Quy định về quản lý nợ, cho vay lại vốn ODA và phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế
Quản lý nợ của chính quyền địa phương
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương.
Nghị định quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh được phép vay để bù đắp bội chi ngân sách cấp tỉnh và vay để trả nợ gốc các khoản vay của chính quyền địa phương.
Việc vay của chính quyền địa phương cấp tỉnh phải bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các nguyên tắc sau:
1- Kế hoạch vay 5 năm, chương trình quản lý nợ 3 năm và kế hoạch vay hằng năm tối đa trong phạm vi trần do cấp có thẩm quyền thông báo (nếu có) và trong hạn mức dư nợ vay theo quy định tại khoản 6 Điều 7 của Luật Ngân sách nhà nước và Điều 4 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21-12-2016 và các Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với một số địa phương theo quy định tại Điều 74 Luật Ngân sách nhà nước;
2- Thực hiện vay hằng năm tối đa trong phạm vi tổng mức vay đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng địa phương;
3- Vay bù đắp bội chi của ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
4- Các khoản vay chỉ thực hiện và hạch toán bằng Đồng Việt Nam, trừ các khoản vay lại từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi ngoài nước của Chính phủ;
5- Chính quyền địa phương không được trực tiếp vay nước ngoài.
Nghị định quy định chính quyền địa phương không được bảo lãnh cho các tổ chức, cá nhân để vay vốn hoặc phát hành trái phiếu trong và ngoài nước. Phải ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định.
Nợ chính quyền địa phương phải được hạch toán, kế toán, bảo đảm chính xác, tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch trong quản lý nợ và gắn với trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong việc quản lý nợ chính quyền địa phương.
Hình thức vay của chính quyền địa phương gồm:
1- Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước theo quy định;
2- Vay lại từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi ngoài nước của Chính phủ;
3- Vay trực tiếp từ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng trong nước; vay ngân quỹ nhà nước; vay từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định.
Điều kiện vay của chính quyền địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Quản lý nợ công và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài
Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ quy định, điều kiện được vay lại đối với UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Quản lý nợ công.
Tỷ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh được quy định như sau:
a) Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
b) Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 40%.
c) Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50%.
d) Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), tỷ lệ cho vay lại là 70%. đ) TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ cho vay lại là 100%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn ưu đãi cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng cho từng thời kỳ ổn định ngân sách trước ngày 01-01 năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách.
Về tỷ lệ cho vay lại đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định nêu rõ: Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư, tỷ lệ vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư. Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và một phần kinh phí đầu tư thì tỷ lệ vay lại là 50%.
Đối với doanh nghiệp, Nghị định quy định: Doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lãi suất cho vay lại được quy định tại khoản 5 Điều 34 của Luật Quản lý nợ công bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại.
Bên vay lại chịu trách nhiệm sử dụng vốn vay lại đúng mục đích, có hiệu quả theo các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, văn kiện dự án được phê duyệt, hợp đồng cho vay lại đã ký kết.
Bên vay lại thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng vay lại cho Bộ Tài chính (trường hợp cho vay lại UBND cấp tỉnh) hoặc cho cơ quan được ủy quyền cho vay lại để các cơ quan này hoàn trả đầy đủ, đúng hạn khoản thu hồi nợ vào Quỹ Tích lũy trả nợ.
Phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Trong đó, Nghị định quy định rõ việc phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.
Nghị định nêu rõ, căn cứ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm, dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm, tình hình thị trường tài chính quốc tế, Bộ Tài chính xây dựng Đề án phát hành trái phiếu quốc tế trình Chính phủ phê duyệt chủ trương phát hành.
Chính phủ ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế trên cơ sở đề án phát hành trái phiếu quốc tế.
Căn cứ chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phát hành trái phiếu quốc tế cho từng lần phát hành.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức liên quan tổ chức phát hành trái phiếu theo chủ trương được Chính phủ phê duyệt và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với từng lần phát hành.
Căn cứ tình hình thực tế và các quy định pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính tổ chức phát hành trái phiếu theo một số bước cơ bản sau:
1- Lựa chọn các tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành là một hoặc một số tổ chức tài chính, ngân hàng đầu tư quốc tế, có kinh nghiệm để quản lý cho đợt phát hành;
2- Lựa chọn các tư vấn pháp lý có kinh nghiệm trong và ngoài nước làm tư vấn pháp lý trong nước, tư vấ pháp lý quốc tế cho Bộ Tài chính và tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành;
3- Chuẩn bị hồ sơ phát hành: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với tư vấn pháp lý trong nước, tư vấn pháp lý quốc tế và các cơ quan liên quan chuẩn bị các hồ sơ phát hành phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, thông lệ quốc tế tại thị trường phát hành;
4- Đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nghiệm để xác nhận hệ số tín nhiệm quốc gia và mức xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu dự kiến phát hành;
5- Tổ chức quảng bá: Việc tổ chức quảng bá chào bán trái phiếu quốc tế được thực hiện theo yêu cầu của từng phương thức phát hành. Bộ Tài chính phối hợp với tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành tổ chức quảng bá trái phiếu quốc tế để tiếp xúc với các nhà đầu tư quốc tế trước khi công bố rộng rãi, chính thức về việc phát hành trái phiếu quốc tế;
6- Tổ chức phát hành: Bộ Tài chính quyết định các điều kiện, điều khoản phát hành trái phiếu quốc tế trên cơ sở tham khảo ý kiến tư vấn của tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành, phù hợp với điều kiện thị trường và các nguyên tắc nêu tại đề án phát hành trái phiếu quốc tế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lãi suất đối với từng đợt phát hành trái phiếu quốc tế do Bộ Tài chính quyết định trong khung do Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 31 của Nghị định này;
7- Tiếp nhận vốn: Bộ Tài chính tổ chức tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu quốc tế đã phát hành theo đúng các thỏa thuận đã ký;
8- Hoàn tất giao dịch phát hành: Sau khi nhận tiền bán trái phiếu quốc tế, Bộ Tài chính hoàn tất và ký kết các văn bản pháp lý kết thúc giao dịch phù hợp với luật pháp tại thị trường phát hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phát hành.
Ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 810/QĐ-TTg giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đảm nhiệm chức danh Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020.
Theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 17-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành hỗ trợ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên toàn quốc; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp./.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Romania  (07/07/2018)
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đe dọa tới kinh tế toàn cầu  (07/07/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh kỷ luật nhiều cán bộ đảng viên vi phạm  (07/07/2018)
Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự 3 cơ quan  (07/07/2018)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình viếng Hòa thượng Thích Đức Phương  (07/07/2018)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Cuba  (06/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên