Quản lý trật tự xây dựng đô thị tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm
TCCS - Từ quyết tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình), thành phố Hà Nội tiếp tục coi đây công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, kiên quyết xử lý các vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn.
“Bài học” 8B Lê Trực
Sau hơn 3 năm thực hiện "cắt ngọn" giai đoạn 1 (tầng 19) công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực, từ ngày 15-5-2020, công tác xử lý giai đoạn 2 đã được Ủy ban nhân dân quận Ba Đình triển khai với tinh thần khẩn trương, dứt điểm, đúng quy định pháp luật, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, đây là công trình vi phạm xây dựng phức tạp, kéo dài. Thành phố Hà Nội có chủ trương nhất quán là xử lý nghiêm công trình sai phạm 8B Lê Trực. Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản đôn đốc xử lý công trình này. Hàng loạt cán bộ có liên quan đến sai phạm của công trình 8B Lê Trực đã chịu những hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Sau khi xử lý giai đoạn I, từ tháng 9-2017, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố 2 phương án phá dỡ. Theo đó, phương án 1 là phá dỡ toàn bộ phần công trình sai phạm; phương án 2 là phá dỡ tiếp tầng 17, tầng 18, chiều cao công trình đến sàn mái tầng 16 là 55,2m (cao hơn giấy phép xây dựng được cấp 2,2m; diện tích sàn còn lại cũng vượt giấy phép khoảng 922m2). Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng có văn bản giao Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cưỡng chế giai đoạn 2, phá dỡ tầng 17, tầng 18; yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương thẩm định thiết kế, biện pháp thi công.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư không phối hợp bàn giao hồ sơ kỹ thuật thiết kế, thi công công trình cho chính quyền, nên quá trình lập phương án phá dỡ rất khó khăn. 35 đơn vị tư vấn được mời thiết kế phương án phá dỡ, nhưng không có đủ hồ sơ về công trình nên nhiều đơn vị từ chối không thể tham gia.
Chủ đầu tư, sau khi hoàn tất tháo dỡ giai đoạn I, cũng đã có văn bản xin tự khắc phục, song phương án phá dỡ mà chủ đầu tư đưa ra không bảo đảm. Thiết kế phương án sơ sài, chưa rõ phương án gia cố cột, phương án gia cố móng cho các cột dự kiến bổ sung... Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn hoàn chỉnh phương án, thuê đơn vị tư vấn độc lập để thẩm tra thiết kế dự toán và phê duyệt phương án. Tuy nhiên, Công ty cổ phần May Lê Trực không thực hiện. Thậm chí, khi Ủy ban nhân dân phường Điện Biên thông báo quyết định cưỡng chế phá dỡ, chủ đầu tư bất hợp tác hoàn toàn, buộc chính quyền địa phương phải cưỡng chế “mở khóa” các căn hộ tầng 18 để thu dọn đồ đạc trước khi phá dỡ công trình.
Dù không nhận được sự hợp tác của chủ đầu tư, song với tinh thần tôn trọng, công khai, minh bạch, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình tiếp tục có buổi làm việc với Công ty cổ phần May Lê Trực để giải đáp toàn bộ các kiến nghị. Trong đó, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cho biết, về hồ sơ phương án, giải pháp tháo dỡ tầng 18 công trình 8B Lê Trực, Ủy ban nhân dân phường Điện Biên cung cấp đầy đủ cho chủ đầu tư các văn bản liên quan. Phương án, giải pháp tháo dỡ đã được Sở Xây dựng Hà Nội chấp thuận ngày 17-4, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình phê duyệt ngày 23-4. Ủy ban nhân dân phường Điện Biên cũng đã niêm yết công khai toàn bộ các văn bản trên tại hiện trường xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng… Đồng thời, một lần nữa yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực hợp tác với chính quyền để đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ phần công trình vi phạm.
Trước những sai phạm tại công trình 8B Lê Trực đã được cơ quan thẩm quyền kết luận rõ như chủ đầu tư không tuân theo giấy phép và thiết kế xây dựng, tự ý tăng diện tích sàn (tăng trên 6.000m2 so với giấy phép); tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao khoảng 69m (vượt 16m)…, việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo quận Ba Đình thực hiện cưỡng chế, kiên quyết xử lý công trình sai phạm 8B Lê Trực đã được sự đồng tình cao của dư luận. Bởi việc này khẳng định những sai phạm về xây dựng được xử lý nghiêm theo quy định, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội lần thứ 15 khóa XV, diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-7-2020, một trong những nội dung đã được đưa vào Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020 của thành phố Hà Nội là “Tập trung giải quyết dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực và các vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng”.
Cũng tại kỳ họp này, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm tại công trình 8B Lê Trực và các vi phạm trật tự xây dựng kéo dài gây bức xúc dư luận. Các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra 9.062 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 176 trường hợp có vi phạm (tỷ lệ 1,94%); cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 94/176 trường hợp (tỷ lệ 53,41%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 82 trường hợp (tỷ lệ 46,59%).
Quyết liệt trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2020 và đang tiếp tục có nguy cơ bùng phát trở lại tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, xác định quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thành phố đang nỗ lực bảo đảm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, hạn chế những vi phạm trật tự xây dựng phát sinh.
Mới đây, Thanh tra thành phố Hà Nội đã có báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện việc xử lý vi phạm liên quan đến mương thoát nước Phan Kế Bính (quận Ba Đình) và mương thoát nước Nghĩa Đô (quận cầu Giấy). Đây cũng là hai dự án có nhiều vi phạm ở mức “khủng” và thời gian xử lý bị kéo dài.
Nhằm xử lý triệt để, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 3572/UBND-ĐT ngày 3-8-2020, yêu cầu Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận: Ba Đình, Cầu Giấy khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm (đối với các nội dung còn chưa thực hiện xong) tại hai dự án cống hóa mương Phan Kế Bính và mương Nghĩa Đô theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các nội dung kết luận thanh tra; gửi báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra thành phố Hà Nội để tổng hợp trước ngày 15-8-2020.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Thanh tra thành phố đôn đốc các đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện; chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, lý do chưa hoàn thành, chưa xử lý dứt điểm; thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết (đối với các nội dung chưa thực hiện xong của các đơn vị); tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xử lý giải quyết dứt điểm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trước ngày 20-8-2020.
Ngoài xử lý những công trình vi phạm nghiêm trọng, các vi phạm trật tự xây dựng mang tính nhỏ, lẻ trên địa bàn cũng được các sở ngành, cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý kịp thời theo đúng quy trình, đúng quy định. Cụ thể, trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra hơn 19.600 công trình, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỉ lệ hơn 3%), giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh tra Sở Xây dựng ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 13,5 tỷ đồng.
Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, nhờ kiên quyết xử lý và xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm với số tiền tăng lên đã có tác động mạnh mẽ đến ý thức và nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý trật tự đô thị. Các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" cũng được đôn đốc thực hiện, xử lý các kiến nghị, kết luận sau thanh tra đạt hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xây dựng chung.
Năm 2020, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp ngăn chặn đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp chính quyền và sở, ngành chức năng phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, gắn với phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.
Đồng thời, thành phố yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tình hình trật tự xây dựng cũng như tiến độ xử lý các vi phạm tồn đọng...
Thông tin về tiến độ xử lý giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình), Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cho biết, từ ngày 15-5 đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam đã cơ bản hoàn thành tháo dỡ thiết bị, phá dỡ toàn bộ phần tường xây bao quanh trên sàn mái tầng 18, tường ngăn tại các căn hộ, vách kính; vận chuyển phế thải... Đến ngày 22-7-2020, mặt bằng tầng 18 cơ bản dọn dẹp xong. Hiện công nhân đang bắt đầu dựng giàn giáo trợ lực, chuẩn bị tiến hành cắt mái tầng 18.
Hà Nội: Tái cơ cấu khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển bền vững  (29/07/2020)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm