Để tháo gỡ khó khăn trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Hà Nội
TCCS - Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Những năm vừa qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Qua đó, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nhà sản xuất mà còn giúp người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tiếp cận nông sản an toàn với giá cả hợp lý.
Một số kết quả đạt được
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến hết tháng 12-2021 trên địa bàn Hà Nội, có 145 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đang hoạt động; trong đó, có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt.
Các chuỗi liên kết thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có khoảng 1.400 sản phẩm được kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn chặt chẽ mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn…
Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình điển hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, hoạt động hiệu quả, như Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao của Hợp tác xã Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH thực phẩm sạch Oganic Ggreen; chuỗi rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân; chuỗi rau sạch của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn…
Thị trường tiêu thụ mở rộng, nhu cầu thực phẩm, sản phẩm nông sản giá trị cao ngày càng gia tăng đã thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố Hà Nội kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ, từ đó tăng sức cạnh tranh cho nông sản của Thủ đô.
Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai
Mặc dù Hà Nội rất tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành và đã tiếp nhận một số dự án, kế hoạch liên kết đề nghị hỗ trợ, tuy nhiên, trên địa bàn cùng còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai mô hình. Sau một thời gian hoạt động, đến năm 2021, có 13 chuỗi ngừng hoạt động và chỉ thêm 17 chuỗi được thành lập mới (trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp). Điều này cho thấy tốc độ gia tăng các chuỗi ở mức rất thấp. Nguyên nhân được cho là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các mô hình liên kết chưa áp dụng được vào thực tế. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm biến động các thị trường nông sản, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng đến người sản xuất.
Trong 145 chuỗi được hình thành theo 7 hình thức liên kết chuỗi quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018, của Chính phủ, “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, có 46 liên kết theo hình thức chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kiểu liên kết này không bền vững, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ. Lúc giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ. Từ năm 2020 đến cuối 2021, đã có 13 liên kết bị ngừng hoạt động đều rơi vào hình thức liên kết này.
Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, cho nên, dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia chuỗi liên kết, nhiều hợp tác xã chưa có sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng hoặc chưa đủ mạnh về nguồn nhân lực, nguồn vốn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, khó tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại...
Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã ở một số địa phương chưa thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn về quản lý quy hoạch, vẫn còn tình trạng buông lỏng, tự phát, dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm sản xuất ra không có người mua; bài toán giải cứu vẫn đang còn hiện hữu. Mặc dù các đơn vị chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn còn những mô hình đưa vào ứng dụng không gắn kết, ràng buộc theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, nên kết thúc mô hình không nhân rộng được trong thực tế, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Việc hỗ trợ các dự án và kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP chưa thực hiện được. Ngoài ra, các doanh nghiệp làm chủ chuỗi liên kết còn lúng túng, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn quỹ ưu đãi của thành phố Hà Nội cũng như của các ngân hàng thương mại.
Một số giải pháp
Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố phấn đấu hỗ trợ phát triển, xây dựng thêm 50 liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Để thực hiện được mục tiêu này, phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những tồn tại, khó khăn trong triển khai mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và chính sách hỗ trợ theo hướng rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và những nội dung chưa phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp và hợp tác xã vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND, ngày 5-12-2018, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Rà soát quy hoạch đã được quy định theo Quyết định 3215/QĐ-UBND, ngày 14-6-2019, của thành phố Hà Nội, “Về Danh mục vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội”, tập trung hằng năm và điều chỉnh kịp thời bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung vùng huyện, quy hoạch nông thôn mới để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên toàn thành phố theo hướng bền vững.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, có thêm chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách hỗ trợ sau đầu tư, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại, tiêu thụ sản phẩm... nhằm khuyến khích nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, hợp tác xã tập trung đầu tư hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, còn doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu ổn định.
Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và thành phố Hà Nội về gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm tốt để doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, người tiêu thụ và các tầng lớp nhân dân tham quan, học tập.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ na-no, kinh tế tuần hoàn... trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, có giá trị cao và bền vững.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất và ứng dụng đồng bộ các công nghệ, kỹ thuật mới để vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng trong nước và xuất khẩu.
Thứ năm, đẩy mạnh thiết lập hệ sinh thái quản trị bền vững chuỗi giá trị. Theo đó, cấp ủy, chính quyền cấp xã cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, vận động và tạo điều kiện cho người dân tham gia sản xuất tập trung theo quy hoạch. Phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp (hợp tác xã chuyên ngành) để làm đầu mối tiếp nhận ứng dụng kỹ thuật mới và chuyển giao cho các thành viên hợp tác xã. Đơn vị chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật cần được xác định là một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi liên kết, chịu trách nhiệm cùng hợp tác xã hướng dẫn thành viên trong sản xuất, thu hoạch sơ chế chế biến và bảo quản để có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của đơn vị phân phối tiêu thụ. Đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm cần làm tốt công tác dự báo thị trường tiêu thụ, yêu cầu rõ về số lượng, chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để làm cơ sở cho đơn vị chuyển giao; hợp tác xã và người sản xuất áp dụng với công nghệ phù hợp và giá thành hợp lý nhất để tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Thứ sáu, tiếp tục tham mưu trình cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết. Quản trị và điều hành hệ thống thông tin nhu cầu của các huyện cần liên kết, các đơn vị ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các đơn vị phân phối và tiêu thụ. Phối hợp với đơn vị tư vấn có đủ kinh nghiệm để tích hợp và kết nối các nhân tố là yếu tố bên trong và bên ngoài chuỗi giá trị bảo đảm tính tương thích của công nghệ với khả năng tiếp thu thực hiện của người dân và cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối với giá thành hợp lý và hiệu quả nhất.
Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi để hỗ trợ các tác nhân tham gia chuỗi liên kết, đặc biệt là chủ chuỗi liên kết được vay vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới đáp ứng thực tiễn của sản xuất và nhu cầu ngày càng cao của thị trường… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tham gia chuỗi với tư cách là nhà đầu tư, không chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước./.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU vì mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, thành phố thông minh, hiện đại  (14/10/2022)
Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, tạo đà phát triển kinh tế vùng nông thôn  (14/10/2022)
Thành phố Hà Nội: Phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (12/10/2022)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm