Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Dự Hội thảo còn có các đồng chí: Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; PGS, TS. Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo, Trợ lý Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Đảm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và đông đảo các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Phan Thanh Bình, cho biết: Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 90 bài tham luận và tuyển chọn gần 70 bài có chất lượng tốt. PGS, TS. Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Tham nhũng đang trở thành quốc nạn, là nỗi đau đối với lòng tự hào dân tộc, tham nhũng không chỉ là một biểu hiện của “diễn biến hòa bình”, mà hệ lụy của nó làm suy yếu hệ thống chính trị, dẫn đến sự bất ổn trong môi trường văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống. Việc tổ chức Hội thảo khoa học “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” là dịp để các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học... cùng nhau suy ngẫm, trao đổi và đưa ra những giải pháp, hiến kế cho Đảng, Nhà nước vận dụng để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, hướng đến mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Và, cũng là nhằm góp phần quán triệt, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào cuộc sống, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả nội dung Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đến năm 2020; những điểm mới trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua.
PGS, TS. Vũ Văn Phúc đọc Báo cáo Đề dẫn Hội thảo |
Trong Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc khẳng định: từ xưa, nạn tham nhũng luôn được ông cha chúng ta xem là mối hiểm họa làm băng hoại quốc gia, là kẻ thù làm suy vong dân tộc. Nạn tham nhũng đã làm thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng các dự án, công trình xây dựng, làm xấu đi môi trường kinh tế, xã hội, làm nản lòng các nhà đầu tư, giảm tốc độ tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà. Nghiêm trọng hơn, nó làm tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc, phức tạp, khiến cho nhân dân lo lắng, bất bình và nguy hiểm hơn, nó làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ, bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta; làm xấu đi hình ảnh, uy tín của Đảng ta, đất nước ta trên trường quốc tế...
Để đạt mục tiêu đề ra của Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc đề nghị các đại biểu cần chú trọng làm rõ tình trạng, nguyên nhân và tìm ra giải pháp đối với các nhóm vấn đề cơ bản: Nhóm thứ nhất là, cần nhận thức thật sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng; làm rõ tham nhũng gồm những gì? Có tham nhũng quyền lực không? Tình trạng biến quyền lực được nhân dân giao cho thành “sở hữu riêng” để mưu toan đoạt lợi ích, vì lợi ích nhóm... Nhóm vấn đề thứ hai là, phải làm thế nào để huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh này. Nhóm vấn đề thứ ba, nói thì phải đi đôi với làm, như Bác Hồ đã căn dặn.
Trên tinh thần đó, với 16 ý kiến trong tổng số gần 70 tham luận được trình bày tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung biện giải, làm rõ các vấn đề như:
Làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng, GS, TS. Dương Phú Hiệp, nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, GS, TS. Hoàng Chí Bảo, ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, TS. Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS. Trần Thị Thu Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc Học và đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: do hệ thống pháp luật Việt Nam chưa đồng bộ, chưa cụ thể, vừa thiếu, vừa yếu, gây khó khăn cho các cơ quan thi hành pháp luật và cho nhân dân, do vậy, những đối tượng tham nhũng thường lợi dụng kẽ hở của luật pháp để hành động. Trong khi, việc trao quyền cho một số người không đủ “tâm”, đủ “tầm” trong điều kiện nền kinh tế thị trường sản sinh ra không ít hệ lụy, nhất là tình trạng chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, vì đồng tiền người ta có thể chà đạp lên mọi nguyên tắc, chuẩn mực, tình cảm, gây nên sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng.
Các đại biểu trao đổi thêm bên lề Hội thảo |
Cùng với việc đưa ra một số kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng của một số tổ chức, quốc gia trên thế giới, hầu hết ý kiến của các đại biểu cho rằng để công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay có hiệu quả, cần có sự quyết tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống tham nhũng, tuyệt đối tránh biểu hiện né tránh, cả nể. Phải công bằng và minh bạch. Các biện pháp chống tham nhũng phải đồng bộ, có sự kết hợp của nhiều cơ quan chức năng và thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả của những giải pháp đã thực thi. Cơ quan chống tham nhũng phải hiệu quả và trong sạch. Tập trung làm cho các quan chức nói không với tham nhũng bằng nhiều biện pháp, như: tăng lương; giám sát chặt chẽ; có chế tài rõ ràng và nghiêm khắc; duy trì được nhân tài trong khu vực Nhà nước vì nếu họ bỏ đi làm cho bên ngoài, những người kém khả năng ở lại sẽ càng dễ có nguy cơ tham nhũng. Tuyên truyền, giáo dục giúp cho mọi người hiểu được nguy hại của tệ nạn tham nhũng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, để cả cộng đồng luôn sẵn sàng đấu tranh chống lại tệ nạn tiêu cực này.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc khẳng định: Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị, tinh thần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn nạn tham nhũng; đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp có tính khả thi cao để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả chống nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay. Hội thảo đã làm rõ: về nội hàm của phạm trù tham nhũng và nhận dạng đúng biểu hiện, thực trạng tham nhũng hiện nay; những nguyên nhân làm nảy sinh tham nhũng; các tác hại do tham nhũng gây ra; quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; một số kết quả và hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua. Trong đó, đã đề ra được những giải pháp phong phú, đa dạng, quyết liệt có tính khả thi cao, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta nghiên cứu, vận dụng để triển khai thực hiện để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, đó là: Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong phòng, chống tham nhũng; chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khi xảy ra tham nhũng và giải pháp xử lý. Hai là, thực sự coi trọng biện pháp giáo dục đạo đức cách mạng. Đồng thời, đổi mới công tác kê khai, kiểm soát, giám sát tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức; cải cách chế độ tiền lương, minh bạch hóa các khoản thu nhập, chăm lo đời sống cán bộ, công chức. Ba là, xét xử, xử lý nghiêm minh, kịp thời và công khai với những mức hình phạt thích đáng đối với các hành vi tham nhũng. Không chỉ cần thiết phải có một bộ luật hoàn chỉnh và một hệ thống các văn bản pháp luật đầy đủ về phòng, chống tham nhũng, mà còn cần phải thành lập một tòa án đặc biệt chống tham nhũng.Bốn là, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng để họ thực sự là những chiến sĩ xung kích của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Năm là, phát huy vai trò tích cực của quần chúng nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Sáu là, bố trí lại cơ cấu tổ chức, bộ máy của các cơ quan chuyên trách trong phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời làm tốt việc tổng kết bài học kinh nghiệm từ kết quả phát hiện, đấu tranh, giải quyết các vụ tham nhũng lớn trong thời gian qua, từ đó có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu các vụ tham những tương tự trong tương lai./.
Đà Nẵng lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (15/01/2013)
Ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tìm sự ủng hộ  (15/01/2013)
Phong danh hiệu anh hùng cho 12 tập thể, 5 cá nhân  (15/01/2013)
Công tác Mặt trận 2012 đạt nhiều hiệu quả thiết thực  (15/01/2013)
Nhật Bản bổ nhiệm tân đại sứ ở Liên hợp quốc và Campuchia  (15/01/2013)
Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam  (15/01/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên