Chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam 2003 - khâu đột phá trong thị trường khoa học và công nghệ
Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, là giải pháp có tính đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ, hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết luận về khoa học và công nghệ của Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX) chỉ rõ, cần tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Rà soát các cơ chế, chính sách hiện có và xây dựng cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và thường xuyên đổi mới công nghệ, thúc đẩy các hoạt động thị trường khoa học và công nghệ. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Chủ trương đó của Đảng đã và đang được các nhà khoa học, giới sản xuất, kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đặc biệt quan tâm, tìm các biện pháp triển khai trong cuộc sống. Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003, sau một thời gian chuẩn bị hết sức khẩn trương và trong 3 ngày (13-15/10) đã diễn ra sôi động và kết thúc tốt đẹp với kết quả vượt các dự kiến ban đầu. Sự kiện này đánh dấu bước đột phá quan trọng, sự khởi phát đáng mừng của thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta.
Chợ có ý nghĩa to lớn trong việc tạo sự liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu - phát triển, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội; tạo lực kéo từ thị trường đối với hoạt động khoa học và công nghệ và phát huy lực đẩy từ các công nghệ tiên tiến tới các doanh nghiệp và đời sống xã hội; tôn vinh năng lực khoa học và công nghệ nước nhà; thúc đẩy việc tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ nước ta.
Lần đầu tiên ở Việt Nam, Chợ Công nghệ và Thiết bị được tổ chức ở quy mô toàn quốc, mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực. Với phương châm "liên kết cùng phát triển", Chợ Công nghệ và Thiết bị là một hoạt động thúc đẩy hình thành các quan hệ đối tác và môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao và đổi mới công nghệ. Chợ có những điểm khác biệt quan trọng so với hội chợ, triển lãm thương mại thông thường. Chợ nhằm mục đích chủ yếu là thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường bằng hàm lượng trí tuệ, "chất xám" trong dây chuyền, quy trình sản xuất, trong từng sản phẩm, hàng hóa được tạo ra. Đối tượng xúc tiến thương mại ở đây không phải là hàng hóa theo nghĩa thông thường mà chính là tri thức khoa học - công nghệ được biến thành công nghệ và thiết bị tiên tiến. Đó cũng là biện pháp thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ, kết quả nghiên cứu - phát triển của tổ chức và cá nhân sáng tạo.
Về phương thức, quy trình tổ chức và vận hành, Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam mang những nét đặc trưng riêng. Nó chỉ được tổ chức sau khi đã tiến hành xác lập được hai dòng thông tin. Một là, thông tin về từng thiết bị, từng công nghệ và năng lực khoa học và công nghệ của các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia giới thiệu, chào bán, tức là thông tin về "cung" công nghệ. Hai là, thông tin về nhu cầu công nghệ, thiết bị cần mua, nhu cầu về tư vấn đổi mới, chuyển giao công nghệ của khách hàng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tức là thông tin về "cầu" công nghệ. Trên cơ sở các thông tin đó, Chợ là nơi ráp nối các quan hệ "cung - cầu", giao dịch, thương thảo, đàm phán tiến tới cung cấp, mua bán các loại thiết bị tiên tiến và chuyển giao công nghệ thích hợp.
Về lĩnh vực bao quát, Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 không hạn chế, mà khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi lĩnh vực tham gia giới thiệu và chào bán công nghệ và thiết bị tiên tiến. Một số lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích tham gia bao gồm: nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản; chế biến thực phẩm; cơ khí - chế tạo máy - tự động hóa; điện tử - tin học - bưu chính - viễn thông; dệt - may - da giày; cao-su - nhựa; y tế - dược phẩm; xử lý và bảo vệ môi trường.
Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 có những hoạt động chủ yếu:
- Trước khai mạc: Sơ bộ nắm bắt và ráp nối thông tin về "cung" và "cầu" công nghệ, thiết bị; thu thập và xuất bản thông tin cung - cầu dưới dạng ca-ta-lô trên CD-ROM, xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu công nghệ.
- Trong thời gian họp: Tiến hành giao dịch, mua - bán thiết bị, công nghệ; thương thảo, đàm phán, ký kết bản ghi nhớ; thỏa thuận, hợp đồng mua bán, chuyển giao công nghệ. Điều quan trọng là tổ chức các diễn đàn giao lưu, hội thảo theo các vấn đề được nhiều người quan tâm như: cơ chế chính sách và vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ trong chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ; sở hữu công nghiệp và phát triển thị trường công nghệ; giao lưu giữa các địa phương với các nhà khoa học, các doanh nghiệp về vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
- Sau khi bế mạc: Duy trì và thúc đẩy giao dịch, đàm phán, tạo quan hệ đối tác tin cậy và bền vững trong chuyển giao công nghệ.
Là bộ phận cấu thành của Chợ Công nghệ và Thiết bị, Chợ công nghệ ảo Việt Nam (Chợ ảo) được thiết kế và triển khai trước khi Chợ Công nghệ và Thiết bị chính thức khai mạc. Chợ ảo được duy trì thường xuyên, liên tục trên in-tơ-nét. Các đơn vị tham gia có điều kiện giới thiệu, chào bán công nghệ và thiết bị của mình; giới thiệu năng lực khoa học và công nghệ; yêu cầu tìm kiếm đối tác chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nghệ, thiết bị cũng có thể đưa ra các nhu cầu công nghệ để tìm kiếm đối tác. Chợ ảo là sàn giao dịch điện tử hữu hiệu và thiết thực cho tất cả những ai muốn tham gia thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam. Chợ ảo đã được đưa vào hoạt động trên mạng in-tơ-nét một tháng trước khi khai mạc Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003. Chỉ tính từ ngày 9-10 đến ngày 15-10 đã có14 000 lượt người truy cập vào Chợ ảo và giao dịch qua mạng về các vấn đề liên quan đến công nghệ, thiết bị, các đối tác chuyển giao công nghệ. Chính Chợ ảo đã góp phần không nhỏ vào việc kết nối các đối tác, dẫn đến việc ký kết các bản ghi nhớ, các hợp đồng mua bán công nghệ trong thời gian Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.
Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 là một sự kiện lớn được xã hội đánh giá cao bởi quy mô, tính thiết thực và hiệu quả đạt được. Với sự tham gia tích cực và hào hứng của các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước, được sự tham gia và cổ vũ nhiệt tình của các cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương và các địa phương, Chợ đã thực sự trở thành cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu của khoa học và công nghệ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; thắp sáng lên ngọn đuốc sáng tạo thôi thúc mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ tiến quân trên mặt trận khoa học và công nghệ, biến khoa học và công nghệ thành động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các số liệu thu được cho thấy, mọi chỉ tiêu đề ra ban đầu đối với Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 đều đã đạt và vượt. Có 319 đơn vị tham gia (vượt 69 đơn vị so với chỉ tiêu) trong đó: gần 100 viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu - phát triển; 50 đơn vị thuộc 11 trường đại học, học viện; hơn 100 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; 34 đơn vị nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Cộng hòa liên bang Đức... với gần 400 gian hàng (tăng gần 150 gian so với dự kiến), trên 2 000 công nghệ, thiết bị và dịch vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau: Cơ khí - chế tạo máy và tự động hóa: 531 (27,9%) công nghệ và 14 dịch vụ; y tế - dược phẩm - vật liệu - hóa chất: 283 (14,8%) công nghệ và 97 dịch vụ; điện tử - tin học - viễn thông: 277 (14,5%) công nghệ và 23 dịch vụ; nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản: 190 (9,8%) công nghệ và 9 dịch vụ; chế biến thực phẩm: 185 (9,7%) công nghệ và 11 dịch vụ; xử lý và bảo vệ môi trường: 149 (7,8%) công nghệ và CAPut!’ dịch vụ; dệt may - da giầy: 82 (4,2%) công nghệ và 2 dịch vụ; dầu khí - luyện kim - cao-su - nhựa: 79 (4%) công nghệ và 5 dịch vụ. Các lĩnh vực khác: 156 (8,2%) công nghệ và 16 dịch vụ.
Hai mươi bảy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các đơn vị tham gia; 676 hợp đồng và bản ghi nhớ đã được ký kết, trong đó: 334 hợp đồng mua bán công nghệ và thiết bị với tổng giá trị lên tới 1 000 tỉ đồng; có những hợp đồng đạt trị giá lớn tới 11 và 19 triệu USD. Nhiều đơn vị đã ký được hàng chục hợp đồng trị giá hàng chục tỉ đồng. Ví dụ: Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã ký 53 hợp đồng trị giá 23,4 tỉ đồng; Công ty Cổ phần phân bón FITOHOOCMON ký 13 hợp đồng trị giá gần 49,58 tỉ đồng; Đại học Bách khoa Hà Nội ký 10 hợp đồng trị giá gần 11,52 tỉ đồng; Công ty Dịch vụ khuyến ngư trung ương ký 10 hợp đồng kinh tế chuyển giao công nghệ nuôi tôm sạch bằng phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học, năng suất cao trị giá 1,776 tỉ đồng với các đối tác ở Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Công nghệ Laser thuộc Viện ứng dụng công nghệ đã ký 7 hợp đồng trị giá 3,28 tỉ đồng...
Các đơn vị nước ngoài đã giới thiệu, chào bán gần 100 công nghệ và thiết bị tiên tiến phù hợp với yêu cầu của Việt Nam. Các gian hàng của Hàn Quốc ký kết được 70 hợp đồng với trị giá 2 triệu USD.
Trong thời gian diễn ra Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003, hai hội thảo khoa học và một buổi giao lưu đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của trên 500 đại biểu. Các tham luận và ý kiến thảo luận đã góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề thời sự về lý luận và thực tiễn liên quan tới tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài hoạt động chủ yếu tại Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 là tìm hiểu, trao đổi, thương thảo trực tiếp tại các gian hàng, ký kết các bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán công nghệ, một hoạt động khác không kém phần quan trọng được tiến hành, đó là hoạt động xét thưởng và trao giải thưởng. Trong số gần 2 000 công nghệ và thiết bị tham gia, các đơn vị đã tự đăng ký xin xét thưởng trên 300 công nghệ cụ thể. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chế và các tiêu chí xét thưởng, thành lập sáu Hội đồng xét thưởng với 48 chuyên gia đại diện cho các lĩnh vực hữu quan. Trên cơ sở xem xét, đánh giá các hồ sơ, thẩm định cụ thể các thiết bị, công nghệ trưng bày tại Chợ, căn cứ vào mức độ quan tâm của khách hàng, số lượng hợp đồng, bản ghi nhớ được ký kết ngay trong hai ngày đầu tiên, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng Huy chương Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 cho 141 công nghệ và thiết bị. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân tham gia tích cực.
Chín cá nhân điển hình trong hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật của nông dân, công nhân được mời tham dự và giới thiệu kết quả sáng tạo của mình tại Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003. Gian hàng của các cá nhân điển hình này đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và động viên.
Điều đặc biệt là, trong 3 ngày họp, Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 lúc nào cũng "đông như chợ Tết". Tất thảy người bán, người mua, người đi xem chợ đều tỏ vẻ hài lòng. Theo phiếu thăm dò ý kiến thu được ngay tại các buổi Chợ, hầu hết đều cho rằng, Chợ đã đáp ứng được hoặc một phần những mong đợi của khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, Chợ họp 3 ngày là quá ngắn và nên tổ chức định kỳ hằng năm hoặc thường xuyên hơn. Mặc dù chợ đã rất đông, song không ít người yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa khâu tuyên truyền, quảng cáo để mọi người biết đến và tham dự sự kiện thiết thực và có ý nghĩa quan trọng như Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003.
Dù còn không ít khiếm khuyết cần được khắc phục, song kết quả và hiệu quả đích thực của Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 thật đáng khích lệ. Ai cũng nhận thấy rằng, tổ chức và duy trì Chợ là việc làm hết sức hiệu quả, thiết thực và khả thi. Đây thực sự là khâu đột phá trong việc tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta. Cầu nối thực sự đã được tạo ra giữa cung và cầu công nghệ. Các quan hệ đối tác bền chặt giữa các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà sản xuất, kinh doanh và các nhà quản lý đã và đang được hình thành và phát triển.
Liên kết cùng phát triển chính là bức thông điệp mà Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 gửi tới mọi người cùng phấn đấu để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành công của Chợ là sự thể hiện sinh động, là bước khởi đầu quan trọng trong việc đưa vào cuộc sống chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước về tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta.
Chủ nghĩa xã hội và Kinh tế thị trường: kinh nghiệm của Trung Quốc và kinh nghiệm của Việt Nam  (22/01/2007)
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển  (22/01/2007)
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và quản lý của nhà nước trong quá trình phát triển Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (22/01/2007)
Tạo việc làm cho lao động nữ ở nước ta hiện nay  (22/01/2007)
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân và phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế  (22/01/2007)
Kế hoạch hóa trong nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta  (22/01/2007)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay