Phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam
Thị trường điện là xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới. TTĐ hình thành bảo đảm khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và an ninh năng lượng quốc gia. Điều kiện để hình thành TTĐ không chỉ phụ thuộc vào chính sách về kinh tế - xã hội của Nhà nước mà còn được quyết định bởi điều kiện kỹ thuật, công nghệ của hệ thống điện. Các nước trong khu vực ASEAN như Xinh-ga-po, Phi-líp-pin, Thái Lan, Ma-lai-xi-a… cũng đã có những bước đi tích cực trong việc xây dựng TTĐ cạnh tranh.
Trên cơ sở đánh giá những thành tựu của ngành Điện Việt Nam cũng như những hạn chế thách thức đặt ra, Đảng và Nhà nước chủ trương: “Từng bước hình thành thị trường điện lực cạnh tranh trong nước, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Nhà nước chỉ giữ độc quyền khâu truyền tải, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn, các nhà máy điện nguyên tử”(1). Ngày 03-12-2004, Luật Điện lực đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua, quy định lộ trình hình thành và phát triển TTĐ theo thứ tự các cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh; thị trường bán buôn điện cạnh tranh; thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Với định hướng phát triển TTĐ, ngành Điện Việt Nam đang dần từng bước nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực kết hợp với những điều kiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam để từng bước phát triển TTĐ cạnh tranh.
Mục tiêu và nguyên tắc phát triển thị trường điện Việt Nam
Ở Việt Nam, kể từ khi thành lập ngành Điện đến nay, TTĐ là độc quyền, người sản xuất điện năng đồng thời là người truyền tải, phân phối và kinh doanh điện; chưa xuất hiện quá trình cạnh tranh trong quan hệ mua bán điện; người sử dụng điện chưa được lựa chọn người bán điện, giữa những người sản xuất điện năng cũng chưa có sự cạnh tranh với nhau trong khâu sản xuất và bán điện cho người mua.
Nhược điểm cơ bản TTĐ độc quyền trên thế giới cũng như ở Việt Nam là hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh không đáp ứng yêu cầu phát triển, giá điện chưa thoả mãn mong muốn của người sử dụng điện, tình trạng độc quyền, dẫn đến cửa quyền làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng điện.
Xây dựng và phát triển TTĐ cạnh tranh Việt Nam phải dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, đảm bảo cân bằng giữa khả năng cung - cầu điện.
Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, việc tạo lập và phát triển TTĐ cạnh tranh là để mang lại lợi ích cho người dùng điện nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu phát triển nguồn, lưới điện, có dự phòng nhu cầu tiêu thụ điện của sản xuất và đời sống xã hội. Đây là vấn đề cốt lõi, có tính quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của TTĐ cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm giữa cung và cầu về điện. Nếu giá điện cạnh tranh mà thoả mãn được lợi ích của khách hàng sử dụng điện, thì lại khó đáp ứng được yêu cầu thu hồi vốn và có lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư, dẫn đến không thu hút được đầu tư. Như vậy sẽ nảy sinh mâu thuẫn: giá điện rẻ, nhu cầu điện sẽ tăng nhanh, đầu tư phát triển nguồn, lưới điện không kịp; ngược lại, giá điện tăng để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư phát triển nguồn, lưới điện, thì lại không thoả mãn được lợi ích của người sử dụng điện, nhu cầu điện giảm, dẫn đến ngừng trệ sản xuất, không đầu tư phát triển.
Để giải quyết vấn đề này, giá điện cạnh tranh phải đảm bảo cân bằng được lợi ích của khách hàng sử dụng điện và của nhà đầu tư. Tuy nhiên phải có thể chế để loại trừ khả năng thông đồng nâng giá điện làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng sử dụng điện.
Thứ hai, giảm thiểu các chi phí sản xuất, kinh doanh điện năng.
Trong thị trường độc quyền, người sản xuất, cung ứng điện chưa quan tâm đúng mức đến nhà đầu tư kinh tế và nâng cao hiệu quả trong quản lý vận hành. Công tác quản lý đầu tư cải tạo, nâng cấp và sửa chữa trang thiết bị đã từng bước được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều lãng phí. Các chi phí cho quản lý vận hành tuy chỉ chiếm một tỷ lệ khoảng trên dưới 40% giá thành điện năng, song vẫn còn khá cao. Tổn thất điện năng trong những năm gần đây có giảm nhiều so với những năm trước, nhưng vẫn cao hơn các nước trong khu vực khoảng 4 - 5%. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang áp dụng cơ chế giá hạch toán nội bộ cho các nhà máy; sử dụng quỹ lương để khuyến khích các nhà máy giảm chi phí, nâng cao chất lượng vận hành và bảo dưỡng; cơ chế thưởng tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, cơ chế nêu trên không thúc đẩy được nhà máy hợp lý hoá sản xuất, tiết kiệm chi phí quản lý và không tiếp cận được đầy đủ với các hoạt động thương mại do kế hoạch chi phí được duyệt hàng năm và dựa trên chi phí thực của năm trước đó, việc giảm chi phí trong năm này sẽ gia tăng áp lực giảm chi phí của năm tiếp theo.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và cung ứng điện; đồng thời, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng điện tự do chọn lựa phương thức mua điện và đối tác bán điện để ký hợp đồng.
Trong thời gian vừa qua, tài sản nguồn và lưới điện thuộc sở hữu nhà nước, cơ chế quản lý tuy có cải thiện, nhưng vẫn còn tập trung ở mức cao, do đó trách nhiệm của người sản xuất và cung ứng điện còn nhiều hạn chế, nhất là khâu chăm lo bảo quản, giữ gìn trang thiết bị điện và sử dụng có hiệu quả đồng vốn bỏ ra.
Khi chuyển sang thị trường cạnh tranh, nghĩa là phải tách bạch các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, bán điện và giao quyền tự chủ toàn diện cho từng đơn vị, thì trách nhiệm về chăm lo bảo quản tài sản, chi tiêu tiền vốn, quan hệ và dịch vụ khách hàng của mọi người, từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân sẽ được cải thiện đáng kể, nhất là giảm thiểu các chi phí vì kết quả của sản xuất, kinh doanh gắn liền với sự tồn tại của đơn vị và thu nhập, đời sống của người lao động.
Hiện nay chỉ có một số khách hàng công nghiệp vừa và nhỏ mua điện ở cấp điện áp 6 - 110 KV, số còn lại đều mua điện trên lưới hạ thế 0,4 KV. Việc ký kết hợp đồng mua điện thực hiện theo địa bàn quản lý của các công ty phân phối điện, khách hàng chưa được lựa chọn theo ý muốn. Khi chuyển sang cơ chế thị trường cạnh tranh, khách hàng mua điện ở cấp điện áp 110 KV trở lên có thể mua trực tiếp từ các nhà máy phát điện hoặc của đơn vị phân phối điện thông qua hợp đồng dài hạn hay trực tiếp trên thị trường giao dịch mua bán điện.
Các khách hàng khác trong khoảng thời gian từ 10 - 15 năm, trước mắt, chỉ mua điện qua đơn vị phân phối, bán lẻ trên địa bàn, sau khi hình thành TTĐ bán lẻ mới có thể mua điện của bất kỳ đơn vị phân phối, bán lẻ điện nào, không phụ thuộc vào vị trí địa lý và các đơn vị quản lý lưới điện truyền tải.
Thứ tư, loại trừ sự độc quyền trong sử dụng lưới truyền tải, phân phối; tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và phát triển điện lực.
Lưới điện truyền tải, phân phối có thể thuộc quyền sở hữu quản lý vận hành của một tổ chức nhà nước, liên doanh hay tư nhân, nhưng bắt buộc phải thực hiện một cách công bằng, bình đẳng trong việc ký hợp đồng truyền tải điện thuê cho các đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện và được hưởng phí truyền tải điện. Đơn vị truyền tải, phân phối điện xác định chi phí truyền tải điện trên cơ sở tính đủ chi phí vận hành, sửa chữa, thu hồi đầu tư, có lợi nhuận hợp lý. Cơ quan điều tiết điện lực thẩm định và ban hành chi phí truyền tải điện, đồng thời thực hiện chức năng điều tiết hoạt động của hệ thống truyền tải, phân phối theo quy định của pháp luật.
Khi tạo ra TTĐ cạnh tranh, giá điện hợp lý, độ an toàn, tin cậy trong cung cấp điện được nâng cao, sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư vào các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ, thương mại. Cơ chế giá điện cạnh tranh và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật sẽ tạo ra tín hiệu về đầu tư hiệu quả, thu hút nhà đầu tư xây dựng, phát triển các nhà máy điện.
Thứ năm, nâng cao tính an toàn, ổn định trong cung cấp điện và dịch vụ điện; thực hiện kế hoạch đại tu, sửa chữa trang thiết bị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện một cách nghiêm ngặt, đúng thời hạn, đáp ứng yêu cầu chất lượng; công tác kiểm tra, bảo dưỡng, chăm sóc thiết bị một cách nghiêm túc, có hiệu quả, nâng cao độ sẵn sàng của thiết bị và hỗ trợ khi xảy ra sự cố hoặc khi tiến hành sửa chữa; tính toán quy mô các đường dây và trạm biến áp có mức dự phòng tối ưu, nhằm bảo đảm công suất cho phụ tải.
Trong điều kiện thị trường độc quyền như hiện nay, tình trạng sự cố còn nhiều; chất lượng, tiến độ sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị nguồn, lưới điện, ý thức và kỷ luật trong vận hành thực hiện chưa nghiêm túc đã dẫn đến việc cấp điện cho khách hàng không ổn định. Khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh, các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện bắt buộc phải có các biện pháp kinh tế - kỹ thuật.
Thứ sáu, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường.
Giá điện là yếu tố quan trọng nhất đối với thị trường cạnh tranh. Giá điện lại có liên quan đến chi phí về sử dụng các dạng năng lượng sơ cấp. Giá điện tối ưu cho người sản xuất và người tiêu thụ có liên quan trực tiếp đến sử dụng tối ưu các dạng năng lượng sơ cấp trong hệ thống điện và cũng có tác động lớn đến chi phí của giá thành các sản phẩm, hàng hoá. Do vậy, hoạt động của TTĐ cạnh tranh sẽ mang lại kết quả không nhỏ trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng.
Lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam
Phát triển TTĐ tại Việt Nam được xác định qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn là một cấp độ như quy định trong Luật Điện lực. Mỗi cấp độ TTĐ sẽ được phát triển qua hai bước: bước thử nghiệm và bước hoàn chỉnh. Với các giai đoạn phát triển như trên, lộ trình hình thành và phát triển TTĐ tại Việt Nam như sau:
Giai đoạn 1: Thị trường phát điện cạnh tranh
Bước 1: Thị trường phát điện cạnh tranh thử nghiệm từ năm 2009 - 2010.
Bước 2: Thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2010 đến năm 2015.
Giai đoạn 2: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Bước 1: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thử nghiệm từ 2016 - 2020.
Bước 2: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2021 đến năm 2025.
Giai đoạn 3: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Bước 1: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thử nghiệm từ năm 2021 đến năm 2025.
Bước 2: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh sau năm 2025.
Giải pháp phát triển thị trường điện cạnh tranh
Để phát triển TTĐ Việt Nam theo đúng lộ trình, trong thời gian tới, ngành Điện cùng với các ban, ngành chức năng cần phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tăng cường thu hút đầu tư: Để thu hút đầu tư toàn xã hội vào ngành điện, cần nhanh chóng triển khai những công việc cụ thể như: cổ phần hoá các nhà máy điện trong đó EVN sẽ chỉ giữ lại những nhà máy điện lớn, có tác dụng chống lũ, điều tiết nước hạ du, bảo đảm an ninh - quốc phòng, như: Hoà Bình, Yaly, Sơn La và nhà máy điện nguyên tử sau này. Bên cạnh đó, tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp ngoài ngành đầu tư vào ngành Điện.
- Xóa bỏ độc quyền: Giá điện phải chuyển theo hướng thị trường, chấp thuận cho chào giá cạnh tranh giữa các nhà máy điện. EVN sẽ không quyết định giá mua mà các nhà máy tự quyết định với nhau. Điện ai rẻ nhất thì Trung tâm Điều độ điện quốc gia sẽ mua trước. Cục Điều tiết điện lực phải là cơ quan trung gian để giám định công bằng.
- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho TTĐ để thu thập đầy đủ dữ liệu, cập nhật các ứng dụng, đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện, như: phân tích lưới, dự báo phụ tải, lập kế hoạch vận hành, tối ưu hoá thủy, nhiệt điện, điều độ kinh tế có xét đến ràng buộc truyền tải, tự động điều khiển phát điện, cơ sở dữ liệu quá khứ.
- Tái cấu trúc EVN: trong thời gian tới, các công ty thành viên EVN dần sẽ được chuyển đổi thành các công ty cổ phần và công ty TNHH một thành viên, một số các thành viên khác của EVN như các công ty sản xuất, các trường đào tạo... cũng được chuyển đổi không còn hạch toán phụ thuộc vào EVN nữa. Như vậy sau khi chuyển đổi, EVN sẽ là công ty nắm giữ phần lớn vốn ở các công ty phát điện, công ty phân phối, công ty truyền tải, Trung tâm Điều độ quốc gia và các công ty khác. Các công ty này để có thể trở thành các thành viên của thị trường một người mua thì phải đảm bảo cho mình một nền tảng tài chính vững chắc, đảm bảo các yêu cầu về tài chính đối với thành viên thị trường cũng như có đủ năng lực tham gia đàm phán, thương lượng hiệu quả trong các hợp đồng thương mại. Điều đó đòi hỏi các công ty phải được đào tạo về những kĩ năng quản lý tài chính và thương mại và hệ thống thông tin quản lý, tài chính, kế toán được thiết lập ở các công ty này./.
Chú thích:
(1). Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg ngày 05-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến năm 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2001). Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, triển vọng đến năm 2020.
2. Hội Điện lực (2004). Nghiên cứu lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam.
3. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (2004). Đề án tổng thể sắp xếp đổi mới và phát triển các doanh nghiệp của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010.
Kinh tế châu Âu suy thoái lần thứ hai  (16/11/2012)
Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (16/11/2012)
Phó Thủ tướng tiếp đoàn đại biểu người có công  (15/11/2012)
Nhật Bản có thêm chính đảng mới: Đảng Gió Xanh  (15/11/2012)
Các nước chúc mừng tân Tổng Bí thư Trung Quốc  (15/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên