Ô-xtrây-li-a: người dân cảm thấy hạnh phúc nhất
Tinh thần lạc quan
Bảng xếp hạng OECD Better Life Index (Chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn của OECD) đã so sánh mức độ hạnh phúc của 34 quốc gia phát triển và mới nổi dựa trên 11 tiêu chí, bao gồm: nhà ở, thu nhập, nghề nghiệp, giáo dục, mức độ hài lòng với cuộc sống, độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống…
Trong Tuần OECD 2013 tại Pa-ri, Chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn của OECD ghi nhận 84% người dân Ô-xtrây-li-a cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại - cao hơn cả mức hài lòng trung bình trong OECD (80%). Những người Ô-xtrây-li-a tham gia cuộc khảo sát đều cho biết trung bình trong 1 ngày, họ có nhiều trải nghiệm tích cực như cảm giác thư thái, tự hào về những thành tựu đã đạt được và sự phấn khích hơn là những điều tiêu cực. Ô-xtrây-li-a còn được xem là quốc gia mà người dân tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng và chăm sóc sức khỏe.
Một cuộc khảo sát của Galaxy mới đây cho biết, 54% người dân Ô-xtrây-li-a hoàn toàn lạc quan và đầy hy vọng về tương lai; khoảng 30% số người được hỏi cho rằng chất lượng cuộc sống vào năm 2030 sẽ tốt hơn.
Tuy cũng lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu ảm đạm, tình trạng biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn kiệt, dân số tăng, nạn khủng bố... song, người dân Ô-xtrây-li-a khá lạc quan do luôn cố gắng nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh tích cực và thích nghi với hiện tại.
An sinh xã hội hào phóng
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân Ô-xtrây-li-a là 82 tuổi, cao hơn 2 tuổi so với mức trung bình của OECD. Hơn 72% số người trong độ tuổi từ 15 - 64 ở Ô-xtrây-li-a có việc làm, cao hơn mức trung bình 66% của OECD. Thành tựu này có được là do Ô-xtrây-li-a có một chính sách an sinh xã hội khá tốt. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, học sinh từ mẫu giáo đến hết bậc trung học đều được học miễn phí (ngoại trừ trường tư, nhưng Chính phủ cũng trợ cấp cho các trường tư thục). Ở bậc đại học, sinh viên được vay một phần tiền học phí (chừng vài ngàn đô-la mỗi năm, tùy theo ngành học) và sẽ trả khoản nợ này sau khi tốt nghiệp và có việc làm. Tuy nhiên, nếu sau khi tốt nghiệp mà chưa tìm được việc làm hoặc làm việc với một mức lương thấp thì sẽ không phải hoàn lại.
Trong chăm sóc sức khỏe, tất cả mọi người dân Ô-xtrây-li-a đều được cấp một tấm thẻ, gọi là Medicare. Thẻ này được cấp cho mỗi gia đình hoặc cho từng cá nhân riêng lẻ. Khi bị bệnh chỉ cần đưa thẻ Medicare là được bác sĩ gia đình khám bệnh miễn phí. Những người thất nghiệp hay nghỉ hưu hoặc có thu nhập thấp sẽ được cấp một thẻ mua thuốc giảm giá. Với những món thuốc được trợ giá, người có thẻ giảm giá chỉ phải trả 5,90 AUD cho mỗi món thuốc, cho dù giá thực của nó có thể lên đến từ vài chục hay vài trăm AUD. Số tiền chênh lệch sẽ được Chính phủ bồi hoàn cho tiệm thuốc sau. Nếu phải nằm bệnh viện (công lập) thì tất cả mọi chi phí khám bệnh, xét nghiệm, điều trị… đều được miễn cho tất cả mọi người.
Những người không kiếm được việc làm hay đang có việc làm mà bị nghỉ việc thì sẽ được lĩnh tiền phụ cấp an sinh (chừng 300 AUD mỗi tuần cho mỗi người lớn cùng gia đình). Tiền phụ cấp này sẽ bị cắt một khi đã tìm được việc làm, tuy nhiên, nếu chưa có việc làm thì vẫn được lĩnh tiếp cho đến tuổi về hưu (sẽ chuyển qua lĩnh tiền hưu, tiền hưu cao hơn tiền thất nghiệp). Những người bị bệnh kinh niên không có khả năng làm việc hoặc đang đi làm mà bị bệnh phải nghỉ việc thì sẽ được phụ cấp tiền bệnh. Tiền phụ cấp này cao hơn tiền thất nghiệp và được lĩnh suốt đời.
Nếu đến tuổi già mà không có quỹ hưu trí cao theo quy định thì được lĩnh tiền hưu trí của Bộ An sinh xã hội (khoảng 350 đô-la mỗi tuần cho một người) và nhiều khoản phụ cấp về điện, nước, phụ phí di chuyển... Những người thất nghiệp còn được trợ giúp thêm tiền thuê nhà và được xét cấp nhà chính phủ với giá thuê rất thấp. Ngoài ra, còn có nhiều phụ cấp khác dành cho người khuyết tật, bệnh kinh niên, người già… Phụ cấp để chăm sóc người bệnh, người khuyết tật... khá cao. Chính phủ còn trợ cấp 5.000 AUD cho mỗi đứa trẻ khi được sinh ra. Nếu cha mẹ bị thất nghiệp thì sẽ được lĩnh tiền phụ cấp an sinh xã hội cho đứa con ngay sau khi sinh con cùng với nhiều khoản phụ cấp khác dành cho cha mẹ nuôi con.
Đa số người nước ngoài nhận xét rằng, Ô-xtrây-li-a là một đất nước thân thiện, người dân nhiệt tình và là một trong những nước có nền văn hóa phong phú, đa dạng nhất thế giới. Gần 1/4 dân số nước Ô-xtrây-li-a được sinh ra tại một đất nước khác. Mọi công dân Ô-xtrây-li-a và những người sinh sống tại đây đều bình đẳng; phân biệt chủng tộc, văn hóa, tôn giáo hay giới tính được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Chia sẻ và đồng cảm của xã hội
Mặc dù được đánh giá là đất nước hạnh phúc (the Lucky Country), nhưng không có nghĩa là ở xứ sở Kan-gu-ru này không còn người nghèo. Đa số người nghèo khổ nhất tại Ô-xtrây-li-a là người già, với 39% người già độc thân sống nghèo, sống khổ. Tiếp theo là người sống nhờ vào trợ cấp an sinh xã hội (31,5%).
Đa phần người vô gia cư ở Ô-xtrây-li-a là những người thất nghiệp, “ăn lương” của Centre Link, cơ quan chính phủ chuyên trả tiền an sinh xã hội cho người có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp. Những người này có thể có những nơi ăn uống miễn phí hằng ngày. Nhiều nơi trong các thành phố ở Ô-xtrây-li-a, vào giờ nhất định, như công viên, sân vận động, bãi đất trống... có những xe chở đồ ăn, thức uống đến cho bất kỳ ai có nhu cầu ăn uống, dù vô gia cư hay không. Đồ ăn thường là bánh mì với pho mát, thịt nguội, xà lách, bánh ngọt và nhiều loại trái cây như táo, lê, nho, chuối... cả cà phê, nước ngọt.
Theo Salvation Army, trong số 1 triệu người dân ở Ô-xtrây-li-a cầu cứu tổ chức bác ái xã hội này giúp đỡ (trong một tuần gần đây), có 52% người không có bữa ăn hằng ngày (nghĩa là mỗi ngày có hơn nửa triệu người Ô-xtrây-li-a bị đói); 29% ăn uống kham khổ và 45% phải cầm cố hay bán vật dụng trong nhà để sống qua ngày. Khi mùa đông đến, có hơn 300.000 người không đủ tiền để sưởi ấm nhà.
Để nếm thử cảnh nghèo tận cùng và góp tiền giúp người nghèo, tại Ô-xtrây-li-a có phong trào Live Below the Line (Thử sống nghèo). Live Below the Line mời mọi người sống thử chỉ với 2 AUD mỗi ngày. Với số tiền này, người sống thử chỉ được ăn lúa mạch pha với nước lã và một quả cam vào bữa sáng; một bát cơm nhạt vào bữa trưa; còn bữa tối chỉ đủ tiền ăn một bát lúa mì, cà rốt và đậu hũ tự làm. Người sống ở mức 2 AUD mỗi ngày không có tiền tắm nước nóng, lái xe hơi và bật ti-vi.
Điều đáng nói là, dù là người vô gia cư, phải nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc nhờ vào các bữa ăn miễn phí, nhưng mọi người đều được đối đãi tử tế, không bị kỳ thị hoặc coi thường. Nhân viên phân phối và người nhận đồ ăn, thức uống nói chuyện vui vẻ và tôn trọng lẫn nhau.
Đó có lẽ cũng là một trong những lý do giải thích vì sao người dân ở đất nước này cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình./.
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi - góp phần phát triển nông thôn bền vững ở An Giang  (19/07/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định bổ nhiệm chức danh tư pháp  (18/07/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu Lào  (18/07/2013)
Phó Chủ tịch nước thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị  (18/07/2013)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc tại Thanh Hóa  (18/07/2013)
Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho các ngư dân Việt Nam  (18/07/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay