Giữa tiếp tục và thay đổi

Phan Lang
22:43, ngày 12-05-2013

TCCSĐT - Kết quả cuộc bầu cử quốc hội mới rồi ở Ma-lai-xi-a đã làm bên thắng cử là Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) và Thủ tướng Ma-lai-xi-a Ni-gíp Ra-dắc (Najib Razak) hài lòng nhưng lại không thể mãn nguyện. Kết quả đó cũng khiến phe đối lập trong Liên minh Nhân dân (PR) thất vọng nhưng không đến mức bi quan.

Phe chính phủ thắng cử và vẫn tiếp tục cầm quyền kể từ khi lập quốc năm 1957 đến nay nhưng không đạt được kết quả bầu cử như trong cuộc tổng tuyển cử trước đó vào năm 2008 và lại càng không giành được đa số hơn hai phần ba trong Quốc hội như đã từng có suốt 56 năm cầm quyền liên tục đến nay.

Phe đối lập do cựu Phó Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Tài chính An-oa I-bra-him (Anwar Ibrahim) đứng đầu dù không đạt được mục tiêu thay đổi chính phủ, nhưng cũng đã giành về số ghế dân biểu nhiều hơn so với lần trước và đặc biệt là giành được nhiều phiếu bầu của cử tri hơn phe Liên minh chính phủ.

Trong cuộc tổng tuyển cử này, Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) cầm quyền đã giành chiến thắng với 133/222 ghế quốc hội7 để thành lập chính phủ liên bang, trong khi Liên minh Nhân dân (PR) giành được 89 ghế. Chiều 6-5, tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Cua-la Lăm-pơ, Thủ tướng Na-gíp Ra-dắc đã chính thức tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Quốc vương Áp-đun Ha-lim Mu-a-dam Sa (Abdul Halim Mu'adzam Shah).

Kết quả bầu cử này cho thấy, chính trường Ma-lai-xi-a sẽ còn nhiều sóng gió bởi sự đấu tranh giữa việc tiếp tục những chính sách như từ trước tới nay hay phải thay đổi đã trở nên không còn có thể tránh khỏi được nữa trong tương lai; giữa liên minh chính phủ tiếp tục cầm quyền và phe đối lập ngày càng thêm mạnh; giữa ổn định chính trị cùng với tăng trưởng kinh tế và đòi hỏi ngày càng tăng về chuyển biến xã hội.

Trên chính trường Ma-lai-xi-a, sự phân cực đã trở nên sâu sắc và mức độ đối kháng sẽ còn quyết liệt hơn khi phe chính phủ và phía đối lập đã trở thành kỳ phùng địch thủ của nhau. Trong xã hội, sự phân hóa giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo cũng như giữa vùng nông thôn và thành thị cũng có chiều hướng gia tăng.

Trong khi liên minh chính phủ giành được sự hậu thuẫn của cộng đồng người Ma-lai và ở vùng nông thôn thì phe đối lập lại tranh thủ được sự hậu thuẫn của cộng đồng người Hoa và người Hin-di cũng như của tầng lớp trí thức và trung lưu ở khu vực thành thị. Cuộc bầu cử quốc hội này vì thế trở thành cuộc bỏ phiếu lựa chọn giữa sự ổn định và thay đổi, giữa liên tục và đột biến.

Trong khi phe đối lập từ sau cuộc bầu cử này có thể tiếp tục đường hướng chính sách và phương cách hoạt động như lâu nay thì phe liên minh cầm quyền không thể chỉ tiếp tục đường lối chính sách như trước. Họ đã buộc phải nhận thức ra rằng, chỉ có ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế không thôi về lâu dài không thể đảm bảo được chắc chắn là vị thế cầm quyền sẽ được duy trì trong những lần tổng tuyển cử tới.

Tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao chưa từng thấy vừa có lợi lại vừa bất lợi đối với cả hai phía. Cộng đồng người Ma-lai đông nhất nên rất có lợi cho phe liên minh chính phủ cầm quyền. Nhưng diện cử tri trẻ, đặc biệt gần 3 triệu cử tri trong tổng số hơn 11 triệu cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu lại có lợi cho phe đối lập nhiều hơn. Họ là bộ phận hùng hậu nhất trong lực lượng muốn có thay đổi cơ bản về chính trị và xã hội hiện tại ở Ma-lai-xi-a.

Cho nên thách thức lớn nhất đối với liên minh Mặt trận quốc gia và Thủ tướng Na-gíp Ra-dắc trong nhiệm kỳ cầm quyền này không chỉ duy trì tăng trưởng kinh tế mà trước hết là vượt qua sự phân cực trên chính trường và khắc phục sự phân hóa trong xã hội về sắc tộc và tôn giáo, về vùng miền và thế hệ. Gột bỏ tai tiếng về tham nhũng va xóa bỏ hình ảnh về sự không công bằng trong xã hội và phân biệt đối xử về sắc tộc cũng như tôn giáo là những việc cấp thiết phải làm đối với liên minh này và ông N. Ra-dắc.

Cái thời liên minh chính phủ có được đa số áp đảo hơn hai phần ba trong nghị viện đã qua và chắc sẽ không bao giờ trở lại nữa với liên minh này nên mục tiêu chính cũng như lợi ích tối thượng của Mặt trận quốc gia và ông N. Ra-dắc là bảo vệ vị thế cầm quyền ở Ma-lai-xi-a. Bảo đảm tính liên tục về tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị là cần thiết đối với Chính quyền Ma-lai-xi-a hiện nay, nhưng nếu không chủ động tự điều chỉnh và thay đổi ở những lĩnh vực chính sách cần phải thay đổi thì rồi Chính quyền đó không thể tránh khỏi sẽ bị thay đổi./.