Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong phòng, chống đại dịch COVID-19
TCCS - Những nỗ lực quên mình trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, khẳng định tình đoàn kết máu thịt quân - dân và bản chất của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ.
“Bộ đội Cụ Hồ” - Tự hào từ thời chiến đến thời bình
Hiếm có một quốc gia hay một dân tộc nào trên thế giới mà quân đội luôn gắn bó máu thịt, không ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng xả thân để bảo vệ nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh như Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều đó đã được hình thành ngay từ những ngày đầu thành lập và trở thành truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam - đã khái quát: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (1). Truyền thống vẻ vang đó chính là nguồn lực nội sinh to lớn tạo nên sức mạnh quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta trong mọi hoàn cảnh.
Cùng với sự phát triển của đất nước, chức năng và nhiệm vụ của Quân đội có những bước phát triển mới, yêu cầu ngày càng cao nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trong mọi tình huống. Từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến công cuộc đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa,… của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội luôn khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”(2).
Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 có tốc độ, phạm vi lây nhiễm và tỷ lệ tử vong chưa từng xảy ra trong lịch sử, gây thiệt hại nặng nề trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của mọi quốc gia, dân tộc. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 25-9-2021, đã có 232,09 triệu người bị nhiễm và 4,754 triệu người tử vong vì COVID-19. Riêng châu Á đã có 75,06 triệu người nhiễm, cao nhất thế giới. Ở trong nước, đã có 746.625 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ và 18.400 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới. Trước thực tế đó, với tinh thần chống dịch như chống giặc, cả dân tộc lại bước vào trận chiến mới với một kẻ thù vô hình, chưa có tiền lệ. Ý thức cao về nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 khi Việt Nam bước vào giai đoạn quyết định của cuộc chiến chống dịch với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh cùng các cấp, các ngành và toàn dân tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm chiến thắng đại dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, góp phần lan tỏa hình ảnh cao quý, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình.
Quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi đại dịch
Ngay từ khi xuất hiện những ca lây nhiễm đầu tiên, Bộ Quốc phòng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch trong toàn quân nhằm bảo đảm ứng phó kịp thời với mọi tình huống, kể cả cấp độ cao nhất. Toàn quân đã quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và phương châm “Sớm hơn và nhanh hơn một bước”. Bộ Quốc phòng đã chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát sao trong thực tế. Cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân xung kích, đi đầu trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, khống chế không để dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng. Những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong tham gia phòng, chống dịch chính là kết quả từ sự kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, bản chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ nhất, khả năng phản ứng nhanh, hiệu quả, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Bộ Quốc phòng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức chặt chẽ, an toàn trong công tác tiếp nhận công dân Việt Nam từ các nước có dịch về nước. Chỉ đạo ngành hậu cần quân đội bảo đảm tốt quân y bảo vệ các sự kiện của Đảng, Nhà nước và Quân đội như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác (ADMM+)… Sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động tập huấn, diễn tập phòng, chống dịch chặt chẽ, đồng bộ ở các cấp, ngành theo tính chất, chức năng của từng quân chủng, binh chủng, ngành.
Với tinh thần khẩn trương, toàn quân đã tham gia triển khai 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm cùng hàng trăm tổ, đội công tác, lực lượng phản ứng nhanh trên toàn quốc. Chỉ sau 48 giờ triển khai, Trung tâm điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 đã đi vào hoạt động và thành công trong việc phân đôi ECMO cứu 2 bệnh nhân F0 nguy kịch. Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ chốt giữ, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, các khu vực có đường mòn, lối mở, ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo ngành quân y tích cực, chủ động và đã thành công trong việc nghiên cứu, sản xuất bộ công cụ xét nghiệm Rear-Time RT-PCR phát hiện vi-rút và vi-rút chủng mới. Phối hợp với ngành y tế nghiên cứu, bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, pha 3b vắc-xin Nano Covax và nhiều sản phẩm khác với đặc tính tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, cùng với cả nước đang khẩn trương chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, quân đội là địa chỉ tin cậy được giao nhiệm vụ thiết lập 8 kho bảo quản vắc-xin để bảo quản, vận chuyển, phân phối và tiêm chủng cho toàn quốc; đồng thời, Bộ Quốc phòng là nơi đặt Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng quan trọng này. Ngoài ra, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong toàn quân đã được cụ thể hóa thành nhiệm vụ phòng, chống dịch trên tất cả các mặt công tác, trong từng lĩnh vực, tới từng cấp, từng ngành, từng quân chủng, binh chủng đồng bộ, chặt chẽ, tạo thành hệ thống phòng tuyến vững chắc, kết hợp với hệ thống phòng, chống dịch của các ngành, các cấp ở địa phương tạo nên thế trận phòng, chống dịch chặt chẽ, sáng tạo và hiệu quả.
Thứ hai, với tinh thần kỷ luật tự giác, nghiêm minh, lực lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch luôn nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm và quản lý các khu vực được phân công, tuân thủ nghiêm các yêu cầu, nguyên tắc, quy định và pháp luật về phòng, chống dịch. Khi dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng, toàn quân đã kích hoạt hệ thống phòng dịch ở mức cao nhất, triển khai và quản lý chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn hiệu quả, không để dịch xâm nhập vào các cơ quan, đơn vị cơ sở. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ thiếu thốn, mọi hoạt động bảo vệ chủ quyền biên giới đều chủ yếu dựa vào sức người là chính. Để bảo vệ gần 5.000km biên giới, ngăn hoạt động đưa người vượt biên trái phép, lực lượng biên phòng phải vượt qua vô vàn khó khăn. Nhưng với bề dày truyền thống “Đoàn kết, cảnh giác; liêm, chính, cần, kiệm; hoàn thành nhiệm vụ; khắc phục khó khăn; dũng cảm trước địch; vì nước quên thân; trung thành với Đảng; tận tụy với dân”, Bộ đội Biên phòng đã khắc phục mọi khó khăn, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tuyến đầu bảo vệ biên giới, ngăn chặn không để dịch xâm nhập qua biên giới, vừa giữ được quan hệ ngoại giao với các nước có chung biên giới. Cùng với đó, lực lượng quản lý các điểm cách ly tập trung đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là lực lượng tham gia quản lý điểm cách ly tại các địa phương có thời điểm dịch bùng phát mạnh như Quân khu 3 ở Hải Dương, Quân khu 1, Quân đoàn 2 ở Bắc Giang, Quân khu 7 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… không để dịch bệnh lây nhiễm ra ngoài và lây chéo trong khu vực cách ly. Toàn quân tích cực tham gia truy vết, cách ly, xét nghiệm kịp thời các trường hợp có liên quan các ổ dịch của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Lực lượng quân đội tham gia phòng, chống dịch ở đâu thì ở đó cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân yên tâm, tin tưởng và mong muốn được cán bộ, chiến sĩ của quân đội tích cực hỗ trợ.
Thứ ba, phát huy tinh thần “Vì nhân dân quên mình”, “Vì nhân dân hy sinh”, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nêu cao tinh thần dấn thân, sẵn sàng hy sinh, chấp nhận gian khổ, khắc phục mọi khó khăn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Ngay từ những ngày đầu dịch khởi phát, quân đội là lực lượng xung kích trên tuyến đầu trong thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, trước hết là các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã quán triệt, xác định tốt vai trò, sứ mệnh của người quân nhân cách mạng, chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành trọng trách, sứ mệnh được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao phó. Các lực lượng thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân địa phương nỗ lực cùng cả nước ngăn chặn, khống chế, không để dịch lan rộng trong cộng đồng. Nhiều đơn vị đã chủ động nhường doanh trại, cơ sở vật chất cho nhân dân cách ly, chấp nhận cắm nhà bạt dã chiến ở bên ngoài doanh trại. Đồng thời, quân đội còn huy động lực lượng phục vụ, chăm sóc chu đáo, tận tình, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho các khu vực cách ly. Nhiều đoàn, tổ, đội công tác đang ngày đêm lăn lộn, cùng chia sẻ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch ở những khu vực, địa phương điểm nóng về dịch bệnh, điều kiện cơ sở vật chất, tinh thần thiếu thốn mọi mặt. Nhiều lực lượng như Bộ đội Biên phòng, lực lượng quân y ở các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19, lực lượng phục vụ trong các khu vực cách ly, quân y ở các điểm tiêm chủng… luôn chịu áp lực căng thẳng và hoạt động vượt quá khả năng sức lực trong thời gian dài. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, với quyết tâm “không thắng không về”, Bộ Quốc phòng đã điều động hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc các quân chủng, binh chủng, ngành trong toàn quân tham gia cùng hai địa phương nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh, an dân trong thời gian sớm nhất.
Thứ tư, thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, với khả năng, lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch của quân đội đã sát cánh cùng nhân dân cả nước trên tất cả các mặt công tác phòng, chống dịch, góp phần quan trọng trong ngăn chặn, không để dịch bệnh lan nhanh, phát tán rộng trong cộng đồng. Trong đó, lực lượng quân y đã nêu gương sáng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền”, luôn đi đầu trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tận tụy làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hết lòng phục vụ nhân dân, tiên phong trong phối hợp chặt chẽ với hệ thống y học dự phòng của ngành y tế trên cả nước triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ đội Biên phòng tăng cường các điểm chốt, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở trên tuyến biên giới; Bộ đội Hóa học triển khai thực hiện tốt việc tiêu tẩy, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng các khu vực nhiễm khuẩn và các khu vực nguy cơ cao; bộ đội chủ lực và bội đội địa phương triển khai, giám sát nhiều điểm cách ly tập trung; bộ đội vận tải tham gia vận chuyển trang thiết bị kỹ thuật phục vụ phòng, chống dịch, vận chuyển vắc-xin, thành lập các đội xe cấp cứu thu dung bệnh nhân nhiễm bệnh ngoài cộng đồng về các trung tâm điều trị. Cùng với đó, quân đội còn thành lập các tổ chuyên gia và các đoàn công tác tham gia hỗ trợ chuyên môn và vật chất trong phòng, chống dịch cho một số quốc gia có quan hệ chiến lược. Toàn quân tăng cường tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trong và ngoài quân đội hiệu quả, thiết thực. Sự quyết liệt và hiệu quả trong triển khai, thực hiện đồng bộ các mặt công tác của quân đội trên các trận tuyến phòng, chống dịch COVID-19 là minh chứng sinh động cho truyền thống vì nước, vì dân, sắt son một lòng của quân đội ta, càng làm sáng ngời phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình./.
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2011, t. 11, tr. 350
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 156
Hà Nội nỗ lực bảo đảm chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (29/09/2021)
Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chuyển trạng thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”  (26/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Bảo đảm an toàn dịch bệnh, thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh  (26/09/2021)
Một số kinh nghiệm bước đầu của Hà Nội trong phòng, chống dịch COVID-19  (26/09/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên