Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với EU và những tác động đến kinh tế Việt Nam

PGS,TS. Phạm Thị Thanh Bình Viện Kinh tế và Chính trị thế giới
11:25, ngày 10-07-2013

TCCSĐT - Năm 1992, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thống nhất thành lập Hiệp định Thương mại tự do - FTA (Free Trade Agreement). Mặc dù là khu vực đi sau trong ký kết và tham gia các FTA, song ASEAN có quan niệm và chiến lược riêng để chọn lựa đối tác hợp tác. Mục tiêu chiến lược FTA của ASEAN là tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của ASEAN, thúc đẩy hiệu quả kinh tế trong một thị trường và cơ sở sản xuất đơn nhất. 


Chính sách Hiệp định Thương mại tự do của ASEAN 

Hiện ASEAN theo đuổi 2 chiến lược FTA chính: Thứ nhất, từng nước ký kết FTA độc lập với các đối tác (FTA song phương). Các FTA song phương thời gian gần đây nổi lên với phạm vi điều chỉnh rộng (bao gồm hầu hết các lĩnh vực, như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, mua sắm chính phủ...), mức độ tự do hóa cao và hình thành trên cơ sở liên kết giữa các đối tác thuộc các khu vực địa lý khác nhau, đặc biệt là giữa các nước phát triển và đang phát triển, ví dụ, FTA Ma-lai-xi-a - Úc; FTA Thái Lan - Mỹ; FTA Việt Nam - Hàn Quốc... 

Thứ hai, toàn khối ASEAN tham gia ký kết FTA (FTA đa phương). Hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài được triển khai từ giữa những năm 90 thế kỷ XX, chủ yếu là với các đối tác lớn, như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU). Hiện ASEAN đã thiết lập FTA với 6 đối tác lớn (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Niu-Di-lân và Ấn Độ). Đây là nền tảng quan trọng để ASEAN hướng tới những liên kết rộng mở hơn dựa trên sự duy trì vai trò trung tâm của ASEAN nhằm dẫn dắt tiến trình hội nhập và liên kết khu vực. 

FTA của ASEAN có 2 đặc điểm nổi bật: Một là, không nhiều các quốc gia ASEAN có khả năng đưa ra những yêu cầu cụ thể như các nước lớn, ví dụ việc loại trừ các hàng hóa nông nghiệp nhạy cảm như trường hợp Nhật Bản hoặc quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp Mỹ; hai là, khả năng thực thi FTA khác nhau trong các nước ASEAN. Xin-ga-po thực hiện nhiều FTA nhất trong khu vực (với 20 FTA được ký kết, 14 FTA đang đàm phán hoặc đề xuất). Ma-lai-xi-a đã ký kết và đang thực thi 2 FTA song phương và 4 FTA khu vực. Thái Lan cũng là quốc gia chủ động với FTA, trong khi chính phủ của các nước In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin và 4 quốc gia Đông Nam Á khác có ít cam kết FTA.

Mục đích chính sách FTA của ASEAN là: Thứ nhất, phục vụ lợi ích chính trị trong khu vực, như tăng uy tín, vai trò và năng lực đàm phán với các đối tác lớn mạnh khác trên thế giới; thứ hai, phục vụ lợi ích kinh tế như tăng quy mô kinh tế, tăng khả năng chuyên môn hóa; thứ ba, nhằm đạt được sự cân bằng tăng trưởng của khu vực Đông Á.

Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và EU

ASEAN và EU là hai thị trường lớn nhất thế giới với tiềm năng hợp tác đầu tư thương mại rất lớn. ASEAN với trên 600 triệu dân, được xem là khu vực kinh tế năng động, với mức tăng trưởng GDP hằng năm khá cao (thậm chí cả trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu). Đây chính là nhân tố quan trọng tác động đến mối quan hệ của ASEAN với các quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước thuộc khối EU. Châu Âu với dân số 500 triệu người có mức thu nhập đầu người cao, là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN (năm 2012), chiếm khoảng 11% thương mại của ASEAN, riêng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang EU chiếm tới trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn khối. EU vẫn tiếp tục là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của ASEAN.

Năm 2007, Hiệp định Thương mại tự do giữ ASEAN và EU (AEFTA) được khởi động nhằm ứng phó hiệu quả tình hình kinh tế thế giới đang ngày càng bất ổn. Quan hệ kinh tế ASEAN - EU càng được mở rộng và tăng cường với sự bắt đầu bởi các cuộc đàm phán FTA giữa hai bên. Ủy ban hỗn hợp gồm các quan chức cấp cao được thành lập để đưa ra phương thức, chương trình làm việc và các mốc thời gian cho những đàm phán FTA. Ủy ban hỗn hợp ASEAN - EU cũng tiến hành họp 7 lần để hoàn thiện những chi tiết cho các vòng đàm phán. Sáu nhóm chuyên gia đã được thành lập về các vấn đề dịch vụ và đầu tư, các quy tắc xuất xứ, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), hải quan và hỗ trợ thương mại, giải quyết tranh chấp...

Xin-ga-po không quá hấp dẫn với EU, bởi Xin-ga-po là thị trường mở và không phải là thị trường rộng lớn. Trong khi đó, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam vẫn là thị trường có tiềm năng rộng lớn hơn rất nhiều cho hợp tác đầu tư, mở rộng quan hệ thương mại trên lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và hàng loạt hoạt động khác. Vì vậy, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong đàm phán FTA với EU.
Năm 2011, nhằm xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai khu vực, ASEAN và EU đã thông qua Sáng kiến “Đối thoại thương mại ASEAN - EU” (TREATI - Trans-Regional European ASEAN Trade Initiatives). Sáng kiến này là cơ chế thảo luận chiến lược về các vấn đề kinh tế và thương mại. TREATI bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật và đặt nền móng cho sự phát triển của một hiệp định thương mại tự do của ASEAN và EU.

Tuy nhiên, sự đa dạng trong các nước thành viên ASEAN trên mọi khía cạnh (từ cơ cấu kinh tế, trình độ quản lý kinh tế, đến văn hóa, chính trị...) chính là những khó khăn, khiến quá trình đàm phán FTA giữa EU và ASEAN kéo dài. 

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ASEAN sẽ có mức tăng trưởng năng động nhất thế giới (khoảng 5,5%/năm) trong giai đoạn 2013 - 2017. Với sự năng động và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, ASEAN sẽ thu hút được sự quan tâm của các nền kinh tế lớn, các tổ chức kinh tế khu vực trên toàn cầu và ngày càng trở thành đối tác quan trọng của EU.

Năm 2013, ASEAN vẫn chủ trương tiếp tục tăng cường hợp tác với các nền kinh tế lớn, trong đó có EU, với ưu tiên là thúc đẩy các FTA song phương. Hiện một số nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) đang xúc tiến đàm phán FTA song phương với EU. Dự kiến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ hoàn thành vào năm 2014 và tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy đàm phán FTA giữa ASEAN và EU trong tương lai. FTA giữa ASEAN và EU sẽ tạo “đòn bẩy” giúp thúc đẩy tăng trưởng ở từng khu vực nói riêng và phục hồi tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu nói chung. 

Tác động Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và EU tới kinh tế Việt Nam

Đối với Việt Nam, EU là thị trường nước ngoài lớn (GDP hơn 17.000 tỷ USD) và quan trọng nhất trong hoạt động xuất khẩu. Năm 2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU lượng hàng hóa trị giá 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Khi FTA với EU được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía trong việc mở rộng thị trường và giảm thiểu những rào cản thương mại: Thứ nhất, Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận vào thị trường EU. Bởi, khi đàm phán FTA sẽ loại bỏ thuế quan đối với hơn 90 dòng thuế. Điều đó có nghĩa là hơn 90 dòng thuế và các mặt hàng liên quan sẽ dần dần hoặc ngay lập tức được hưởng mức thuế 0%. Thứ hai, hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam sẽ tăng lên, tạo sự cạnh tranh trên thị trường nội địa. Điều này sẽ có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam khi được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh. Thứ ba, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thu hút đầu tư từ các nước EU trong nhiều lĩnh vực, như nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, máy móc thiết bị.... Thứ tư, Việt Nam có lợi thế so với các nước ASEAN về chi phí lao động thấp và nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề trong một số ngành, như dệt may, da giày, công nghệ thông tin, viễn thông... Những lợi thế này tạo động lực tiếp tục thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam. Hiện EU có 1.781 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 33,4 tỷ USD. Năm 2012, mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, song EU đã đầu tư hơn 900 triệu USD trong tổng số 13 tỷ USD cam kết. Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp EU. Bên cạnh những thuận lợi từ AEFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: 

Một là, khả năng cạnh tranh sẽ khó khăn hơn. Khi AEFTA được ký kết thì mức thuế của cả hai phía giảm sẽ khiến giá hàng hóa từ EU giảm mạnh. Và hệ quả là việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được. 

Hai là, yêu cầu cao về chất lượng và kỹ thuật. Hàng hóa xuất sang EU yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật đặt doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn cần phải đầu tư phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng để đáp ứng.

Ba là, sản phẩm của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp và không có thương hiệu nên hiệu quả kinh tế không cao. Ví dụ, giày dép là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành da giày nhưng hầu hết không mang thương hiệu của Việt Nam và giá trị gia tăng cũng còn thấp vì chủ yếu là hàng gia công cho nước ngoài.

Bốn là, nguy cơ đối diện với chống bán phá giá. Khi hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU được đẩy mạnh thì nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ thường xuyên hơn và ở mức độ rộng hơn, trong khi đây là lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam ít kinh nghiệm xử lý. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời xây dựng tốt mối liên kết với nhau để cùng tìm cách khắc phục khó khăn thì những thách thức, bất lợi từ FTA giữa ASEAN và EU sẽ được giảm. 

Theo phân tích của TSIA(1), AEFTA sẽ tác động tích cực tới các lĩnh vực da giày, may mặc và thương mại dịch vụ của Việt Nam. Các lĩnh vực điện tử, máy móc, thiết bị và ô-tô sẽ gặp khó khăn. Hợp tác thương mại với EU thông qua đối thoại FTA sẽ hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam nói riêng và đưa lại cho các nước ASEAN nhiều cơ hội phát triển. Cụ thể, những tác động đến một số lĩnh vực như sau:

Tác động đến sản xuất lương thực: Do thị phần thương mại lương thực trong tổng thương mại giữa EU và ASEAN nhỏ nên tác động thực chất không nhiều. Tuy nhiên, khác với Thái Lan là nước sẽ được lợi khoảng 3%, Việt Nam sẽ phải chịu tác động nhiều nhất với việc giảm khoảng 11% - 26% sản lượng sản xuất lương thực và giảm khoảng 13% - 30% số lao động (cả tay nghề cao và lao động giản đơn). Thu nhập từ sản xuất lương thực sẽ giảm do sản lượng và giá đều giảm. Vì vậy, nông dân Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong khi người tiêu dùng được lợi vì giá giảm. Đối với ngành chế biến thực phẩm, ngoại trừ Thái Lan sẽ được hưởng lợi, các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam sẽ giảm sản xuất khoảng 15% - 33%.

Tác động đến hàng dệt may và giày dép: EU là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam và luôn chiếm tỷ trọng thị phần nhập khẩu lớn nhất. Năm 2012, toàn ngành xuất khẩu được 8,764 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu vào EU đạt 3,084 tỷ USD (chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành). Hoạt động trao đổi thương mại Việt Nam - EU trong ngành da giày chủ yếu được thực hiện qua hình thức các nước EU nhập khẩu giày dép, túi xách từ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ tư vấn, mua máy móc thiết bị (từ I-ta-li-a), da (từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha)... 

So với các nước trong khu vực ASEAN, ngành da giày của Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu vào thị trường EU, với nguồn lao động trẻ khéo tay và đặc biệt môi trường đầu tư, an ninh ổn định. Việc áp thuế phá giá đối với giày mũ da tại EU đã được bãi bỏ, tuy nhiên ngành cũng phải đối mặt với cạnh tranh mạnh từ các nước Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a.

Khi FTA giữa ASEAN và EU được ký kết sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành công nghiệp da giày Việt Nam. Việc cắt giảm thuế từ 12,4% xuống còn 0% sẽ tạo cho ngành da giầy có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác với chi phí phù hợp, tăng khả năng cạnh tranh, hướng đến sự phát triển bền vững.

Theo tính toán, FTA giữa ASEAN và EU sẽ rất có lợi cho hầu hết tất cả các nước ASEAN trong lĩnh vực giày dép, trong đó sản xuất giày dép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 150% và số lao động trong lĩnh vực này sẽ tăng khoảng 133% (được lợi nhất trong các nước ASEAN) và sản xuất hàng may mặc tăng khoảng 15% (mức tăng thấp nhất trong các nước ASEAN). Trong ngành dệt, sản xuất của Việt Nam sẽ giảm 17% và lao động sẽ giảm 23,3% là mức giảm lớn nhất trong các nước ASEAN.

Tác động đến ngành sản xuất ô-tô và phụ tùng: Do thương mại ban đầu (trước khi có FTA) của ngành sản xuất ô-tô và phụ tùng thấp, Việt Nam sẽ bị giảm sản xuất nhiều nhất (khoảng 28% - 47%) và giảm doanh thu khoảng 35%, trong khi xuất khẩu của Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin và Thái Lan sẽ tăng mạnh.

Tác động đến dịch vụ tài chính và bảo hiểm: Việt Nam (tương tự Thái Lan) có thuận lợi trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nhưng sẽ gặp khó khăn trong dịch vụ bảo hiểm. FTA sẽ không tác động nhiều đến giá dịch vụ tài chính, nhưng giá bảo hiểm ở Việt Nam sẽ tăng, tác động tiêu cực đến dịch vụ bảo hiểm là sẽ làm giảm khoảng 25% lao động ở Việt Nam.

Tác động đến ngành thủy sản: Mặc dù tác động của FTA tới thủy sản không nhiều như đối với những lĩnh vực khác, nhưng do thuỷ sản là ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam (trong khi EU là một trong các thị trường nhập khẩu lớn nhất) nên tác động của FTA tới ngành thủy sản sẽ lớn. Trong dài hạn, lao động trong ngành thủy sản của Việt Nam giảm 0,3% - 3% .

Tóm lại, tham gia ký kết các FTA tạo điều kiện ASEAN mở rộng xuất khẩu, đồng thời tạo sức ép để tăng cường hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh, cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp lý cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. FTA giúp ASEAN củng cố quan hệ an ninh chính trị với các đối tác, đặc biệt là các nước lớn. Nhưng, tham gia nhiều FTA sẽ tạo nên quá nhiều cam kết và quy định đan xen, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách thương mại quốc gia và thực thi các cam kết của FTA. Đặc biệt, các FTA giữa các nước thành viên ASEAN với bên ngoài gia tăng sẽ làm cho khu vực ASEAN vốn chênh lệch về trình độ kinh tế có xu hướng ngày càng dãn cách hơn. Điều này làm suy giảm khả năng liên kết và hợp tác ASEAN. Tuy nhiên, nếu không gia nhập vào xu thế này, ASEAN sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử và nguy cơ đối mặt với hiệu ứng “chệch hướng thương mại” khiến các ngành xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh không phát huy được hiệu quả.

AEFTA đang được các bên tập trung thúc đẩy đàm phán nhằm tạo khung pháp lý đẩy mạnh quan hệ song phương. ASEAN cũng tích cực hướng tới xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015 và điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn vì không chỉ đem lại lợi ích cho từng khu vực, mà còn tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.

----------------------------------------------

(1) TSIA là Nghiên cứu chung của nhóm quốc tế các công ty và viện nghiên cứu, gồm ECORYS Niu-Di-lân, BV của Hà Lan, the CES của Thái Lan, Rajah & Tann của Xin-ga-po, PT Inacon của In-đô-nê-xi-a và Mekong Economics của Việt Nam.