Những sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về Quốc hội
Điều 74 (sửa đổi, bổ sung Điều 83) nói về vị trí, vai trò của Quốc hội
Có một nội dung thay đổi cơ bản, đó là “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” được sửa đổi, bổ sung thành “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp...”. Việc thay đổi từ “cơ quan duy nhất có quyền” thành cơ quan “thực hiện quyền lập hiến, lập pháp”, trước hết, đó là sự thay đổi về chất. Nếu nói “duy nhất có quyền”, thì có người hiểu là “độc quyền” và đặt vấn đề, với 500 đại biểu Quốc hội đại diện cho toàn dân (tám, chín chục triệu người trong cả nước), liệu duy nhất một mình Quốc hội có thể xây dựng được “đạo luật gốc” và các đạo luật khác thật sự có chất lượng không? Trên thực tế, Hiến pháp cũng như các đạo luật khác, nếu được nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể và cá nhân đứng trên các giác độ khác nhau, với góc nhìn khác nhau, đóng góp các ý kiến đa chiều, nhiều phía và được tập hợp, chắt lọc lại như một lăng kính hội tụ, thì chắc chắn chất lượng sẽ cao hơn nhiều. Đó cũng chính là cách thức chúng ta đã và đang tiến hành đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và một số đạo luật quan trọng hiện nay. Thứ hai, sự thay đổi về phạm vi, mức độ cho đúng với thực tế đang diễn ra. Một đạo luật từ lúc “tạo hình” cho đến khi “ra lò”, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, phải trải qua 6 công đoạn lớn: 1- Đưa vào Chương trình xây dựng luật; 2- Soạn thảo luật; 3- Thẩm tra dự án luật; 4- Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến; 5- Thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua; 6- Công bố luật. Quốc hội tham gia và chịu trách nhiệm tất cả, nhưng thao tác trực tiếp, chủ yếu ở 3 công đoạn quan trọng ở giữa là 3, 4 và 5. Tuy nhiên trong 3 công đoạn đó, các chủ thể trình dự án luật, đặc biệt là Chính phủ (nơi có tới gần 90% các dự án luật được trình ra Quốc hội) đều đã phải tham gia tận lực. Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi trình Quốc hội, Ban soạn thảo đã phải lấy ý kiến các đối tượng được luật điều chỉnh và đối tượng được áp dụng hoặc toàn thể nhân dân (tùy theo từng đạo luật); để phục vụ công tác thẩm tra thì cơ quan thẩm tra cũng thu thập ý kiến tương tự qua các đợt khảo sát, các cuộc giám sát. Như vậy, trên thực tế đâu có phải “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp” mà rất nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị và cá nhân (từ người dân đến các nhà khoa học) đều tham gia, thậm chí tham gia ngay từ đầu. Bởi vậy, việc sửa đổi như Dự thảo là hợp tình, hợp lý, đúng với thực tế khách quan.
Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84)
Điều này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Điều 84 cũ quy định Quốc hội có 14 nhiệm vụ, quyền hạn (thể hiện trong 14 khoản); còn Điều 75 mới của Dự thảo, Quốc hội có 15 nhiệm vụ, quyền hạn (thể hiện trong 15 khoản). Do có thêm một nhiệm vụ (một khoản) và khoản này xếp thứ tự là thứ 8 nên từ khoản thứ 9 trở đi lùi xuống một số (khoản 8 cũ là khoản 9 mới... cho đến khoản 14 cũ là khoản 15 mới). Về nội dung có một số điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng, đáng quan tâm:
- Khoản 1, so với khoản 1 cũ thì Quốc hội không còn nhiệm vụ, quyền hạn “quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”. Theo chúng tôi, không nên bỏ nhiệm vụ, quyền hạn này vì: thực tế từ Quốc hội khóa IX đến nay, chưa có khóa nào hay năm nào không phải sửa đổi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Từ đó vô hình trung hình thành “tính tự do” trong việc thực hiện chương trình (thấy cần thì thêm dự án, thấy không làm được thì rút khỏi chương trình), ảnh hưởng xấu đến phong cách làm việc của Quốc hội. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể có quyền trình dự án luật và các ban soạn thảo dự án, để bảo đảm tính chất ổn định của chương trình và tính nghiêm túc trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội về việc này thì nên lấy lại nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong việc “quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh” hằng năm và toàn khóa.
- Khoản 4 có vấn đề mới bổ sung cần quan tâm là, Quốc hội quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ. Đây là nhiệm vụ, quyền hạn rất mới, có thể đặt vấn đề, vì sao Quốc hội phải quyết định mức giới hạn các loại nợ trên? Lấy nợ công làm ví dụ để lý giải điều này: Các nước trên thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ công là những nước có tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước hay là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức quá cao (năm 2011 tỷ lệ này ở Hy Lạp là 159%; Bồ Đào Nha: 125%; Ai-len: 129%...) mà nguyên nhân chủ yếu là sử dụng nợ không hợp lý, kém hiệu quả và quản lý không chặt chẽ. Theo Cổng thông tin của Bộ Tài chính, tuần thứ ba tháng Giêng năm 2013, Bản tin nợ công Việt Nam tới đây sẽ công khai toàn bộ nợ công. Cũng theo Bản tin này, tính đến ngày 31-12-2012, nợ công của nước ta xấp xỉ 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 54,9% GDP. Các nhà khoa học tài chính tính toán với tốc độ tăng nợ công ở Việt Nam hằng năm trên 15% như những năm qua, nếu không khống chế thì với tốc độ này, đến hết nhiệm kỳ 2011- 2016, nợ công nước ta sẽ vượt 100% GDP- con số dẫn đến nguy cơ khủng hoảng. Do đó, Quốc hội phải quyết định mức giới hạn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ là quy định mới, đúng đắn, hợp lý (nợ công chỉ là một bộ phận của nợ quốc gia; nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương).
- Khoản 8 có sửa đổi, bổ sung: “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”. Lấy phiếu tín nhiệm là việc được bổ sung vào nhiệm vụ, quyền hạn thứ 7 (cũ) trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2001. Bổ sung đó là một tiến bộ về giám sát, kiểm soát quyền lực, nhưng rất tiếc từ khi bổ sung đến nay vẫn chưa được thực hiện. Nay việc này trở nên cấp bách, không thể không thực hiện. Vì thế, Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 4 đã thông qua Nghị quyết số 35/QH12, ngày 21-11-2012, về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này từ “một chi tiết” nâng lên thành “một nhiệm vụ, quyền hạn” ngang hàng với các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Quốc hội. Chỉ có khác là, có hai cấp độ, cấp độ một là lấy phiếu tín nhiệm (có tính chất đánh giá, thăm dò); nếu 2 lần bị tín nhiệm thấp hoặc một lần mà có tới trên 2/3 số đại biểu không tín nhiệm thì mới tiến hành cấp độ 2 là bỏ phiếu tín nhiệm (để miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phải từ chức).
Vì là lần đầu tiên thực hiện, để cho chắc chắn và để rút kinh nghiệm thì việc chia làm 2 cấp độ cũng có phần hợp lý của nó (dự lệnh rồi mới động lệnh). Tuy nhiên cũng có mặt trái của nó, đó là duy trì sự yếu kém quá lâu, tạo ra sự trì trệ trong công việc, bởi mỗi năm chỉ thực hiện có một lần. Thực tiễn cho thấy, vào công việc mới, chỉ một quý hay nửa năm là người giữ chức vụ đó có thể bộc lộ được khả năng, trình độ, và mọi người cũng có thể nhận biết được người giữ chức vụ đó có đảm đương được nhiệm vụ hay không. Vì vậy, có lẽ chỉ nên quy định một cấp độ như Hiến pháp hiện hành là “bỏ phiếu tín nhiệm” thì phù hợp hơn, kịp thời hơn, mang tính thúc đẩy và tính “răn đe” hơn.
- Khoản 14 (khoản 13 cũ), cũng liên quan đến việc bổ sung và làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước (tại khoản 6, Điều 93) trong việc quyết định đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế hoặc quyết định phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế theo thẩm quyền do Quốc hội quy định. Việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước không thuộc phạm vi chuyên đề này, nhưng có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Riêng Dự thảo khoản 6, Điều 93 về cơ bản là phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp. Trước đây, quy định Quốc hội “...phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế khác đã được ký kết hoặc gia nhập theo đề nghị của Chủ tịch nước”. Nay trên cơ sở khoản 6, Điều 93, khoản 14 mới Điều 75 được sửa đổi, bổ sung lại là: Quốc hội “... phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình, các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, thương mại quốc tế”. Sửa đổi, bổ sung này là hoàn toàn cần thiết vì hai lý do cơ bản sau đây:
Một là, có những vấn đề cực kỳ to lớn, đại sự như chiến tranh và hòa bình, như chủ quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà Điều 84 Hiến pháp 1992 chưa nói cụ thể, nay trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng chỉ rõ “bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc”, thậm chí là biến đổi khôn lường, thì những điều ước quốc tế (trực tiếp hoặc có liên quan) về những vấn đề trọng đại đó không thể không do Quốc hội xem xét có phê chuẩn hay không phê chuẩn. Bởi vậy, đây là nhiệm vụ, quyền hạn rất xác đáng của Quốc hội.
Hai là, sau năm 1992, nước ta tham gia nhiều tổ chức quốc tế, như ASEAN, ASEM, APEC, WTO và nhiều tổ chức của Liên hợp quốc như UNDP, UNFPA, UNESCO,... Thời gian tới, chắc chắn nước ta còn tham gia những tổ chức quốc tế khác. Việc Quốc hội xem xét việc có nên tham gia tổ chức này hay tổ chức khác là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Mặt khác, chúng ta cũng tuyên bố, Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(1). Bởi vậy, Quốc hội xem xét phê chuẩn là đúng tầm nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (như đã phê chuẩn Việt Nam gia nhập WTO năm 2007).
- Khoản 15 (khoản 14 cũ), không thay đổi nội dung, đó là Quốc hội “Quyết định trưng cầu ý dân”. Tuy nhiên, ở Điều 124 (sửa đổi, bổ sung Điều 147), ở khoản 4 có quy định: “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”. Theo quan sát của chúng tôi, một số ý kiến còn băn khoăn với quy định này, vì rằng trưng cầu ý dân hay bỏ phiếu toàn dân là một cuộc bỏ phiếu trực tiếp, trong đó tất cả các cử tri phải thể hiện chính kiến của mình “đồng ý” hay “phủ quyết” một vấn đề liên quan đến toàn dân, đến sự phát triển của đất nước, thậm chí là vận mệnh quốc gia; xây dựng Hiến pháp là một vấn đề đặc biệt quan trọng như thế, do đó nên chăng phải quy định trực tiếp, dứt khoát rằng Hiến pháp được làm ra phải được trưng cầu ý dân thay vì phải được Quốc hội quyết định rồi mới trưng cầu ý dân.
Điều 79 (sửa đổi, bổ sung Điều 91)
Đây là điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cả Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đều quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 11 nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng về nội dung thì có những sửa đổi, bổ sung cần quan tâm:
- Khoản 5 mới quy định khái quát hơn. Có một vấn đề cần được bàn thêm: Từ Quốc hội khóa XI đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập một số cơ quan trực thuộc, nhưng dự thảo Điều này, khoản này lại không quy định sự lãnh đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các cơ quan đó. Hiện tại có 4 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Viện Nghiên cứu lập pháp và Báo Đại biểu nhân dân. Đề nghị quy định bổ sung vào Điều này, ngay tại khoản này và viết lại Dự thảo như sau: “5 - Lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Mặt khác, cũng từ Quốc hội khóa XI đến nay, một số cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thành lập, có cơ quan đã bị giải thể (Ban Công tác lập pháp). Thực ra việc này trên thực tế là chưa đủ căn cứ pháp lý, do đó phải nghiên cứu bổ sung một khoản (một nhiệm vụ, quyền hạn) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này. Khoản này nên quy định như sau: “Việc thành lập, giải thể, nâng cấp, đổi tên các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định”. Khoản này có thể đặt ở vị trí thứ 7 hoặc thứ 8. Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có 12 nhiệm vụ, quyền hạn thay vì chỉ có 11 như trong Dự thảo.
- Khoản 7 là hoàn toàn mới: “Quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Việc này trước đây thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Qua thực thi cho thấy có ít nhất hai tình huống không hợp lý. Thứ nhất, cùng là thành lập, chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mà một phần việc này do cơ quan lập pháp (Quốc hội) thực hiện, phần còn lại do cơ quan hành pháp (Chính phủ) tiến hành. Thứ hai, do sự bất hợp lý nói trên mà có những việc cụ thể rất khó giải quyết. Ví dụ, việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện H. của tỉnh T., nhưng huyện H. lại giáp với tỉnh B. phải quy về một mối (tức là vừa điều chỉnh địa giới hành chính huyện, đồng thời phải điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, nếu Chính phủ làm thì vướng về địa giới hành chính tỉnh, nếu Quốc hội làm thì lại trùng giẫm lên việc của Chính phủ là điều chỉnh địa giới hành chính huyện, sẽ xảy ra tình trạng lập pháp và hành pháp “đụng độ nhau”). Tuy nhiên có sự phân cấp, Quốc hội xử lý công việc đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý các đơn vị cấp huyện và báo cáo với Quốc hội. Sửa đổi này là hợp lý và chặt chẽ.
Rà soát và đối chiếu với Điều 80 và Điều 81 của Dự thảo cho thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giao thêm nhiệm vụ, quyền hạn phê chuẩn các phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc và các ủy viên Hội đồng, phê chuẩn các phó chủ nhiệm và ủy viên của các Ủy ban của Quốc hội mà lại không ghi vào nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm vụ, quyền hạn này. Để bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn này, có thể có hai phương án: Phương án một là nối vào khoản 1 một đoạn và viết lại khoản 1 như sau: “1. Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội; phê chuẩn Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và các Ủy viên Hội đồng, phê chuẩn Phó Chủ nhiệm và ủy viên các ủy ban của Quốc hội”. Phương án hai là thêm hẳn một khoản (tức là một nhiệm vụ, quyền hạn độc lập với các khoản khác), có thể đặt ở vị trí số 2 (khoản 2) và lùi số thứ tự các khoản tiếp theo. Theo chúng tôi, phương án hai là hợp lý, vì các chức vụ này rất quan trọng trong Quốc hội, trong Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và nhiều người giữ các chức vụ đó. Theo phương án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có 13 nhiệm vụ, quyền hạn.
Điều 80 (sửa đổi, bổ sung Điều 94) quy định về Hội đồng Dân tộc; Điều 81 (sửa đổi, bổ sung Điều 95) quy định về các Ủy ban của Quốc hội
Từ tính chất hoạt động của Quốc hội và yêu cầu công tác cán bộ, dự thảo hai điều trên có sự đổi mới theo sự phân cấp quản lý cán bộ. Quốc hội chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban; còn Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban và các Ủy viên Hội đồng, ủy viên Ủy ban do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Theo chúng tôi, phân cấp như thế là hợp lý, tương đồng với công tác quản lý cán bộ của Đảng (bộ trưởng và tương đương thì do Bộ Chính trị quản lý, thứ trưởng và tương đương thì do Ban Bí thư quản lý), song cũng phải tính đến thực tế quy trình tiến hành công việc này, ai giới thiệu Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và các ủy viên của Hội đồng cũng như Phó Chủ nhiệm các Ủy ban và các ủy viên Ủy ban (trước đây do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu), sau này nếu sửa đổi, bổ sung này được chấp thuận thì khi xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội (mới) phải cụ thể hóa việc này.
Ở Điều 81 (sửa đổi, bổ sung Điều 95) có một vài chi tiết cần lưu ý: Một là, bỏ đoạn bốn của Điều 95 cũ, nghĩa là ở khoản 2, Điều 81 không còn quy định Ủy ban “trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”, vì ở Điều 75 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, dự kiến bỏ nhiệm vụ “Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nên các Ủy ban cũng không phải trình nữa. Tuy nhiên, như trên chúng tôi kiến nghị nên giữ lại nhiệm vụ “Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”. Nếu kiến nghị đó được chấp thuận thì phải ghi nhiệm vụ trình ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hai là, ở Điều này có thêm khoản 3 “Việc thành lập, giải thể các Ủy ban do Quốc hội quyết định”. Theo chúng tôi, đây không phải chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban, mà chỉ là “tuyên bố” cho Ủy ban và thông báo để biết. Vì việc thành lập, giải thể một cơ quan của Quốc hội phải do Quốc hội quyết định, do vậy, nên chăng Dự thảo quy định thành một nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại Điều 75 hơn là để ở Điều 81. Vả lại đối với Hội đồng Dân tộc cũng không có quy định này (hơn nữa chẳng những thành lập, giải thể mà còn có việc đổi tên như trước đây đã đổi tên Ủy ban Y tế và Xã hội thành Ủy ban về các vấn đề xã hội).
Điều 90 (sửa đổi, bổ sung Điều 88 và Điều 93)
Khoản 2 ghi: “2. Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua”. Trên thực tế, không ít trường hợp bị vi phạm (quá thời hạn 15 ngày rất lâu). Ví dụ, các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, được công bố làm hai đợt, đợt một vào ngày 26-7, chậm 11 ngày so với ngày biểu quyết thông qua, đợt hai chậm 15 ngày (gấp đôi thời gian hiến định). Bởi vì, sau kỳ họp Quốc hội, sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan mới tiến hành các thủ tục công bố (hoàn thiện văn bản, có đủ chữ ký của 5 nơi và ký chứng thực của Chủ tịch Quốc hội, chuyển sang Chủ tịch nước, tiếp tục các thủ tục ở Văn phòng Chủ tịch nước). Vì vậy xin đề nghị, lấy mốc thời gian công bố các văn bản trên kể từ ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội hoặc từ ngày kết thúc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay vì kể từ ngày được thông qua để có đủ thời gian làm các thủ tục, phù hợp với thực tế.
Về Đoàn đại biểu Quốc hội
Ngoài các chủ thể đã được đề cập trong Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thì còn một chủ thể quan trọng và ngày càng quan trọng hơn, đó là Đoàn đại biểu Quốc hội (của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chưa được nói tới ở chế định về Quốc hội trong Hiến pháp. Đề nghị nên có một điều riêng hoặc một khoản trong Điều 84 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau: “Các đại biểu Quốc hội trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hợp thành Đoàn đại biểu Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội có trưởng đoàn và có thể có phó trưởng đoàn”. Có một lưu ý nhỏ là, các đại biểu Quốc hội trong một tỉnh... chứ không phải được bầu trong một tỉnh,... vì các khóa Quốc hội vừa qua, có đại biểu được bầu ở tỉnh, thành phố này, nhưng sau đó lại được điều động sang công tác ở tỉnh, thành phố khác, phải chuyển cả hoạt động Quốc hội sang đoàn khác. Trong hai phương án, chúng tôi kiến nghị phương án nên để thành một Điều (một thiết chế) cho xứng tầm./.
---------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 236
Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh  (23/08/2013)
Những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận của Đảng thời kỳ đổi mới  (23/08/2013)
Bắc Ninh phải giữ được bản sắc văn hóa Kinh Bắc  (22/08/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Đảng ủy Quân khu 7  (22/08/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư - Thương mại ASEAN - Trung Quốc  (22/08/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Hàn Quốc  (22/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay