, đường Hồ Chí Minh... Tour du lịch sinh thái gồm: cao nguyên Kon-Plong, hồ Yaly, Đỉnh Ngọc Linh, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đắk Uy, du lịch dòng Đắk Bla, Pôkô, du xuân chốn đại ngàn thông, hồ và thác Măng Đen... Các tour tuyến du lịch của Kon Tum giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người và văn hóa Kon Tum, mở ra những tiềm năng, thế mạnh về phát triển ngành kinh tế du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Cũng từ hoạt động du lịch đã mở ra cơ hội giao thương và giới thiệu rộng rãi các sản phẩm hàng hóa từ các làng nghề truyền thống Kon Tum, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Bên cạnh các tour du lịch đang hoạt động thường xuyên, Kon Tum còn có nhiều các giá trị văn hóa truyền thống vốn có để khai thác tiềm năng du lịch. Kon Tum còn một kho tàng phong phú về chủng loại trang phục cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số có nghệ thuật tạo dáng, trang trí thể hiện sự tài hoa, óc thẩm mỹ của đồng bào, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa tộc người, tạo nên nét hấp dẫn cho điểm đến du lịch. Văn hóa ẩm thực Kon Tum với những món ăn, đồ uống nổi tiếng của đồng bào phản ánh nghệ thuật ẩm thực trong mối quan hệ ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội như cơm lam, thịt gà nướng chấm muối lá é, cà đắng, tiêu rừng; thịt heo làng nướng xiên; bò một nắng, muối kiến vàng; rượu ghè và gỏi lá Kon Tum; măng le, cà phê, rượu cần cùng những đặc sản như mật ong, hạt điều, măng khô... Nguồn ẩm thực phong phú cùng với các đặc sản vùng núi rừng, nương rẫy mang đặc trưng rất Tây Nguyên có sức hấp dẫn, cuốn hút rất lớn đối với khách du lịch. Kon Tum hiện còn lưu giữ còn có những phương tiện đi lại của con người mang tính thuần nông của nền văn minh nương rẫy, văn minh núi rừng gắn liền với sông suối, như voi lội sông, thuyền độc mộc, bè gỗ, nứa... trên các vùng núi, vùng hồ, cao nguyên cũng là những phương tiện gợi nhớ hấp dẫn sự hứng thú, nhu cầu thích thú để khám phá, trải nghiệm của du khách giúp cho hoạt động du lịch Kon Tum ngày càng thêm phong phú, sôi động và hấp dẫn. Các loại nhạc cụ độc đáo như: đàn đá, đàn Kơ ny, tù và, Đinh Tu-kủa, Klong-pút, Trưng, chiêng Klong Klai, trống Sơgơr... Nghề và sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc Kon Tum và Tây Nguyên như nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, trang trí cột, vật thờ, dệt thổ cẩm, làm đồ trang sức, đan lát (gùi, bồ)...là những giá trị tạo nên một hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, có sức hút cao. Mỗi tộc người bản địa sinh sống và tồn tại tại Kon Tum còn chứa đựng một kho tàng văn hóa phi vật thể rất đa dạng. Đó là hệ thống triết lý về vũ trụ và nhân sinh; là các lễ hội, lễ nghi thờ cúng tổ tiên; các bộ luật tục giàu giá trị lịch sử; các trò chơi dân gian, các loại hình dân ca, dân vũ; là kho tàng văn học truyền miệng (sử thi, truyền thuyết, thần thoại, ngụ ngôn...) và đặc biệt tiêu biểu là không gian văn hóa cồng chiêng...(1). Kon Tum còn rất nhiều các công trình kiến trúc bao gồm hệ thống các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng (đình, đền, chùa, nhà mồ, nhà rông, nhà dài); các công trình khảo cổ (thành quách, di chỉ...); các công trình kiến trúc dân dụng (nhà ở, nhà kho, chuồng trại...). Ở mỗi tộc người các giá trị kiến trúc đó biểu hiện rất sinh động, gắn bó mật thiết với môi trường sinh thái nhân văn, hài hòa trong nếp sống tộc người... tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Tỉnh Kon Tum xác định rõ tiềm năng, lợi thế chủ yếu để khai thác tài nguyên du lịch là phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, cảnh quan thiên nhiên rừng, du lịch văn hóa tộc người với phương thức đa dạng hóa chủ thể tham gia, góp phần tăng thu nhập và việc làm từ du lịch, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái, tránh những tác động xấu ảnh hưởng từ hoạt động khai thác và phát triển du lịch. Xây dựng và hình thành các khu du lịch, khu vui chơi giải trí không chỉ tập trung ở các khu vực thành thị, thị trấn mà ở cả các vùng nông thôn, tộc người. Đó là các điểm đến du lịch tiêu biểu như: Du lịch di sản văn hóa gồm các điểm: Nhà thờ gỗ (nhà thờ Chánh Tòa), đại chủng viện Kon Tum; ngục Kon Tum, ngục Tố Hữu, ngục Đak Lei, các địa danh Đắk Tô, Tân Cảnh, đồi Chelesi, sân bay Phượng Hoàng. Du lịch từ các buôn, làng văn hóa gồm các điểm: các buôn làng của người Bana (Kon Ktu, Rơ Hai, Kon Chri), GiaRai (Lung, Rắc), Xơ đăng (Dakripeng, Đakrijob). Du lịch từ các địa danh nổi tiếng gồm: cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum - Việt Nam) - Phu Cưa (Attapen - Lào); cột mốc quốc giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia ở ngã ba Đông Dương huyền thoại; sông Đakbla, Poko; đỉnh Ngọc Lĩnh, Ngọc Phan. Du lịch sinh thái: rừng nguyên sinh Chư Mô Ray, Đắk Uy, Sa Thầy, rừng thông Măng Đen. Đến nay, khu vực Tây Nguyên đã có 25 dự án đầu tư với số vốn 3.215 tỷ đồng trên toàn vùng. Riêng tỉnh Kon Tum đã mạnh dạn đầu tư và triển khai thực hiện Dự án khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) với vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Để du lịch Kon Tum tăng trưởng và phát triển bền vững, cùng với việc tạo dấu ấn riêng độc đáo và đặc sắc của du lịch Kon Tum, ngành du lịch đã mạnh dạn mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên hình thành các tuyến du lịch trong nước và quốc tế như: tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên; tuyến du lịch hành trình di sản Đông Dương; tuyến du lịch carnavan hành trình qua các nước Thái Lan, Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam xuyên qua các Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Trong 15 năm (2000 - 2015), tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Tây Nguyên đạt trung bình 4,9%/năm; khách du lịch nội địa đạt 13%/năm. Nhiều chính sách khai thác sản phẩm được triển khai như quy hoạch các làng văn hóa dân tộc, tổ chức các lễ hội truyền thống, nhất là Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên, khai thác các cảnh quan thiên nhiên nơi đồng bào dân tộc sinh sống. Do hạ tầng giao thông được cải thiện, tỉnh Kon Tum tiến hành hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều sự kiện, chương trình quảng bá du lịch với các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và các nước nằm trong khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây đã góp phần tích cực thúc đẩy lượng khách du lịch ngày càng tăng trưởng. Riêng tỉnh Kon Tum, lượng khách du lịch đến Kon Tum ngày một tăng cao: Năm 2015, ước đạt trên 238.150 lượt du khách đến Kon Tum, tăng 14 % so với cùng kỳ năm 2014, trong đó lượng khách quốc tế ước đạt 78,911 lượt, tăng 9,6%, tổng doanh thu ước đạt gần 129 tỷ đồng, tăng 11,6%. Trong giai đoạn 2011 - 2017, lượng khách du lịch đến Kon Tum liên tục tăng từ 11% - 13,2%, riêng năm 2017, Kon Tum đón 343.850 lượt khách, tăng 13,4% so với năm 2016 (trong đó khách quốc tế đạt 124.854 lượt), doanh thu du lịch đạt 215 tỷ đồng. Kon Tum luôn chiếm vị trí số 2 trong vùng Tây Nguyên cả về số lượng và tốc độ tăng trưởng khách quốc tế (chỉ sau Lâm Đồng). Đến nay, toàn tỉnh đã có 109 đơn vị đăng ký kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 29 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao và 62 nhà nghỉ du lịch.
Mặc dù Kon Tum có nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch, nhưng nhìn chung du lịch Kon Tum chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, lượng khách và mức tăng trưởng doanh thu từ du lịch so với các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung còn ở mức độ rất khiêm tốn, lợi thế phát triển du lịch bền vững chưa được quan tâm khai thác có hiệu quả. Các sản phẩm du lịch của Kon Tum còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa tạo sự khác biệt hấp dẫn du khách. Nguyên nhân chủ yếu là do phát triển du lịch còn có tính đơn giản, manh mún, chủ yếu chú trọng dịch vụ, thiếu kế hoạch tầm nhìn dài hạn. Hệ thống kết cấu hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư phát triển song vẫn còn bất cập chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu dịch vụ du lịch chất lượng cao của Kon Tum và cả vùng Tây Nguyên. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng tôn tạo và bảo vệ tài nguyên môi trường chưa được quan tâm thỏa đáng
Để du lịch Kon Tum cất cánh và phát triển bền vững
Muốn phát triển du lịch và duy trì tăng trưởng doanh thu từ du lịch một cách bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, du lịch Kon Tum cần thực hiện một số giải pháp thật căn cơ, thiết thực.
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển du lịch trên mọi phương diện: bảo tồn, phát triển các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng chính sách thu hút đầu tư du lịch; chính sách khôi phục, phát triển các ngành, nghề truyền thống, như dệt thổ cẩm của người Mạ, đan lát của người K’Ho, nghề gốm của người Chu Ru..., chính sách bảo tồn và phát triển đàn voi, phát triển các chương trình du lịch sinh thái gắn với bản làng dân tộc; chính sách tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa truyền thống, lễ hội của đồng bào dân tộc, nâng cao lòng tự hào của người dân Tây Nguyên. Xây dựng đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn, có tâm huyết trong sưu tầm, sáng tác, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống của Kon Tum và Tây Nguyên có nguy cơ thất truyền.
Thứ hai, tăng cường phối hợp hoạt động liên ngành nhằm khai thác hiệu quả nền văn hóa đa dạng các dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, đồng thời thỏa mãn nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa giữa du khách và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cải thiện đời sống, tạo cơ hội việc làm cho cư dân bản địa. Chú trọng khai thác các tiềm năng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng độc đáo có chất lượng cao của Kon Tum để hấp dẫn du khách trên cơ sở phát huy thế mạnh của du lịch vùng Tây Nguyên. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng phục vụ các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, liên kết với các tỉnh Tây Nguyên xây dựng các tour, tuyến du lịch văn hóa, lịch sử kết hợp với du lịch sinh thái để tạo thành những tour du lịch đặc thù, hấp dẫn của Kon Tum và cả vùng Tây Nguyên.
Thứ ba, nâng cấp kết cấu hạ tầng, phục dựng, khôi phục các lễ hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống là cần thiết để tạo thuận tiện và tăng tiện nghi đón khách, nhưng song song với đó phải giữ gìn được các di sản kiến trúc, phong cảnh thanh bình đúng nghĩa làng, thôn, buôn, bon và nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục. Có như vậy, mới bảo đảm tạo sức hấp dẫn du lịch, cuốn hút du khách và mang tính bền vững. Đồng thời, khai thác những phương tiện thô sơ như xe bò, voi, thuyền gỗ... với những nét đặc sắc của từng vùng, là phương tiện vận chuyển thường ngày của người dân, nâng cấp phù hợp với tiện ích và thẩm mỹ phục vụ du khách đến tham quan, du lịch.
Thứ tư, xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng (homestay) Kon Tum, gắn phát triển du lịch với đời sống cộng đồng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để người dân thực sự phát huy vai trò làm chủ của mình trong hoạt động du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vừa nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa vùng đất đại ngàn tới du khách trong và ngoài nước. Khuyến khích đồng bào bảo tồn các buôn, làng cổ truyền, chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống. Bảo tồn và phục dựng các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu của đồng bào và đưa vào khai thác hoạt động du lịch./.
-----------------------------------------
(1) Xem: Du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới khu vực Tây Nguyên, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới khu vực Tây Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức vào tháng 10-2017, tr. 342 - 347
Đối ngoại đảng năm 2018 đóng góp quan trọng vào kết quả nổi bật của đối ngoại nước nhà và những thành tựu chung của đất nước  (21/03/2019)
Chuyển giao công nghệ trong điều kiện hiện nay ở nước ta  (21/03/2019)
Chú trọng yếu tố vĩ mô và trọng tâm tái cơ cấu trong xây dựng Chiến lược phát triển  (21/03/2019)
Dành ưu tiên cao để vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt - Lào  (20/03/2019)
Quảng Tây coi trọng quan hệ hợp tác với các địa phương của Việt Nam  (20/03/2019)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay