Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 01 đến 07-10-2018)
TCCSĐT - Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 diễn ra từ ngày 25-9 đến 01-10-2018 đã kết thúc trong bầu không khí lạc quan, tạo tiền đề thuận lợi để Đại hội đồng khóa 73 thực thi chương trình nghị sự trong năm tới.
Liên hợp quốc tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: news.un.org
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) lần này, các nhà lãnh đạo, các quan chức cấp cao của 193 quốc gia thành viên đã tham gia thảo luận về 7 chủ đề liên quan tới vấn đề bảo vệ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh, giải quyết xung đột, quyền con người, những quan ngại về sức khỏe cộng đồng và bình đẳng giới.
Những kết quả nổi bật đạt được, đó là: Phiên họp đã phản ánh sự thừa nhận của toàn thế giới đối với vai trò của LHQ và tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương như là giải pháp khả thi duy nhất cho những thách thức mà nhân loại đang phải đối diện. Thứ hai, LHQ là ngôi nhà mà tại đó, tất cả các quốc gia đều có thể tạo ra không gian cho riêng mình để “làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và củng cố các tổ chức chính trị và khu vực”. Thứ ba là đại diện các nước thành viên đã thể hiện tinh thần đoàn kết khi chia sẻ tầm nhìn và kinh nghiệm về những vấn đề quan tâm chung, với hơn 400 sự kiện diễn ra bên lề phiên họp.
Bên cạnh đó là các kết quả có ý nghĩa chiến lược, như: Các quốc gia thành viên LHQ thông qua 2 tuyên bố chính trị cam kết chấm dứt bệnh lao và bệnh không truyền nhiễm vào năm 2030, tiến triển trong việc ký kết và phê chuẩn Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân; giữa các quốc gia có sự chia sẻ về những thành công và thách thức của quốc gia hoặc khu vực, và sự tham gia của hàng trăm nhà hoạt động xã hội.
Trước toàn thể ĐHĐ, 196 đại biểu từ 193 quốc gia thành viên và 3 quan sát viên thường trực đã có bài phát biểu. Mặc dù trên bục diễn thuyết, các diễn giả phát đi nhiều thông điệp khác nhau, song có nhiều điểm tương đồng cũng như những mối quan ngại chung và hầu hết đều có chung nhận định rằng, tương lai của thế giới nằm ở sự đoàn kết giữa các quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp với những xu hướng mới đan xen cả thuận lợi lẫn thách thức khó lường, phức tạp, cùng những mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng cực đoan, ly khai, dân túy hay tác động của những hành động đơn phương, của sự mâu thuẫn và chia rẽ, thông điệp tại kỳ họp này trở nên đặc biệt có ý nghĩa.
Tại phiên thảo luận chung cấp cao Tổng thống Pháp E. Macron cho rằng, “chỉ có chung tay, chúng ta mới có thể bảo đảm chủ quyền và bình đẳng cho những người dân mà chúng ta đại diện. Đó là lý do vì sao chúng ta phải cùng hành động giải quyết các thách thức về khí hậu, dân số và kỹ thuật số. Không nước nào có thể đơn độc giải quyết chúng”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh T. May, khẳng định chăm lo cho công dân của nước mình không thể đồng nghĩa với việc từ bỏ hợp tác toàn cầu và những giá trị, quy định và lý tưởng làm nên điều này. Cùng chung nhận định với nhà lãnh đạo Anh, Thủ tướng Hà Lan M. Rutter nhấn mạnh không hề có sự xung đột giữa chủ nghĩa đa phương và lợi ích quốc gia, đồng thời ông bày tỏ sự tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương mang tính xây dựng.
Có thể khẳng định, sự đoàn kết, chung tay góp sức là điểm sáng nổi bật và là kết quả quan trọng nhất của kỳ họp ĐHĐ lần này. Bên cạnh đó, vai trò của LHQ như một cơ chế đa phương quốc tế quan trọng và hiệu quả một lần nữa được khẳng định.
Tôn vinh những chủ nhân của các giải Nobel 2018
Bác sĩ Denis Mukwege (người Congo) và cô Nadia Murad (người Yazidi) đoạt giải Nobel Hòa bình 2018. Ảnh: TTXVN
Chiều 01-10 (theo giờ Việt Nam), Giải Nobel Y học 2018 tôn vinh hai nhà khoa học người Mỹ James P Allison và nhà khoa học Nhật Bản Tasuku Honjo với những đột phá trong điều trị ung thư. Hai nhà khoa học này được vinh danh vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng việc ức chế miễn dịch âm tính, một cách tiếp cận mang tính cách mạng trong chữa trị bệnh ung thư. Ủy ban Nobel cho biết, trong lúc ung thư đang cướp đi hàng triệu mạng sống mỗi năm và là một trong những thách thức sức khỏe nghiêm trọng nhất của nhân loại, công trình của hai nhà khoa học tìm ra cách để kích thích hệ thống miễn dịch để chống lại và tự đào thải tế bào ung thư, và mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh này.
Chiều 02-10 (theo giờ Việt Nam), Giải Nobel Vật lý 2018 tôn vinh ba nhà khoa học Arthur Ashkin (Mỹ) và Gerard Mourou (Pháp) và Donna Strickland (Canada). với những đột phá trong ngành vật lý laser. Phát minh này đã cách mạng hóa ngành vật lý laser, giúp giới nghiên cứu khám phá các đồ vật cực nhỏ và quá trình diễn ra siêu nhanh. Những thiết bị siêu chính xác này giúp mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học.
Chiều 03-10 (giờ Việt Nam), Giải Nobel Hóa học 2018 vinh danh những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực enzyme và kháng thể cho ba nhà khoa học gồm Frances H. Arnold (người Mỹ), George P. Smith (người Mỹ) và ngài Gregory P. Winter (người Anh) nhờ những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực enzyme và kháng thể, đóng góp cho sự phát triển của ngành hóa chất và dược phẩm. Giải Nobel Hóa học 2018 đã được truyền cảm hứng từ sức mạnh của sự tiến hóa và việc cùng sử dụng quy tắc “lựa chọn và biến đổi gien” để phát triển các protein nhằm giải quyết các vấn đề hóa học của nhân loại. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá các công trình trên đã đề cao sức mạnh của sự tiến hóa, thể hiện thông qua tính đa dạng của sự sống. Các nghiên cứu kiểm soát sự tiến hóa và ứng dụng nhằm đem lại lợi ích tối đa cho con người.
Chiều 05-10 (theo giờ Việt Nam), Giải Nobel Hòa bình 2018 tôn vinh nỗ lực chống bạo lực tình dục trong chiến tranh của bác sĩ Denis Mukwege (người Congo) và cô Nadia Murad (người Yazidi), người phụ nữ từng bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc, vì những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn lạm dụng bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang. Trong tuyên bố chính thức, Ủy ban Nobel Na Uy cho rằng, hai nhân vật nhận giải Nobel Hòa bình 2018 đã có những đóng góp trọng yếu giúp nâng cao nhận thức toàn cầu và chống lại các tội ác chiến tranh. Bác sĩ người Congo Denis Mukwege và cô Nadia Murad, hai chủ nhân của giải Nobel 2018, bằng những cách riêng của mình, đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh, tạo tiền đề để tìm kiếm và xét xử thích đáng những kẻ gây ra tội ác này.
Chủ nhân của các giải Nobel trong năm nay sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt. Lễ trao các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Kinh tế sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12 tới tại Stockholm.
Cuộc chiến pháp lý Mỹ - Iran
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Ảnh: AFP
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) - Tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc - có trụ sở tại La Hay (Hà Lan), vừa ra phán quyết yêu cầu Mỹ bảo đảm các biện pháp trừng phạt đối với Iran không gây ảnh hưởng đến hàng hóa phục vụ đời sống của con người hoặc an toàn hàng không dân dụng. Diễn biến này đã khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang.
Trong phán quyết sơ bộ ngày 03-10, ICJ cho rằng Washington cần dỡ mọi lệnh cấm được đưa ra sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đối với việc xuất khẩu thuốc men, thiết bị y tế, thực phẩm, hàng hóa nông nghiệp và thiết bị, phụ tùng cần thiết nhằm bảo đảm an toàn hàng không. Theo ICJ, các lệnh trừng phạt nhằm vào hàng hóa phục vụ nhu cầu con người “có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên lãnh thổ Iran”, trong khi các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế nhập khẩu phụ tùng, thiết bị máy bay cũng có thể “gây ảnh hưởng đến an toàn hàng không dân dụng ở Iran và tính mạng của hành khách”.
Trong phản ứng ngay sau đó, Iran đã hoan nghênh phán quyết của ICJ. Trong thông báo được hãng thông tấn Tasnim và truyền thông Iran trích dẫn, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định: “Phán quyết của ICJ một lần nữa chứng tỏ nước Cộng hòa Hồi giáo là đúng đắn và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm chống lại người dân đất nước chúng tôi là bất hợp pháp và tàn nhẫn”. Trong khi đó, Mỹ đã chỉ trích phán quyết của ICJ yêu cầu Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran là “không xứng đáng” và cho rằng tòa án ICJ “không có thẩm quyền tài phán”.
Các nhà phân tích cho rằng, với phán quyết trên của ICJ, Iran đã giành chiến thắng đầu tiên trong cuộc chiến pháp lý được dự báo sẽ kéo dài dai dẳng giữa Tehran và Washington. Việc ICJ ra phán quyết có lợi cho Iran trong cuộc chiến pháp lý với Mỹ đã góp thêm cho Tehran một tiếng nói quan trọng từ cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là sự hợp tác giữa Iran với Liên minh châu Âu (EU) trong việc đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ vốn đang tác động đến nền kinh tế của cả nước Cộng hòa Hồi giáo lẫn các nước EU.
Tuy nhiên, phán quyết của ICJ mới chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Hơn nữa, dù quyết định của ICJ mang tính ràng buộc và các bên không có quyền kháng án, song ICJ lại không có thẩm quyền để thi hành, do đó, không có gì bảo đảm các phán quyết này được tuân thủ. Trong bối cảnh đợt trừng phạt thứ hai của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và giao dịch ngân hàng của Iran sẽ có hiệu lực vào ngày 05-11 tới, những phản ứng cứng rắn từ phía Mỹ cũng báo hiệu rằng, Washington không từ bỏ chính sách hiện nay với Iran, điều có thể khiến hai nước tiếp tục chìm sâu hơn vào vòng xoáy căng thẳng với những hệ lụy khó lường.
Iraq khai thông thế bế tắc chính trị
Tân Tổng thống Iraq Barham Salih. Ảnh: dnaindia.com
Chính phủ Iraq vừa bầu ra Tổng thống mới là chính trị gia người Kurd Barham Salih. Ngay sau đó, tân Tổng thống B. Salih đã bổ nhiệm ông Adel Abdul Mahdi vào chức vụ Thủ tướng. Việc Iraq kiện toàn được bộ máy lãnh đạo được cho là sẽ hạn chế đáng kể tình trạng bất ổn tại nước này trong nhiều tháng qua.
Sau khi Iraq tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội ngày 12-5-2018, tình hình chính trị ở nước này đã chìm trong bế tắc bởi những tranh cãi liên tiếp về gian lận trong bầu cử và kiểm phiếu, khiến cho nước này không thể thành lập được chính phủ liên minh mới. Không những vậy, chính quyền Iraq còn phải đối mặt với làn sóng biểu tình lớn của người dân bắt đầu từ tỉnh Basra và sau đó lan sang các tỉnh và thành phố khác ở miền Nam Iraq với cáo buộc chính quyền đã không giải quyết được vấn nạn tham nhũng, dịch vụ công yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp cao, giá hàng hóa đắt đỏ…
Với việc hoàn tất việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo tối cao, Iraq đã bước đầu khai thông thế bế tắc chính trị trong suốt 4 tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 5-2018. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, con đường phía trước đối với chính quyền mới ở Iraq sẽ là rất nhiều khó khăn và thách thức.
Thực tế, đất nước này mới chỉ vừa thoát ra khỏi cuộc chiến kéo dài đến 3 năm nhằm tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) (từ hồi tháng 12-2017). Và 9 tháng qua là quãng thời gian “quá ngắn” để chính phủ Iraq giải quyết các vấn đề của đất nước. Hiện IS vẫn còn khả năng hồi sinh và là thách thức an ninh đối với chính quyền Iraq khi chúng đang len lỏi trở lại một số nơi ở miền Trung Iraq, gây ra những vụ tấn công quy mô nhỏ chủ yếu ở những vùng xa xôi vốn bị chính phủ xao lãng. Ngoài ra, tái thiết đất nước cũng là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền mới ở Iraq. Iraq đang lâm vào bối cảnh khó khăn về tài chính do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm, trong khi phải gánh chịu nhiều chi phí cho các cuộc giao tranh, xung đột triền miên những năm qua. Do ngân sách hạn hẹp, chính quyền Iraq đã không thể thực hiện đầy đủ các kế hoạch phát triển cả ở cấp quốc gia lẫn địa phương và hiện đang khó khăn trong việc cung cấp những dịch vụ công cộng cơ bản, trong đó có điện và nước sạch cho người dân.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hiện các nguồn thu của chính phủ Iraq chủ yếu dựa vào dầu mỏ. Theo số liệu thống kê chính thức, dầu mỏ chiếm tới 89% nguồn thu ngân sách và 99% kim ngạch xuất khẩu của Iraq. Các mỏ dầu mang lại nguồn thu lớn cho nước này lại tập trung chủ yếu ở miền Nam. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình ở các tỉnh miền Nam Iraq trong những tháng qua đã khiến cho hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iraq bị đình trệ.
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của Iraq gồm có Ủy ban Đầu tư Quốc gia Iraq, Quỹ tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng do các hoạt động khủng bố và Cơ quan Quản lý Khủng hoảng Quốc gia thuộc Chính phủ Iraq, vẫn đang trong quá trình đánh giá mức tổng kinh phí dự tính cho tiến trình tái thiết đất nước. Tuy nhiên, với các điều kiện kinh tế ngày càng sa sút tại Iraq hiện nay thì Iraq khó có thể bảo đảm được khoản kinh phí khổng lồ này. Do đó, việc tính toán các giải pháp nhằm tái thiết nền kinh tế cũng như hệ thống hạ tầng của Iraq sau cuộc chiến kéo dài 3 năm chống IS được xem là một bài toán khó đối với không chỉ nhà nước Iraq mà còn với các nhà đầu tư quốc tế.
Tương lai còn để ngỏ
Ảnh minh họa. Ảnh: globalriskinsights.com
Đa số cử tri Macedonia đã ủng hộ việc đổi tên nước trong cuộc trưng cầu ý dân tại nước này. Nhưng việc số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt tới 50% đã khiến cuộc trưng cầu này thiếu tính pháp lý. Và tên gọi “Macedonia”, yếu tố gây cản trở tiến trình đàm phán gia nhập EU và NATO của Macedonia tiếp tục bị để ngỏ.
Vào năm 1991, tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia nổ ra khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập LHQ với tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (FYROM). Tuy nhiên, Hy Lạp - nước thành viên của EU và NATO - đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia xuất phát từ tranh cãi liên quan đến tên gọi của nước này. Nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài 27 năm qua giữa Hy Lạp và Macedonia liên quan đến tên gọi “Macedonia”, hồi tháng 5-2018, Hy Lạp và Macedonia đã tiến hành cuộc đối thoại, với kết quả là hai bên nhất trí đổi tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Mặc dù vậy, thỏa thuận này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả Macedonia và Hy Lạp do bên nào cũng đều cho rằng thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức đối với phía bên kia. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra ở cả Hy Lạp và Macedonia.
Ngày 17-6, Hy Lạp và Macedonia đã ký thỏa thuận lịch sử Prespes giữa hai nước về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia trước sự chứng kiến của thủ tướng hai nước và một số quan chức LHQ, EU. Theo thỏa thuận trên, Macedonia lâu nay được chính thức biết đến với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, đồng thời Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và NATO. Quốc hội Macedonia sau đó cũng đã thông qua thỏa thuận lịch sử này và nhất trí tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 30-9 về nỗ lực gia nhập NATO và EU cũng như thỏa thuận đổi tên nước đã nhất trí với Hy Lạp.
Theo Ủy ban Bầu cử Nhà nước Macedonia, với 93% số phiếu được kiểm, rạng sáng 01-10-2018 (theo giờ Việt Nam) đã có 91,3% số người tham gia đã ủng hộ việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, trong khi đó chỉ có 5,7% số phiếu phản đối. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu lại rất thấp, chỉ ở mức 36%, thấp hơn ngưỡng 50% tối thiểu để kết quả cuộc trưng cầu ý dân này có hiệu lực hợp pháp.
Với thực tế này, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev và các đối tác thuộc nhóm sắc tộc thiểu số người Albani trong liên minh của ông cần ít nhất 12 nghị sĩ thuộc phe đối lập ủng hộ kế hoạch đổi tên nước này. Thủ tướng Z. Zaev đã tuyên bố chính phủ của ông sẽ tìm cách thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để thông qua kết quả cuộc trưng cầu ý dân và hối thúc các nghị sĩ ủng hộ. Ông Z. Zaev cũng đe dọa sẽ kêu gọi bầu cử sớm nếu Quốc hội không ủng hộ đề xuất này. Ông nói rõ “cuộc bỏ phiếu của các nghị sỹ ở Quốc hội phải là một cuộc bỏ phiếu vì trách nhiệm thúc đẩy tiến trình hướng tới NATO và EU”.
Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg đã bày tỏ sự ủng hộ đối việc Macedonia đổi tên nước, coi đây là cơ hội lịch sử để chấm dứt hàng thập niên tranh chấp với nước láng giềng. Ông kêu gọi lãnh đạo chính trị và các chính đảng tại Macedonia cần can dự tích cực và có trách nhiệm để nắm bắt cơ hội lịch sử này, khẳng định cánh cửa của NATO luôn để ngỏ. Trong khi đó, EU cũng hối thúc tất cả các bên tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân của Macedonia, và thúc đẩy nó với trách nhiệm cao nhất cũng như đoàn kết giữa các chính đảng vì lợi ích của đất nước.
Mỹ cũng đã hoan nghênh kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Macedonia về việc đổi tên quốc gia này, đánh dấu một bước tiến gần hơn với phương Tây về mặt kinh tế và quân sự. Bộ Ngoại giao Hy Lạp cũng đã ra thông báo khẳng định, Athens “vẫn duy trì cam kết với hiệp định Prespes” đã chính thức được ký kết giữa Macedonia và Hy Lạp hồi tháng 6 vừa qua về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 24 đến ngày 30-9-2018)  (08/10/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Tokyo dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản  (07/10/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu lần thứ 3 và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ  (07/10/2018)
Lời cảm ơn của Ban Lễ tang và gia đình nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười  (07/10/2018)
Lãnh đạo các nước, các đảng, các tổ chức quốc tế gửi thư, điện chia buồn tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến đồng chí Đỗ Mười  (07/10/2018)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018  (07/10/2018)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên