Phát huy truyền thống trung dũng kiên cường, Quảng Nam quyết tâm lập thêm thành tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội

Nguyễn Đức Hải Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam
21:02, ngày 04-05-2012
TCCS - Khi nói đến Quảng Nam, người ta nghĩ đến Danh xưng vốn được định danh từ hơn nửa thiên niên kỷ qua; mảnh đất  luôn đứng ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, tiên phong trong công cuộc dựng nước và giữ nước; nơi đã sinh ra nhiều hiền tài cho đất nước; là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, một địa phương nổi tiếng đi đầu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, được cả nước tôn vinh “Trung dũng kiên cường”, đồng thời cũng là tỉnh đạt được nhiều thành tích trong công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển kinh tế.
Nhằm tạo điều kiện cho Quảng Nam phát triển, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX quyết định cho tái lập tỉnh Quảng Nam từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương từ ngày 01-01-1997.

Khi mới được tái lập, Quảng Nam là tỉnh thuần nông, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất nước. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1997 chỉ đạt 607,3 tỉ đồng, bằng 1/2 giá trị sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh chỉ có một khu công nghiệp duy nhất được chuyển tiếp từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng,  không có khách sạn đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp nhà nước không đủ mạnh, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước không đáng kể; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo là 27,3%, thiếu trường học, bệnh viện, nhiều xã ở miền núi không điện, không đường, không trường, không trạm; cả thị xã tỉnh lỵ chỉ có một con đường quốc lộ 1A đi qua...

Trước những khó khăn bề bộn đó, Đảng bộ tỉnh động viên cán bộ, nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống văn hóa tập trung ổn định đời sống và sản xuất; giữ vững an ninh, chính trị, đồng thời nghiên cứu tìm hướng đi riêng phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của tỉnh. Và, hướng đi mới cũng đã được xác định: Con đường duy nhất đưa Quảng Nam thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tiến đến phồn vinh là xây dựng và phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp. Để thực hiện mục tiêu đó, yếu tố văn hóa, con người được khơi dậy và phát huy, nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa được chuẩn bị. Các cơ chế, chính sách đổi mới của Đảng được vận dụng để thu hút các nguồn lực đầu tư từ trong, ngoài tỉnh và nước ngoài. Năm 1999 đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, tạo tiền đề cho du lịch và dịch vụ phát triển. Tiếp đến tỉnh đã mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất và được Bộ Chính trị, Chính phủ cho phép xây dựng thí điểm Khu kinh tế mở Chu Lai, bước khởi đầu tạo đà cho nền công nghiệp non trẻ của tỉnh phát triển.

Qua 15 năm xây dựng, đến nay, Quảng Nam đã có nhiều thay đổi, bộ mặt từ nông thôn cho đến thành thị có nhiều khởi sắc. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và đạt nhiều thành tựu nổi bật; lực lượng sản xuất trong các thành phần kinh tế được cơ cấu lại và phát triển khá nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng hơn 14 lần so với năm 1997; thu ngân sách từ 130 tỉ đồng tăng lên 6.500 tỉ, xuất khẩu từ 6 triệu USD tăng lên 210 triệu USD, thu hút hàng chục ngàn tỉ đồng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đã hình thành và phát triển các khu công nghiệp tập trung tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Điện Nam - Điện Ngọc, hệ thống các cụm công nghiệp Đại Lộc, Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình... và các làng nghề truyền thống được khuyến khích phát triển. Năng lực sản xuất tăng đáng kể với hàng loạt các doanh nghiệp lớn có sản phẩm và thương hiệu được biết đến trong cả nước, như thủy điện, cơ khí, ô-tô, vật liệu xây dựng, may mặc, da giày, chế biến nông, lâm sản... cùng trên 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngành du lịch với nhiều hoạt động lễ hội văn hóa đặc sắc đạt trên 2 triệu khách/năm, với trên 3.000 phòng đạt tiêu chuẩn trong đó có nhiều thương hiệu khách sạn đạt đẳng cấp quốc tế. Hệ thống đô thị phát triển nhanh cùng với phát triển công nghiệp, dịch vụ; Tam Kỳ, Hội An tập trung xây dựng, đạt chuẩn đô thị loại ba. Hệ thống cung cấp điện, thông tin liên lạc, viễn thông cơ bản bao phủ toàn tỉnh.

Trong khi chọn lựa hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, Quảng Nam cũng không xem nhẹ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đầu tư phát triển miền núi. Tỉnh xây dựng thành công mô hình nông thôn mới tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh và đang nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5 lần so với năm 1997. Bộ mặt nông thôn, miền núi nhanh chóng đổi thay, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, điện hạ thế, các công trình phục vụ công cộng, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Đã làm được gần 6.923 km đường bê-tông nông thôn, xây dựng và nâng cấp hàng nghìn ki-lô-mét đường nhựa liên huyện, liên xã, liên thôn. Đến nay hầu hết các xã trong tỉnh đều có đường ô-tô đến được khu trung tâm. Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, tỉnh chú trọng giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về phổ cập tiểu học, chống mù chữ và có trạm y tế. Hệ thống đào tạo từ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đã hình thành và phát triển, tạo điều kiện để chuẩn bị nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa. Phong trào xây dựng thôn bản, họ tộc, gia đình văn hóa phát triển rộng khắp, tạo được nhiều mô hình tốt. Sóng phát thanh, truyền hình đã phủ khắp các địa bàn. Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đạt kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ đói nghèo hiện nay còn dưới 24% theo chuẩn mới. Các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được bảo đảm, mỗi năm giải quyết hàng chục ngàn lao động có việc làm.

Công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo chặt chẽ cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Vào đầu mỗi nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh đều có nghị quyết chuyên đề về quy hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ cho cả nhiệm kỳ, nhờ đó đã chủ động trong tất cả các khâu từ tuyển chọn, đào tạo đến đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ; đặc biệt công tác luân chuyển cán bộ đạt kết quả đáng khích lệ, các đồng chí được luân chuyển đã trưởng thành và giữ nhiều cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị và tỉnh cũng đã góp phần cung cấp nguồn cán bộ cho Trung ương. Đến nay, toàn tỉnh có trên 48.525 đảng viên sinh hoạt tại 1.119 tổ chức cơ sở đảng. Công tác chính trị - tư tưởng được chú trọng và đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ. Công tác tổ chức - xây dựng Đảng hướng trọng tâm vào việc đào tạo, chuẩn hóa cán bộ, nhất là đào tạo lý luận chính trị và kiến thức về quản lý nhà nước. Đến nay, Quảng Nam đã nâng tỷ lệ cán bộ đạt cả ba chuẩn ở cấp ủy tỉnh là 100%, cấp ủy huyện là trên 70% và cấp ủy xã trên 50%. Công tác kiểm tra đảng có nhiều đổi mới và góp phần tích cực vào giữ gìn kỷ luật đảng, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm Điều lệ Đảng. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và  các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội đổi mới cả về nội dung và hình thức, các hoạt động hướng về cơ sở với các mục tiêu cụ thể liên quan đến quyền lợi của hội viên, như xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, tương thân tương ái, xây dựng đời sống văn hóa, phản ánh những vấn đề bức xúc của nhân dân nên đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội phục vụ cho quá trình phát triển.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng hiện nay Quảng Nam vẫn còn là một tỉnh nghèo. Kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Kết cấu hạ tầng yếu kém và chưa đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân cả nước. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu. Đội ngũ cán bộ, công chức và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Những hiện tượng suy giảm về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn. Nhiều tồn tại trong các thủ tục hành chính, công tác quản lý rừng, đất đai, tài nguyên khoáng sản, công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng... đang là những nỗi bức xúc trong xã hội và là lực cản trong quá trình phát triển, làm giảm sức cạnh tranh và giảm sút lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề luôn ảnh hưởng  thường xuyên và có chiều hướng gia tăng, như thiên tai, dịch bệnh, suy thoái tài nguyên, môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu... Bởi vậy, sự phát triển của tỉnh nhìn chung chưa bền vững.

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1 - Tập trung cho công tác xây dựng Đảng. Thường xuyên thực hiện chỉnh đốn Đảng, giữ vững đoàn kết, thống nhất ở mỗi tổ chức đảng, ở mỗi cấp ủy và toàn Đảng bộ, đoàn kết trên cơ sở giữ vững nguyên tắc kỷ luật đảng và đấu tranh tự phê bình và phê bình, từ trong cấp ủy, lãnh đạo và trong toàn thể cán bộ, đảng viên. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Các cấp ủy bố trí thời gian để trực tiếp lắng nghe và giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhân dân. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên thực hiện tự phê bình, phê bình nghiêm túc và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường công tác phát triển Đảng và xây dựng  tổ chức cơ sở đảng ở những địa bàn trọng yếu, các nơi chưa có tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, trong đó chú ý các cán bộ trẻ, cán bộ cơ sở và cán bộ là người dân tộc thiểu số.

2 - Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên đề đã học với các chuyên đề mới tạo thành một thể thống nhất trong tư tưởng và hành động. Trước hết, đề cao vai trò gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; thực hiện “nói đi đôi với làm”, chú trọng tổ chức việc làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh để tạo niềm tin nhằm vận động quần chúng thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả.

3 - Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành chỗ dựa tin cậy của các tổ chức thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, là nơi thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân. Vận động thực hiện có hiệu quả Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng chính quyền, tham gia giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy mục tiêu vì Quảng Nam giàu mạnh và phát triển làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp chung. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đẩy lùi các tệ nạn, tiêu cực xã hội, xây dựng môi trường văn hóa, lối sống văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh.

 4 - Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ ở khu vực phía đông của tỉnh theo hướng hiện đại, có chất lượng cao, đẩy mạnh việc xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Tam kỳ, Đại Lộc, Đông Quế Sơn theo hưóng kết hợp với phát triển đô thị. Coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là chiến lược phát triển vùng phía tây của tỉnh.

5 - Tập trung mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá đồng bộ trong thực hiện 3 nhiệm vụ chủ yếu là: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tạo lập môi trường đầu tư;  phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, sẽ tạo đột phá về phát triển các trục giao thông để kết nối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nâng cấp cảng Kỳ Hà, đường hàng không qua sân bay Chu Lai và các tuyến giao thông cấp tỉnh và huyện, hoàn thành chương trình bê-tông hóa giao thông nông thôn. Đồng thời, phát triển các ngành dịch vụ, như cung cấp điện, nước, thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại từ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - công nghệ và đào tạo nghề.

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực điều hành của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng một nền hành chính minh bạch, phục vụ nhân dân, giảm tối đa các phiền hà trong tiếp xúc và làm việc với nhân dân và doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức gặp gỡ, tiếp xúc nhân dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, công tác nội chính, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội./.