Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
TCCS - Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, một trong những mục tiêu cần hướng tới là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và có giá trị gia tăng cao. Do đó, cả sản xuất và thương mại nông sản phải bắt đầu từ việc định hướng thị trường, gắn với quy hoạch vùng sản xuất và các giải pháp nhằm bảo đảm sự ổn định thị trường, đặc biệt là vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tiềm năng và yêu cầu phát triển thương hiệu nông sản
Công cuộc cải cách kinh tế và thể chế trong những năm qua giúp Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Nông nghiệp Việt Nam đã phát triển khá toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất và chất lượng. Giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt trung bình 2,66%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế về thị trường, tăng nhanh tỷ trọng của các ngành, sản phẩm có dư địa và giá trị gia tăng cao.
Sự phát triển về sản xuất, thương mại nông sản đã góp phần tích cực cho sự phát triển nông nghiệp - nông thôn Việt Nam trong thời gian qua, theo đó đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn liên tục đổi mới, phương thức sản xuất chuyển biến tích cực, cấu trúc thị trường nông sản được củng cố và từng bước hội nhập sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp được cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Một số nông sản chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, như gạo, cà-phê, hồ tiêu, các loại thủy sản...
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp. Thực tế đó cũng chỉ ra rằng, chúng ta đang phải tổ chức sản xuất, thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh theo luật chơi của quá trình hội nhập, cần sự thay đổi và thích ứng mạnh mẽ để đứng vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã chỉ rõ định hướng phát triển nông nghiệp cần tập trung xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho nông sản, nhưng phải bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn theo yêu cầu xuất khẩu, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong điều kiện đó, nông sản của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và ngay cả trên “sân nhà”. Các hàng rào kỹ thuật và biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các quy định khác về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...) sẽ trở thành rào cản đòi hỏi người dân, doanh nghiệp cần một sự chủ động và ổn định về thị trường thông qua việc phát triển sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Sự đa dạng về điều kiện sản xuất, văn hóa vùng, miền giúp Việt Nam có rất nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành các nhóm sản phẩm khác nhau gắn với từng điều kiện cụ thể như sau:
- Nhóm nông sản chủ lực quốc gia: Việt Nam đã xây dựng và hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn gắn với điều kiện của các vùng miền, vùng sản xuất chuyên canh lớn như: lúa gạo, thủy sản, trái cây, cà-phê, hồ tiêu... Từ lợi thế này, Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới về xuất khẩu nông sản, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 năm qua (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 36,51 tỷ USD. Trong cơ cấu các ngành hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, đã hình thành 10 sản phẩm xuất khẩu chính với kim ngạch trên 1 tỷ USD, điển hình như: rau quả (3,45 tỷ USD); cao-su (2,26 tỷ USD); gạo (2,66 tỷ USD); hạt điều (3,52 tỷ USD); tôm (3,9 tỷ USD); gỗ và các sản phẩm gỗ (7,6 tỷ USD)... Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, khẳng định được vị trí, vai trò và giá trị trên thị trường quốc tế.
- Nhóm sản phẩm đặc sản gắn với lợi thế vùng/miền, địa phương: sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và dân tộc đã tạo cho Việt Nam rất nhiều sản phẩm đặc sản, mang đậm nét văn hóa của các dân tộc, địa phương, làm nên nét riêng biệt và độc đáo. Việt Nam hiện có gần 1.000 sản phẩm đặc sản (Theo nghiên cứu của Cục Sở hữu trí tuệ), bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp của các địa phương, nhiều sản phẩm có phạm vi nhỏ trong khu vực một huyện, xã, thôn. Cùng với đó, khu vực nông thôn đang có hơn 5.397 làng nghề và làng có nghề sản xuất ra các loại sản phẩm khác nhau, hầu hết làng nghề có quy mô nhỏ và vừa. Trong đó, số làng nghề truyền thống chiếm khoảng 15% tổng số làng nghề của cả nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2015). Với tiềm năng đó, việc phát triển bền vững các sản phẩm đặc sản, làng nghề có lợi thế không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế (nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân...) mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc trên quan điểm ổn định xã hội nông thôn, xóa đói, giảm nghèo và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Sự phát triển của thị trường nông sản Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã cho thấy vị trí, vai trò và tiềm năng của chúng ta trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn lực và điều kiện cho phép Việt Nam khẳng định và từng bước nâng cao vị thế trên thị trường nông sản thế giới. Tuy vậy, nông sản Việt Nam vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể là:
- Mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế: cho đến nay, gần 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước nhưng hơn 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đa phần các sản phẩm này được bán ra thị trường thế giới dưới dạng nguyên liệu hoặc sử dụng thương hiệu nước ngoài của các nhà nhập khẩu. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt Nam trên thị trường còn yếu, chưa phát huy được hết giá trị và dư địa của sản phẩm.
- Chiến lược tiếp cận thị trường gắn với thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức. Trong giai đoạn vừa qua, sự phát triển thương mại sản phẩm nông sản của Việt Nam phát triển dựa trên định hướng phát triển về số lượng, dựa trên nhu cầu và khả năng về thị trường của các doanh nghiệp. Thương mại nông sản chưa được xác định một cách rõ ràng về cách thức tiếp cận thị trường theo hướng định vị về chất lượng, thương hiệu, gắn với quy hoạch vùng sản xuất và các chính sách, giải pháp để tiếp cận, mở rộng và giữ vững thị phần, nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
- Hệ thống thông tin và kết nối thị trường còn hạn chế: Năng lực phân tích, dự báo, nắm bắt xu hướng thị trường nông sản còn hạn chế, kênh chia sẻ thông tin thị trường đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn yếu và thiếu. Công tác nghiên cứu thị trường chủ yếu mang tính đột xuất, thời điểm, thời vụ khi có yêu cầu, phần lớn tập trung vào thu thập thông tin giá cả hơn là các thông tin phục vụ phân tích, dự báo, chưa có phương án thực hiện lâu dài, có trọng tâm cho các nông sản, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Những hạn chế đó sẽ gây khó khăn cho định hướng phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là định hướng về thị trường và xây dựng thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng một cách chủ động và bền vững.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã chỉ rõ vai trò và giá trị của thương hiệu trong phát triển thị trường nông sản, định hướng phát triển thương hiệu nông sản có thể tập trung vào ba hướng tiếp cận chính:
Xây dựng thương hiệu quốc gia
Trên thế giới, nhiều quốc gia lựa chọn việc xây dựng thương hiệu quốc gia là chương trình hạt nhân, tiên phong trong chiến lược dài hạn nhằm xây dựng và định hướng bản sắc quốc gia trong nhận thức của cộng đồng toàn cầu theo hướng tích cực và có lợi. Tùy theo điều kiện đặc thù, mỗi quốc gia đều ý thức định vị thương hiệu quốc gia từ chính bản sắc, lợi thế của sản phẩm.
Thái Lan đã thành công trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng của họ. Thương hiệu THAI’S RICE là thương hiệu quốc gia của Thái Lan được dùng cho nhiều sản phẩm như: Thai Hom Mali, Thai Pathumthani (là 2 loại sản phẩm trong thương hiệu quốc gia về gạo). Thương hiệu quốc gia “Thai’s rice” là sự bảo đảm của Chính phủ Thái Lan về các đặc tính của sản phẩm, bao gồm về chất lượng, nguồn gốc, truyền thống... đối với người tiêu dùng trên thế giới, thương hiệu này do Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại quản lý. Thái Lan xây dựng nhận biết thương hiệu dựa trên uy tín về chất lượng, hương vị gạo Thái Lan trên thị trường và hình ảnh nhận diện chung gạo Thái Lan, nâng cao chất lượng và giống gạo để tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Quan trọng hơn cả, Chính phủ và khu vực tư nhân có sự hợp tác để quảng bá chất lượng và hương vị gạo Thái trên thị trường thế giới.
Cà-phê Cô-lôm-bi-a là một thương hiệu quốc gia của Cô-lôm-bi-a cho sản phẩm cà-phê. Thương hiệu này thể hiện những giá trị của sản phẩm về nguồn gốc, chất lượng và quy trình mang tính truyền thống được chứa đựng trong sản phẩm. Thương hiệu cà-phê Cô-lôm-bi-a là giá trị về uy tín, sự bảo đảm của nhà nước Cô-lôm-bi-a đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới về các đặc tính của cà-phê.
Thương hiệu quốc gia được các nước sử dụng là một công cụ để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường sản phẩm thông qua các chương trình quảng bá, giới thiệu quy mô, có tầm ảnh hưởng lớn. Đồng thời, kèm theo đó là các chính sách và giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát và duy trì sự ổn định, uy tín của thương hiệu. Nó mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng, không bị bó hẹp bởi các đặc điểm về đối tượng, hình thức sở hữu hay yếu tố về văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội.
Thương hiệu vùng miền, địa phương
Thương hiệu vùng, địa phương thường gắn liền với các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý như tên địa danh, thường được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới các hình thức như: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận. Khai thác và phát huy lợi thế của các sản phẩm đặc thù, gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất (tự nhiên, con người) để xây dựng thương hiệu trở thành hướng tiếp cận được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, đặc biệt là châu Âu, châu Mỹ và các quốc gia châu Á khác, như Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc... Hình thức đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ được sử dụng chủ yếu là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu tập thể... Trên thế giới, có khoảng hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, với giá trị thương mại ước tính hơn 50 tỷ USD; khoảng 90% các chỉ dẫn địa lý đến từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong khi đó, hơn 160 quốc gia còn lại, phần lớn là các nước chưa hoặc đang phát triển cũng có chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn ở các vùng có hoàn cảnh khó khăn, cho phép bảo vệ truyền thống và văn hóa, nông dân tăng thu nhập, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp, từ đó hạn chế việc di dân khỏi khu vực nông thôn, góp phần giữ gìn truyền thống của ngành sản xuất sản phẩm bằng cách duy trì chất lượng, uy tín, danh tiếng của sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp
Thương hiệu của doanh nghiệp là thương hiệu dùng chung cho tất cả các hàng hóa dịch vụ của một doanh nghiệp. Mọi hàng hóa thuộc các chủng loại khác nhau của doanh nghiệp đều mang thương hiệu như nhau. Tuy nhiên, thương hiệu doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp, do doanh nghiệp xây dựng và phát triển, có thể dựa trên nền tảng của thương hiệu quốc gia hoặc thương hiệu vùng, địa phương.
Xét về lợi ích, thương hiệu quốc gia, vùng/địa phương là tài sản mang ý nghĩa của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong khu vực địa lý. Thương hiệu quốc gia, vùng/địa phương giúp nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường thế giới, ở các khía cạnh chính đó là: 1) các chuẩn mực về chất lượng truyền thống được xây dựng trên các lợi thế về điều kiện sản xuất; 2) danh tiếng cho sản phẩm của doanh nghiệp được mang lại từ lịch sử hình thành của sản phẩm. Nguồn gốc địa lý của sản phẩm trở thành vấn đề cốt lõi để đánh giá chất lượng sản phẩm, bên cạnh giá cả, bao bì, thương hiệu của doanh nghiệp và nhà phân phối. Thương hiệu quốc gia, vùng/địa phương và thương hiệu doanh nghiệp là các dòng giá trị luân chuyển song hành, một mặt, thương hiệu quốc gia, vùng/địa phương tốt sẽ mang đến uy tín cho sản phẩm của doanh nghiệp, mặt khác, sự phong phú, đa dạng của thương hiệu doanh nghiệp với sản phẩm địa phương nổi bật sẽ góp phần duy trì và mở rộng uy tín của thương hiệu quốc gia, vùng/địa phương.
Như vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu là hướng đi phù hợp với tiềm năng về sản phẩm, kinh nghiệm và thực tiễn của các nước để nông sản của Việt Nam nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và vị trí trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thực trạng phát triển thương hiệu nông sản của Việt Nam
Thời gian qua, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu hàng nông, lâm, thủy sản đã được các cơ quan trung ương, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm, tiếp cận và triển khai. Nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu đã được thực hiện từ trung ương đến địa phương. Quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của Việt Nam cũng được tiếp cận theo xu hướng chung của các nước trên thế giới đó là xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu vùng, miền, địa phương.
- Về xây dựng thương hiệu quốc gia: nhiều chương trình đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai, điển hình như Chương trình thương hiệu quốc gia, Đề án xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam... Hai tiếp cận chính trong xây dựng thương hiệu quốc gia đó là: 1- Tiếp cận dưới góc độ thương mại, hình thành chiến lược xúc tiến thương mại quốc gia nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Điển hình là Chương trình thương hiệu quốc gia (Viet Nam Value), hay Chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì; 2- Xây dựng thương hiệu ngành hàng, tập trung vào xây dựng thương hiệu Việt Nam cho các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, cụ thể như: thương hiệu gạo Việt Nam đang được xây dựng, thương hiệu tôm Việt Nam, cà-phê Việt Nam chất lượng cao đã và đang được triển khai trong thời gian tới...
- Xây dựng thương hiệu vùng, miền và địa phương: xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản, gắn với nguồn gốc địa lý đã trở thành một chiến lược nhằm phát huy lợi thế đa dạng về điều kiện tự nhiên, dân tộc và văn hóa của Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã được triển khai. Tính đến ngày 31-7-2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 62 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Đến nay, 39 tỉnh/thành phố có chỉ dẫn địa lý; 15 tỉnh/thành phố có nhiều hơn 2 chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, đến tháng 6-2016, đã có 609 nhãn hiệu tập thể và 113 nhãn hiệu chứng nhận được Nhà nước bảo hộ. Rất nhiều loại sản phẩm đã được bảo hộ, từ các sản phẩm tươi sống như: trái cây, thủy sản, gạo..., sản phẩm chế biến như nước mắm, mắm tôm, đến các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như nón lá Huế, cói Nga Sơn, trúc sào Cao Bằng... Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu tập thể đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Tuy vậy, trên thực tế quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể là:
- Thiếu một chiến lược hoặc chương trình tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản làm cơ sở để xác định rõ định hướng cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Cụ thể là, cần làm rõ định hướng trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm chủ lực hay thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương. Chiến lược phát triển thương hiệu không chỉ là định hướng về chính sách mà còn là sự phân công trách nhiệm giữa các ngành, địa phương trong xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.
- Khó khăn về thể chế, chính sách trong quản lý và phát triển thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu quốc gia, thương hiệu mang tính cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận). Vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức tập thể chưa rõ ràng, vì thế việc xác định ai là chủ thể trong quản lý và thúc đẩy thương hiệu nông sản rất khó khăn, dẫn đến các mô hình quản lý chưa được định hình phù hợp và hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
- Sự phát triển thương hiệu luôn phải gắn liền với năng lực của hệ thống thương mại, sản phẩm phải có bao bì, nhãn mác, có kênh phân phối đủ mạnh. Tuy nhiên, do đặc trưng về sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là quy mô nhỏ, tổ chức chuỗi giá trị còn hạn chế, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu còn nhiều khó khăn dẫn đến việc phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối còn gặp nhiều trở ngại, chưa thúc đẩy được sự phát triển của các thương hiệu nông sản.
- Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu còn thiếu tập trung, thiếu tính bài bản, chưa có sự tham gia chủ động của hệ thống doanh nghiệp dẫn đến hiệu quả của các hoạt động này chưa có sức lan tỏa và bền vững.
Định hướng giải pháp xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Trong bối cảnh yêu cầu đổi mới của ngành nông nghiệp, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu nông sản đã và sẽ đóng vai trò quan trọng để xác định các định hướng đổi mới, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, thương mại nông sản. Trong thời gian tới, định hướng và giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản cần tập trung vào các nội dung sau:
- Cần xác định, thương hiệu nông sản là cơ sở để định hướng, cấu trúc lại sản xuất, chế biến và thương mại nông sản trên cơ sở hình thành tiêu chuẩn sản phẩm, định vị thị trường và kênh phân phối. Xây dựng thương hiệu nông sản là xây dựng “sản phẩm của Việt Nam” (Product of Vietnam), là nền tảng để phát triển thương mại và mở rộng thị trường quốc tế.
- Xây dựng định hướng, chủ trương và chiến lược chung quốc gia trong xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trên nền tảng lợi thế, tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam, thương hiệu nông sản cần thúc đẩy theo định hướng: 1- ngoài định hướng thúc đẩy thương hiệu quốc gia chung như thương hiệu thực phẩm Việt Nam thì cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành hàng chủ lực. Các ngành hàng chủ lực (hạt điều, chè, thủy sản, cà-phê...) là những sản phẩm gắn với lợi thế, mang những nét đặc trưng riêng của từng ngành, đồng thời đã bước đầu hình thành được những lợi thế, vị trí trên thị trường thì cần phải xây dựng thương hiệu riêng để thúc đẩy vai trò, vị trí và năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; 2- thúc đẩy lợi thế của các sản phẩm vùng miền trên cơ sở xây dựng chỉ dẫn địa lý trở thành công cụ cạnh tranh trên thị trường nông sản trong và ngoài nước.
- Xây dựng thương hiệu nông sản phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển thị trường của sản phẩm. Phù hợp với nhu cầu/mong muốn thực tiễn về xây dựng, phát triển thương hiệu của các địa phương, hiệp hội/ngành hàng, các doanh nghiệp và tổ chức hợp tác xã. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đóng vai trò chủ động trong định hướng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, đặc biệt là thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng, địa phương. Từng bước nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng, sử dụng và phát triển thương hiệu nông sản, hỗ trợ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm để tổ chức, quản trị sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp sử dụng và khai thác hiệu quả thương hiệu của Việt Nam.
- Đối với các thương hiệu gắn với nguồn gốc địa lý, cần tập trung các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể; xây dựng các mô hình quản lý và khai thác phù hợp với điều kiện sản xuất, thương mại nông sản của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thúc đẩy nhu cầu sử dụng, khai thác các dấu hiệu nhận diện thương hiệu nông sản đã được bảo hộ gắn với nhu cầu thị trường.
Cuối cùng, việc phát triển thương hiệu nông sản cần gắn với việc thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030; Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 01 đến 07-10-2018)  (08/10/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 24 đến ngày 30-9-2018)  (08/10/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Tokyo dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản  (07/10/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu lần thứ 3 và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ  (07/10/2018)
Lời cảm ơn của Ban Lễ tang và gia đình nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười  (07/10/2018)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên