Chủ nghĩa xã hội và Kinh tế thị trường: kinh nghiệm của Trung Quốc và kinh nghiệm của Việt Nam
Trong 2 ngày 8 và 9-10-2003 vừa qua, tại Bắc Kinh (Trung Quốc) Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với nhan đề "Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường: Kinh nghiệm của Trung Quốc và kinh nghiệm của Việt Nam".
Đoàn đại biểu Hội đồng Lý luận Trung ương của Việt Nam do GS,TS Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, làm Trưởng Đoàn; GS,TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Nguyễn Văn Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, làm Phó Trưởng Đoàn. Tham gia Đoàn còn có PGS, TS Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương và một số thành viên khác của Hội đồng Lý luận Trung ương đang công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Đoàn đại biểu Trung Quốc do đồng chí Lưu Vân Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng, làm Trưởng Đoàn. Tham gia Đoàn có đồng chí Vương Gia Thụy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Ngu Vân Diệu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương cùng nhiều nhà khoa học đang công tác tại Trường Đảng Trung ương, Ban Tuyên truyền Trung ương...
Tham gia Đoàn Chủ tịch Hội thảo, về phía Đoàn Việt Nam có các đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Son, Nguyễn Thị Doan và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Trung Quốc Trần Văn Luật. Đồng chí Vương Gia Thụy và đồng chí Lê Hữu Nghĩa đọc Lời khai mạc. Đồng chí Lưu Vân Sơn và đồng chí Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo đề dẫn. Sau đó, 20 tham luận khoa học của các thành viên hai Đoàn (Việt Nam có 9 báo cáo, Trung Quốc có 11) trình bày tại Hội thảo, tập trung làm rõ những vấn đề sau:
Thứ nhất, khẳng định bước đột phá trong tư duy lý luận của hai Đảng.
Báo cáo của Đoàn Trung Quốc cho thấy: Trung Quốc chính thức khởi xướng cải cách mở cửa từ Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (khóa XI, năm 1978). Nghị quyết của Hội nghị này đã đề ra quyết sách chiến lược là chuyển từ tình trạng kinh tế bị kìm hãm do mặt trái của cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cải cách, mở cửa bằng thể chế kinh tế định hướng thị trường. Cuộc cải cách bắt đầu từ nông thôn, thực hiện chế độ khoán hộ gia đình, cho phép nông dân được hưởng quyền tự chủ nhiều hơn trong sản xuất. Đại hội XII của Đảng (năm 1982) khẳng định xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc và nêu nguyên tắc: "Kinh tế kế hoạch là chính, điều tiết thị trường là phụ". Hội nghị Trung ương 3 (khóa XII) quyết định cải cách thể chế kinh tế, định rõ kinh tế hàng hóa trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội XIII (năm 1987) với việc xác định rõ mô hình quản lý kinh tế: "Nhà nước điều hành thị trường, thị trường hướng dẫn doanh nghiệp" đã đưa cuộc cải cách kinh tế tiến thêm một bước quan trọng. Đại hội XIV (năm 1992) chính thức xác định một cách có hệ thống việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là mục tiêu của cuộc cải cách thể chế kinh tế và đề ra con đường thực hiện mục tiêu này trên nguyên tắc. Đây thực sự là bước ngoặt quan trọng trong đường lối cải cách mở cửa. Tại Đại hội XV (năm 1997), Đảng xác định tiến trình lịch sử của giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc kéo dài ít nhất 100 năm. Trong suốt thời gian đó, nhiệm vụ cơ bản của chủ nghĩa xã hội là phát triển sức sản xuất. Từ đó, Đảng định ra đường lối xây dựng kinh tế làm trung tâm (trọng tâm). Đại hội XVI (năm 2002) đề ra phải "kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm (trọng tâm), không ngừng giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội". Đại hội xác định: "Nhiệm vụ chủ yếu của xây dựng và cải cách kinh tế trong 20 năm đầu của thế kỷ này là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy điều chỉnh chiến lược kết cấu kinh tế, cơ bản thực hiện công nghiệp hóa, đẩy mạnh tin học hóa, xây dựng nhanh hiện đại hóa, duy trì kinh tế quốc dân phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Báo cáo của Đoàn Việt Nam nhấn mạnh: Đường lối đổi mới kinh tế của Việt Nam, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, được hình thành và phát triển từng bước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV, năm 1979) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt vấn đề cải tiến các chính sách lưu thông, phân phối (giá, lương, tiền, tài chính, ngân hàng). Đến Đại hội V (năm 1982), Đảng đặt quyết tâm khắc phục những yếu kém trong kinh tế và quản lý kinh tế; sắp xếp lại và cải tạo kinh tế, đặc biệt là tập trung phát triển nông nghiệp. Tiếp đó, một số chính sách kinh tế, trong đó có chính sách khoán sản phẩm nông nghiệp tới nhóm và từng hộ nông dân (Chỉ thị số 100/CT-TƯ, ngày 13-1-1981, của Ban Bí thư (khóa IV) và Nghị quyết số 10/NQ-TW, ngày 5-4-1988, của Bộ Chính trị (khóa VI) đã đi vào cuộc sống. Đại hội VI (năm 1986) tiến thêm một bước mới trong việc nhận thức vấn đề xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở nước ta. Đại hội VII (năm 1991) tiến thêm một bước, đặt vấn đề xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) nhận định: "Đổi mới kinh tế là bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Đại hội VIII (năm 1996) đặt vấn đề "đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần không thể tách rời việc xây dựng đồng bộ và vận hành có hiệu quả cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Đến Đại hội IX (năm 2001), Đảng khẳng định: "Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Đây là bước đổi mới quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, nó mở ra một trang mới về đổi mới kinh tế ở Việt Nam. Mục đích của phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với việc xây dựng quan hệ sản xuất tiên tiến. Đại hội IX của Đảng quyết định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp".
Thứ hai, về những biện pháp xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường.
Báo cáo của các đồng chí Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và xem đó như phương thức vận hành của một nền kinh tế mở. Tuy thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã được xác định, nhưng nó còn phải tiếp tục được hoàn thiện. Những thể chế mà Đảng đề ra và tổ chức thực hiện là tiến hành cải cách kinh tế ở nông thôn; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp quốc hữu theo phương châm "ưu thắng kém thải"; chuyển biến chức năng quản lý kinh tế của chính quyền, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các xí nghiệp; phát triển hệ thống thị trường; kiện toàn hệ thống điều hành vĩ mô; tăng cường chế độ pháp luật của kinh tế thị trường; cải cách về tài chính, thuế, tiền tệ, ngoại thương, ngoại hối, đầu tư, giá cả; thực hiện các chính sách xã hội và việc làm.
Về vấn đề này, các báo cáo của Đoàn Việt Nam nêu rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra và lãnh đạo việc thực hiện một cách nhất quán chính sách phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, như khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động; thực hiện chính sách phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ tài chính của các xí nghiệp quốc doanh thông qua kế hoạch "Ba phần"; thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa; cải cách giá, lương, tiền, xóa bỏ bao cấp qua lương và giá, thực hiện cơ chế một giá; điều tiết các quan hệ cung cầu và sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô mà trước hết là chính sách thuế, tài chính, tiền tệ, giá cả, tỷ giá hối đoái...; xác lập quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh và tự do lưu thông buôn bán, tạo động lực mạnh đến mọi tế bào của nền kinh tế. Chính sách phát triển kinh tế này đã tạo ra những bước chuyển dần từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, về chế độ phân phối.
Trong công cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đi sâu thực hiện cải cách chế độ phân phối, căn cứ vào yếu tố sản xuất và yếu tố cống hiến để định ra các hình thức phân phối cho phù hợp, trong đó lấy phân phối theo lao động làm chủ thể, tức "ưu tiên hiệu suất" nhưng cũng "tính đến công bằng"; tăng cường chức năng điều tiết của chính quyền đối với việc phân phối.
Về vấn đề này, Việt Nam thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng tài năng, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội. Đây là một nguyên tắc phân phối công bằng trong hoàn cảnh thu nhập kinh tế còn thấp.
Các báo cáo của hai Đoàn đều thống nhất cho rằng, phát triển kinh tế phải đi đôi với việc thực hiện các chính sách xã hội và công bằng xã hội.
Thứ tư, về thị trường.
Báo cáo của Đoàn Trung Quốc nhấn mạnh: Lý luận về thị trường đóng vai trò cơ sở trong việc phân bố tài nguyên (hiểu theo nghĩa rộng). Trung Quốc xem đây là bản chất của cuộc cải cách thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tăng nhanh tốc độ phát triển thị trường sản xuất và thị trường tiêu thụ trở thành nhiệm vụ trọng điểm. Quy phạm hóa trật tự thị trường; từng bước hình thành hệ thống thị trường lớn, thống nhất trong phạm vi cả nước sẽ làm cho các yếu tố sản xuất có thể lưu thông tự do trên thị trường. Tấn công mạnh vào các hiện tượng làm giả, mạo danh và các hành vi xâm phạm quyền lợi chính đáng; xây dựng và kiện toàn kinh tế chữ "tín" và kinh tế pháp chế thị trường; kết hợp đúng đắn giữa đức trị và pháp trị. Hệ thống điều hành vĩ mô chủ yếu áp dụng biện pháp kinh tế và pháp luật. Kinh tế thị trường đòi hỏi cạnh tranh công bằng, bất luận kinh tế công hữu hay kinh tế phi công hữu đều không được hưởng bất cứ một đặc quyền nào.
Báo cáo của Đoàn Việt Nam nêu rõ sự hình thành và phát triển hệ thống thị trường ở Việt Nam: Thị trường hàng hóa - dịch vụ; thị trường tài chính; thị trường đất đai; thị trường lao động; thị trường khoa học và công nghệ... Để thúc đẩy sự hình thành, phát triển hệ thống thị trường thì phải đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế; bảo đảm hình thành và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường của từng loại thị trường, phù hợp với bước đi, lộ trình chuyển đổi thể chế kinh tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tính pháp lý cạnh tranh của các chủ thể tham gia thị trường phải được bảo đảm; sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường phải được nâng cao; kích cầu để nâng cao sức mua của thị trường trong nước, nhất là sức mua của thị trường nông thôn.
Thứ năm, vấn đề chủ thể và chủ đạo trong kinh tế thị trường.
Báo cáo của Đoàn Trung Quốc phân tích: Trung Quốc lấy chế độ công hữu làm chủ thể, coi đó là chế độ kinh tế cơ bản. Không có chế độ công hữu thì không có chủ nghĩa xã hội, nhưng không có kinh tế phi công hữu thì không có kinh tế thị trường. Từ khi cải cách, mở cửa đến nay, kết cấu chế độ sở hữu ở Trung Quốc có sự chuyển biến lớn. Chế độ công hữu có nhiều hình thức, nó bao gồm kinh tế quốc hữu, kinh tế tập thể và các thành phần quốc hữu, thành phần tập thể trong kinh tế hỗn hợp. Như vậy, không nên hiểu quan điểm lấy chế độ công hữu làm chủ thể một cách giản đơn là lấy kinh tế quốc hữu hay chế độ công hữu truyền thống "nhất đại, nhì công, tam thuần" (tức: một - quy mô lớn, hai - công hữu hóa toàn bộ, ba - thuần túy chủ nghĩa xã hội) làm chủ thể. Chế độ công hữu làm chủ thể chủ yếu thể hiện ở chỗ tài sản công hữu chiếm ưu thế trong toàn bộ tài sản xã hội, và, sức khống chế, địa vị chủ thể của kinh tế quốc hữu đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nhà nước khuyến khích, ủng hộ và hướng dẫn cho sự phát triển của chế độ kinh tế phi công hữu - chế độ có sức sống lâu dài trong nền kinh tế thị trường. Không có chế độ công hữu hoặc không có chế độ phi công hữu đều khó xây dựng thành công nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Vì vậy, các loại hình kinh tế có chế độ sở hữu khác nhau hoàn toàn có thể phát huy ưu thế của mình, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển trong cạnh tranh thị trường, thực hiện "dân làm, dân doanh, dân có, dân hưởng".
Về vấn đề này, các báo cáo của Đoàn Việt Nam tập trung làm rõ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất (bao gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể) trên cơ sở đa dạng hóa các quan hệ sở hữu. Chế độ công hữu không có nghĩa là công hữu tất cả tư liệu sản xuất, mà chỉ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Phân biệt rõ quyền sở hữu và quyền kinh doanh các tư liệu sản xuất và các tài sản khác trong kinh tế nhà nước. Từ quan niệm về một nền kinh tế chỉ có hai thành phần với hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể đã đi đến quan niệm về một nền kinh tế nhiều thành phần: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể và tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gần đa sở hữu. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Song, trong đường lối kinh tế của Đảng, việc phát triển kinh tế tư nhân được coi như một động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân cùng nhiều chính sách của nhà nước khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển đã chứng minh điều đó. Thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" là vô cùng quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ sáu, phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cải cách, đổi mới, ổn định và phát triển.
Theo các đồng chí Trung Quốc, việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa liên quan chặt chẽ đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện tốt vấn đề này tức cũng là thực hiện sự đổi mới xã hội sâu sắc. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cải cách, phát triển và ổn định theo nguyên tắc "cải cách là động lực, phát triển là mục đích, ổn định là tiền đề". Đó là "ba quân cờ chiến lược gắn bó khăng khít với nhau trên bàn cờ xây dựng hiện đại hóa của Trung Quốc".
Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này rất rõ ràng: Phát triển kinh tế gắn liền với việc phát triển văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, hướng vào phát triển và lành mạnh hóa xã hội; thực hiện công bằng xã hội, coi đó là nội dung rất quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tính ưu việt của chế độ xã hội mới, nhằm tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, thực hiện sự bình đẳng và điều tiết các quan hệ xã hội; khuyến khích người dân làm giàu một cách hợp pháp; giữ vững môi trường chính trị - xã hội ổn định, an ninh trật tự tốt.
Thứ bảy, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế.
Trung Quốc coi việc mở cửa với bên ngoài là một quốc sách cơ bản lâu dài, là con đường tất yếu trong tiến trình đẩy nhanh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thì phải kiên trì mở cửa với bên ngoài. Cục diện mở cửa với bên ngoài đa phương hóa, nhiều tầng nấc, lĩnh vực rộng, thực hiện chiến lược "đi ra thế giới" và "đón thế giới vào". Mở cửa đối ngoại đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển.
Việt Nam coi vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là đường lối chiến lược để phát triển kinh tế, đa dạng hóa thị trường và đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại; chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; củng cố các thị trường truyền thống; ra sức khai thác, phát triển thị trường mới, thúc đẩy kinh tế phát triển. Việt Nam sẵn sàng đón đối tác và làm bạn với các nước để hợp tác và cùng nhau phát triển lâu dài.
Thứ tám, vai trò của Đảng và Nhà nước trong kinh tế thị trường.
Đây là một vấn đề mà cả hai bên đều rất quan tâm. Báo cáo của Đoàn Trung Quốc cho thấy rằng, Trung Quốc thực hiện hiệp thương chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, nhưng quyết không đa nguyên chính trị, không đa đảng đối lập, không tam quyền phân lập. Đảng là hạt nhân lãnh đạo trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đại diện cho lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân Trung Quốc. Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp trị và coi trọng điều hành vĩ mô của Nhà nước.
Báo cáo của Đoàn Việt Nam khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò quản lý của Nhà nước Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, Nhà nước quản lý bằng luật pháp, chính sách, bằng các công cụ quản lý vĩ mô. Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước sẽ hạn chế tính tự phát tư bản chủ nghĩa, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển kinh tế thị trường, thực hiện sự kết hợp hài hòa giữa chính trị và kinh tế thị trường, giữa kế hoạch và thị trường, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội.
Ngoài những vấn đề nêu trên, hai bên đều nhận thấy rằng, Trung Quốc và Việt Nam, do chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn mặt trái của kinh tế thị trường, nên vẫn chưa khắc phục triệt để các hiện tượng tham nhũng, lãng phí và nhiều biểu hiện tiêu cực khác trong xã hội. Nhận thức những hạn chế và khiếm khuyết trong lãnh đạo và quản lý để tìm những biện pháp khắc phục là bản lĩnh, lương tâm, danh dự của người cộng sản trong điều kiện cải cách, mở cửa, đổi mới.
Kết thúc Hội thảo, hai bên đều khẳng định sự giống nhau về cơ bản của bối cảnh ra đời nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; sự gặp nhau về lý luận không phải là sao chép, mô phỏng của nhau, mà là kết quả của quá trình đổi mới tư duy của mỗi Đảng trong việc vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể mỗi nước, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới hiện nay; sự rõ ràng và tính thuyết phục cao trong lý luận của hai Đảng về vấn đề mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường; sự cần thiết trao đổi, học tập kinh nghiệm lý luận và thực tiễn về giải quyết vấn đề này giữa hai bên.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, như đồng chí Lưu Vân Sơn đã ghi trong báo cáo của mình: "Chủ đề Hội thảo lần này có ý nghĩa trọng đại, ảnh hưởng sâu rộng. Về mặt này, Đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm và cách làm đáng để chúng tôi học tập".
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển  (22/01/2007)
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và quản lý của nhà nước trong quá trình phát triển Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (22/01/2007)
Tạo việc làm cho lao động nữ ở nước ta hiện nay  (22/01/2007)
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân và phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế  (22/01/2007)
Kế hoạch hóa trong nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta  (22/01/2007)
Nguyên nhân trì trệ, kém hiệu quả của cải cách hành chính  (22/01/2007)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay