Tối 30-1 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Ðoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam rời Ða-vốt (Thụy Sĩ), kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự Hội nghị hằng năm Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2010 (WEF 2010), kết hợp thăm làm việc với Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ðảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN 2010, đồng thời là chủ nhà của WEF về Ðông Á năm 2010, sự tham gia của Việt Nam được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị WEF năm nay. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu ý kiến tại bốn phiên toàn thể quan trọng của Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai hoạt động riêng dành cho Việt Nam bao gồm cuộc đối thoại với hơn 40 CEO hàng đầu thế giới và buổi họp báo về Việt Nam.

Nhân dịp tham dự WEF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Thụy Sĩ, Thủ tướng Bỉ, Phó Thủ tướng Thường trực Trung Quốc, Hoàng tử Anh, trao đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương với các nước trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp nhiều Chủ tịch và Tổng Giám đốc các tập đoàn hàng đầu thế giới đang quan tâm và mong muốn đầu tư tại Việt Nam trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, tài chính - ngân hàng, viễn thông.

Tại Giơ-ne-vơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các buổi làm việc với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc Liên hợp quốc tại Giơ-ne-vơ, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm tăng cường hợp tác với các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, đồng thời thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trên các vấn đề toàn cầu. Thủ tướng đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WTO P. La-mi và các Phó Tổng Giám đốc về triển vọng Vòng đàm phán Ðô-ha và tác động hệ thống thương mại toàn cầu và các nước đang phát triển.

* Ngày 30-1, tại Ða-vốt (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a đã tham dự Phiên họp đặc biệt về Cộng đồng Ðông Á.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, năm 2010 là năm "bản lề" để ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng Cộng đồng. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khác tiến hành các hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Hiến chương, đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với đối tác. Việt Nam cũng có trách nhiệm điều phối và thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 và Cấp cao Ðông Á. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các nước đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ tích cực đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đặc biệt là trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển và kết nối nội khối.

Ðể thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở khu vực, duy trì châu Á là khu vực tăng trưởng năng động, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cần tăng cường hợp tác tài chính - tiền tệ, sớm triển khai Thỏa thuận Ða phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai và nâng cao năng lực hệ thống ngân hàng trong khu vực. Ðồng thời, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, tăng tỷ trọng giao thương và đầu tư trong khu vực, thực hiện đúng lộ trình các Khu vực mậu dịch tự do ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân...

* Ngày 30-1, bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF 2010) tại Ða-vốt (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Công tước xứ Y-oóc - Hoàng tử Anh An-đriu.

Trong bầu không khí hữu nghị, thân mật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hoàng tử Anh An-đriu cùng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Anh và Việt Nam thời gian qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trên cương vị đại diện cấp cao của Chính phủ Anh về thương mại và đầu tư quốc tế, Hoàng tử An-đriu sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Anh sang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Anh và thị trường Liên hiệp châu Âu (EU), qua đó phấn đấu đạt ba tỉ USD thương mại hai chiều và ba tỉ USD đầu tư của Anh tại Việt Nam trong những năm tới.

* Ngày 30-1, tại Hội nghị WEF lần thứ 40, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) N. Ô-côn-giô-i-vê-la kêu gọi các cường quốc trên thế giới thực hiện các dự án đầu tư và cho vay tại những nước nghèo có thu nhập thấp nhằm giúp đỡ hàng chục triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc, trên cương vị Chủ tịch Ban chấp hành nước đăng cai Tổ chức Hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ diễn ra vào tháng 11-2010, cho rằng các chính phủ đã đóng vai trò hàng đầu trong việc khắc phục khủng hoảng thông qua việc mở rộng chi tiêu, nhưng khu vực tư nhân vẫn cần nhận "chiếc gậy" tiếp sức từ các chính phủ vì sự tăng trưởng bền vững. Về vấn đề bảo vệ môi trường và ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất, các nhà lãnh đạo cho rằng, thế giới vẫn thiếu khoảng 350 tỉ USD đầu tư cho phát triển năng lượng sạch. Báo cáo của WEF cung cấp bộ công cụ gồm 35 cơ chế, chính sách khác nhau có thể được sử dụng để thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch./.