Hồ Chí Minh viết về tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ
Với xã hội Ấn Độ cổ truyền, Mác - Ăng-ghen nghiên cứu và đã chỉ ra rằng: “Tính chất đơn giản của hình thái kinh tế tự cung tự cấp của những cộng đồng luôn luôn đẻ ra những cộng đồng cùng một hình thức; và nếu ngẫu nhiên mà bị phá hủy đi chăng nữa, thì cũng lại được khôi phục lại trên địa điểm cũ và lấy lại tên cũ. Tính chất đơn giản đó làm cho chúng ta hiểu rõ được tính chất bất di bất dịch của những xã hội châu Á”(1). Chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập châu Á đã làm đảo lộn thực tiễn đó. Và theo cuốn sách Diễn đàn Niu Oóc hằng ngày của Mác thì “nước Anh có hai sứ mệnh ở Ấn Độ, một là phá hoại, hai là phục hưng - nghĩa là tiêu diệt xã hội châu Á cũ và đem lại châu Á những cơ sở vật chất của xã hội phương Tây”(2). Đến lượt mình, Nguyễn Ái Quốc xem xét Ấn Độ như hoàn cảnh mất nước của người Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp từ năm 1858, nên Người sớm quan tâm đến việc gieo mầm và vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.
Từ nửa sau thế kỷ XVIII, Anh và Pháp tranh nhau xâm lược Ấn Độ, và kết quả là thực dân Anh đã chiếm được toàn bộ. Tháng 8-1947, Anh buộc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ sau khi đã chia Ấn Độ thành hai nước: Một là, Ấn Độ bao gồm chủ yếu là người theo đạo Brahma (còn có tên gọi là đạo Hin-đu hay Bà-la-môn theo cách phiên âm Hán tự); hai là, Pa-ki-xtan chủ yếu bao gồm những người theo đạo Hồi; đồng thời họ cũng tạo ra một vùng đất tranh chấp Ca-sơ-mia giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan. Và lịch sử ngày một biến chuyển, ngày 26-1-1950 nước Cộng hòa Ấn Độ tuyên bố thành lập.
Trong bài Phong trào cách mạng Ấn Độ, trên tạp chí La Revue Communiste, số tháng 8 và 9-1921 ở Pa-ri, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Ma-hát-ma Găng-đi (Mahatma Gandhi) đã đặt viên đá đầu tiên để dựng lên thuyết bất hợp tác và bất bạo động. Đường lối đó được theo đuổi một cách thắng lợi. Trẻ em rời bỏ trường học của người Anh. Các luật sư rời bỏ tòa án của người Anh. Các viên chức và thợ thuyền không làm việc trong các công sở và nhà máy mà chủ là người Anh. Không còn quan hệ, không còn buôn bán giữa người Anh và người Ấn. Để giữ vững phong trào, cần phải có những quỹ cứu tế. Trong thời gian 3 tháng, người ta đã quyên được hơn 60 triệu phrăng. Những người Ấn Độ giàu có lấy nhà mình làm trường học. Những vụ kiện được đưa ra xử trước các tòa án bản xứ mới thành lập. Một số người Ấn Độ tự nguyện góp đến ba mươi triệu đồng một năm “cho đến khi độc lập hoàn toàn”(3).
Viết được bài báo có nhiều chi tiết cập nhật, xác thực như thế chứng tỏ ngay khi mới cầm bút, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu kỹ tình hình chính trị xã hội ở Ấn Độ. Trước tình cảnh nhân dân lao động đang bừng dậy khí thế đòi độc lập dân tộc, đòi quyền sống tự do ngay tại đất nước mình, hẳn rằng các cấp lãnh đạo đất nước và các tầng lớp nhân dân Ấn Độ cũng mong nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Với tiếng nói của nhà báo yêu nước Nguyễn Ái Quốc, hình ảnh đất nước và con người Ấn Độ hiển hiện trước mắt người đọc như một đoạn băng tư liệu hiếm gặp. Năm 1926 trên báo Người cùng khổ (Le Pari) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, Người đã có bài viết về sự rên xiết của nhân dân Ấn Độ dưới ách đô hộ của thực dân Anh. Trong bài Lối cai trị của người Anh, Nguyễn Ái Quốc viết: “Đầu năm nay, Thủ đô chính thức của Ấn Độ thuộc Anh bỗng nhiên thấy buộc phải áp dụng Đạo luật phòng thủ Ấn Độ năm 1918, tức là đạo luật bất thường, tăng cường thiết lập trật tự giới nghiêm. Dưới chế độ ấy, tất cả những viên chức và cảnh sát người Anh, từ cấp thanh tra trở lên, đều có quyền bắt bớ và giam giữ những người Ấn Độ bị tình nghi, không làm thủ tục cũng chẳng cần xét xử gì cả. Chỉ trong một buổi sáng mà các trường trung học, các ký túc xá của sinh viên và khoảng 100 tòa nhà đã bị khám xét. Hàng trăm vụ bắt bớ đã xảy ra. Trong số những người bị bắt giam, có S. Sun-đe Rô-dơ, lãnh tụ trong ban chấp hành đảng Quốc đạo Ấn Độ; Ba-ran Roi, bí thư tỉnh ủy của đảng này. S. Mit-tơ, bí thư của đảng Sva-ra-gít; và nhiều người Sva-ra-gít khác có tiếng tăm và được tôn trọng. Văn phòng các công ty của người Ấn Độ đều bị quân đội và cảnh sát chiếm đóng. Các nhà cầm quyền Anh ở Băng-gan lại định giải quyết bằng vũ lực tất cả những khó khăn về chính trị”(4).
Mỗi cộng đồng dân tộc châu Á đều đã trải qua hàng vạn, hàng vạn năm phát triển, tiến bước theo nhân loại, đều có độc lập tự chủ, hà cớ gì các nước tư bản phương Tây áp đặt biện pháp cai trị bằng con đường xâm lược? Chắc chắn đây là câu hỏi lớn đã được Nguyễn Ái Quốc băn khoăn suy nghĩ ngay từ khi Người chưa ra đi tìm đường cứu nước. Lúc này Người đã và đang sống tại Pa-ri và chỉ bằng tư liệu thư tịch, báo chí, Người đã theo dõi khá sát tình hình thời cuộc của hai nước rộng về diện tích, lại đa dạng về cộng đồng cư dân là Ấn Độ và Trung Quốc, để không chỉ lên tiếng ủng hộ nhân dân lao động của nước bạn, mà còn lấy đó làm cơ sở lý luận để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Vì thế, quan điểm Quan san muôn dặm một nhà/Bốn phương vô sản đều là anh em của Nguyễn Ái Quốc đã trở thành chân lý ngay từ khi Người mới dấn thân vào cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với ý chí sắt đá ấy, tất cả mọi diễn biến thời sự trên thế giới đương đại phải được Người nắm bắt để vận dụng trong đấu tranh nghị trường, hay ít nhất cũng khơi dòng thông tin tư liệu cho dư luận được phổ biến rộng hơn.
Cùng nằm trong vòng kiểm tỏa của thực dân Anh, Trung Quốc và Ấn Độ cũng giống như Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Người viết: “Những người bảo thủ trở lại nắm quyền, việc đó đã làm cho chủ nghĩa đế quốc Anh thêm sức mạnh. Chủ nghĩa đế quốc Anh muốn thi hành ở Trung Quốc một chính sách tích cực và “mạnh mẽ”. Để bắt đầu, người ta đề nghị với Hội nghị Luân Đôn ngày 24-11 vừa qua rằng những đường sắt ở Trung Quốc phải do các lực lượng quân sự Mỹ, Nhật, Bỉ, Pháp và Anh kiểm soát, giám sát. Nước Anh bỏ nhiều vốn nhất vào những đường sắt ấy và sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc kiểm soát và chiếm giữ những hệ thống đường sắt đó”(5). Dẫu rằng cũng ngay tại bài báo này, tác giả biết rất rõ: “Dự án tốt đẹp ấy chưa được thông qua”(6) nhưng qua những dòng tư liệu sốt dẻo ấy, người đọc thấy ngay sự mẫn cảm của anh Nguyễn. Bức tranh giành giật, chia phần thuộc địa nhằm thu lợi nhuận lâu dài của giới tư bản phương Tây diễn ra ở châu Á, được bóc trần trước dư luận báo chí ngay ở chính quốc. Cái vòi bạch tuộc ấy, dù muốn hay không cũng phải đón nhận tương lai không lấy gì làm mĩ mãn của nó. Điều này trong bài báo viết về Ấn Độ 5 năm trước, anh Nguyễn cũng đã chỉ rõ: “Trước làn sóng như vậy lá cờ không bao giờ thấy mặt trời lặn có nguy cơ rơi xuống mặt trăng. Đế quốc Anh không biết xoay xở cách nào. (…)
Chúng dùng Công-xtăng-tin làm cái chụp để dập tắt lò lửa của phong trào Liên Hồi giáo. Chúng nhặt Phay-xan lên để chống đỡ tòa nhà đế quốc đang sụp đổ ở phương Đông. Và sau nữa thì sao? Ít ra, chúng có thể tự an ủi khi thời hạn rời khỏi Ấn Độ của chúng đã đến, bằng cách tự nhủ rằng chúng đã tàn nhẫn kéo theo sự sụp đổ của đế quốc Pháp, đang hoạt động ở Đông Dương một cách xấu xa”(7). Có thể thấy, Nguyễn Ái Quốc đã căn cứ vào thực tiễn cuộc xâm lược và đô hộ của Anh ở Ấn Độ mà tiên đoán được sự thất bại của chúng, rồi bi kịch này cũng sẽ diễn ra ở khắp các nước thuộc địa, cũng như ở Việt Nam!
Song cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc không phải là “món quà trời cho” mà muốn có thành tựu đó, mỗi cộng đồng dân tộc phải tự mình tìm cách đứng lên, cùng đóng góp trí tuệ và xương máu, đoàn kết nhất trí, bền bỉ lâu dài mới có được. Những bài báo của anh Nguyễn viết về Ấn Độ vào đầu thế kỷ XX như tiếng chuông cảnh báo, làm thức tỉnh châu Á vốn đang như “một con sư tử ngủ đông quá giấc” phải “bừng tỉnh” đòi lại quyền sống tự do dân chủ. Đúng là cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng quần chúng lao động cần có người thông tuệ, mẫn tiệp, yêu thương nhân dân, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế trên những chặng đường tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã miệt mài tìm kiếm, học hỏi, tự giác dấn thân mình vào cuộc sống cần lao, khổ ải, mong gặp được và trao đổi, đàm đạo với các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, đặng tìm ra định hướng đúng hơn.
Từ ngày 9-12-1927 khi còn đang hoạt động ở Pháp, được sự phân công của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đi dự cuộc họp của Đại hội đồng liên đoàn chống đế quốc (Grand conseil général de La ligue anti impérialistes) tại Brúc-xen, Bỉ. Nội dung chính của cuộc họp là quyết định thành lập các bộ phận của liên đoàn ở các nước, bàn về chống chiến tranh thế giới mới, thông qua nghị quyết về Trung Quốc, Ấn Độ, Ni-ca-ra-goa, In-đô-nê-xi-a, Đông Dương, I-ran; về mối quan hệ của liên đoàn Quốc tế II trong vấn đề thuộc địa. Trong thời gian họp mặt ở đây, Nguyễn Ái Quốc đã gặp J. Nê-hru (Jawaharlal Nehru) - Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Hồi ký của Thủ tướng J. Nê-hru cho biết: “Hội nghị này đa số không gồm những kẻ cực đoan và cũng không thuần túy ngả theo Cộng sản. Nhưng có điều chắc chắn rằng, hội nghị này có nhiều thiện cảm với cộng sản và cho dù còn thiếu sự nhất trí ở một số vấn đề, nhưng có vẻ như đã có được những cơ sở chung để mà hành động”(8). Và “Giữa lực lượng lao động của Đệ nhị Quốc tế và Đệ tam Quốc tế, tôi có cảm tình với Đệ tam Quốc tế hơn. Tất cả những hoạt động của Đệ nhị Quốc tế từ sau thế chiến đến nay đã khiến tôi chán ghét, và những người Ấn Độ chúng tôi đã nếm trải quá đủ những việc làm của một trong những kẻ đỡ đầu mạnh nhất của họ: Công đảng Anh. Thế nên tôi sẵn sàng quay về chủ nghĩa Cộng sản, vì dù có khuyết điểm gì đi nữa, ít ra họ cũng không đạo đức giả và không thân đế quốc”(9). Có lẽ sau những lần gặp gỡ G. Nêhru - khi còn là một trong những lãnh tụ quan trọng trong phong trào đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ - Nguyễn Ái Quốc đã có tình cảm đặc biệt bởi cả hai người đều đang ấp ủ tình yêu nước thương dân.
Nếu chỉ tính trong năm 1928, Nguyễn Ái Quốc đã có ba bài viết về phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Ấn Độ và cả ba bài này đều đăng trên tập san Inprekorr. Một là, Thư từ Ấn Độ, Phong trào công nhân ở Ấn Độ số 28 ra ngày 17-3; hai là, Nông dân Ấn Độ số 37, ra ngày 14-4; ba là, Phong trào công nhân và nông dân miền Đông Ấn Độ số 43, tháng 5. Như vậy, liên tục trong ba tháng, ba bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết về Ấn Độ, với bút danh là Wang chứng tỏ sự quan tâm của tác giả, không chỉ dành cho J. Nê-hru mà còn là tình cảm đối với toàn thể nhân dân lao động Ấn Độ. Biết rằng thế giới luôn có nhiều biến động, một vài tập đoàn phản động quốc tế toan tính xâm lược, nhằm bóc lột sức nhân công rẻ mạt và cướp đi nguồn tài nguyên quý giá của từng nước nhỏ, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ mở rộng mối bang giao hữu nghị chặt chẽ, đồng cảnh đồng sàng, giúp cho hai dân tộc hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết cùng đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Khoảng 10 năm sau, khi Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền Quốc dân đảng Trung Quốc bắt giam từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943, bị chúng giải đi khắp các nhà tù ở Nam Trung Hoa, thì cùng lúc đó J. Nê-hru cũng chưa thoát cảnh nhà ngục của chính quyền đô hộ thực dân Anh ở Ấn Độ. Lúc ấy Người đã bước sang tuổi “ngoại tứ tuần”, nhưng “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao”, Người vẫn lạc quan tin tưởng mai này cách mạng sẽ thành công, và nhất định Người cũng là người chiến thắng.
Trong gian nan hoạn nạn, Nguyễn Ái Quốc vẫn hằng nhớ người bạn Ấn Độ, Người làm thơ gửi J. Nê-hru:
Ngã phấn đấu thì quân hoạt động
Quân nhập ngục thì ngã trú lung
Vạn lý dao dao vị kiến điện
Thần giao tự tại bất ngôn trung.
Ngã môn tao phùng bản thị đồng
Bất đồng đích thị sở tao phùng
Ngã cư hữu giả quyển linh lý
Quân tại cừu nhân tất trất trung.
Tạm dịch là:
Hai ta cùng theo một phong trào
Người thì vào ngục, kẻ trong lao
Xa xăm ngàn dặm, sao gặp mặt
Đành mượn thần giao gửi lời trao
Cảnh ngộ đôi ta vốn giống nhau
Nhưng khi vào ngục lại đối đầu
Tôi bị nhốt trong tù của bạn
Anh bị giam lao bởi kẻ thù.
Năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập, J. Nê-hru làm Thủ tướng chính phủ. Ở Việt Nam, chưa đầy một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (ngày 2-9-1945), tiếng súng Nam Bộ kháng chiến lại vang lên. Chính quyền non trẻ của Việt Nam dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu, đã chèo lái con thuyền cách mạng trên mọi phương diện: chính trị, quân sự và ngoại giao. Trải qua 9 năm kháng chiến kiến quốc thắng lợi, chỉ sau một tuần lễ Thủ đô Hà Nội giải phóng (ngày 10-10-1954), vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước ngoài đến với Việt Nam chính là Thủ tướng J. Nê-hru. Chuyến thăm diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-10-1954.
Trong bữa tiệc đón mừng Thủ tướng J. Nê-hru, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Nhân dịp này, tôi thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cảm ơn Thủ tướng Nê-hru; nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã góp phần to lớn vào việc đưa lại hòa bình cho Việt Nam và cho Miến Điện, Lào (…) Tôi mời các vị cùng nâng cốc, chúc Thủ tướng Nê-hru sống lâu, mạnh khỏe, để làm cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em Việt - Ấn ngày càng tăng cường và làm cho hòa bình châu Á và thế giới thêm vững chắc”(10).
Bốn ngày sau khi tiễn Thủ tướng J. Nê-hru về nước, ký bút danh C.B, Hồ Chí Minh viết bài giới thiệu Thủ tướng Nê-hru trên báo Nhân dân số ra ngày 22-10: “Là một chiến sĩ dũng cảm của mặt trận hòa bình, một chiến sĩ dám làm dám nói. Một thí dụ: Hôm 16 tháng 10, trả lời cho một tờ tạp san rất to của Mỹ, Thủ tướng Nê-hru nói: “Nhân dân châu Á nghi ngờ Mỹ, vì Mỹ ủng hộ những người xấu. (…) Về “Khối phòng thủ Đông Nam Á” do Mỹ cầm đầu, Thủ tướng Nê-hru nói: “Chính sách của Ấn Độ là không tham gia chiến tranh lạnh, chiến tranh lạnh không thể xây dựng hòa bình ở châu Á, vì vậy tôi không tán thành “Khối phòng thủ Đông Nam Á”(11). Hồ Chí Minh viết về Thủ tướng J. Nê-hru, nhưng thực chất là tỏ rõ quan điểm đồng tình với năm nguyên tắc hòa bình mà Thủ tướng J. Nê-hru đã ký chung với Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc. “Trong cuộc nói chuyện thân mật với Thủ tướng Nê-hru, Hồ Chủ tịch đã hoàn toàn tán thành áp dụng năm nguyên tắc ấy với các nước anh em Cao Miên, Lào và tất cả các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam trong gia đình châu Á”(12). Ngày 8-5-1956, bài Tình hữu nghị Việt - Ấn được Người viết nhân dịp đón đoàn đại biểu văn hóa Ấn Độ sang thăm Việt Nam đã khẳng định: “Châu Á chúng ta có hai nước đất rộng nhất và người đông nhất trên thế giới: phía Đông là Trung Hoa, phía Nam là Ấn Độ.
Trung và Ấn là hai nước có nền văn hóa lâu đời nhất và phong phú nhất trên thế giới.
Nước Việt Nam ta ở vào giữa hai nước ấy, cho nên đã được ảnh hưởng của cả Ấn Độ và Trung Hoa.
Văn hóa Ấn Độ đã cùng đạo Phật truyền bá đến nước ta vào khoảng thế kỷ II, tức là gần 1.800 năm nay.
Đến thế kỷ XVIII, bọn thực dân phương Tây xâm lược dần dần các nước châu Á. Chúng chia rẽ các dân tộc và ngăn cản sự quan hệ giữa các nước anh em chúng ta.
Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc vùn vụt lên cao, chủ nghĩa thực dân sụp đổ từng mảng, nhiều nước châu Á giành lại độc lập, tự do, các nước chúng ta khôi phục lại các quan hệ láng giềng từ nghìn xưa khăng khít.
Đó là một thắng lợi to lớn của nhân dân châu Á chúng ta”(13).
Với hình thức là một nhật ký hành trình, và bút danh L.T, bài Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến được đăng tải nhiều kỳ trên báo Nhân dân từ số 1447 ngày 26 tháng 2 đến số 1474 ngày 25-3-1958, cho biết toàn bộ sự kiện chuyến thăm nước Cộng hòa Ấn Độ và Liên bang Miến Điện (nay có tên là Mi-an-ma) của đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, theo lời mời của chính phủ hai nước. Bài báo ghi lại “Can-cút-ta cách Đê-li 1.316 cây số. Để đón Bác, Tổng thống Pra-xát đã phái đến Can-cút-ta một tổ liên lạc để đi với Bác, suốt những ngày Bác ở thăm Ấn Độ. Trong tổ gồm có ba viên trung tá và thiếu tá, đại diện cho hải, lục, không quân; một người phụ trách báo chí; một người chụp ảnh; một người quay phim; ông Sê-na-va-ti phụ trách bảo vệ; và đại tá Đét-păng-di Bí thư quân sự của phủ tổng thống làm trưởng tổ liên lạc kiêm lễ tân. Đại tá Đét-păng-di và ông Sê-na-va-ti phục vụ rất tận tụy và rất kín đáo. Hai người luôn luôn ở cạnh Bác, nhưng trong mấy trăm bức ảnh đăng ở các báo không hề có hình ảnh của hai người…”
Những liên hệ ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Ấn Độ trong những năm 1948 - 1954 chưa được công bố đầy đủ nên chúng ta chưa thể kết luận từ những đường dẫn nào mà quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã đạt đến mức đặc biệt, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng Hồ Chủ tịch đóng vai trò quyết định. Trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bề bộn thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kịp thời gửi điện thăm hỏi nhân dân Ấn Độ sau vụ động đất ở A-sam hồi tháng 8-1950.
Do yêu cầu cách mạng dân tộc ở châu Á và đòi hỏi cấp thiết của nền chính trị thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nhân vật lịch sử vĩ đại, người gieo mầm, vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ phát triển ngày càng có chiều sâu và chiều rộng hơn. Dù cho lịch sử đã trải qua hơn 50 năm, 29 tác phẩm báo chí, bao gồm đủ các thể loại: phóng sự, nhật ký hành trình, tin ngắn, thơ ca,… và 29 bức điện, thư mang tính văn kiện nhà nước của Hồ Chủ tịch chúc mừng sinh nhật của Thủ tướng J. Nê-hru và các vị tổng thống, phó tổng thống, và nhân dân nước Cộng hòa Ấn Độ liên tiếp từ sau năm 1954 đến Thư trả lời bà In-đi-ra Găng-đi (Indira Gandhi) Thủ tướng Ấn Độ tháng 9-1968, mãi mãi là di sản văn hóa quý giá./.
---------------------------------------
(1) Các Mác - Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 49 , Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000
(2) Các Mác - Ph. Ăng-ghen, Diễn đàn Niu Oóc, ngày 8-8-1853, dẫn theo Pan-mơ-đớt, Ấn Độ hôm nay và ngày mai, Nxb Sự thật, H, 1960
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000
(5), (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000
(8), (9) Jawaharlal Nehru, Hồi ký của Thủ tướng Nê-hru, Nxb. Từ điển bách khoa, H, 2006
(10), (11) Báo Nhân dân, ngày 22-10-1954
(12) Báo Nhân dân , ngày 8-5-1956, bút danh C.B
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000
Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay  (15/01/2013)
Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay  (15/01/2013)
Đà Nẵng lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (15/01/2013)
Ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tìm sự ủng hộ  (15/01/2013)
Phong danh hiệu anh hùng cho 12 tập thể, 5 cá nhân  (15/01/2013)
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm