Quy hoạch, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đồng bộ với thúc đẩy đô thị hóa bền vững

TS. Nguyễn Văn Trị
Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường
23:13, ngày 27-05-2022
Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ đất đai rất phong phú, quyền sử dụng đất được trao đổi, mua bán, chuyển nhượng và hình thành thị trường đất đai, ngoài vai trò là địa bàn cư trú, là tư liệu sản xuất, đất đai trở thành yếu tố tạo ra vốn cho nền kinh tế.
  1. Đất đai là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia

Đất đai là tài nguyên thiên nhiên quý giá và là yếu tố mang tính quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và các sinh vật khác trên trái đất. Từ thế kỷ 18, Adam Smith đã nhận định đất đai, vốn và lao động là nguồn lực kinh tế của quốc gia(1). Đất đai là tư liệu sản xuất gắn liền với hoạt động của con người. Các Mác viết: “Đất đai là tài sản mãi mãi với loài người, là điều kiện để sinh tồn, là điều kiện không thể thiếu được để sản xuất, là tư liệu sản xuất cơ bản trong nông, lâm nghiệp” (2). Con người tác động vào đất đai biến đất đai từ một sản phẩm của tự nhiên thành sản phẩm của lao động. Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ đất đai rất phong phú, quyền sử dụng đất được trao đổi, mua bán, chuyển nhượng và hình thành thị trường đất đai, ngoài vai trò là địa bàn cư trú, là tư liệu sản xuất, đất đai trở thành yếu tố tạo ra vốn cho nền kinh tế.

Đối với mỗi quốc gia, đất đai là nguồn lực tự nhiên có hạn cần phải được quản lý, khai thác, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, cần phải nghiên cứu các chính sách, giải pháp hữu hiệu trong từng thời kỳ để phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với nước ta, Đảng và Nhà nước luôn luôn coi tài nguyên đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để sử dụng, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật” (3). Luật Đất đai đầu tiên và cho đến nay đều xác định “đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn nội lực, nguồn vốn to lớn của đất nước, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng” (4).

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện đường lối đổi mới từ Đại hội VI và Cương lĩnh chính trị 1991, kế thừa định hướng của các kỳ Đại hội Đảng và bổ sung những nhân tố động lực mới, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”; “huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính” và “Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất” và “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường”.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, ngày 15-1-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW. Nghị quyết đã chỉ rõ các nguồn lực của nền kinh tế đất nước là nhân lực, vật lực và tài lực, trong đó đất đai được xác định là nguồn vật lực quan trọng của nền kinh tế, với mục tiêu: đến năm 2025, hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, công cụ thúc đẩy quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đến năm 2035, phát triển các công cụ điều tiết thị trường quyền sử dụng đất, bảo đảm khoảng 99% diện tích đất tự nhiên được đưa vào khai thác, sử dụng; phục hồi 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Đến năm 2045, chủ động ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái tài nguyên, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên (5). Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương cũng đã chỉ rõ: Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng. Đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.

Nguồn tài nguyên đất đai của nước ta hiện nay là 33,13 triệu ha diện tích tự nhiên (kể cả các đảo), đã đưa vào khai thác sử dụng được trên 96% diện tích, trong đó: sử dụng vào nông nghiệp có 27,98 triệu ha, chiếm trên 84%; sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp có 3,93 triệu ha, chiếm khoảng 12%; diện tích đất chưa sử dụng còn khoảng 1,22 triệu ha, chiếm khoảng 4%. Trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, đã phân bổ diện tích đất được sử dụng vào nông nghiệp 27.732,04 nghìn ha, chiếm 83,70% diện tích tự nhiên; sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp 4.896,48 nghìn ha, chiếm 14,78% diện tích tự nhiên; diện tích đất chưa sử dụng 505,60 nghìn ha, chiếm 1,52% diện tích tự nhiên. Dự báo đến năm 2050, diện tích đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp của cả nước khoảng 10,5 - 11,0 triệu ha (trong đó có 3,2 - 3,5 triệu ha đất trồng lúa); có khoảng 5,5 triệu ha được sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp (trong đó đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao khoảng 300 - 350 nghìn ha; đất đô thị khoảng 0,7 - 0,8 triệu ha) (6).

Những đóng góp nổi bật của nguồn lực đất đai đối với sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ, đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nước ta

Để thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Với nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp từng thời kỳ, nguồn lực đất đai của nước ta từng bước được phát huy có hiệu quả, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hình thành và phát triển của hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu đô thị trong vài thập kỷ qua.

a) Quy hoạch, phân bổ quỹ đất, tạo mặt bằng cho hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phát triển, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trong vài thập kỷ qua, tiến độ phát triển của hệ thống khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC) tăng khá nhanh cả về số lượng và quy mô diện tích đất đai được phân bổ để xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tính đến năm 2020, cả nước đã quy hoạch, phân bổ 219,5 ngàn ha đất (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước) cho 575 KCN được quy hoạch; đã thành lập 392 KCN với diện tích 119,90 nghìn ha đất, tăng 18,83 nghìn ha so với năm 2010; đã có 386 KCN đã đi vào hoạt động, với diện tích 85,20 ha chiếm 71% diện tích đã giao (7). Đối các khu chế xuất (KCX), cả nước đã hình thành 5 KCX, với diện tích 876,00 ha, diện tích để chuyển nhượng, cho thuê sản xuất, kinh doanh là 712,00 ha; diện tích đã chuyển nhượng, cho thuê để sản xuất, kinh doanh là 403,00 ha(8). Cả nước có 3 KCNC với tổng diện tích 3,63 nghìn ha (KCNC Hòa Lạc, thành phố Hà Nội có diện tích là 1.586,00 ha; KCNC Đà Nẵng có diện tích là 1.130,00 ha và KCNC Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích là 913,00 ha) đã đi vào hoạt động. Ngoài các KCN, cả nước còn có 705 cụm công nghiệp với diện tích được giao, được cho thuê là 20.153,00 ha, diện tích đã chuyển nhượng, cho thuê sản xuất, kinh doanh là 15.771,00 ha(9).

Nhờ được quy hoạch, giải quyết kịp thời nhu cầu về mặt bằng và diện tích đất đai, hệ thống các KCN, KCX, KCNC trong cả nước không những phát triển nhanh về số lượng mà còn đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư để đưa vào hoạt động. Tính đến tháng 4-2021, các KCN, KCX, KCNC (kể cả 43,00 nghìn ha KCN trong KKT) đã thu hút được 21.069 dự án (10), trong đó có 10.148 dự án trong nước, với số vốn đăng ký khoảng 2,52 triệu tỷ đồng, số vốn đã thực hiện đạt khoảng 42%; có 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký 230,2 tỷ USD, vốn đã thực hiện đạt khoảng 60%. Đối với hệ thống KCN, diện tích đã hoàn thành kết cấu hạ tầng đưa vào khai thác, sử dụng là 90,83 nghìn ha, chiếm gần 80% diện tích các KCN; tỷ lệ thu hút đầu tư và lấp đầy bình quân đối với các KCN đã đi vào hoạt động đạt khoảng 75%(11). Đối với các KCX diện tích hoàn thành xây dựng hạ tầng là 251,00 ha, chiếm 87,4% diện tích hạ tầng cần xây dựng, tỷ lệ thu hút đầu tư và lấp đầy đạt 57%. Đối với cụm công nghiệp diện tích đã xây dựng hạ tầng là 5.898,00 ha, chiếm 63,56% diện tích cần xây dựng, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 44%.

Bên cạnh đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư để lấp đầy diện tích xây dựng, hệ thống KCN (kể cả KCN trong các KKT), KCX, KCNC của cả nước đã đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh, các chỉ số kinh tế đều tăng nhanh. So với năm 2018, tỷ trọng giá trị công nghiệp chiếm 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước; tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD tăng 8%; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng khoảng 11%; nộp ngân sách nhà nước gần 130 nghìn tỷ đồng, tăng 8%; đã tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.

Sự tăng trưởng nhanh về quy mô và kết quả hoạt động của hệ thống KCN, KCX, KCNC của cả nước đã chứng minh sự đúng đắn của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát huy nguồn lực đất đai vào tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

b) Thu hút vốn đầu tư, tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng sớm đưa các KCN, KCX, KCNC, khu đô thị đi vào hoạt động bằng các cơ chế, chính sách tài chính đất đai linh hoạt của Đảng và Nhà nước.

Vai trò của nguồn lực đất đai trong việc phát triển hệ thống KCN, KCX, KCNC của cả nước, ngoài việc giải quyết mặt bằng và diện tích đất đai, vào những thời điểm nhất định, đất đai còn thu hút và giải quyết nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Với cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện từng thời kỳ, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành chính sách tài chính về đất đai cho phép liên doanh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất(12); xây dựng quỹ phát triển đất(13); miễn giảm tiền thuê đất để ưu đãi thu hút đầu tư; nhà đầu tư được chọn trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê(14); nhà đầu tư ứng vốn (trả trước tiền thuê đất) để giải phóng mặt bằng phát triển KCN(15); dùng quỹ đất để thanh toán các dự án BT(16) phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các KCN, khu đô thị mới… Các chính sách trên đây có ý nghĩa rất quan trọng trong thu hút vốn đầu tư FDI, tính đến đầu năm 2021, các KCN, KCX, KCNC (kể cả KCN trong KKT) đã thu hút được10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký 230,2 tỷ USD, vốn đã thực hiện đạt khoảng 60%; huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng bằng hợp tác công - tư, theo Ngân hàng Thế giới, tính đến tháng 11-2019, nước ta có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT; đất đai trở thành kênh giải quyết nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, tạo kinh phí để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng sớm giao đất cho các KCN, KCX, KCNC, khu đô thị ở nước ta thời gian qua (diện tích đã được giải phóng mặt bằng bàn giao cho KCN là 114,00 nghìn ha; KCX là 876,00 ha; KCNC là 3,63 nghìn ha).

c) Hình thành hệ thống khu kinh tế ven biển và cửa khẩu, góp phần đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng, KCN, khu đô thị khu vực ven biển và thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và quan hệ ngoại giao khu vực biên giới.

Đến nay, cả nước đã hình thành được 44 khu kinh tế (KKT) ven biển và khu vực cửa khẩu, với tổng diện tích là 1.634,13 nghìn ha, chiếm 4,93% tổng diện tích tự nhiên. Cả nước có 8 khu kinh tế ven biển tại 17 địa phương ven biển (17), với diện tích là 858,10 nghìn ha, chiếm 52,51% tổng diện tích các khu kinh tế của cả nước. Đất dành cho sản xuất thương mại, du lịch, dịch vụ: khoảng 48,00 nghìn ha, trong đó có 35,00 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển đạt trên 30,00 nghìn ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ trong GDP của địa phương sau khi phát triển các khu kinh tế ven biển (18). Đã quy hoạch và hình thành 26 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn 21 tỉnh biên giới (19), tổng diện tích các khu kinh tế cửa khẩu là 776,03 nghìn ha, chiếm 47,49% diện tích các khu kinh tế của cả nước, như vậy trung bình mỗi khu kinh tế cửa khẩu rộng khoảng 30,00 nghìn ha. Hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu là đầu tư hạ tầng và phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Sự phát triển hệ thống KKT ở nước ta đã góp phần đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng, KCN, khu đô thị khu vực ven biển; thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư và quan hệ ngoại giao khu vực biên giới, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, nhất là các vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi không gian phát triển, liên kết ngành và liên kết vùng; từng bước hình thành các khu đô thị, dịch vụ, thương mại và du lịch, nhất là khu vực ven biển và biên giới; đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

(d) Mở rộng không gian đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước.

Tỷ lệ đô thị hóa của nước ta đã tăng nhanh, từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020. Tính đến tháng 12-2020, cả nước có 862 đô thị (tăng thêm 107 đô thị so với năm 2010), bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V. Mật độ đô thị tăng từ 2,28 đô thị/1000 km2 năm 2010 lên 2,59 đô thị/1000 km2 năm 2020. Kinh tế đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Dân số thành thị năm 2020 là gần 36 triệu người, chiếm 36,82% tổng dân số cả nước.

Trong thời kỳ 2011 - 2020 diện tích đất đô thị tăng 510,92 nghìn ha. Diện tích đất đô thị tăng bình quân 51,09 nghìn ha/năm, đã góp phần hình thành hệ thống mạng lưới đô thị phân bố tương đối hợp lý trên các vùng lãnh thổ cả nước, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bình quân đất đô thị của cả nước là 530 m2/người. Nhìn chung, diện tích đất xây dựng đô thị của cả nước tăng nhanh (gấp 1,25 lần so với năm 2010); bình quân đầu người 200 m2/người, cao hơn 1,07 lần so với chỉ tiêu cho năm 2010, cơ bản đạt được yêu cầu về mức bình quân diện tích đất đô thị trên người của một đô thị hiện đại.

Quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển đô thị thời gian qua đã mở rộng không gian đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; các đô thị hiện hữu từng bước được nâng cấp, cải tạo, mở rộng cả về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng sản phẩm quốc nội và một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu khác; đã và đang có tác động to lớn, là hạt nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng và cả nước.

Quy hoạch, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ đồng bộ với thúc đẩy đô thị hóa bền vững - Đổi mới chính sách và hoàn thiện giải pháp

Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định các mục tiêu chủ yếu cho phát triển kinh tế Việt Nam: đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt GDP đầu người 4.700 -5.000 USD. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao với GDP đầu người đạt 7.500 USD…

2. Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành công nghiệp, dịch vụ, đô thị của nước ta trong giai đoạn tới thực hiện theo các mục tiêu, định hướng sau:

1- Định hướng chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt(20): Đến năm 2025, điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp, bảo đảm phù hợp giữa các vùng trên toàn quốc, giải quyết tình trạng mật độ công nghiệp cao ở một số khu vực, bảo đảm cân đối và hài hòa giữa các vùng và địa phương; phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển; chuyển dịch các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp sơ chế, công nghiệp hỗ trợ từ các vùng công nghiệp lối sang các vùng công nghiệp đệm. Đến năm 2035: công nghiệp Việt Nam phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, các sản phẩm của công nghiệp có thương hiệu uy tín, có chất lượng và giá trị cao, mang tính khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2- Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”(21), đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát: Phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới. Chiến lược đề ra các mục tiêu: giai đoạn 2021 - 2030: giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0 - 15,5% vào GDP cả nước. Giai đoạn 2031 - 2045: giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân 8,5 - 9,0%/năm; đến năm 2045 đóng góp khoảng 15,5 - 15,7% vào GDP cả nước.

3- Về phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050(22), với mục tiêu từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2025, tổng số đô thị của cả nước vào khoảng 1.000, trong đó có 17 đô thị từ loại I đến đặc biệt; 20 đô thị loại II; 81 đô thị loại III; 122 đô thị loại IV; còn lại là các đô thị loại V; dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số đô thị cả nước. Đến 2025, ưu tiên phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ; giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050 chuyển dần sang phát triển theo mạng lưới đô thị, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.

Để tiếp tục thực hiện Kết luận số 36-KL/TW, ngày 6-9-2018, của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới công tác quy hoạch “Đổi mới, nâng cao chất lượng, tiến độ của quy hoạch, tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch, bền vững, liên kết giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch khác có liên quan” và phát huy nguồn lực đất đai cho thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ đồng bộ với thúc đẩy đô thị hóa bền vững trong giai đoạn mới, chúng tôi đề xuất một số nội dung, giải pháp sau:

a) Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách đất đai để tạo cú hích thúc đẩy phát triển KCN, KKT, theo hướng bổ sung, hoàn thiện các quy định sau:

1- Quy định đồng bộ, thống nhất trong Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Xây dựng về nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với KCN, KKT; xác định trách nhiệm lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm của ban quản lý KKT; đổi mới chính sách từ quy hoạch đất khu công nghiệp thành chính sách quy hoạch đất khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

2- Quy định thẩm quyền giao đất, thu hồi đất, trách nhiệm quản lý đất đai trong KKT cho ban quản lý khu kinh tế; đổi mới và tăng cường cơ chế phối hợp giữa Ban quản lý KKT và chính quyền địa phương đối với công tác quản lý đất đai trong toàn bộ khu kinh tế.

3- Quy định danh mục các KCN, KKT “đặc biệt” và đổi mới chính sách ưu đãi đối với KCN, KKT “đặc biệt” theo hướng xác định lĩnh vực “đặc biệt” khuyến khích, đầu tư được Nhà nước giao quỹ đất sạch; áp dụng tăng đơn giá thuê đất 2 - 3 lần trong suốt thời gian dự án. Mở rộng thời hạn sử dụng đất đối với các dự án, lĩnh vực “đặc biệt” đầu tư vào một số KKT “đặc biệt” lên 99 năm, để các nhà đầu tư an tâm đầu tư dài hạn tại các KCN, KKT. Đồng thời, quy định những khu vực xung yếu trong các KCN, KKT không thuộc địa bàn áp dụng thời hạn cho thuê đất 99 năm. Bên cạnh đó, quy định sử dụng cơ chế tài chính là công cụ kinh tế để khắc phục tình trạng “ôm đất, giữ đất” hoặc xin giao đất, cho thuê đất vượt quá nhu cầu gây lãng phí đất đai, tài nguyên.

4- Đổi mới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các KKT theo hướng giao cho chính quyền cấp huyện thực hiệm nhiệm vụ tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng trong KKT, với sự phối hợp chặt chẽ của các ban quản lý KKT.

5- Cho phép các KCN đầu tư hạ tầng đến đâu được chuyển nhượng đến đó, bỏ điều kiện chuyển nhượng “phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt” như quy định hiện hành.

6- Nghiên cứu xây dựng luật về KCN, KKT.

b) Vận dụng đặc tính khan hiếm, khai thác ưu thế của địa kinh tế và khả năng vốn hóa cao của đất đai để điều tiết quy hoạch phân bổ đất đai, nâng cao chất lượng dự báo, tích hợp quy hoạch gắn với không gian và địa lý lãnh thổ.

1- Quy hoạch, phân bổ đất đai cho cho các ngành kinh tế cũng như cho các KCN, KCX, KCNC, KKT, khu đô thị cần được xây dựng trên cơ sở tiếp cận nguyên tắc thị trường với tầm nhìn dài hạn một cách thực chất. Trong nền kinh tế thị trường, việc quy hoạch, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai phải tiếp cận nguyên tắc thị trường: Đất đai là tài sản có giới hạn, có giá trị sử dụng và giá đất biến động theo thị trường do nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao; biến động giá đất chịu tác động mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng, tiến trình đô thị hóa và kể cả sự suy thoái, ô nhiễm môi trường; vận dụng đặc tính khan hiếm của đất đai, ưu thế của địa kinh tế và khả năng vốn hóa cao của đất đai để điều tiết quy hoạch phân bổ đất đai.

2- Quy hoạch phân bổ đất đai cho phát triển KCN,KCX, KCNC, khu đô thị cần tiếp cận quy hoạch tích hợp, gắn với không gian và địa lý lãnh thổ. Quy hoạch đất các KCN, KCX, KCNC, KKT hiện nay nhìn chung còn dàn trải, chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội; hầu hết các KCN, KCX, KCNC, KKT chưa chú ý đến vấn đề nhà ở, công trình công cộng để phục vụ đời sống người lao động. Cần chuyển từ chính sách quy hoạch đất khu công nghiệp thành chính sách quy hoạch đất khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, quy hoạch đất làm công cụ thu hút đầu tư đồng thời phải quy hoạch đất cho xây dựng đô thị, khu nhà ở xã hội, dịch vụ cho người lao động, với tính chất là đất phi thương mại. Đối với KKT, để khắc phục sự giống nhau của hệ thống khu kinh tế, cần gắn lợi thế của từng khu kinh tế để phát triển các ngành then chốt, tránh chồng chéo và cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị cần có sự thống nhất, kết nối liên vùng, liên tỉnh để liên kết hình thành các trung tâm công nghiệp, khu đô thị lớn của quốc gia.

Cần sớm khắc phục tình trạng quy hoạch bố trí đất đai cho các KCN sử dụng nhiều đất canh tác, nhất là việc sử dụng nhiều diện tích đất lúa có năng suất cao làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ đất lúa và an ninh lương thực quốc gia. Cần sớm nghiên cứu và có chủ trương chuyển dịch quy hoạch đất công nghiệp đầu tư sang vùng trung du, miền núi, nhằm giảm áp lực chuyển đất trồng lúa có chất lượng cao.

c) Sử dụng đầy đủ công cụ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất để tạo vốn phát triển.

Trong nền kinh tế thị trường, giá đất và bất động sản có xu hướng biến động tăng cao khi công bố quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị, do vậy phải sử dụng triệt để công cụ quy hoạch để tạo vốn cho đầu tư phát triển bằng các hình thức đấu giá đất, nhất là các khu đất vàng tại các vùng lõi đô thị có hạ tầng hoàn thiện và cho phép người dân tiếp cận nhiều dịch vụ hoặc các khu đô thị mới. Bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư tăng giá trị đất đai, thu lại giá trị tăng thêm từ đất sau khi đầu tư vào kết cấu hạ tầng.

 d) Tăng cường quản lý, giám sát quy hoạch và sử dụng đất đai tại các KCN, KCX, KCNC, KKT, khu đô thị.

Cả nước có 17.021 ha được phân bổ sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp nhưng chưa thực, trong đó chủ yếu sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp là 10.331 ha, chiếm 60%. Diện tích đất được đưa vào sử dụng (tỷ lệ lấp đầy) của các KCN, CCN, KCX đến cuối năm 2019 đạt thấp, chỉ vào khoảng 56%. Hiện nay còn tồn tại một số diện tích đất các KCN, CCN, chậm đưa đất vào sử dụng (chậm tiến độ), diện tích đất có vi phạm pháp luật đất đai tương đối lớn nhưng còn bị đình trệ, thiếu cơ chế xử lý để đưa vào sử dụng, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Ðể tăng cường quản lý, giám sát quy hoạch, sử dụng đất tại các KCN, KCX, KCNC, KKT, sớm đưa các diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng lãng phí vào sử dụng có hiệu quả, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nhanh chóng tháo dỡ rào cản trong tiếp cận đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư tại các KCN, KCX, KCNC, KKT (23), trong đó cần đổi mới mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, cho phép tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng được huy động vốn để giải phóng mặt bằng, sớm giao đất sạch cho các KCN, KCX, KCNX, KKT, khu đô thị.

Hai là, cần có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ để giải phóng nhanh nguồn lực đất đai (khoảng 10 nghìn ha) vào sử dụng có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối với quỹ đất đang bị đình trệ, lãng phí tại các dự án chậm tiến độ sử dụng đất, diện tích đất đang bị bỏ hoang hóa, các dự án có sai phạm đất đai hiện nay mà các địa phương còn có khó khăn, vướng mắc chưa giải quyết được tại các KCN, KCX, KCNC, KKT, khu đô thị.

Ba là, tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch các KCN, KCX, KCNC, KKT, khu đô thị. Trên cơ sở đó, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN, CCN, KCX; hạn chế việc thành lập mới các KCN, CCN, KCX có hạn chế về điều kiện phát triển để tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các công ty phát triển hạ tầng cũng như doanh nghiệp trong KCN, CCN, KCX.

Bốn là, đổi mới chương trình xúc tiến đầu tư vào các KCN, CCN, KCX mang tính đồng bộ, liên vùng, ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam và phù hợp với chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu đầu tư của đất nước. Tăng cường tính liên kết ngành, tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, CCN, KCX.

Năm là, tăng cường công tác quản lý, giám sát quy hoạch, phân bổ và sử dụng đất đai. Cần thực hiện công khai quy hoạch phân bổ đất đai một cách thực chất, tăng cường giám sát thực hiện quy hoạch, cần có cơ chế hạn chế việc lợi dụng quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch đất đai, đô thị để trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm, làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất và phá vỡ quy hoạch chung. Quy định trường hợp thay đổi mục tiêu của quy hoạch, dự án phải được cấp có thẩm quyền cấp trên quyết định, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, công khai, minh bạch./.

--------------------------------

(1) Adam Smith: “Tìm hiểu bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia”, 1776

(2) Đỗ Thị Lan: “Giáo trình kinh tế tài nguyên đất”, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội, 2007

(3) Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(4) Luật số 3-LCT/HĐNN8, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 2, thông qua ngày 29-12-1987; Luật số 24-L/CTN, Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 14-7-1993

(5) Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15-1-2019, của Bộ Chính trị, về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế

(6) Báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025, của Chính phủ

(7) Báo cáo số 1754/BC-BKHĐT, ngày 30-3-2021, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(8) Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả kiểm kê đất đai 2019

(9) Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả kiểm kê đất đai 2019

(10) Báo điện tử Chính phủ ngày 10-6-2021

(11) Báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 của Chính phủ

(12) Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987

(13) Luật Đất đai số 45/2013/QH13, ngày 29-11-2013; Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-05-2014, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, ngày 06-01-2017, của Chính phủ

(14) Luật Đất đai số 45/2013/QH13, ngày 29-11-2013

(15) Nghị định 47/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ

(16) Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, ngày 15-8-2019, của Chính phủ
(17) Gồm: Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh); Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); Ninh Cơ (Nam Định); khu kinh tế ven biển Thái Bình (Thái Bình); Nghi Sơn (Thanh Hóa); Đông Nam Nghệ An (Nghệ An); Vũng Áng (Hà Tĩnh); Hòn La (Quảng Bình); Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị); Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế); Chu Lai (Quảng Nam); Dung Quất (Quảng Ngãi); Nhơn Hội (Bình Định); Nam Phú Yên (Phú Yên); Vân Phong (Khánh Hòa); Định An (Trà Vinh); Năm Căn (Cà Mau); Phú Quốc (Kiên Giang)
(18) Tỉnh Quảng Ngãi, cơ cấu kinh tế năm 2005 (trước khi thành lập KKT Dung Quất): công nghiệp - xây dựng 30%, dich vụ 35%, nông - lâm - ngư nghiệp 35%; đến năm 2018, cơ cấu kinh tế: công nghiệp-xây dựng 52,01% (tăng 22,01% so với năm 2005); dịch vụ 30,17% (giảm 4,83% so với năm 2005), nông, lâm nghiệp và thủy sản 17,82% (giảm17,18% so với năm 2005). Đối với tỉnh Quảng Nam, cơ cấu kinh tế năm 2002 (trước khi thành lập KKT mở Chu Lai): công nghiệp - xây dựng 28,38%, dịch vụ 33,45%, nông - lâm - ngư nghiệp 38,17%; đến năm 2018, cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng 36,8 (tăng 8,42% so với năm 2002), dịch vụ 51,2% (tăng 17,75% so với năm 2002), nông - lâm - ngư nghiệp 12% (giảm 26,17% so với năm 2002)
(19) Giáp biên giới với Trung Quốc có 9 khu; giáp biên giới với Lào có 9 khu; giáp biên giới với Cam-pu-chia có 9 khu (do khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Kon Tum vừa giáp Lào vừa giáp Cam-pu-chia)
(20) Quyết định số 879 QĐ-TTg, ngày 9-6-2014, của Thủ tướng Chính phủ

(21) Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 13-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ

(22) Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 7-5-2009, của Thủ tướng Chính phủ

(23) Việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số KCN, KCX, KCNC, KKT vẫn còn chậm; các dự án sản xuất, kinh doanh thực hiện theo phương thức thỏa thuận nhận quyền, thuê quyền sử dụng đất còn có khó khăn; thủ tục hành chính còn phiền hà, kéo dài