17 năm qua, hoạt động đầu tư nước ngoài đã có những tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Do vậy, nhiều hoạt động nghiên cứu về vấn đề này đã và đang được thực hiện rất đa dạng. Trong đó, vấn đề " thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài " được giới nghiên cứu, các nhà quản lý quan tâm và đề tài cấp Nhà nước "Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Vị trí, vai trò của nó trong nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là một trong những đề tài chuyên sâu rất có ý nghĩa. Trong khuôn khổ đề tài này, ngày 9-7- 2004, tại Hà Nội, đã diễn ra một cuộc hội thảo, với sự tham dự của nhiều chuyên gia về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, do PGS.TSKH Nguyễn Bích Đạt (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ nhiệm đề tài) chủ trì .

Gợi ý thảo luận, bài phát biểu đề dẫn nêu 4 nhóm vấn đề là :

1. Hiểu thế nào là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài? Những đặc trưng nào thể hiện cho khu vực kinh tế này ? Giữa quan niệm của V.I.Lê-nin về xuất khẩu tư bản với khái niệm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay có mối liên hệ như thế nào, có gì giống và khác nhau?

2. Những nguyên nhân nào dẫn đến sự phát triển của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài? Giữa cách luận giải của V.I. Lê-nin trước đây về nguyên nhân và mục đích của xuất khẩu tư bản với cách luận giải hiện nay về nguyên nhân và mục đích đầu tư nước ngoài có gì giống và khác nhau?

3. Có nên quan niệm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là một thành phần kinh tế hay không ? Nếu là một thành phần kinh tế thì mối quan hệ giữa nó với thành phần kinh tế tư bản nhà nước hiện nay như thế nào, liệu có gì trùng lặp không?

Với tư cách là một thành phần kinh tế, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có những đặc trưng gì về sở hữu, quản lý và phân phối? Vị trí, vai trò của nó như thế nào đối với các thành phần kinh tế khác cũng như trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam?

4. Sự phát triển của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong những năm qua tuy đạt được những thành công nhất định, nhưng còn có hạn chế về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Vậy những nguyên nhân chủ quan và khách quan nào dẫn đến các hạn chế đó?

Các nguyên nhân như môi trường pháp lý, môi trường kinh tế, cơ chế chính sách, công tác tổ chức quản lý hiện nay có những vấn đề gì đang đặt ra cần giải quyết để tăng quy mô, chất lượng và hiệu quả của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài?

Những nội dung trên cho thấy, nhiều vấn đề cần phải lý giải và theo một cách tiếp cận khác thì có tới 10 vấn đề mà các đại biểu tập trung thảo luận. Tuy chưa phân tích thấu đáo các nội dung đã đặt ra song hội thảo đã gợi ra một số nhận thức mới, một số vấn đề cần quan tâm:

1. Nhận thức về đầu tư, nhất là đối với đầu tư gián tiếp còn ít được quan tâm. Vì thế, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thời điểm suy giảm và việc khai thác đầu tư gián tiếp chưa đạt hiệu quả cao. Vấn đề này được PGS. Đỗ Đức Định (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới) trình bày khá rõ và đề cập trong báo cáo "Nhận thức về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá ".

2. Nguyên nhân của sự giảm sút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy một số chính sách của Việt Nam chưa phù hợp với thực tiễn thị trường đầu tư ở Đông Á nhưng đang từng bước được điều chỉnh để tăng thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Song xét về tổng thể, hiện nay Việt Nam là nơi đầu tư an toàn nên đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, trong đó các đối tác chính vẫn thuộc khu vực ở châu Á. Đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... , trong đó Đài Loan dẫn đầu với 151 dự án mới thông qua, và tổng vốn đầu tư hơn 293 triệu USD, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ 2, với gần 250 triệu USD vốn đăng ký mới.

Năm 2003, là năm có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động đầu tư nước ngoài. Dự báo năm 2004, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có khả năng sôi động và đạt kết quả tích cực. Đáng chú ý là xu hướng điều chỉnh tăng vốn của các dự án đầu tư nước ngoài nhằm mục tiêu mở rộng sản xuất, kinh doanh.

3. Tác dụng của đầu tư trực tiếp nước ngoài.Năm 2003, nhờ số vốn mới đưa vào thực hiện, nền kinh tế đã có thêm năng lực sản xuất, nâng cao một phần sức cạnh tranh thông qua những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao để đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, như: ôtô, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, dây điện và nhất là dầu thô. Cộng đồng nhà đầu tư cũng đã kịp tạo lập vị trí và thể hiện khá rõ thế mạnh của mình qua các sản phẩm hoặc ngành, lĩnh vực nổi tiếng. Trong đó, Nhật Bản có nhiều dự án về chế tạo cơ khí, ôtô, thiết bị thi công công trình giao thông; Hàn Quốc tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất hàng điện tử bán dẫn gia dụng, dệt may, phụ tùng sản phẩm công nghiệp; Đài Loan chuyên về chế biến nông nghiệp, thủy sản, dệt may và da giày; Anh, Pháp lại mạnh về lĩnh vực dầu khí.

Nhìn chung, đầu tư nước ngoài đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các dự án đầu tư nước ngoài đã làm thay đổi dần đời sống sản xuất, kinh doanh của địa phương, có tác dụng kích thích sản xuất của các thành phần kinh tế khác phát triển. Bên cạnh đó, kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng khả quan trong năm 2003 và được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá là “… Có sự chuyển biến mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng cao hơn các thành phần kinh tế khác”. Cụ thể, năm 2003, doanh thu của khu vực này đạt 16 tỉ USD, tăng hơn 30% so với năm trước, trong đó riêng doanh thu xuất khẩu đạt 6,3 tỉ USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhờ những kết quả trên nên khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 14,3% GDP cả nước. Trên 4.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 700 ngàn lao động trong nước, chưa kể những lao động gián tiếp tại các vùng nguyên liệu trên phạm vi toàn quốc. Các dự án đầu tư nước ngoài đã khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng, làm thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương cũng như vùng lãnh thổ, tạo cơ hội đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết kinh tế trong phạm vi tỉnh, thành phố. Năm 2003, một số địa phương đã tăng cường xúc tiến đầu tư với hoạt động xúc tiến trực tiếp ở cả trong, ngoài nước và thu được những kết quả tích cực, như Nghệ An, Quảng Nam, Bình Dương…

Góp phần làm rõ vấn đề này có các báo cáo: "Vai trò của đầu tư nước ngoài (chủ yếu là đầu tư trực tiếp) trong nền kinh tế nói chung và trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng"; "Đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phát triển kinh tế "; "Quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài với việc phát triển kinh tế bền vững, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài với tăng trưởng kinh tế bền vững"; "Đầu tư nước ngoài ở các nước và Việt Nam: xu hướng, vai trò và các yếu tố tác động mới ".

4. Về sở hữu và thành phần kinh tế. Đây là vấn đề liên quan nhiều mặt đến khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nên được Hội thảo bàn luận sâu. Tuy cách xác định còn phải tiếp tục nghiên cứu nhưng nhiều ý kiến thống nhất về cách gọi: "Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ".

Đề cập vấn đề này, có các báo cáo: "Đầu tư nước ngoài với tư cách là một thành phần kinh tế và quan hệ của nó với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế"; "Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quan hệ của nó với các thành phần kinh tế khác"...

5. Giải pháp nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những trọng tâm của Hội thảo và được xem xét dưới nhiều góc độ, thể hiện trong các báo cáo:"Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam- thành quả và việc hoàn thiện chính sách"; "Thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - các giải pháp thực tiễn"; "Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam"...

Có thể khái quát 6 giải pháp cơ bản như sau:

* Giải quyết một cách cơ bản vấn đề nhận thức còn khác nhau về thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

* Khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo sức mạnh cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới (bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp lý, thực hiện lộ trình giảm chi phí đầu tư).

* Cụ thể hoá các định hướng toàn diện về thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, sớm bổ sung các quy hoạch còn thiếu và nâng cao chất lượng của các quy hoạch.

* Đa dạng hóa hình thức và mở rộng lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vận động và xúc tiến đầu tư.

* Phát triển thị trường lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

* Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Có thể khẳng định, đề tài KX 01.05 (Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài : vị trí, vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) là đề tài có tính lý luận và thời sự. Trong đó, có nội dung được nghiên cứu kỹ và khá thống nhất về nhận định, như tác dụng của đầu tư nước ngoài là tích cực và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có mối quan hệ chặt chẽ với các khu vực kinh tế khác, ngày càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng còn có nội dung chưa được hoàn toàn khẳng định, đó là bỏ sự phân loại thành phần kinh tế…Cuộc hội thảo nói riêng và kết quả nghiên cứu của đề tài nói chung đã có đóng góp tích cực vào hoạt động lý luận, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.