Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
TCCSĐT - Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới cần được đẩy mạnh để nâng cao thu nhập của nông dân và phát triển kinh tế đất nước. Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Cơ cấu lại và đổi mới tổng thể ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới - Những kết quả bước đầu
Thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013. Mục tiêu tổng quát là phát triển nông nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận; sản xuất hàng hóa chất lượng, giá trị cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Sau 3 năm thực hiện Đề án, trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường, chúng ta đã rà soát, điều chỉnh các quy hoạch sản xuất ngành, lĩnh vực theo định hướng cơ cấu lại. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt và đang chỉ đạo thực hiện 42 quy hoạch phục vụ việc cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó có 24 quy hoạch trên phạm vi cả nước, 18 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể; các địa phương cũng đã tiến hành rà soát nhiều quy hoạch liên quan.
Trên cơ sở đó, những năm qua, nông nghiệp đã liên tục phát triển, kết quả bước đầu của việc cơ cấu lại nông nghiệp được thể hiện trên các mặt: nông nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, đóng góp vào tăng trưởng GDP ngành giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3,13%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (2,6% - 3%); việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật được đẩy mạnh để nâng cao giá trị sản phẩm, công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ được coi là then chốt để tạo đột phá cho cơ cấu lại nông nghiệp; công nghiệp chế biến được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh; các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao; sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam từng bước được nâng cao trên cả trên phương diện cạnh tranh sản phẩm, doanh nghiệp, ngành hàng và cạnh tranh quốc gia; Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng...
Tính đến hết tháng 6-2016, cả nước đã có 1.965 xã (22%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4,9% so với cuối năm 2015); còn 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,65%). Bình quân cả nước đạt 13,0 tiêu chí/xã, tăng 8,3 tiêu chí so với năm 2010 và 3,0 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015. Đã có 23 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 8 huyện so với cuối năm 2015).
Kết quả đạt được các nội dung cụ thể của Chương trình như sau:
Về quy hoạch nông thôn mới: Cả nước đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, nhiều địa phương đã triển khai, hoàn thành quy hoạch phù hợp yêu cầu mới, nhất là cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn; các đề án được xây dựng đồng bộ; có 98,74% số xã đạt tiêu chí quy hoạch.
Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội: Cả nước có 36,43% số xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn, có 61,37% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này.
Về phát triển sản xuất tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo: Đề án sản xuất của các xã đều được xây dựng trên cơ sở xác định nhóm cây, con, ngành, nghề lợi thế; đổi mới tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết sản xuất thông qua mô hình “cánh đồng lớn”, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao; một số tỉnh đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch ở nông thôn...
Đến nay, cả nước đã có 56,48% số xã đạt tiêu chí về thu nhập; 85,48% số xã đạt tiêu chí về việc làm. Tại những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, khi bắt đầu thực hiện Chương trình, thu nhập bình quân của người dân là 16 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,6%, thu nhập bình quân của người dân đạt 28,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,6%.
Về văn hóa - xã hội - môi trường: Đến nay, cả nước có 77,86% số xã đạt tiêu chí về giáo dục, 65,61% số xã đạt tiêu chí về văn hóa; có khoảng 42,38% số xã đạt tiêu chí về môi trường, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 86%; có 93,7% số xã trên cả nước đạt tiêu chí số 19 về an ninh trật tự xã hội.
Một số giải pháp đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, nông nghiệp Việt Nam đang đối đầu với những thách thức to lớn: năng lực cạnh tranh còn thấp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro; dân số tăng (hiện nay có trên 90 triệu người, dự kiến đến năm 2020 khoảng 100 triệu người), nhu cầu về nông sản thay đổi cả về số lượng và chất lượng; nông nghiệp vẫn chưa đạt được an ninh về dinh dưỡng; sức ép về việc làm cho lao động nông thôn ngày càng tăng; biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra, ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp; môi trường ở nông thôn chưa được quản lý tốt; kết quả xây dựng nông thôn mới còn chưa đồng bộ,...
Để cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, cần thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Một là, thực hiện tốt quá trình cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực cụ thể, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bền vững về môi trường. Thực hiện chuyển đổi sản xuất từ chỗ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị; chuyển hướng sang phát triển một nền nông nghiệp hiện đại (có năng suất cao, giá trị gia tăng lớn, dựa vào kỹ thuật và công nghệ, ít gây ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu); chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực hiện các giải pháp tạo việc làm... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua gắn với xây dựng nông thôn mới...
Hai là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, coi đây là một trong các khâu đột phá phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị thương phẩm cao; phổ biến áp dụng tiêu chuẩn VietGap và các quy trình sản xuất tốt khác có xác nhận;… gắn với các công nghệ xanh và công nghệ sạch. Việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật cao cần được thực hiện một cách đồng bộ. Phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết với các tổ chức khoa học - công nghệ.
Ba là, đổi mới quan hệ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung dựa vào doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Bốn là, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ những lĩnh vực nông nghiệp mũi nhọn để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy cơ giới hóa, phát triển ngành, nghề nông thôn thông qua chính sách giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số loại máy móc trong nước chưa sản xuất được. Kết hợp nông nghiệp với các ngành dịch vụ khác, như du lịch, để tạo ra những hình thức như du lịch sinh thái, hoặc du lịch dựa trên nông nghiệp...
Đầu tư phát triển hệ thống chợ bán buôn, bán lẻ, phát triển và hỗ trợ thương mại; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp áp dụng tốt bộ quy chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt và tăng cường quản lý ở khâu chế biến và lưu thông để bảo đảm lương thực, thực phẩm an toàn.
Năm là, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp; thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với các vùng đất có những biến đổi khác nhau về khí hậu; xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển để có thể giải quyết được những thách thức mới nảy sinh của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy thị trường bảo hiểm nông nghiệp, tăng cường khả năng ứng phó của nông dân đối với rủi ro; tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp...
Sáu là, tập trung cơ cấu lại đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp; ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực thủy sản, thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản; đa dạng hóa thị trường, cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bảy là, đổi mới và từng bước hoàn thiện cơ chế theo hướng phát huy cao hơn, hiệu quả hơn cơ chế thị trường, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lao động, vật tư, vốn, sở hữu trí tuệ… Thông qua cơ chế thị trường để điều tiết, phân bổ nguồn lực giữa các mục tiêu và sử dụng nguồn lực có hiệu quả.
Thực hiện quy hoạch nông nghiệp theo hướng dựa vào thị trường mở; có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị. Cần tạo điều kiện cho người sử dụng đất quyết định phương thức sử dụng từng loại đất phù hợp theo tín hiệu thị trường hơn là cố định phương thức sử dụng cho từng loại đất. Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất quy mô lớn, hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc, trang, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản...
Tám là, đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân; ưu tiên đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên của ngành, như cán bộ quản lý thủy nông, thú y, khuyến nông, kiểm lâm, kiểm ngư, cán bộ hợp tác xã, thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá xa bờ... Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Chín là, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thị trường. Thay đổi trong cách tiếp cận ngành, chuyển sang tiếp cận thị trường hàng hóa cạnh tranh quốc tế; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả; hướng tới nền sản xuất an toàn, bền vững về môi trường. Thực hiện kích cầu thị trường nội địa, bảo đảm tiêu thụ kịp thời, hiệu quả hàng hóa nông nghiệp. Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông nghiệp; hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản.../.
Xây dựng văn hóa gia đình - Cái gốc của việc xây dựng con người và xây dựng xã hội văn hóa, đạo đức, văn minh  (07/12/2016)
Sẽ xử lý đơn vị cổ phần hóa chậm, làm thất thoát tài sản Nhà nước  (07/12/2016)
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri: Ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết  (07/12/2016)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm chính thức Ấn Độ  (07/12/2016)
Phối hợp thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài  (07/12/2016)
Hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện Năm APEC Việt Nam  (07/12/2016)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên