Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 29-8 đến ngày 04-9-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv, chinhphu.vn)
22:18, ngày 06-09-2016

TCCSĐT - Ngày 03-9, hãng tin Interfax của Nga đưa tin, từ tháng 10 tới Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ chuyển sang chế độ thương mại tự do với Việt Nam đây là văn kiện đầu tiên EAEU ký kết và sẽ có hiệu lực vào ngày 05-10 tới.

Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 21 chương trình mục tiêu

Chính phủ vừa ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ ba Chương trình: Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư. Tổng vốn thực thực hiện 3 Chương trình là 638.782 tỷ đồng.

Bộ Y tế làm chủ hai Chương trình: Chương trình mục tiêu y tế - Dân số; Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương. Tổng vốn thực thực hiện 2 Chương trình là 42.913 tỷ đồng.

Bộ Công an làm chủ Chương trình mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm và ma túy với tổng vốn thực hiện là 9.227 tỷ đồng.

Bộ Quốc phòng chủ trì Chương trình mục tiêu công nghiệp quốc phòng thực hiện Nghị Quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị với tổng vốn thực hiện 27.229 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì 4 Chương trình: Chương trình mục tiêu quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm; Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng; Chương trình mục tiêu hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương; Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng nguồn vốn thực thực hiện 4 Chương trình là 281.922 tỷ đồng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn với tổng vốn thực hiện 5.100 tỷ đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì hai Chương trình: Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp-việc làm và an toàn lao động; Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội. Tổng vốn thực thực hiện hai Chương trình là 27.175 tỷ đồng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hai Chương trình: Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch. Tổng nguồn vốn thực thực hiện 2 Chương trình là 48.267 tỷ đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hai Chương trình: Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích; Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Tổng nguồn vốn thực thực hiện hai Chương trình là 20.514 tỷ đồng.

Bộ Công Thương chủ trì Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo với nguồn vốn thực hiện 30.186 tỷ đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin với nguồn vốn là 7.920 tỷ đồng.

Đối với Chương trình mục tiêu Biển Đông - Hải đảo bảo đảm cho lĩnh vực Quốc phòng an ninh trên biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ yêu cầu thực hiện theo Quyết định số 610/QĐ-TTg ngày 08-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiệp định thương mại tự do EAEU - Việt Nam có hiệu lực vào tháng 10

Ngày 03-9, hãng tin Interfax của Nga đưa tin, từ tháng 10 tới Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ chuyển sang chế độ thương mại tự do với Việt Nam. Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Âu Veronika Nikishina tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 2 tại Vladivostok, Nga, hiệp định thương mại tự do với Việt Nam là văn kiện đầu tiên EAEU ký kết và sẽ có hiệu lực vào ngày 05-10 tới. Hai bên đã hoàn tất quá trình phê chuẩn và sau khi hết thời hạn 60 ngày sẽ bắt đầu triển khai.

Hiệp định thương mại tự do EAEU - Việt Nam bao gồm các nghĩa vụ của hai bên về tự do hóa song phương lĩnh vực thương mại dịch vụ, thực hiện đầu tư và di chuyển của cá nhân, sau đó, các nước thành viên của EAEU cũng có thể phát triển hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực này. Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á - Âu, thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên 8 - 10 tỷ USD. Trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu của EAEU sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.

Theo hiệp định, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, trong đó có sản phẩm thịt, bột mỳ, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép... Thuế suất đối với 30% mặt hàng khác sẽ được giảm dần về 0% trong giai đoạn quá độ.

Thị trường vàng và thị trường năng lượng trải qua một tuần không biến động thất thường

Thị trường vàng thế giới vừa trải qua một tuần biến động thất thường, chi phối bởi các thông tin liên quan tới kế hoạch nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và xu hướng lên xuống của đồng USD. Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 8-2016 gây thất vọng vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố vào cuối tuần này dường như đang đẩy lùi khả năng Fed sẽ tiến hành nâng lãi suất trong tháng Chín, qua đó giúp vàng thoát khỏi tuần giảm giá.

Mặc dù mở đầu tuần (ngày 29-8) trong không khí khá tích cực do đồng USD xuống giá, vàng đã phục hồi từ mức "đáy" của năm tuần, song mặt hàng kim loại quý này liên tiếp rơi xuống mức thấp nhất khoảng hai tháng trong hai phiên giao dịch liền sau đó, giữa bối cảnh báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ cho hay chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng Tám tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng qua. Thông tin này giúp đồng bạc xanh đi lên và tạo sức ép xuống giá đối với vàng.

Ngoài ra, báo cáo việc làm ngày 31-8 của công ty ADP cho thấy khu vực tư nhân Mỹ đã tạo thêm được 177.000 việc làm trong tháng Tám, cao hơn dự kiến của các nhà kinh tế, càng củng cố quan điểm cho rằng Fed dường như chắc chắc sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng có xu hướng làm giảm nhu cầu đầu tư vào vàng và làm đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, thị trường vàng đã phục hồi trong hai phiên giao dịch cuối tuần, khi nền kinh tế số 1 thế giới vừa tiếp nhận một loạt số liệu kém lạc quan. Theo số liệu của Viện quản lý nguồn cung công bố ngày 01-9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của nước này trong tháng 8-2016 giảm xuống 49,4 từ mức 52,6 của tháng Bảy. Mốc 50 là ngưỡng phân định giữa chiều hướng tăng trưởng và suy giảm. Báo cáo của ISM cho thấy hoạt động kinh doanh của các nhà chế tạo Mỹ tiếp tục gặp nhiều khó khăn với đầu tư vào mua sắm máy móc, máy tính và các trang thiết bị khác đều giảm sút.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 02-9, vàng tăng hơn 1% sau khi thị trường tiếp nhận báo cáo việc làm kém tích cực của tháng 8-2016. Dù vậy, biên độ tăng giá đã bị thu hẹp trong bối cảnh đồng USD mạnh lên. Đáng chú ý, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại Richmond, Jeffrey Lacker cho rằng nền kinh tế Mỹ dường như đủ mạnh để bảo đảm cho đợt nâng lãi suất tiếp theo.

Trong một diễn biến khác, mặc dù phục hồi vào phiên cuối tuần sau khi chứng kiến bốn phiên đi xuống liên tiếp, song thị trường dầu thế giới không tránh được tuần rớt giá thảm hại nhất kể từ tháng 7-2016. Đồng USD mạnh lên khi thị trường đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy sớm lộ trình nâng lãi suất, và nhân tố này đã phủ "bóng đen" lên thị trường dầu mỏ ngay từ đầu tuần (ngày 29-8). Ngoài ra, nỗi lo dai dẳng về tình trạng dôi dư nguồn cung vẫn tiếp tục đè nặng tâm lý các nhà đầu tư năng lượng, sau khi Iran có kế hoạch sẽ tăng sản lượng khai thác.

Tehran đang cố lấy lại thị phần đã mất trong thời gian nước này bị quốc tế áp đặt các lệnh cấm vận. Sản lượng khai thác dầu của Iran đang ở mức 3,8 triệu thùng dầu/ngày và kể từ khi được gỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế hồi tháng Một năm nay, nước này đặt mục tiêu nâng sản lượng lên trên 4 triệu thùng dầu/ngày. Thêm vào đó, báo cáo công bố ngày 31-8 của Bộ Năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu thương mại của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 26-8 tăng 0,4%, lên 525,9 triệu thùng, cao hơn gần 16% so với cùng kỳ năm 2015, cũng khiến giá dầu mỏ tiếp tục giảm sâu.

Tại phiên giao dịch đầu tiên của tháng Chín, thị trường dầu đánh dấu phiên mất giá thứ tư liên tiếp, giữa bối cảnh một số nước thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) như Iran và Iraq không chứng tỏ bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ giảm sản lượng khai thác, còn Nga - một trong những nhà sản xuất dầu mỏ chủ lực trên thế giới dù không phải thành viên của OPEC - đã “bóng gió” rằng nước này sẽ không hạ thấp sản lượng.

Đà giảm của giá dầu từ đầu tuần đã làm "bốc hơi" hầu hết nỗ lực đi lên của mặt hàng này vào đầu tháng Tám, khi thị trường khởi sắc nhờ hy vọng vào một thỏa thuận nhằm hạn chế nguồn cung của các nhà xuất khẩu dầu chủ chốt tại cuộc họp không chính thức của các thành viên OPEC vào tháng Chín, bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế tại Algeria. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 02-9), giá dầu đã đảo chiều đi lên, khi báo cáo việc làm gây thất vọng của Mỹ trong tháng 8-2016 dường như đã đẩy lùi khả năng Fed quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp cuối tháng Chín. Trong khi đó, Tổng thống Nga lên tiếng kêu gọi các nhà sản xuất dầu mỏ cùng nước này tiến tới một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.

Những cảnh báo cho nền kinh tế toàn cầu

IMF cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào "bẫy tăng trưởng thấp"

Trước ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 01-9 kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu cần hành động mạnh mẽ hơn và thực thi các chính sách toàn diện để giúp vực dậy nền kinh tế thế giới. Nhà lãnh đạo IMF còn nói rằng thể chế này nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay, khi triển vọng kinh tế hiện khá ảm đạm với nhu cầu yếu, đầu tư và thương mại trì trệ, trong lúc tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

Theo bà Lagarde, năm 2016 là năm thứ 5 liên tiếp nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở dưới mức bình quân 3,7% được ghi nhận trong các năm 1990 - 2007. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, kinh tế thế giới chứng kiến thời gian tăng trưởng trì trệ dài như vậy. Ngoài ra, quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo về nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào “bẫy tăng trưởng thấp” với tình trạng nợ tăng cao, nhu cầu yếu, lực lượng lao động và lao động có tay nghề sụt giảm, trong khi đầu tư và năng suất sa sút. Kinh tế thế giới hiện đang phải đối mặt với rủi ro tiềm tàng do tình trạng tăng trưởng thấp kéo dài kết hợp với sự bất bình đẳng gia tăng.

Cũng trong ngày 01-9, IMF đưa ra lời cảnh báo các nền kinh tế G20 sẽ khó đạt mục tiêu nâng thêm 2% nhịp độ tăng trưởng GDP chung đến trước năm 2018 theo cam kiết tại Brisbane hồi năm 2014, giữa bối cảnh của sự thiếu vắng những nỗ lực cải cách và đầu tư công. Trong khi đó, đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, các chuyên gia kinh tế của IMF cũng cho rằng triển vọng tăng trưởng trong năm nay của Mỹ là thấp hơn nhiều so với dự đoán. Thể chế này cũng nói rằng có thể điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ xuống chỉ còn lần lượt 2,2% và 2,5% trong các năm 2016 và 2017.

Trái Đất nóng lên đang làm đảo lộn các triển vọng đầu tư

Một nhóm 130 nhà đầu tư lớn - quản lý tổng cộng hơn 13.000 tỷ USD giá trị cổ phiếu trên thế giới, vừa gửi bức thư ngỏ đến Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 11 diễn ra tại Trung Quốc, yêu cầu các nước sớm hoàn tất việc ký kết thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu ngay trong năm nay và có các biện pháp cụ thể để chuyển nhanh sang "kinh tế Xanh".

Thư ngỏ trên khẳng định việc các nước càng sớm tham gia vào tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế sẽ giúp các đầu tư “được hưởng độ an toàn cao hơn” trước các rủi ro do biến đổi khí hậu và “như vậy sẽ có nhiều khả năng hơn để thúc đẩy việc phát triển các giải pháp (cho một nền kinh tế) carbon thấp và không carbon” trong tương lai.

Theo 130 nhà đầu tư ký vào bức thư ngỏ, công việc quan trọng hàng đầu lúc này là phải xác định sớm “thuế carbon”, biện pháp cho phép huy động nhanh chóng được nguồn tài chính ở quy mô đủ lớn, tương xứng với các thách thức do khí hậu bất ổn. Dần dần loại bỏ việc trợ giá cho các năng lượng hóa thạch là một biện pháp chủ yếu khác. Tình trạng Trái Đất nóng lên đang làm đảo lộn các triển vọng đầu tư. Đặt cược vào các loại năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên rủi ro. Kể từ năm ngoái, bắt đầu có hiện tượng các nhà đầu tư lớn rút vốn khỏi ngành khai thác than. Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo và các công nghệ thải ít CO2 đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, các vận động đổi hướng đầu tư, chuyển đổi qua nền kinh tế không carbon vẫn chưa được đa số các quốc gia thực sự khuyến khích.

Cho đến nay, hơn 8 tháng kể từ khi đạt được thỏa thuận lịch sử về chống biến đổi khí hậu tại Paris, việc thực thi các cam kết dường như diễn ra chậm hơn so với mong đợi. Mới chỉ có 23 quốc gia với tổng lượng khí thải 1% toàn cầu đã ký thỏa thuận trên. Trong thời gian gần đây, lại xuất hiện nhiều thông tin đáng báo động về những hệ quả rất lớn của biến đổi khí hậu với việc Trái Đất nóng lên đối với giới đầu tư. Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, nếu Trái Đất nóng lên quá 2,5°C, 2.500 tỷ USD cổ phiếu bị đe dọa. Nhiệt độ tăng cao có thể gây thiệt hại tới 24.000 tỷ USD. Cũng theo báo cáo của Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), để thích ứng với biến đổi khí hậu, riêng các nước đang phát triển sẽ phải tốn từ 140 đến 300 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2030, và từ 280 đến 500 tỷ USD đến năm 2050. Các con số được điều chỉnh tăng gấp 4 đến 5 lần so với các dự báo trước.

Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc tại Trung Quốc

Ngày 04-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc. Hội nghị thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu hiện đang chật vật sau khủng hoảng tài chính, đồng thời tái định hình nền kinh tế thế giới.

Với chủ đề "Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể", Trung Quốc - Chủ tịch G20 năm nay - hy vọng hội nghị có thể đưa nhóm này trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang "tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều".

Bốn vấn đề lớn sẽ được các nhà lãnh đạo G20 tập trung thảo luận ở Hàng Châu gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn./.