Mô hình phát triển du lịch xanh tỉnh Ninh Bình
TCCS - Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào khai thác các yếu tố tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, bảo đảm du lịch bền vững. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu, trong những năm gần đây, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các yếu tố bảo đảm cho phát triển du lịch xanh
Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22-1-2020, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược đưa ra nhiều giải pháp, như: Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính...
Tại Quyết định số 882/QĐ-TTg, ngày 22-7-2022, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì hai nhóm nhiệm vụ, bao gồm: 1- Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; 2- Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Trong dự án này, UNDP đã chọn tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam là hai địa phương thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa.
Về quan điểm chỉ đạo
Không phải ngẫu nhiên tỉnh Ninh Bình được lựa chọn để thí điểm dự án này bởi theo đánh giá chung của UNDP và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tỉnh Ninh Bình là địa phương từ nhận thức đến hành động của các cấp lãnh đạo, đến từng địa phương, từng người dân đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch xanh, bền vững để làm bệ đỡ cho các ngành, các lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tạo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch, tạo mô hình tăng trưởng xanh.
Quan điểm phát triển nêu trên được tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29-10-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045”; Kết luận số 07-KL/TU, ngày 12-5-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 17-8-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch.
Về lợi thế phát triển du lịch
Tỉnh Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 10 điểm đến hàng đầu và có lượng khách đến cao nhất cả nước. Hình ảnh, thương hiệu du lịch tỉnh Ninh Bình được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới; với 3 năm liền (2018 - 2020) được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Đặc biệt năm 2022, tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Time Out bình chọn là danh thắng hoang sơ như đá quý ở Đông Nam Á nhưng vẫn chưa được nhiều du khách nước ngoài biết tới. Năm 2023, du lịch tỉnh Ninh Bình được bình chọn trong top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tốt nhất thế giới.
Du lịch văn hóa - tâm linh là một thế mạnh của tỉnh Ninh Bình; du lịch sinh thái thường gắn với du lịch trải nghiệm và loại hình du lịch homestay, giúp du khách thâm nhập sâu vào cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của cộng đồng dân cư địa phương. Đây chính là cơ sở để Ninh Bình có điều kiện vực dậy những làng nghề truyền thống, các đặc sản, di sản văn hóa riêng có để phục vụ du lịch, như làng nghề thêu Văn Lâm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư), làng cói Kim Sơn, khôi phục và phát triển nghệ thuật hát xẩm, chèo, các món ăn dân gian…
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình có Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tràng An là một bảo tàng địa chất ngoài trời, ghi dấu những chuyển động thăng trầm của vỏ trái đất và chứa đựng trong lòng nó lịch sử hình thành và phát triển của con người cách đây hàng triệu năm. Quần thể được hình thành từ những dải đá vôi với thung lũng, sông ngòi hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian huyền ảo, trữ tình, thơ mộng. Địa chất, địa mạo đặc biệt, cùng hệ thống hang động xuyên thủy đã khiến Tràng An mang trong mình nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, trong đó song hành tồn tại hệ sinh thái trên cạn và dưới nước rất đặc biệt, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Vùng lõi nguyên thủy của quần thể được bảo vệ tuyệt đối.
Về thực tiễn triển khai thực hiện phát triển du lịch xanh
Các địa phương trong tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chú trọng và tích cực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử; khoanh vùng cấm khai thác đá vôi, khai thác rừng đặc dụng trên núi đá. Quan điểm đó giúp tỉnh Ninh Bình thu hút được nhiều nhà đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch thành điểm đến “an toàn - thân thiện - hấp dẫn”.
Công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được chú trọng. Tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong top các tỉnh là điểm sáng về an ninh, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm trong kinh doanh du lịch.
Một số định hướng trong thời gian tới
Phát triển du lịch xanh đang được coi là một trong những giải pháp để du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng phát triển bền vững. Đồng hành cùng nhiều ngành kinh tế khác, du lịch đang dần trở thành ngành mang lại lợi ích kinh tế to lớn không những cho doanh nghiệp, mà còn cho cộng đồng địa phương. Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, thời gian tới tỉnh Ninh Bình cần chú trọng các nội dung sau đây:
Thứ nhất, để tiếp tục phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, ngành du lịch tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương, của ngành về công tác bảo vệ môi trường gắn với các hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Xác định việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững không chỉ của một ngành mà là của cả các cấp, các ngành, của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và du khách trong và ngoài nước khi đến tỉnh Ninh Bình; trong các hoạt động du lịch luôn chú trọng hướng đến việc sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học rừng, biển, vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Cùng với đó, xây dựng phương án phát triển du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó sẽ có cái nhìn chủ động và phương án cụ thể cho các tình huống xảy ra khi những tác động bất lợi của tự nhiên đến đời sống con người.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp của các ngành chức năng trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh (cần thực hiện thường xuyên và kịp thời) để việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch xanh thực chất, thực sự đi vào chiều sâu, có tính bền vững cao. Mặt khác thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương; huy động nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, cần phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, khám phá-trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; phát triển du lịch gắn với trách nhiệm xã hội lớn hơn, đặc biệt trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập và mức sống của người dân, nhất là ở vùng khó khăn có tiềm năng du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn ngành du lịch và người dân về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh”; kiểm soát các hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” dưới hình thức là các “dự án du lịch xanh” nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất.
Thứ tư, các sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng cần ứng dụng công nghệ “xanh”, nâng cao giá trị tài nguyên, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, sinh thái nhân văn. Đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng “xanh”, hướng tới tiết kiệm năng lượng và chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho nguồn nhân lực du lịch về bảo vệ môi trường, tăng trưởng “xanh”./.
Du lịch trải nghiệm gắn với di sản và làng nghề Hà Nội  (15/11/2024)
Ninh Bình: Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ môi trường  (11/11/2024)
Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên Ninh Bình  (11/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên