Nội chiến Xy-ri: dân khổ, cộng đồng quốc tế lo lắng, chia sẻ
TCCSĐT - Hơn hai năm qua, cuộc nội chiến ở Xy-ri không chỉ gây tổn thất về người và của mà ngày càng có nguy cơ lan rộng sang 5 nước láng giềng gần nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Li- băng, I-xra-en, I-rắc và Gioóc-đa-ni, đe dọa gây bất ổn nghiêm trọng về an ninh, chính trị của các nước này.
Xung đột lan rộng, dòng người tị nạn kéo dài
Từng là đồng minh của Xy-ri, Thổ Nhĩ Kỳ đã quay lưng lại với Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad) chỉ trong vòng vài tháng sau khi xung đột nổ ra, công khai lên án phản ứng tàn bạo của Chính phủ Xy-ri đối với cuộc nổi dậy làm hơn 82.000 người thiệt mạng và 12.500 người khác mất tích (tính đến tháng 5-2013).
Thổ Nhĩ Kỳ cho phép phe đối lập cả về chính trị và quân sự của Xy-ri đóng quân trên lãnh thổ của mình, cung cấp chốn ẩn náu cho những kẻ đào ngũ và là kênh cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Xy-ri. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần kêu gọi Tổng thống B. Át-xát từ chức và thiết lập một khu vực an toàn cho người tị nạn Xy-ri trong chính lãnh thổ của nước này.
Trong hơn hai năm xảy ra nội chiến, hàng trăm nghìn người Xy-ri đã đổ xô sang khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Xy-ri để tìm nơi trú ẩn. Cuộc chiến càng kéo dài, dòng người tị nạn đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ càng đông. Hiện đã hình thành một nhóm lớn những người Cuốc (Kurd) theo chính sách ly khai ở Đông Bắc Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên lo ngại những người Cuốc này sẽ tiến tới thành lập một khu tự trị tại đó.
Căng thẳng giữa Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ còn ngày càng leo thang bởi những vụ nã pháo liên tục từ Xy-ri vào khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ; bắn rơi một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ trong không phận Xy-ri hồi tháng 6-2012, làm phi hành đoàn thiệt mạng.
Giữa tháng 5-2013, hai xe bom phát nổ tại thị trấn Rây-han-li (Reyhanli), gần một cửa khẩu biên giới giữa Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ, làm ít nhất 50 người thiệt mạng và 100 người bị thương. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bu-len A-rin (Bulent Arinc) cho rằng Chính phủ của Tổng thống Xy-ri B. A-xát là “nghi can thường lệ” trong những vụ tấn công kiểu này, đặc biệt vì những người Xy-ri trốn chạy khỏi cuộc nội chiến hiện đang sống tại tỉnh Ha-tay (Hatay) của Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng “đã trở thành mục tiêu” của chế độ Đa-mát (Damascus).
Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ lo sợ khả năng quân nổi dậy Xy-ri với sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hóa học để chống lại nước này, trong đó có việc triển khai tên lửa patriot dọc theo biên giới giữa hai nước.
Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà nước láng giềng Li-băng cũng chịu tác động nặng nề, thậm chí được coi là nặng nề nhất, do nội chiến Xy-ri với những căng thẳng sắc tộc ngày càng trầm trọng và chiến sự lan khắp biên giới hai nước.
Hồi tháng 5-2013, quân đội Xy-ri đã tràn vào chiếm cứ điểm của quân nổi dậy ở Qusai (Qusair) - thị trấn nằm cách biên giới với Li-băng chỉ 10km và nằm gần với tuyến đường viện trợ huyết mạch cho cả quân chính phủ và phiến quân. Đây được xem là trọng điểm chiến sự giữa quân nổi dậy và quân chính phủ được các chiến binh Héc-bô-la, lực lượng Hồi giáo Si-a (Shia) ở Li-băng có liên hệ với I-ran, giúp sức.
Sau nhiều tuần phải “hứng chịu” những giao tranh giữa quân chính phủ và quân nổi dậy của Xy-ri, Qusai - thị trấn sầm uất trước đây với 30.000 dân - giờ chỉ còn là một nơi bỏ hoang. Hội Chữ thập Đỏ quốc tế cho biết thị trấn này đang thiếu thốn lương thực, nước uống và thuốc men, hàng trăm người bị thương cần được hỗ trợ.
Những ngôi làng biên giới của những người Li-băng trong Nhóm Hồi giáo Xăn-ni (Sunni) còn là điểm trung chuyển quan trọng các chiến binh và vũ khí cho phiến quân của Xy-ri. Chưa kể, Li-băng, nơi ẩn náu của gần 500.000 dân tị nạn Pa-lét-xtin, nay lại trở thành “nhà chung” của hàng nghìn người tị nạn Xy-ri. Điều này đang tạo ra những căng thẳng xã hội và tạo thêm áp lực lên kết cấu hạ tầng và nguồn lực của Li-băng.
Li-băng là một trong những nước chịu tác động nặng nề vì nội chiến Xy-ri |
Cũng như nhiều nước trên thế giới, I-xra-en theo dõi mọi sự kiện tại Xy-ri rất sát sao bởi những thay đổi về chế độ tại nước này sẽ kéo theo những chuyển biến lớn tại I-xra-en. Mặc dù về mặt kỹ thuật, I-xra-en và Xy-ri vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1948 song biên giới giữa hai nước đã bình thường hóa kể từ cuộc chiến cuối cùng năm 1973. Nội chiến Xy-ri đã thay đổi hiện trạng yên tĩnh đó bằng việc nã pháo và đại bác vào cao nguyên Gô-lan mà I-xra-en chiếm từ tay Xy-ri trong cuộc chiến năm 1967, khiến quân đội I-xra-en phải đáp trả bằng vũ lực.
I-xra-en liên tục nhấn mạnh rằng, nước này sẽ hành động nếu cảm thấy vũ khí của Xy-ri, dù là thông dụng hay hóa học, đang được vận chuyển đến cho các nhóm vũ trang trong khu vực, đặc biệt là Héc-bô-la (Hezbollah) . Do đó, nước này đã không ngần ngại tấn công các đoàn chuyển vũ khí được cho là để vũ trang cho Héc-bô-la. Ví như ngày 03-5, một số nguồn giấu tên từ các quan chức I-xra-en cho hay máy bay I-xra-en đã tấn công vào một đoàn xe chở tên lửa trong địa phận Xy-ri.
I-xra-en cũng lấy làm lo ngại về vụ Nga chuyển giao cho Xy-ri S-300 - hệ thống tên lửa đất đối không có khả năng tấn công máy bay và đấu với tên lửa đạn đạo và việc vũ khí hóa học của Xy-ri rơi vào tay của các phiến quân. Bởi động thái này sẽ làm cho các cuộc không kích vào các đoàn chở vũ khí cho Héc-bô-la trở nên khó khăn hơn và về mặt lý thuyết nếu có chiến tranh hỏa tiễn của Xy-ri có thể đi sâu hơn vào lãnh thổ I-xra-en. Ngoài ra, nếu chính quyền của ông B. Át-xát sụp đổ, các nhóm cực đoan, trong đó có những nhóm có liên hệ với tổ chức khủng bố An Kê-đa, có nguy cơ sẽ tổ chức tấn công quân đội I-xra-en trên cao nguyên Gô-lan.
Nội chiến Xy-ri không chỉ làm gia tăng xung đột biên giới ở Thổ Nhĩ Kỳ, gây thiệt hại nặng nề cho Li-băng và I-xra-en mà hiện đang đe dọa làm gia tăng bất ổn ở I-rắc, nơi mà bạo lực sắc tộc đã leo thang lên đến đỉnh điểm trong vài năm vừa qua. Cuộc chiến chống lại Tổng thống B. Át-xát của đại đa số những người Xăn-ni đã thôi thúc những người thiểu số Xăn-ni ở I-rắc, bởi những người này cho rằng Chính phủ đã phân biệt đối xử và đẩy họ ra ngoài xã hội. Những người Xăn-ni đã hình thành một nhóm lớn tại các tỉnh phía Tây I-rắc, trên khu vực biên giới với Xy-ri. Chính phủ I-rắc lo ngại rằng những khu vực này có thể trở thành “thiên đường an toàn” cho những phiến quân Xăn-ni có quan hệ với An Kê-đa.
Hàng nghìn chiến binh Si-a từ I-rắc được cho là đã sang Xy-ri để chiến đấu với quân đội của Tổng thống B. Át-xát. Về mặt chính trị, Chính phủ của Thủ tướng I-rắc Nu-ri An Ma-li-ki (Nouri al-Maliki) đa phần ủng hộ ông B. Át-xát, song sự nổi dậy của những người Xăn-ni thù địch có thể làm cho tình hình nghiêng về hướng bất lợi hơn đối với I-rắc. Các quan chức I-rắc lo sợ rằng nếu chính quyền của ông B. Át-xát sụp đổ, việc giữ cho các tỉnh phía Tây nước này khỏi ảnh hưởng của các tổ chức khủng bố như Ha-mát, An Kê-đa, Ta-li-ban,… sẽ trở nên khó khăn bội phần.
Cùng chung hoàn cảnh với những người hàng xóm khác của Xy-ri, I-rắc cũng đang là nơi trú chân của hàng nghìn người tị nạn Xy-ri, có thể làm cho tình hình an ninh của I-rắc thêm bất ổn, mối quan hệ của các bộ lạc cũng có thể sẽ vươn ra ngoài khu vực biên giới. Đó là lý do vì sao sự ổn định của Xy-ri lại có vai trò quan trọng với I-rắc.
Là một trong những nước láng giềng thân thiết của Xy-ri, Gioóc-đa-ni và Xy-ri có những mối ràng buộc khăng khít trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế cho đến giáo dục.
Trong lĩnh vực kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Xy-ri và Gioóc-đa-ni đạt 0,6 tỷ USD năm 2010. Về giáo dục, hiện hàng trăm sinh viên Gioóc-đa-ni đang theo học tại các trường đại học của Xy-ri; chưa kể hai nước còn “gắn bó” bởi nhiều mối quan hệ bộ tộc và gia đình.
Nhưng Gioóc-đa-ni cũng là đồng minh tin cậy của các nước phương Tây và năm 1994 trở thành nước thứ hai trong Liên minh A-rập, sau Ai Cập, ký thỏa thuận hòa bình với I-xra-en, để mình Xy-ri đơn độc trong nỗ lực giành lại cao nguyên Gô-lan.
Tháng 11-2011, Quốc vương Gioóc-đa-ni Áp-đu-la II (Abdullah II) là nhà lãnh đạo đầu tiên trong thế giới A-rập nói rằng Tổng thống B. Át-xát nên từ chức, nhưng cũng chỉ nói một cách rất cẩn trọng rằng nếu ông ở vị trí của ông B. Át-xát thì sẽ làm thế.
Về cơ bản, Gioóc-đa-ni là đất nước của người Hồi giáo Xăn-ni, trong khi đa số những người Xăn-ni tại Xy-ri lại bị kiểm soát bởi chính quyền của cộng đồng thiểu số người Hồi giáo A-la-uýt (Alawite). Trong quá khứ, Xy-ri từng cáo buộc Gioóc-đa-ni đã kích động “sự bất ổn” này của những người Xăn-ni.
Chủ trương của các quan chức Gioóc-đa-ni là không can thiệp vào nội bộ Xy-ri, nhưng nhiều nguồn tin vẫn cho rằng một số nước ở vùng Vịnh đã mua vũ khí hạng nhẹ cho phiến quân Xy-ri thông qua Gioóc-đa-ni.
Gioóc-đa-ni cũng là nơi lánh nạn của gần 500.000 người tị nạn Xy-ri (tính đến tháng 5-2013). Liên hợp quốc cho rằng con số này có thể tăng lên gấp ba lần vào cuối năm nay.
Hỗ trợ khẩn cấp cho Xy-ri
Trước tình hình chiến sự ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng sang các nước láng giềng, các ngoại trưởng Liên đoàn A-rập (AL) ngày 05-6 đã kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Xy-ri và một chính phủ chuyển tiếp có đầy đủ quyền lực tại quốc gia Trung Đông này.
Một nghị quyết được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp của các ngoại trưởng AL ở Cai-rô (Ai Cập) khẳng định giải pháp chính trị là biện pháp duy nhất để giúp Xy-ri thoát khỏi tình trạng hiện nay, đồng thời bày tỏ quan ngại trước tác động của cuộc xung đột vũ trang đối với thường dân ở nước này.
Nghị quyết cũng nhắc lại quan điểm gần đây của AL về việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, hối thúc “thành lập một chính phủ chuyển tiếp” nhằm mở đường cho “quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình”.
Bên cạnh đó, văn kiện do Ủy ban Ngoại trưởng A-rập soạn thảo, sẽ được trình bày trước Hội nghị Giơ-ne-vơ về Xy-ri trong thời gian tới, còn kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri về mặt chính trị nhằm bảo vệ cấu trúc nhà nước Xy-ri, sự đoàn kết của người dân cũng như an ninh khu vực.
Tổng Thư ký AL N. A-ra-bi (Nabil al-Arabi) nhấn mạnh tính cấp thiết của việc duy trì các nỗ lực nhằm tổ chức Hội nghị Giơ-ne-vơ về Xy-ri, đồng thời cho biết một cuộc họp trù bị sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 này.
Theo ông N. A-ra-bi, tương lai của Tổng thống B. Át-xát sẽ do người dân Xy-ri thảo luận và quyết định, còn chính phủ chuyển tiếp sẽ phải có đầy đủ quyền lực đối với các thể chế nhà nước mà không có sự can thiệp của Tổng thống B. Át-xát.
Ngoài ra, các ngoại trưởng AL còn lên án mọi sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc xung đột ở Xy-ri, đặc biệt là của phong trào Hồi giáo Héc-bô-la tại Li-băng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Xy-ri đã ra tuyên bố khẳng định Đa-mát không quan tâm đến bất kỳ quyết định nào của AL, đồng thời nhấn mạnh “AL sẽ không đóng góp phần nào trong cuộc khủng hoảng tại Xy-ri... và mọi cuộc họp của AL chẳng qua chỉ là nhằm hợp thức hóa sự tồn tại của tổ chức này”.
Mới đây, ngày 17-6, phát biểu tại cuộc họp báo chung bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) đang diễn ra ở Bắc Ai-len (Anh), Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Tổng thống Nga V. Pu-tin (Vladimir Putin) cùng tuyên bố sẽ xúc tiến tổ chức hội nghị hòa bình về Xy-ri ở thành phố Giơ-ne-vơ của Thụy Sỹ.
Tổng thống V. Pu-tin nêu rõ tuy Nga và Mỹ chưa hoàn toàn đồng nhất quan điểm, nhưng đều muốn chấm dứt bạo lực ở Xy-ri, chấm dứt thực trạng nạn nhân xung đột tiếp tục gia tăng; muốn giải quyết các vấn đề ở Xy-ri thông qua biện pháp hòa bình, bao gồm hội nghị ở Giơ-ne-vơ và sẽ hối thúc các bên liên quan ngồi vào bàn thương lượng.
Hai nhà lãnh đạo dự định gặp lại nhau ở thành phố Mát-xcơ-va của Nga vào tháng 9 tới và nhất trí yêu cầu các nhóm làm việc của hai bên chuẩn bị cho Hội nghị Giơ-ne-vơ.
Về tình hình người tị nạn Xy-ri, Liên hợp quốc ngày 07-6 đã ra lời kêu gọi đóng góp khoản viện trợ kỷ lục 5,2 tỷ USD để tài trợ cho các hoạt động nhân đạo giúp đỡ người dân Xy-ri trong bối cảnh số người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở nước này ngày càng tăng.
Theo UNHCR, đến cuối năm nay, số người tị nạn Xy-ri có thể lên tới 3,45 triệu người |
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoản viện trợ 5,2 tỷ USD là số tiền cần để trang trải cho các hoạt động hỗ trợ người Xy-ri ở nước này và ở các nước láng giềng trong cả năm nay.
Trong khoản viện trợ này, 3,8 tỷ USD sẽ dành để giúp người tị nạn Xy-ri chạy trốn khỏi cuộc xung đột sang các nước láng giềng và 1,4 tỷ USD dành cho các hoạt động hỗ trợ tại Xy-ri.
Số tiền này vượt xa con số 2,2 tỷ USD mà Liên hợp quốc từng kêu gọi năm 2003 để đối phó với cuộc khủng hoảng do cuộc chiến tranh ở I-rắc gây ra.
Số tiền kêu gọi mới nhất này cũng cao hơn nhiều so với 1,5 tỷ USD mà Liên hợp quốc trước đó cho rằng cần để trang trải cho các hoạt động ở Xy-ri trong năm nay. Kể từ khi đưa ra lời kêu gọi tháng 12 năm ngoái, đến nay Liên hợp quốc đã nhận được 1 tỷ USD.
Theo UNHCR, số tiền kêu gọi kỷ lục nói trên như hồi chuông về tình trạng mà người dân Xy-ri đang phải đối mặt cũng như sự cấp thiết về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này.
Theo dự đoán của UNHCR, đến cuối năm nay, số người tị nạn Xy-ri có thể lên tới 3,45 triệu người, trong khi ngay tại Xy-ri, số người cần viện trợ hiện là khoảng 6,8 triệu người, với dự báo số người cần viện trợ đến cuối năm nay có thể chiếm 1/2 dân số. Dân số của Xy-ri trước chiến tranh là 20,8 triệu người./.
Tuyên bố chung Việt Nam - Thái Lan  (26/06/2013)
Đảm bảo dân chủ, thận trọng lấy tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân  (26/06/2013)
“Bốn yêu”  (26/06/2013)
“Bốn yêu”  (26/06/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên